CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN - C
MỤC LỤC
1. Lạy Cha chúng con - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 2
2. Cầu nguyện 5
3. Ban Thánh Thần 8
4. Hãy xin thì sẽ được 11
5. Thờ phụng là nhìn nhận sự thật - Achille Degeest 14
6. Suy niệm của Charles E. Miller 16
7. Cầu xin hay cầu nguyện? 19
8. Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ - McCarthy 24
9. Chú giải của William Barclay 28
10. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin 32
11. Chú giải của Noel Quesson 37
12. Suy niệm của R. Gutzwiller 44
13. Chú giải của Fiches Dominicales 53
14. Chú giải của Lm Vũ Phan Long 60
15. Cầu nguyện 71
16. Cầu nguyện 73
17. Lời kinh tuyệt vời 78
18. Kinh Lạy Cha 81
19. Lạy Cha 84
1. Lạy Cha chúng con - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu
nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra.
Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu
nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.
1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm
nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.
Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con
gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể.
Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên
hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.
Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ
Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha
không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là
những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn
cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.
Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là
mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ
“Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút
nào tả xiết được.
Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh
về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác.
Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn
ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng
“Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa
tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.
2. Mọi người là anh em
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy
ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con... Chứ không dạy ta đọc:
Lạy Cha của con... Xin Cha cho con... Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một
Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình
yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong
cả lời cầu nguyện.
Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ
chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho
chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương
thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy
Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu
xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những
anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.
Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới,
có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương
liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.
Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng
chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em
bé nhỏ trước hết.
Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm
tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ
rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có thực sự cảm thấy
Chúa là Cha và sống với Người như người con hiếu thảo không?
2- Thiên Chúa là Cha tốt
lành. Người chỉ ban cho ta những điều tốt. Có khi nào Bạn gặp thất bại khổ đau
mà bạn thấy lòng tốt của Thiên Chúa không?
3- Bạn cầu nguyện cho người
kém may mắn, nhưng bạn có sẵn sàng chia sẻ với họ không?
2. Cầu nguyện
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng đơn sơ
về sự cầu nguyện. Vậy trước hết cầu nguyện là gì?
Như chúng ta đã biết cầu nguyện là dừng lại trong giây lát mọi băn khoăn
lo lắng, để thưa chuyện với Chúa, để nâng tâm hồn lên hầu thờ lạy và cảm tạ
Ngài, đồng thời kêu xin những ơn lành hồn xác.
Từ câu định nghĩa này chúng ta thấy cầu nguyện không phải chỉ là cầu
xin, mà trước hết phải là chu toàn những bổn phận của con người đối với Thiên
Chúa. Thế nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện?
Trước hết, bởi vì chúng ta chỉ là những tạo vật của Thiên Chúa. Không có
Ngài chúng ta không thể tồn tại. Hơn thế nữa, mục đích cuối cùng chúng ta phải
theo đuổi trong cuộc sống hiện tại là tìm về quê hương Nước Trời. Muốn đạt tới
mục đích cuối cùng ấy, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải phụng sự và tôn vinh
Ngài.
Đưa mắt nhìn vào vũ trụ, chúng ta nhận thấy từ một giọt sương mai cho đến
các vì tinh tú, tất cả đều nói lên quyền năng Thiên Chúa khi tôn trọng những luật
lệ mà Thiên Chúa đã an bài sắp xếp. Bởi đó người ta thường nói: Thiên nhiên là
một cuốn sách mà mỗi trang của nó đều cho chúng ta được biết về Thiên Chúa. Và
như vậy con người chúng ta, một tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa, lại càng phải
ca tụng Ngài hơn nữa. Thế nhưng với trí khôn và ý muốn Thiên Chúa đã trao ban,
tại sao chúng ta lại không nhận biết Ngài, lại không ca tụng Ngài?
Tiếp đến sở dĩ chúng ta phải cầu nguyện bởi vì Thiên Chúa là Cha chúng
ta. Đây là điều mà chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ. Ngài nói: Khi cầu nguyện, các con
hãy thưa lên: Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Thiên Chúa là một người Cha nhân từ, hằng yêu thương chăm sóc chúng ta.
