AI HẠ MÌNH
XUỐNG SẼ ĐƯỢC NHẮC LÊN
Người khiêm nhường là người trước hết
phải biết chỗ đứng của mình... Khi biết chỗ đứng của mình, người khiêm nhường sẽ
biết tìm điều cần phải tìm.
Một nhà khoa học mới sáng chế ra và áp dụng trên chính mình một phương
pháp nhân bản vô tính hoàn hảo đến nỗi không ai có thể phân biệt được ông với
phiên bản của ông. Khi biết Thần Chết đang kiếm mình ông cũng không hề sợ vì
ông đã có 12 phiên bản giống hệt ông.
Lần đầu tiên gặp ông và 12 phiên bản, Thần Chết phải trở về tay không vì
không được phép bắt lầm, và nhà khoa học xoa tay vui vẻ.
Nhưng sau đó không lâu Thần Chết trở lại với một “khí cụ dò tìm đặc biệt”. Cầm khí cụ trên tay, Thần Chết nói: “Này, nhà khoa học, ông thật là một thiên
tài đã làm được những phiên bản giống hệt như mình. Tuy nhiên ta đã khám phá ra
và sẽ chỉ cho ông thấy một sơ suất trong công trình của ông, một đặc điểm quan
trọng mà các phiên bản không có được.”
Nghe đến đó, nhà khoa học nhảy chồm lên, sừng sộ: “Làm gì có sơ suất! Đâu? Sơ suất chỗ nào?”
Thần Chết túm ngay lấy gáy nhà khoa học và nói: “Chỗ này nè!”
Nhà khoa học giỏi đến thế mà vẫn không bỏ được cái dại của mọi người,
cái dại của “những kẻ được mời, chọn chỗ
nhất”.
Cái dại đó bắt đầu từ tổ tông loài người khi dám trái lời Chúa chỉ vì chữ
“tinh khôn”: “Người đàn bà thấy trái cây
đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.
Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng
ăn.”
Vì "muốn được nên tinh khôn" mà ông bà không nhìn ra bao ân sủng đang có, và
phải đối diện với sự thật hèn mọn của mình: “Bấy
giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố
che thân.” (St 3,6-7)
Cái dại đó vẫn còn tiếp tục điều khiển lịch sử nhân loại, khi người ta
lo lắng với hai chữ ‘hơn-thua’: “Kẻ ích kỷ
chạy theo dục vọng, và nổi giận trước mọi lời khuyên. Người ngu không ưa chuyện
hiểu biết, nhưng thích phô bày cảm nghĩ riêng.” (Tv 18,1-2)
Đấng dựng nên con người có câu trả lời về hạnh phúc của họ: “Suy nghĩ lo toan là việc của con người, còn
nói câu trả lời là do Đức Chúa.” (Cn 16,1), nhưng tính tự cao tự đại ngăn cản
người ta gặp được sự thật, làm cho họ bỏ
sự thật qua một bên mà chạy theo điều giả dối, và để hạnh phúc phải tuỳ thuộc
vào những điều nay còn, mai mất: “Chúng cậy
vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.” (Tv 49,7)
Người tự cao tự đại tự đánh lừa mình khi phủ nhận bản chất hèn mọn của
mình, tự cho mình là khôn. Thế nên “Nếu
con gặp một kẻ tự cho mình là khôn, thì thà hy vọng vào đứa ngu còn hơn.”
(Cn 26,12)
Tự cao tự đại là sự mù quáng hết thuốc chữa của Satan: “Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương
cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không hiểu.”
(Hc 3,28)
Người tự cao tìm kiếm lời ca tụng, nhưng lời ca tụng chẳng làm ai lớn
lên, thậm chí lời ca tụng còn hạ thấp và giết chết tâm hồn khi nó làm cho người
ta hài lòng thoả mãn và dừng lại ở đó, như thư gửi tín hữu Do thái đã cảnh báo
cho những ai muốn tìm kiếm hạnh phúc thật.
Sự Thật là thần dược cho kẻ kiêu căng. Người khiêm nhường là người trước
hết phải biết chỗ đứng của mình: “Khi
ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết.” (Lc 14,10)
Khi biết chỗ đứng của mình, người khiêm nhường sẽ biết tìm kiếm điều cần
phải tìm kiếm: Sự thiện hảo không nằm ở văn bằng mà ở khả năng, không ở tiếng
khen mà ở việc làm, không ở chức vị mà ở khả năng phục vụ, không phải ở những
gì tôi có, mà ở những gì tôi là.
Đúng lúc nhận biết sự thật về mình là lúc người ta nhận biết sự thật về
tình thương của Chúa. Đó cũng là lúc họ tìm gặp được sự bình an Chúa mạc khải
cho những tâm hồn bé mọn:
“Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào,
Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức,
chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao
thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an
vui.
Cậy vào Chúa, Ítraen ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn
năm.” (Tv 131,1-3)
“Ai hạ mình xuống sẽ được
nhắc lên”!
Lm. HK