TIẾN
LÊN NÚI SION
“Người nghèo là bạn nghĩa thiết của đức hiền lành, còn người giàu là kẻ
thân tình của sự tâng bốc.”
Vào dịp lễ kính thánh Têrêxa thành Avila, một nhà dòng kín mở cửa cho
giáo dân vào tham quan như thường lệ. Một ông
khách hiếu kỳ nghĩ bụng: “Các
nữ tu dòng kín là những người không đủ cơm ăn áo mặc, nghèo khổ xấu số nên mới liều mình dấn thân vào một nơi khủng khiếp như vậy.” Ông gặp một nữ tu trẻ và hỏi:
-
Này dì, nếu như dì có toà nhà sang trọng như
toà nhà kia, đối diện với nhà dòng, dì có nghĩ mình sẽ vào sống nơi dòng kín
này không?
-
Thưa ông, đó chính là căn nhà của tôi.
Chị nữ tu đó không là ai xa lạ, mà là thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Câu trả lời của chị không
chỉ làm cho ông khách ngạc nhiên, mà vẫn là một điều khó hiểu cho thế giới tục hoá và hưởng thụ hôm nay.
Người ta thường tỏ ra ngạc nhiên khi một bậc vị vọng hạ mình xuống sống như người cùng đinh mà lại chẳng thấy có gì
lạ lùng khi một ông lão ăn xin bị la mắng, vì
quên rằng trước mặt Chúa,
ai cũng là một kẻ cơ bần mà lời cầu nguyện luôn nằm trên môi phải là “Ôi
Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần”, quên rằng chẳng có gì
cao quí nơi ta mà không bởi tình
thương Chúa.
Vì thế, hạ mình xuống chỉ đơn giản là sống thật với chính
mình, đúng như sự hèn mọn của một tạo vật: “Anh
em đừng tự bảo: ‘Chính năng lực của tôi và sức mạnh bàn tay tôi đã tạo ra cho tôi sự giàu có này.’ Anh em hãy nhớ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì Người ban cho anh em năng lực tạo ra sự giàu có, để Người giữ vững giao ước đã thề với cha ông anh em, như anh em thấy hôm nay” (Đnl
8,17-18).
Con người tuy
hèn mọn nhưng thật có phúc vì, nhờ Đức Kitô
và trong Đức Kitô, mọi người đều được Chúa
kêu gọi tiến lên núi Sion - tìm đến sự cao quí
của Nước Trời, một sự cao quí
vượt qua các suy tính
tự nhiên: “không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa” (Dt
12,18-19).
Trong Đức Kitô,
phận người hèn mọn được tình yêu Chúa nâng lên, và lời đáp trả tốt nhất là để tình yêu Chúa thấm nhuần và đổi mới mình,
để Đức Kitô sống trong cuộc sống mình, như thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2,19b-20a).
Phận người nghèo hèn, nhưng lại rất giàu
sang trong tình yêu Chúa. Càng đau khổ khi nhận biết sự cùng khốn của mình, người ta
càng vui sướng khi biết được những gì làm cho phận hèn mọn này
nên cao quí.
Bài giảng đầu tiên của Đức Kitô trong Phúc âm Mat-thêu đã mở đầu với mối phúc
cho người nghèo khó
không phải vì Chúa muốn thấy con người phải khổ cực và
túng đói, mà vì Chúa muốn họ nhìn ra và tìm kiếm được sự giàu có thật, sự cao trọng thật, là những gì còn lại sau khi mọi vinh
sang trần thế sẽ qua đi,
như lời thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã giảng: “Người nghèo đạt được đức khiêm nhường dễ hơn người giàu, đó là điều không thể hồ nghi. Người nghèo là bạn nghĩa thiết của đức hiền lành, còn người giàu là kẻ thân tình của sự tâng bốc. Thế mà, nơi nhiều người giàu, của cải không làm cho họ vênh váo kiêu căng, nhưng thúc đẩy họ làm việc thiện; họ coi việc dùng của để nâng đỡ người lầm than như mối lợi lớn.”
Thánh Gioan Thiên Chúa là một người Bồ đào nha vào thế kỷ 16, khi
còn trẻ ngài sống một đời phiêu lưu và suy đồi, ba chìm bảy nổi. Một lần bị té ngựa trọng thương, ngài hối hận và hứa với Chúa sẽ sửa mình,
nhưng khi khỏi bệnh lại trở về đường cũ.
Sau đó, ngài bị án xử giảo, nhưng trước giờ hành
hình thì may gặp một chỉ huy cấp cao hơn tha tội chết cho
ngài. Ngài quyết sửa lại những ngông cuồng, hiến thân phục vụ người nghèo
khổ yếu đau, và lập Dòng Bệnh Viện dù tay
trắng và thiếu thốn mọi sự. Tin tưởng và phó thác nơi Chúa, ngài
vác giỏ ăn xin đi
khắp phố phường, la lớn: “Ai
muốn làm việc lành, hãy tiếp tay với tôi.”
Chúa thúc đẩy nhiều người nhập dòng
và ủng hộ tiền tài,
thuốc men, thực phẩm. Ngài
tiếp nhận bệnh nhân
đau khổ do bệnh tật thuộc đủ mọi hạng, kể cả những người tội lỗi xấu xa đến nỗi Đức Giám mục phải gọi ngài đến trách
cứ. Ngài thân thưa: “Nếu con chỉ nhận người công chính, bệnh xá của con sẽ trống vắng ngay, và làm sao có thể chăm sóc cho các tội nhân. Phần con, biết mình chưa làm hết bổn phận, con hổ thẹn thú tội rằng con là tội nhân duy nhất đã ăn của bố thí một cách vô ích.”
Tôi thật là
nghèo hèn vì mọi sự tôi là và tôi có đều là ơn Chúa ban.
Nhưng hơn mọi ân ban đó là lời Chúa mời gọi tôi
dùng sự giàu sang tạm bợ mà tìm
kiếm sự giàu sang thật sự trên
núi Sion: “Khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ.”
Lm. HK