Nhờ Ngài, chúng ta mới có được những phương tiện vật chất; nhờ Ngài, chúng ta mới
có được những khả năng phần hồn; nhờ Ngài, chúng ta mới có được ơn cứu độ... Vậy
tại sao chúng ta lại không biết ơn và cảm tạ Ngài? Thiên Chúa lạ vị ân nhân vĩ
đại. Ngài chờ đón nơi chúng ta một câu nói tuyệt vời: Lạy Chúa con yêu mến
Chúa. Như vậy khi cầu nguyện, chúng ta bày tỏ niềm biết ơn cũng như tình yêu đậm
đà của chúng ta đối với Ngài.
Người ta kể lại trong cuộc chiến tranh tại Algérie, có một viên sĩ quan
người Pháp bị bắt làm tù bình. Suốt thời gian bị giam giữ, viên sĩ quan ấy luôn
bị một tên lính Ả Rập rủa xả là đồ chó. Bực tức trước lời rủa xả ấy, viên sĩ
quan đã lên tiếng:
- Tại sao ngươi lại chửi ta là đồ chó. Ta là một tù binh, điều đó đúng lắm,
nhưng ta cũng là người như ngươi.
Tên lính Ả Rập nhìn viên sĩ quan một cách khinh bỉ và nói:
- Ngươi mà cũng đòi là người ư? Đã sáu tháng rồi, ta không hề thấy ngươi
cầu nguyện, thế mà ngươi cũng dám mở miệng tự xưng là người hay sao? Là người
mà không cầu nguyện cùng Thiên Chúa, thì cũng chỉ là đồ chó mà thôi.
Câu trả lời thật cứng cỏi nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Bởi vì
người là một con vật có trí khôn. Với trí khôn chúng ta nhận biết có Thiên
Chúa. Và một khi đã nhận biết có Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại không ca tụng
Ngài.
Để kết luận tôi xin mượn lời sau đây của thánh nữ Jeanne d'Arc: Thiên
Chúa phải được phục vụ trước nhất, có nghĩa là bổn phận cầu nguyện phải là bổn
phận hàng đầu trong cuộc sống chúng ta.
3. Ban Thánh Thần
Suy Niệm
Có nhiều định nghĩa về con người.
Con người là con vật biết sử dụng các dụng cụ. Con người là con vật biết
suy nghĩ đắn đo. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Phải định nghĩa con người là con vật biết cầu nguyện, nghĩa là có khả
năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Con người là sinh vật biết chuyện trò với
Tạo Hoá.
Cầu nguyện không phải là nói với một sự vật, một ý tưởng, nhưng là nói với
một Đấng siêu vượt tôi, mà lại rất gần gũi thân thương và biết tôi. Đấng ấy nói
với tôi và nghe được lời tôi nói.
Có nhiều tâm tình khi ta cầu nguyện: thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy,
dâng hiến, nài xin.
Nài xin chẳng phải là điều hạ giá con người. Con người cảm nghiệm được
thân phận mong manh, nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ.
Xin cho chúng con bánh cần dùng mỗi ngày. Bánh vật chất, bánh tinh thần,
Bánh Thánh Thể. Bánh cho chúng con sự sống.
Xin tha thứ tội chúng con, để chúng con được sống bình an sau những va vấp.
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Cơn cám dỗ lớn nhất là chỉ sống
cho mình, và khép lại trước Thiên Chúa và anh em.
Quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình, biết những gì mình có
thể làm được, và biết những gì nằm ngoài tầm tay của mình.
Khi tương quan giữa Mỹ và I-rắc căng thẳng cực độ, Tổng thư ký Liên Hiệp
Quốc Kofi Annan đã tới Bagdad để thuyết phục phía I-rắc ký vào bản thoả thuận.
Lúc trở về, ông nói: “Tôi đặc biệt đã cầu nguyện nhiều. Đừng bao giờ
đánh giá thấp sức mạnh của sự cầu nguyện.”
Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện khó. Để hít thở bình thường
cũng cần đến ơn trên.
Cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện. Hãy cứ gõ cửa nhà Chúa trong đêm
mịt mù. Cần tập đứng đợi, tập quấy rầy Chúa. Thế nào Ngài cũng mở cửa và cho mọi
sự ta cần.
Hãy để Ngài tự do cho vào lúc và theo cách Ngài muốn, dù điều đó không hợp
với ước mơ của ta.
Lắm khi ta có cảm tưởng Ngài không nhận lời. Có thể vì lời nài xin của
ta đầy tính ích kỷ, hay vì Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn hơn.
Xin Đức Giêsu dạy ta biết cách cầu xin, đưa ta ra khỏi những bận tâm hẹp
hòi về chính mình, để thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh.
