Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 22c


CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
NĂM C
Hc.3,17-18.20.28-29; Dt.12,18-19.22-24a; Lc.14,1.7-14
BÀI ĐỌC I: Hc.3, 17-18.20.28-29
            17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.18 Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. 20 Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. 28 Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. 29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.
ĐÁP CA: Tv 67
Đ. (x. c 11b) Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
Xin ban cho kẻ khó nghèo có chỗ nương thân.
4 Những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng. 5ac Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Danh Người là Đức Chúa.
6 Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người. 7ab Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc.
10 Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu, gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho. 11 Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu, Ngài cũng luôn nâng đỡ, bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo.
BÀI ĐỌC II: Dt.12, 18-19.22-24a
            18 Thưa anh em, khi tới cùng Thiên Chúa, anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố,19 có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa.
            22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui,23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện.24 Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 11,29ab
Hall-Hall: Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Hall.
TIN MỪNG: Lc.14, 1.7-14
            1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
            7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
            12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

PHỤC VỤ NHƯ THẦY GIÊSU!
(Ga 13,15)
            Để phục vụ như Thầy Giêsu đã làm và đã dạy ta:
         Phục vụ trong tinh thần khiêm nhu, chứ không phục vụ để tạo thêm nô lệ.
         Phục vụ cầu vinh cầu lợi nơi Chúa, chứ không chỉ mong đời đáp đền.
         Phục vụ nhằm mục đích tập họp thêm người vào Hội Thánh, chứ không phải chỉ thể hiện lòng xót thương người.

