THỨ TƯ – TUẦN 16
Bài đọc 1 Năm lẻ
Thiên Chúa phán với
Môsê: “Này Ta sẽ cho mưa bánh bởi trời xuống cho các ngươi… Các ngươi sẽ được
ăn thịt…” Xảy ra là ban chiều cun cút kéo lên và phủ cả doanh trại (Xh
16,4.12.13)
Cách đây nhiều
năm, tạp chí “Địa lý Quốc gia” đưa ra một sự kiện hấp dẫn như sau: “Mỗi năm, một số lượng lớn chim cút đi ẩn
trú bay ngang Địa Trung Hải và Biển Đỏ trên tuyến đường giữa Châu Âu và Châu
Phi. Ngay cả ngày nay, các thổ dân thuộc bán đảo Sinai cũng bắt được những con
chim kiệt sức sau hành trình dài trên mặt nước.” Một số học giả Kinh thánh
cho rằng Thiên Chúa dùng những việc bình thường như vậy để nuôi sống dân Israel
- một cách hết sức ngẫu nhiên – trong thời gian đi qua sa mạc Sinai.
Tôi đã bao giờ cảm nhận được
rằng Thiên Chúa đang can thiệp vào đời tôi theo cách rất ngẫu nhiên qua những
sự việc rất bình thường chưa? Ngài can thiệp thế nào?
Sự ngẫu nhiên là một
phép lạ nhỏ, là nơi Thiên Chúa chọn để tỏ mình ra (Heidi Quade).
Bài đọc 1 Năm chẵn
Có lời Chúa phán… “Ta
đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” Tôi trả lời: “Con còn quá trẻ, con không
biết ăn nói.” Nhưng Chúa nói: “Ta sẽ ở với ngươi” (Gr 1,4.8).
John Powell
nhắc một truyền thuyết xưa rằng Thiên Chúa sai “mỗi người đến thế gian với một sứ điệp đặc biệt cần loan báo, với một
bài ca đặc biệt để hát cho người khác nghe, với một nghĩa cử yêu thương để ban
tặng. Không ai có thể loan truyền sứ điệp của tôi thay cho tôi, không ai có thể
hát bài ca của tôi hoặc trao ban nghĩa cử yêu thương của tôi thay cho tôi được.
Tất cả đã được trao phó cho tôi.”
Nếu tôi được dành cho ba
mươi giây trên truyền hình để loan báo sứ điệp cho thế giới, tôi sẽ chọn chủ đề
gì và sẽ nhấn mạnh điểm nào?
Thiên Chúa dựng nên tôi
để thực hiện một công việc phục vụ nhất định. Ngài trao phó cho tôi, chứ không
cho ai khác. Tôi có một sứ mệnh phải chu toàn. (John Henry Newman)
Bài Tin Mừng:
Dân chúng tụ họp bên
Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì
đứng trên bờ. Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. (Mt 13,2-3).
Các dụ ngôn
rất lý tưởng cho việc giảng dạy về những điều, như Nước Thiên Chúa, Đấng Mêsia.
Tại sao? Nhiều người mong đợi Nước Chúa thuộc về thế gian trần tục, làm cho
Israel trở thành số một trên mọi dân nước. Họ cũng mong đợi Đấng Mêsia là một
con người trần tục, đội vương miện vàng thay vì mạo gai. Chúa Giêsu phải sửa
lại quan niệm sai lầm này, và điều đó đòi hỏi một sự khéo léo. Đó là lý do tại
sao các dụ ngôn là lý tưởng, vì nhẳm định hướng suy nghĩ của con người một cách
tiệm tiến, tế nhị và nhạy bén.
Làm cách nào tôi cũng có thể
tế nhị và nhạy cảm hơn đối với những người xung quanh, đặc biệt là những người
thân thích nhất của tôi?
Người khôn ngoan không
đưa ra câu trả lời đúng, mà là đặt ra câu hỏi chính xác. (Claude Levi Strauss)