Ơn cao cả nhất mà chắc chắn Cha muốn ban cho ta đó là Chúa Thánh Thần.
Có Thánh Thần là có niềm vui, sức mạnh, ánh sáng, sự sống.
Có khi nào ta nài xin Cha ban Thánh Thần chưa?
Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa là Cha tốt lành. Ngài chỉ cho ta điều tốt. Có khi nào bạn gặp
thất bại khổ đau mà bạn thấy lòng tốt của Thiên Chúa không?
Nếu Chúa cho bạn chọn 3 điều ước, bạn sẽ chọn những điều nào?
Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những
ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà
con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời
con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại
cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha
làm cho đời con.
4. Hãy xin thì sẽ được
Suy Niệm
Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu đó là sự thinh lặng
của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài nhưng không nghe thấy tiếng
đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan, nỗi đau khổ thể xác tinh thần
vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng. Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền
năng, Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ. Nếu Ngài là Cha yêu thương, Ngài
không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người. Có nhiều người đã lý luận như
thế và kết luận: “Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề có thể đem ra mổ xẻ, giải
quyết. Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm. Chỉ ai tin mới đến gần được
mầu nhiệm ấy, và đón nhận nó trong bình an.
Đức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ, nhưng Ngài mang lấy
đau khổ vào thân. Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người. “Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ
tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin, dù bị thử thách,
vẫn một niềm tín thác: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Đấng toàn năng và yêu thương, nhưng Ngài hành động
không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Đức Giêsu xuống khỏi thập giá nhưng đưa Con của Ngài ra
khỏi nấm mồ, điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Đức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ và tin chắc sẽ được,
sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài chỉ ban cho ta những điều
tốt lành, những điều có lợi thực sự cho ta, những điều làm ta trưởng thành và
triển nở, những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc không chỉ hạn
hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhưng Ngài không nuông chiều
con cái, Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin nhưng hãy để cho Ngài định liệu, vì Ngài biết rõ điều
gì là tốt hơn cho bạn trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin, vì những điều
chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay. Cũng có khi ta tưởng Chúa cho
chúng ta bọ cạp. Cần có đức tin mới nhận ra rằng Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy mọi biến cố trong đời đều là quà
tặng yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn đã từng cầu xin và thấy Chúa thinh lặng trước nỗi khổ của bạn. Bạn
đã sống kinh nghiệm đó như thế nào?
Có khi nào bạn tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã không ban cho bạn theo như
ý bạn xin?
Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những
ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà
con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời
con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại
cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha
làm cho đời con.
5. Thờ phụng là nhìn nhận sự thật - Achille Degeest
Đức Giêsu đem một sứ điệp đến cho chúng ta. Trọng tâm sứ điệp là giáo huấn
của Người về Thiên Chúa. Không ai biết được Thiên Chúa ngoại trừ Đấng từ Thiên
Chúa mà đến. Thiên Chúa hằng hữu, quyền năng vô cùng, chi phối mọi khởi sự cũng
như mọi cùng tận, là Chúa tể tối cao điều khiển mọi vận mạng, không ai biết được
Thiên Chúa nếu chính Thiên Chúa không mặc khải cho. “Không ai biết Chúa Cha là
ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10,22). Đức Giêsu
dạy cho chúng ta biết về danh thánh Thiên Chúa và cách nói với Thiên Chúa. Các
môn đệ hỏi Chúa phải cầu nguyện thế nào. Các ông được Chúa dạy cho Kinh Lạy
Cha. Bài đọc hôm nay chỉ dẫn đầy đủ về giá trị kinh nguyện phải có. Lời cầu xin
phải bày tỏ lòng tin tưởng thiết tha trong bầu khí thân thiết, hiếu thảo. Thân mật,
nhưng phải có thái độ thờ phụng từ trong thâm tâm biểu lộ ra ngoài, điều ấy cần
được chúng ta nhấn mạnh. Khi cầu nguyện, Kitô hữu trước hết ước nguyện: “Lạy
Cha, ước gì danh Cha hiển thánh”. Vậy thờ phụng cách hiếu thảo là gì?