1. PHỤC VỤ TRONG TINH THẦN KHIÊM NHU, CHỨ KHÔNG PHỤC VỤ ĐỂ TẠO THÊM NÔ LỆ.
Chúa dạy: “Khi ngươi đi dự tiệc, hãy chọn chỗ cuối, để chủ nhà mời ngươi lên chỗ trên, bấy giờ ngươi được danh dự trước mặt mọi người” (x. Lc 14,7-11: Tin Mừng).
Giáo huấn này chính Chúa Giêsu đã sống làm gương trong bữa Tiệc Ly: Ngài tự trở nên như kẻ nô lệ: rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-15), đó là dấu Ngài còn hạ mình hơn nữa “đến nỗi vì phục vụ mà chấp nhận chết nhục trên thập giá, nhưng sau đó Chúa Cha đã tôn vinh Ngài, để khi nghe danh Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất phải sụp lạy và tung hô: Giêsu Kitô là Chúa siêu đẳng!” (Pl 2,1-11).
Từ giáo huấn trên, ta rút ra những hệ luận:
a.         Phục vụ ai đừng làm cho họ thành kẻ hưởng thụ, chính các môn đệ sau khi được Chúa rửa chân cho, không phải họ dựa vào đó mà đòi người khác phải phục vụ họ, trái lại họ phải nối dài việc phục vụ của Chúa Giêsu đến với mọi người. Vì thế sau khi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Ngài nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,14-15).
b.         Phục vụ ai đừng làm cho họ sợ hãi mình, biến họ trở thành kẻ luồn cúi, nịnh hót, bợ đỡ, để dễ dàng sai khiến họ! Trái lại làm cho họ trở nên nghĩa thiết với ta. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, khi Ngài rửa chân cho họ: “Thầy không gọi các con là nô lệ, nhưng gọi là bạn hữu” (Ga 15,15).
Thánh Phaolô so sánh kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi hai ngọn núi:
         Thời Cựu Ước, mỗi lần dân Do Thái gặp Thiên Chúa, thì phải qua trung gian ông Môsê ở núi Sinai. Lúc Chúa hiện diện trên núi, dân thấy lửa bốc cháy, mây phủ, gió lộng, Chúa lên tiếng như sấm thét gào làm họ khiếp sợ!
         Nhưng đến thời Tân Ước, chúng ta được gặp Thiên Chúa qua chính Con Một Chúa Cha, Ngài là trung gian Giao Ước mới đưa ta tới Thành đô Thiên Chúa hằng sống là Giêrusalem trên trời, khởi đi từ núi Sion, với con số muôn vàn thiên sứ, để được tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ được ghi tên trên trời (Dt 12,18-19.22-24a: Bài II)
Như thế thánh Phaolô muốn nhấn mạnh: Ai càng xa Chúa càng sợ hãi, khi được Chúa đến gần, người ta lại cảm thấy bình an, hạnh phúc.
Vậy khi ta đã được Chúa ở cùng, ta phải tỏa “hương thơm của Chúa Kitô giữa những người được cứu độ và những kẻ phải hư đi” (2Cr 2,15). Để làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người thuộc về Chúa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em." (Dcr 8,23).
2. PHỤC VỤ CẦU VINH NƠI CHÚA, CHỨ KHÔNG CHỈ MONG ĐỜI ĐÁP ĐỀN.
            Chúa phán: “Khi ngươi dọn tiệc thì mời những kẻ ăn mày, tàn tật, qùe quặt, đui mù, ngươi sẽ có phúc vì họ không có gì báo đền, vì ngươi được báo đền khi kẻ chết sống lại” (Lc.14,13-14: Tin Mừng). Rõ ràng về mặt đạo đức Chúa nhấn mạnh hai điều:
a- Khi phục vụ ai, ta không sợ họ tự nguyện đáp đền ơn, nhưng cũng không đòi hỏi người ta phải đáp trả ơn mình đã ban, nghĩa là không phải kiểu “thả con tép bắt con tôm”!
b- Phục vụ ai nhằm phần thưởng Chúa ban chắc chắn bội hậu hơn ơn mình đã giúp người ta, như Lời Đức Giêsu đã hứa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em." (Lc 6,38a). Đặc biệt vào ngày cánh chung, hồn xác ta được vinh hiển giống Chúa (1Ga 3,2), chứ không phải phục vụ kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” .
3. PHỤC VỤ NHẰM MỤC ĐÍCH TẬP HỌP THÊM NGƯỜI VÀO HỘI THÁNH CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ THỂ HIỆN LÒNG XÓT THƯƠNG NGƯỜI.
Trong dụ ngôn “tiệc cưới Nước Trời”, khách được mời trước (người Do Thái) chối từ không dự, chủ nhà phải bảo đầy tớ đi mời “ăn mày, tàn tật, qùe quặt, đui mù”, chính là dân ngoại được mời vào Hội Thánh (x. Lc.14,15-24: Tin Mừng).
Vậy khi dọn tiệc, Đức Giêsu dạy “hãy mời ăn mày, tàn tật, qùe quặt, đui mù”, thì không nhất thiết phải mời người khuyết tật vào dự, nhưng phục vụ đồng loại phải làm cách nào cho người ta nhận ra tình thương của Chúa, ngõ hầu họ nhìn thấy việc lành của ta mà ngợi khen Cha trên trời (x. Mt 5,16), và mong kết quả họ gia nhập Giáo Hội dự tiệc Thánh. Chứ không phải chỉ là muốn tỏ lòng thương xót kẻ xấu số!!
Sống phục vụ như giáo huấn Tin Mừng hôm nay là sống KHIÊM NHƯỜNG, mà “ai càng ở địa vị cao càng phải hạ mình xuống, như thế sẽ được đắc sủng trước mặt Chúa, vì Chúa được tôn vinh nơi kẻ khiêm nhường” (x. Hc 3,18: Bài đọc I).
Được đắc sủng trước mặt Chúa hơn là nhận vinh quang nơi người đời, bởi “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài nâng đỡ kẻ khó nghèo” (Tv 68/67,11b: Đáp ca). Ví dụ, khi ta trên xe bước xuống, ta được anh xích-lô chạy đến dìu dắt, làm sao ta biết ơn bằng một vị Tổng thống hay Đức Giáo hoàng đưa tay đỡ ta xuống xe!! Bởi đó người đời có đáp đền ơn ta, thì cũng như anh xích lô giúp ta. Vậy hãy để Chúa giúp ta, còn hơn Đức Giáo hoàng nâng đỡ ta. Đấy là sức mạnh của khiêm nhường tự hạ, thúc đẩy ta phục vụ mãi vẫn còn thua xa Chúa Giêsu đã phục vụ ta.
THUỘC LÒNG
Khiêm nhường là nhận sự thật: mọi ơn Chúa ban cho mình là để phục vụ đồng loại theo gương Chúa Giêsu. (x. Lc 1,48-49)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh