ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
Đạo nơi
nào không quên người nghèo sẽ tồn tại và phát triển. Đạo nơi nào quên người
nghèo sẽ tự biến chất và tự huỷ. Đó là một lời tiên tri không nên coi thường.
1. Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nói, “Khi tôi được bầu, tôi đã có bên cạnh người bạn của tôi là Đức
Hồng Y Hummes. Bởi vì chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chính ngài đã nói với tôi một
câu khiến tôi hạnh phúc: ‘Đừng quên người nghèo’. Thật là đẹp” (Bài phỏng vấn Đức
Thánh Cha Phanxicô dành cho đài truyền hình Braxin Globo sau kết thúc ngày Giới
Trẻ tại Rio de Jeneiro).
2.
Thực sự, “Đừng quên
người nghèo”, là một lời khuyên đơn sơ. Nhưng là một lời khuyên rất đạo đức, rất
Phúc Âm, rất thời sự. Lời khuyên đó trong giây phút lịch sử trọng đại bầu Giáo
hoàng đã và đang đánh thức lương tâm rất nhiều người.
Xin cảm ơn Đức Hồng
Y Hummes.
Xin cảm ơn Đức Thánh
Cha Phanxicô.
“Đừng quên người
nghèo”, cũng được coi là lời khuyên, chính Chúa gởi tới mọi người có trách nhiệm
lo cho nhân loại hiện nay.
3.
Riêng tôi, với tư
cách là môn đệ Chúa Giêsu, tôi đón nhận lời khuyên “đừng quên người nghèo”,
cũng trong tâm tình của các môn đệ được sống bên Chúa Giêsu xưa. Đại khái như
sau:
Đức Giêsu, không những
đã không quên người nghèo, mà còn rất thương họ.
Người thương người
nghèo, trước hết bằng cách mặc lấy thân phận người nghèo. Thánh Phaolô viết:
“Đức Giêsu Kitô, vốn
dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
4.
Chúa Giêsu sinh ra ở
Belem trong
hang đá với những hoàn cảnh cực nghèo. Người sống 30 năm ở Nadarét, như một người
thợ mộc, thuộc gia đình nghèo. Quê Người thuộc vùng dân nghèo. Người đi giảng
trên đất những người nghèo.
Những nơi mà Chúa
Giêsu sinh sống và hoạt động đều không thuộc về trung tâm của Đời và Đạo. Những
người mà Chúa Giêsu năng lui tới hầu hết thuộc loại bên lề xã hội và tôn giáo,
như những người tàn tật, bệnh hoạn, nghèo túng, tội lỗi.
5.
Thuộc về trung tâm
tôn giáo hồi đó là các thượng tế, các luật sĩ, và các thầy Lêvi. Họ có nhiều chức,
nhiều quyền, nhiều lợi. Còn Chúa Giêsu thì thuộc loại bên lề. Đặc biệt là lúc
sinh ra và lúc chết.
Sỡ dĩ Chúa Giêsu chọn
ở bên lề như vậy, là để những người ở bên lề vốn bị khinh chê và bị loại trừ,
thấy được là họ được Chúa yêu thương, được Chúa chia sẻ, được Chúa lo giải cứu.
Chúa Giêsu giải cứu
họ bằng sự lo chữa bệnh tật cho họ, trừ quỷ cho họ, cho họ có của ăn khi cần,
bênh quyền lợi của họ, loan báo Tin Mừng cho họ, nhất là bằng việc Người hy
sinh mạng sống mình. Người chết, nhưng đã sống lại. Để rồi, mọi kẻ tin theo Người,
cho dù bị Đời và Đạo lúc đó loại trừ, cũng sẽ được sống lại hiển vinh như chính
Người. Theo cung cách đó, Tin Mừng cho người nghèo và người tội lỗi chính là điều
Chúa mạc khải và đã thực hiện như được kể trong Phúc Âm.
6.
Những gì xưa Chúa
Giêsu đã làm cho người nghèo, vẫn được các môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi
tiếp tục thực hiện.