1) Cầu nguyện, trước hết là ý thức về tầm chính xác của mình trước mặt
Thiên Chúa. Thế mà đối với Thiên Chúa toàn thể vũ trụ nhỏ hơn một giọt nước
trong lòng đại dương. Kẻ thờ phụng dành tất cả tâm hồn mình cho Thiên Chúa. Điều
gì biện minh cho thái độ ấy? Thật ra con người ý thức rất rõ mình có khả năng
suy nghĩ, hành động, có cả quyền năng nữa. Lẽ nào chỉ vì Thiên Chúa quyền năng
vô cùng mà chúng ta phải nhượng bộ tất cả cho Thiên Chúa ư? Thờ phụng, trước hết
không phải là sự quy phục của lương tri trước Đấng có quyền năng hơn con người.
Thờ phụng là thái độ lương tri tự do muốn nhìn nhận sự thật. Vậy mà sự thật
chính là Thiên Chúa hằng hữu, quyền năng vô biên, Đấng vô cùng tận. Thờ phụng
là nhìn nhận sự thật ấy. Điều biện minh cho thờ phụng chỉ xuất phát từ sự thật
mà thôi. Vì lẽ có nhìn nhận sự thật, con người mới có được phẩm giá; trong sự
thờ phụng, tức là trong sự nhìn nhận sự thật, con người tìm ra tầm mức phẩm giá
của mình.
2) Sự thờ phụng của Kitô hữu đậm tình hiếu thảo vì lẽ, nhờ lời giảng dạy
của Đức Kitô, Kitô hữu biết rằng Thiên Chúa là Cha. Sở dĩ tâm tình chúng ta
thành thật và trong sạch vì giữ được thực chất của nguồn mạch. Phân tích tới
cùng, chúng ta thấy nguồn mạch là Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, Cha
chúng ta. Đọc lên câu “Lạy Cha, ước gì danh Cha hiển thánh”, chúng ta ý thức,
thừa nhận, tuyên xưng Thiên Chúa là sự Tuyệt Đối, đồng thời là Cha mình. Tâm
tình ấy phù hợp với sự thật sâu sắc dâng lên trong tâm hồn như một ngọn suối,
do chính Đức Giêsu khởi lên. Khi chúng ta thốt ra tiếng “Lạy Cha”, chúng ta phát
ra một lời nói tự do và hiếu thảo biểu lộ sự thật tha thiết nhất trong chúng
ta. Chúng ta biểu lộ con người đích thật của mình khi thưa với Thiên Chúa: Lạy
Cha. Ai cũng biết, chính sự thật đem lại ơn cứu độ…
6. Suy niệm của Charles E. Miller
VỚI CHÚA GIÊSU CHÚNG TA CẦU NGUYỆN “LẠY CHA” – “ABBA”
Lời cầu nguyện của Chúa “Kinh Lạy Cha” là một lời nguyện riêng nổi bật
trong khi dâng Thánh Lễ. Một nguyên nhân của việc đó là chúng ta hãy cám ơn những
sự thay đổi đã diễn ra trong Công đồng Vatican II, đó là tất cả chúng ta có thể
nói hoặc hát lời linh này bằng chính ngôn ngữ của mình. (Thật là khó để nhận ra
trước đây được gọi là Thánh Lễ theo Công đồng Tridentino, chỉ một mình linh mục
được đọc lời nguyện này và ngài đã đọc nói bằng tiếng Latin; không một người
nào được phép đọc chung với vị linh mục). Mọi người dâng lời kinh này khi đứng
đôi khi họ dang tay, thỉnh thoảng họ hướng mắt lên trời, đôi khi họ nắm tay với
những người lân cận, nhưng luôn luôn có vẻ như là lời kinh này có một sự chú ý
đặc biệt.
Lời cầu nguyện của Chúa mà chúng ta nghe trong Phúc Âm Thánh Luca có một
điểm khác với lời kinh chúng ta dùng trong Thánh Lễ, lời kinh này chúng ta đọc
theo đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu (6,9-12) chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự
khác nhau này. Thứ nhất, cầu nguyện thì rất quan trọng nên chúng ta giả thiết
là Chúa Giêsu đã dạy nó trong nhiều dịp và không luôn luôn chính xác cùng một lời
đó. Thứ hai lời nguyện đó đã là một phần của phụng vụ cho hơn một thế hệ trước
khi những cuốn Phúc Âm được viết ra. Lời cầu nguyện đó đã được ghi lại theo trí
nhớ và kết quả là có những sự khác nhau không đáng kể cho đến khi Thánh Luca và
Thánh Mathêu đã viết ra lời kinh chung được đọc trong những cộng đoàn riêng biệt
của các ngài.
