THÁNH BATÔLÔMÊÔ
Lược sử
Trong Tân Ước, Thánh
Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho
rằng ngài là Natanien, người
Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã khen ông: "Đây đích thực là người Israel.
Lòng dạ ngay thẳng" (Ga
1,47b).
Khi Natanien hỏi Đức
Giêsu làm sao Ngài biết ông, Đức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây
vả" (Ga 1,48b). Điều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên,
"Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel"
(Ga 1,49b). Nhưng Đức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói
với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!"
(Ga 1,50).
Quả thật Natanien đã
được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong những người được Đức
Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Ga 21,1-14).
Sổ Tử Đạo Rôma viết
rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
Suy niệm 1 Natanien
Một số học giả cho rằng Thánh Batôlômêô là Natanien.
Batôlômêô hay Natanien? Một lần nữa chúng ta phải đương đầu với sự kiện là
hầu như chúng ta không biết gì về các tông đồ. Tuy vô danh nhưng các vị vẫn là
nền tảng, là 12 cột trụ của Israel mới mà 12 chi tộc ấy đã tràn lan trên khắp
mặt đất. Cá tính của các ngài chỉ là thứ yếu (nhưng không vì thế mà bị coi
thường) so với nhiệm vụ trao truyền lại những gì các ngài được cảm nhận đầu
tiên, được lên tiếng nhân danh Đức Giêsu, được đưa Ngôi Lời đã hóa thành nhục
thể vào ngôn ngữ loài người để khai sáng thế gian.
Sự thánh thiện của các ngài không phải là thái độ trầm ngâm về thân phận
trước mặt Thiên Chúa. Đó là một ơn sủng mà họ phải chia sẻ với tha nhân. Được
gọi là Tin Mừng vì tất cả chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện khi là phần
tử của Đức Kitô, qua ơn sủng từ bi của Thiên Chúa. Sự thật thì loài người hoàn
toàn vô dụng trừ phi được Thiên Chúa lưu tâm. Do đó, vì được trở nên thánh
thiện bởi chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhân loại trở thành tạo vật quý
báu nhất của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đùng bao giờ bị chi phối bởi những điều thứ yếu, để đánh mất điểm nội
dung quan trọng.
Suy niệm 2 Khen
Đức Giêsu đã khen Batôlômêô: "Đây đích thực là người Israel. Lòng dạ
ngay thẳng"
Trong cuộc sống xã hội, thông thường người nhỏ khen người lớn. Như có lần
Đức Giêsu cũng mở lời ngợi khen Chúa Cha đã mạc khải cho kẻ bé mọn (Mt 11,25),
hoặc Đức Maria cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa vì bao ơn huệ ngài nhận được (Lc
1,46). Cũng thế muôn vàn thiên thần hợp với sứ thần hát lời ca khen Thiên Chúa
về việc hạ sinh của Ngôi Hai (Lc 2,13). Khi chứng kiến sự lạ người mù được sáng
mắt, toàn dân đều phấn khởi dâng lời chúc khen Thiên Chúa (Lc 18,43).
Thật hiếm trường hợp người lớn lại mở lời khen người nhỏ. Đức Giêsu đã nêu
gương bài học này khi khen Batôlômêô vì có lòng dạ ngay thẳng, khen bà góa
nghèo khi dâng cúng đền thờ (Mc 12,43), khen Phêrô nhận được ơn mặc khải để có
câu trả lời đúng (Mt 16,17). Ngài cũng mượn dụ ngôn để cho ông chủ khen người
quản lý bất lương (Lc 16,8). Vì khen chính là điều Thiên Chúa muốn, nên ngoài
việc Người cho miệng trẻ thơ con trẻ cất tiếng ngợi khen Người (Mt 21,16), mà
Người cũng từng khen Đức Giêsu ít là hai lần ở sông Giođan và núi Tabo (Mt
3,17;12,18).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con học biết bài học đắc nhân tâm này để luôn khen thưởng hơn là chê
trách la rầy.
Suy niệm 3 Ngay thẳng
Đức Giêsu đã khen Batôlômêô: "Đây đích thực là người Israel. Lòng dạ
ngay thẳng"
Sống trong một thế giới được mệnh danh là thế gian chứ không phải là thế
ngay, một người có được lòng dạ ngay thẳng và sống ngay thẳng như một Batôlômêô
thật là anh hùng, vì thế ngài thật xứng để được Chúa mở lời khen ngợi.
Dầu vẫn biết người gian dối không ngay thẳng có nguy cơ đánh mất đức tin
(1Tm 1,19), để rồi làm con cái của ma quỷ (Cv 13,10), không được dự phần ân
sủng (Cv 8,21), nhưng thật khó sống. Vì thế thánh Phaolô tha thiết mời gọi mọi
người phải cố đạt được (1Tm 1,5), và thánh Phêrô cũng khuyên dạy như thế (1Pr
3,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con sống thật để xứng là con cái của Chúa vốn là Đấng Chân Thật tuyệt đối
(Ga 14,6), và nhờ thế có thể biến đổi thế gian thành thế ngay.
Suy niệm 4 Lớn lao
Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!
Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong
những người được Đức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x.
Gioan 21,1-14). Lúc ấy các ngài chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi
sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Đức Giêsu. Ngài
bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới
lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô: "Chính Thầy đó"
Khi họ dong thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và
một ít bánh. Đức Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa.
Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Đức Giêsu, nhưng không một tông đồ nào
dám hỏi ngài là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra
với các tông đồ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban
thêm đức tin cho chúng con để có thể đón nhận một sự kiện cao cả là sự hiện
đích thực của Mình Máu Chúa trong hình bánh rượu sau nghi thức Truyền Phép của
chủ tế.
Suy niệm 5 Phục Sinh
Đức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh.
Từ lúc Giáo Hội Sơ Khai, thánh Phaolô đã xác quyết về giá trị của ý nghĩa
biến cố Phục Sinh (1Cr 15,14). Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là sự kiện quan
trọng nhất trong lịch sử và thần học kitô giáo. Đây là chứng cứ khẳng định
quyền bính của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết, do đó Ngài có quyền ban cho
mọi người sự sống vĩnh cửu.
Chẳng những Ngài làm cho kẻ chết sống lại như với trường hợp con gái ông
Giairô (Lc 8,56), con trai bà góa Naim đang lúc được khiêng đi chôn (Lc 7,15)
hoặc một thi hài đã chôn nặng mùi là Ladarô (Ga 11,44), mà chính Ngài còn tự
mình từ cõi chết sống lại (Cl 1,18). Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa và sẽ
trở lại để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Thiên Sai, cũng như về sự sống
lại của kẻ chết, sự phán xét sau cùng, và sự thiết lập Vương quốc Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con vững tin vào sự Phục Sinh của Chúa như là nền tảng của đời sống đạo.
Suy niệm 6 Chém đầu
Batôlômêô bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
"Cũng như chính Đức Kitô, các tông đồ không ngừng làm chứng cho chân
lý của Thiên Chúa. Họ chứng tỏ sự can đảm khác thường khi 'mạnh dạn nói lời của
Thiên Chúa' (Cv 4,31) trước dân chúng và nhà cầm quyền.
Với đức tin mạnh mẽ, các ngài xác tín rằng chính phúc âm là sức mạnh của
Thiên Chúa để cứu chuộc những người có lòng tin... Các ngài đã noi gương hiền
lành và khiêm nhường của Đức Kitô" (Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, 11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con can đảm nối gót các tông đồ đến mức anh dũng chịu chết để minh chứng
niềm tin vào Sự Phục Sinh.