Tình yêu tự bản chất là vô điều kiện,
không dựa vào lợi lộc, tình bạn, sự thủy chung hay huyết thống. Tình yêu hoàn hảo
không cần một liên hệ nào thúc đẩy.
Câu chuyện dưới đây xảy ra lâu lắm rồi bên
Do Thái.
Một ngày kia, khi những viên chức chính phủ
đang sữa chữa, xây cất một chuồng bò thì họ trông thấy trong góc nhà có một cái
ổ chuột. Họ bèn dùng khói đuổi mấy con chuột trong đó... chạy ra.
Một hồi sau quả thật có chuột chạy ra, từng
con, từng con một...
Sau đó mọi người nghĩ rằng chuột đi hết rồi.
Nhưng khi họ vừa mới bắt đầu dọn dẹp thì thấy hai con chuột nữa đang chen nhau
ra khỏi miệng ổ.
Sau một hồi cố gắng, cuối cùng hai con lọt
ra được. Điều lạ là sau khi ra ngoài ổ, hai đứa không chạy đi liền mà chạy lẩn
quẩn ở gần lối ra, dường như con này đang muốn cắn đuôi con kia.
Mọi người kinh ngạc lại gần coi thử, thì họ
thấy một con bị mù, không thấy gì cả, còn con kia đang cố gắng để cho con mù cắn
đuôi nó, để nó kéo con mù đi tẩu thoát.
Sau khi chứng kiến sự việc xảy ra, ai nấy đều
xúc động, không nói nên lời. Tới giờ ăn, nhóm người ngồi quây quần và bắt đầu
bàn luận về những gì xảy ra giữa hai con chuột.
Một viên chức La Mã nghiêm nghị nói: “Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó
cũng giống như giữa vua và quan”.
Những người kia nghĩ một hồi rồi nói: “Đúng là thế!” Viên chức La Mã rất lấy
làm hãnh diện.
Một người Do Thái khôn ngoan lên tiếng: “Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột đó
giống như là vợ với chồng”. Mấy người kia ngẫm nghĩ một hồi nữa, ai cũng thấy
có lý, đồng tán thành. Nói xong, mặt người Do Thái lộ vẻ mãn nguyện.
Một người Trung Hoa, quen với truyền thống
rất mạnh mẽ ở Trung Hoa là hiếu thuận với cha mẹ, nói: "Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai con chuột kia cũng giống như tình
nghĩa mẹ con". Những người kia lại nghĩ một hồi nữa, cảm thấy điều này
có lý hơn. Họ tỏ ý tán thành lần nữa. Gương mặt người Trung Hoa bộc lộ nét
khiêm tốn chuyên nghiệp.
Lúc đó, một người hay làm phúc, đầu óc đơn sơ, đang ngồi dưới đất chống tay lên cằm nhìn mấy người kia, vẻ hoang mang: “Tại sao hai con chuột kia lại phải có quan
hệ với nhau chứ?”
Thời gian bỗng nhiên dừng lại. Cả toán vẻ mặt
sững sờ, nhìn về phía người kia, không nói một lời. Viên chức La Mã, người Do
Thái, và người Trung Hoa, ba người lên tiếng lúc nãy đều cúi đầu xấu hổ, không
dám trả lời.
Đúng thế, tình yêu tự bản chất là vô
điều kiện, không dựa vào lợi lộc, tình bạn, sự thủy chung hay huyết thống. Tình
yêu hoàn hảo không cần một liên hệ nào thúc đẩy. Tình yêu là lý do cho tình yêu.
Trong nước Do thái ngày xưa, các kinh
sư và người Pharisêu được mọi người coi là những người công chính. Chính họ
cũng nghĩ như thế về mình vì họ giữ luật rất kỹ lưỡng. Khi Chúa Giêsu đến rao
giảng về Nước Trời, lời rao giảng và những phép lạ của Chúa đã thu hút một con
số rất đông theo Chúa. Nhưng Chúa đã làm cho mọi người ngạc nhiên: “Thầy bảo
cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người
Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
Thế nào là công chính hơn các kinh sư
và người Pha-ri-sêu? Làm sao có thể giữ luật kỹ hơn những người không bỏ sót một
luật nào được?
Mọi thắc mắc đó được giải quyết khi Chúa
cho thấy luật của Chúa là luật tình yêu, luật được ghi khắc trong lòng chứ
không phải và không thể là chữ viết trên giấy, là đặt hạnh phúc của người khác
lên trên hạnh phúc riêng mình, là trao tặng mà không hề mong được đền trả: “Vì
nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả
những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em
mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng
làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng
hoàn thiện.” (Mt 5,46-48)
Chính vì thế mà “khi ông đãi tiệc,
hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ,
và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành
sống lại."
Phần thưởng đó là sự sống thần linh
được vun trồng trong mỗi việc lành chúng ta thực hiện cho anh em.