Tất cả những điều này dẫn đến một kết luận quan trọng. Cái điều mới và đặc
biệt trong lời kinh nguyện này thì không phải là bản tính hoặc là số lời cầu
xin trong kinh nguyện. Sau hết, người Do Thái thường cầu nguyện rằng, danh của
Thiên Chúa phải được thần thánh hoá và ý muốn Ngài phải được thực hiện. Thánh Vịnh
51 từ Cựu Ước là một lời kinh nguyện nồng nhiệt và hùng biện về sự tha thứ đã
không “thấm tháp gì” kinh nguyện tha thứ trong kinh Lạy Cha.
Điều đặc biệt của kinh nguyện là cung cách độc nhất mà Chúa Giêsu đã diễn
tả về Thiên Chúa. Ngài đã kêu lên Chúa, Đấng quyền năng, Đấng Sáng Tạo nên trời
và đất, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết như là “Cha” không chính xác như là
“Cha” nhưng là “Abba” cha ơi, chữ này có nghĩa thân mật hơn như là “papa” hoặc
“Daddy”, đó chính là cách mà các trẻ nhỏ gọi cha của mình với một tình yêu thân
mật và sự quen thân trong sáng, khi muốn nói với cha của mình. Trong tất cả những
lời nói của Chúa Giêsu đã được ghi chép lại trong Phúc Âm thì chắc chắn chữ
“Abba” cha ơi là một trong những chữ thánh thiêng nhất.
Hãy suy nghĩ về lời cầu nguyện của Abraham và của Chúa Giêsu khác nhau
như thế nào. Abraham, cha của dân tộc được chọn, tổ phụ của chúng ta trong đức
tin đã dám đến gần Chúa, nài xin Ngài tha thứ cho dân Sodoma và Gomora. Ông đã
không ngại ngùng trả giá với Thiên Chúa. Nhưng ông không dám gọi Thiên Chúa như
Chúa Giêsu đã gọi, ông sẽ không bao giờ dám nói: “Được rồi, Cha ơi, Cha hãy
thương tình và đối xử nhẹ nhàng với Sodoma và Gomora”. Không một người nào dám
gọi Thiên Chúa là “Abba”, “Daddy” (Cha ơi), như Chúa Giêsu đã làm.
Và tất cả chúng ta đều được mời gọi thật sự, để nói về và gọi Thiên Chúa
là “Abba”, người Cha thân yêu của mỗi chúng ta. Lý do mà chúng ta có thể làm
như vậy, là Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta một đời sống mới thông hiệp với
Đức Kitô. Đó là một gia đình sự sống của Ba Ngôi ân phúc, sự sống mà chúng ta
đã lãnh nhận nơi phép rửa, khi mà chúng ta trở nên những chi thể của Giáo Hội,
gia đình của Thiên Chúa ở đây trên mặt đất này.
Bất kỳ thái độ hay cử chỉ nào mà chúng ta có trong lời kinh của Chúa nơi
Thánh Lễ, thì chúng ta cũng phải biết là chúng ta được hạnh phúc biết bao vì được
gọi Thiên Chúa là “Abba” cha ơi, như Chúa Giêsu đã gọi, đó là tên gọi của Người
“Abba” Cha ơi.
7. Cầu xin hay cầu nguyện?
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một buổi sáng kia, một cô giáo dạy vườn trẻ chưng một bình hoa thuỷ tiên
thật đẹp trên chiếc bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em bé nhỏ thơ ngây tung tăng
tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những cánh hoa màu
vàng lợt và em nói với cô giáo:
“Thưa cô, có phải Chúa đã làm ra những bông hoa nầy không cô? Em muốn gọi
điện thoại để cám ơn Chúa đã cho chúng ta những cánh hoa đẹp như thế nầy!”
Nếu đất với trời được nối kết với nhau bằng dây điện thoại, thiết nghĩ
Thiên Chúa sẽ phải đặt ra hai đường dây: một đường dây cho những lời cầu xin và
một đường dây dành cho những lời cám ơn. Và người ta sẽ thấy một đường điện thoại
luôn luôn bận rộn, trong khi đường dây kia thỉnh thoảng mới được dùng đến, như
một chuyện ngụ ngôn kia thuật lại như sau:
Hai thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ.
Họ chia tay nhau để đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng
như nhà những người nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất
cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.
Sau một thời gian, hai thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở
về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của thiên thần
kia có vẻ như đựng toàn bông gòn.
- “Ông mang gì mà nặng nề thế?”, một thiên thần hỏi. Thiên thần mang giỏ
nặng trả lời:
- “Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại.