Hôm nay, “đừng quên
người nghèo” được nhắc lại và được hưởng ứng một cách rộng rãi. Không chỉ vì
người nghèo đang trở thành một lớp người ngoài lề vừa đông vừa khổ, mà còn vì
uy tín của Hội Thánh sẽ tuỳ thuộc rất nhiều ở sự lo cho người nghèo theo gương
Chúa Giêsu.
7.
Tại Á châu nói chung
và tại Việt Nam
nói riêng, hầu như mọi tôn giáo hiện nay đang cố gắng đổi mới mình bằng ba giá
trị thiêng liêng này:
Một là tu thân.
Hai là gắn bó với
dân tộc.
Bà là phục vụ người
nghèo.
Trong Hội Thánh Công
giáo Việt Nam,
nhiều cá nhân, nhiều tập thể đã ý thức về sự cấp bách phải đổi mới mình và đạo
mình qua ba giá trị đó. Nhưng ý thức như thế vẫn chưa được rộng khắp, nhất là
chưa được chính thức khởi động.
Vì thế, lời nói và lối
sống của Đức Thánh Cha Phanxicô, “đừng quên người nghèo” đang là một nhắc nhủ
và cũng là một thách thức cho các Hội Thánh Công giáo tại Á châu nói chung, tại
Asean nói riêng, và tại Việt Nam một cách đặc biệt.
8.
Thế nào là đừng quên
người nghèo? Theo các bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi còn là Hồng Y,
và khi đã làm Giáo Hoàng, tôi xin tóm lược ý của Ngài về đừng quên người nghèo.
Đừng quên người
nghèo là cố gắng cứu giúp người nghèo một cách cụ thể tế nhị và quảng đại, tuỳ
khả năng.
Đừng quên người
nghèo là hãy có một thái độ gần gũi với họ. Họ là những trẻ em nghèo, những người
già yếu, bệnh tật, những người lỡ lầm, những người bị xã hội loại trừ.
Đừng quên người
nghèo là hãy có một đời sống giản dị, không xa cách người nghèo. Không cấm có
những tiện nghi cần thiết, nhưng đừng sang trọng xa hoa.
Đừng quên người
nghèo là hãy đơn sơ trong việc giảng dạy, để người nghèo dễ hiểu.
Đừng quên người
nghèo là hãy lắng nghe những người yếu đuối nhất.
Đừng quên người
nghèo là hãy tìm hiểu hoàn cảnh nhiều người bỏ đạo, lấy tình thương mà giúp họ
trở về.
Đừng quên người
nghèo là hãy biết ân cần đón nhận bất cứ dấu chỉ thiện chí nào của những người
tội lỗi, nghèo túng, để nhờ đó mà có những bắt đầu dọn đường cho tình yêu
thương xót Chúa, giúp họ làm lại cuộc đời.
Đừng quên người
nghèo là hãy khiêm tốn học nơi nhiều người nghèo những đức tính tốt.
Đừng quên người
nghèo là phải có tấm lòng yêu thương nồng nàn chân thật và kiên trì đối với người
nghèo theo gương Chúa Giêsu.
9.
Thiết tưởng có một
trái tim đầy lửa tình yêu thương xót chính là mấu chốt của “đừng quên người
nghèo”. Để yêu thương, Đức Phaxicô nhắc đến thánh giá và sự từ bỏ mình. Ngài nhận
đó là điều khó chịu, nhưng không phải là vô bổ trong tình yêu thương xót đối với
người nghèo khổ.
Để kết, tôi xin nói
lên cảm tưởng riêng của tôi về “đừng quên người nghèo” đang được khơi động sâu
rộng trong Hội Thánh do Đức Phanxicô. Tôi nghĩ, đây là một lựa chọn vừa thần học
và cũng vừa tiên tri. Có thể tính cách tiên tri vượt nổi hơn.
Đạo nơi nào không
quên người nghèo sẽ tồn tại và phát triển. Đạo nơi nào quên người nghèo sẽ tự
biến chất và tự huỷ. Đó là một lời tiên tri không nên coi thường.
Long Xuyên, ngày 15
tháng 8 năm 2013
+ GB Bùi Tuần