Còn ông, cái giỏ của ông xem ra nhẹ nhàng thế?”
- “À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ cám ơn Chúa vì những
ơn lành Ngài luôn ban cho họ”.
Thì ra, chiếc giỏ thu nhận lời cầu xin luôn nặng hơn chiếc giỏ thu nhận
lời cám ơn. Cũng thế, đường dây điện thoại để xin ơn thì luôn bận rộn, còn đường
dây để cám ơn thì không mấy khi có người gọi.
Phải, thưa anh chị em, thường thì chúng ta chỉ biết cầu xin hơn là cầu
nguyện. Bởi vì cầu nguyện luôn bao gồm cả lời chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri
ân Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện là thưa chuyện
với Chúa như con cái nói chuyện với cha mẹ. Cầu nguyện chủ yếu là một cuộc gặp
gỡ, tiếp xúc, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu khi còn sống ở trần gian cũng đã cầu nguyện, và Ngài đã
dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn. Cũng chính Ngài đã đưa ra một “kinh nghiệm
mẫu” mà chúng ta gọi là “Kinh Lạy Cha” – đúng hơn là “Kinh nguyện của Chúa” để
cho chúng ta biết phải cầu xin những điều gì và cầu nguyện như thế nào.
Vậy chúng ta phải cầu xin những điều gì?
Nói một cách vắn gọn, chúng ta phải cầu xin những gì phù hợp với ý muốn
của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa trước hết là cho mọi người nhận biết Ngài
là Cha của tất cả mọi người, và trong Ngài, tất cả mọi người đều nhận ra nhau
là anh em. Những gì là chia rẽ, hận thù, bóc lột, chém giết nhau đều đi ngược lại
ý muốn của Cha trên trời. Bởi vì, làm sao có thể mở miệng gọi Thiên Chúa là Cha
của chúng ta được khi chúng ta không muốn yêu thương người khác như anh chị em
của mình; và ngược lại, khi chúng ta không nhìn nhận có một Cha chung của chúng
ta ở trên trời: “Lạy Cha, con là Đấng ngự trên trời”.
Ý muốn của Thiên Chúa còn là “cho chúng ta hôm nay lương thực hằng
ngày”, có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho mọi người trên trái đất, không phân biệt
chủng tộc, màu sau, tiếng nói đều có đủ cơm ăn áo mặc, cũng như được hưởng tiện
nghi của nền văn minh hiện đại, chứ không phải chỉ một số rất ít người chiếm hữu
hết tài sản trên thế giới, đang khi đại đa số còn lại chỉ được hưởng một phần
quá nhỏ trong cảnh lệ thuộc. Ngài cũng chẳng muốn cho một thiểu số sống xa hoa
lãng phí, trong khi đồng loại phải thiếu nhà ở, thiếu cơm bánh, áo quần, thuốc
men; phải đói khát, dốt nát, ăn xin, nằm đường xó chợ… Nói chung là thiếu những
điều kiện tối thiểu để sống cho ra con người.
Ý muốn của Thiên Chúa còn là chúng ta phải tha thứ cho nhau, vì chính bản
thân chúng ta cũng là kẻ có tội cần được tha thứ. “Xin Cha tha tội cho chúng
con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Như vậy, cầu
nguyện là đồng hoá ý muốn của mình với ý muốn của Thiên Chúa và phải hành động
để ý muốn của Chúa được thể hiện trên mặt đất nầy: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới
đất cũng như trên trời”. Thế nhưng, chúng ta thường chỉ biết cầu xin hơn là cầu
nguyện, và có những lời cầu xin hết sức vụ lợi, ích kỷ. Chẳng hạn xin cho
“trúng tuyển, trúng số, trúng mánh…”. Hoặc chúng ta chỉ nghĩ đến Chúa khi chán
nản, thất vọng, để than thở, kể lể, như bắt Chúa phải thông cảm những nỗi ấm ức
trong lòng mình. Còn gì vô lý và sai lầm hơn khi chúng ta cứ coi Thiên Chúa như
một “Thần Tài”, như một “thủ kho” để xin Ngài những nhu cầu mà đúng ra, với tự
do, khối óc và hai bàn tay Chúa ban cho, chúng ta phải tự làm lấy, tự xoay xở lấy
với sự trợ giúp của Chúa và dưới ánh mắt yêu thương của Ngài. Nếu chỉ cầu xin bằng
môi miệng mà chẳng chịu làm gì cả, thì lời cầu xin đó có khác gì những bùa chú,
phù phép của hạng người mê tín dị đoan: Xin cho có lương thực hằng ngày mà mình
cứ ngồi không, hoặc nằm ngửa chờ sung rụng, thì làm sao có lương thực được? Hoặc
xin cho mọi người được ấm no hạnh phúc, mà mình cứ áp bức, bóc lột, làm điều bất
công, hay là cứ để cho những chuyện bất công ấy lan tràn mà không chịu tranh đấu
để đòi hỏi công bình, đòi quyền sống của con người, thì làm sao có ấm no, hạnh
phúc, hoà bình được? Chính vì thái độ nầy mà nhiều khi tôn giáo bị mang tiếng
là mê tín, là thuốc phiện ru ngủ dân chúng!
Vậy, thưa anh chị em, chúng ta phải cầu xin như thế nào?
Nếu phải cầu xin thì chúng ta phải cầu xin một cách kiên trì với một xác
tín, tin tưởng vào tình thương của Cha trên trời, Ngài tốt lành, nhân hậu hơn
cha chúng ta ở dưới đất vô cùng. Vì người đời mà còn cho bạn bè vay mượn khi bạn
bè năn nỉ, khuấy rầy, huống chi là Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương mọi
người, con cái, chắc chắn sẽ ban cho ta điều chúng ta cầu xin: “Hãy xin, sẽ được;
hãy tìm, sẽ thấy; hãy gõ, sẽ mở”. Người cha nào mà không giúp đỡ con cái khi cần
thiết, không cung cấp những điều thích hợp khi chúng đã xin. Cha là Cha nhân từ,
Ngài cũng không thể làm khác được, nhất là chẳng bao giờ cho cái gì sinh nguy hại
cho con cái. Bởi vậy, điều chúng ta xin Thiên Chúa phải là điều thích hợp, vì
Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta “bánh” chứ không cho “hòn đá”; muốn ban “cá”
chứ không cho “con rắn”, muốn ban “trứng” chứ không cho “bọ cạp”. “Hãy xin thì
sẽ được”, nhưng với điều kiện là xin những gì thực sự giúp đời sống thêm tốt đẹp,
tìm những gì dẫn đến ơn cứu độ, đạt đến cứu cánh tuyệt đối của con người, đồng
thời phải kết hợp giữa sự giúp đỡ của ơn Chúa với việc làm trong khả năng Chúa
đã ban cho mỗi người.
Cuối cùng, ơn đặc biệt mà Chúa sẽ ban cho những ai xin Ngài đó là Thánh
Thần, vì Thánh Thần sẽ là Đấng cầu xin trong chúng ta, bảo đảm lời cầu xin là
xác đáng, và cũng chính Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết, vì Ngài là
ơn huệ của Thiên Chúa ban cho loài người.
Anh chị em thân mến, phụng vụ Thánh lễ là dịp tốt nhất giúp chúng ta cầu
nguyện có hiệu lực. Vì chúng ta cầu nguyện chung với cả Giáo Hội, chúng ta cầu
nguyện theo lời Chúa truyền dạy, chúng ta cầu nguyện nhờ công ơn vô cùng của
Chúa Kitô, với Người và trong Người. Xin cho chúng ta biết cầu nguyện và xin
Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta và của tất cả mọi người.
8. Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ - McCarthy
Suy Niệm 1. KINH LẠY CHA
Kinh Lạy Cha là kinh đầu tiên và cao trọng nhất trong các kinh nguyện
Kitô giáo (Tôi đang nghĩ đến bản kinh của Thánh Mát thêu). Những câu ngắn gọn
và đơn giản của nó bao hàm mọi tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa. Nó không
chỉ nói với chúng ta phải cầu nguyện điều gì mà còn cầu nguyện điều ấy như thế
nào.
Tuy nhiên, người ta có xu hướng đọc kinh ấy quá vội vàng và thiếu suy gẫm
đến nỗi làm mất ý nghĩa của nó. Đó là một điều đáng tiếc. Bởi vì, hiểu một cách
chính xác, Kinh Lạy Cha chứa đựng trong đó, chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo theo
tinh thần của của Đức Kitô, bởi vì không chút nghi ngờ đây là cách mà chính Người
đã cầu nguyện và đã sống.
Phần đầu tiên đề cập đến Thiên Chúa.
Chúng ta bắt đầu sự hiểu biết hiện hữu của Thiên Chúa, và gọi Người là
Cha. Thiên Chúa là cội nguồn của chúng ta và chúng ta là con cái của Người. Một
đôi khi, Người hành động như một người cha, và một đôi khi như một người mẹ.
Kế đó chúng ta ca tụng danh Người. Bằng việc ca tụng danh Người, chúng
ta cầu nguyện chính Người.
Chúng ta cầu nguyện cho Nước của Người mau đến – một vương quốc của sự
thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, công lý, tình yêu và hoà bình.
Chúng ta đóng góp phần mình để làm cho vương quốc của Người thành hiện thực.
Chúng ta cầu nguyện để ý muốn của Người được thực hiện trên mặt đất.
“Trên mặt đất” cũng có nghĩa là trong đời sống của chúng ta. Ý muốn của Thiên
Chúa không phải lúc nào cũng là điều dễ làm nhất, nhưng nó luôn luôn là điều tốt
nhất.
Phần thứ hai đề cập đến chúng ta và các nhu cầu của chúng ta.
Chúng ta bắt đầu bằng công việc cầu xin lương thực hàng ngày. “Lương thực”
thay cho mọi nhu cầu vật chất. Tuy nhiên, mọi nhu cầu thật cần thiết của chúng
ta có đủ cho ngày hôm nay.
Chúng ta cầu xin tha thứ các tội lỗi của chúng ta, và xin ơn có thể tha
thứ cho người khác đã phạm tội chống lại chúng ta. Không thể tha thứ cho người
khác sẽ không thể nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.
Chúng ta cầu xin không sa chước cám dỗ. Thiên Chúa không đặt sự cám dỗ
trong đường lối của chúng ta nhưng cuộc đời làm điều ấy. Và chính chúng ta đôi
lúc bước vào cám dỗ với sự đồng tình. Chúng ta xin Thiên Chúa giúp chúng ta
đương đầu với sự cám dỗ tự ý đến với chúng ta, và tránh xa những cám dỗ mà
chính chúng ta chọn lựa.
Sau cùng, chúng ta cầu xin được cứu khỏi mọi sự dữ, cả sự dữ vật chất lẫn
tinh thần. Chúng ta không mong bao giờ gặp sự dữ. Điều mà chúng ta cầu xin
Thiên Chúa là có được ân sủng chiến thắng mọi sự dữ, đặc biệt là sự dữ tinh thần.
Hãy ghi nhận rằng toàn bộ kinh Lạy Cha được diễn tả bằng từ ngữ ở số nhiều.
Điều ấy cho thấy chúng ta là một gia đình dưới quyền Thiên Chúa, và do đó không
thể có sự cứu chuộc chúng ta độc lập với sự cứu chuộc những người khác.
Suy Niệm 2. KHÔNG TRỪNG PHẠT NGƯỜI VÔ TỘI
Hình ảnh của Abraham mặc cả với Thiên Chúa mặc cả với Thiên Chúa để cứu
Xơđôm và Gômora là hình ảnh hấp dẫn. Ý tưởng chúng ta bắt gặp ở đây là Thiên
Chúa sẽ không trừng phạt một số đông người tội lỗi nếu đồng thời một số ít người
công chính cũng bị trừng phạt. Chúng ta thường có thái độ hoàn toàn trái ngược.
Chúng ta rất muốn trừng phạt một số đông người vô tội cùng với một số ít người
có tội cũng bị phạt. Hãy lấy một ít ví dụ.
Khi các chính phủ đánh quân du kích, người ta không ngần ngại tiêu diệt
cả một ngôi làng gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con. Điều đó đã xảy ra ở Việt Nam, ở
Achentina (trong suốt những cuộc chiến tranh được gọi là “chiến tranh bẩn thỉu”)
và ở nhiều nơi khác. Các quân du kích cũng không ngần ngại sử dụng chiến thuật
tương tự.
Một đôi khi sự việc tương tự có thể xảy ra trong trường học. Thầy giáo
ra khỏi lớp một phút. Khi ông trở lại lớp học, ông thấy cái ghế đã bị bẻ gãy.
Thuyết phục hoặc đe doạ cũng vô ích, kẻ tội phạm không thú nhận, những học sinh
khác không nói tên thủ phạm. Thế là thầy giáo phạt cả lớp. Cả lớp phải ở lại
sau giờ học.
Cũng sự việc ấy xảy ra ở nhà. Một vài đồ vật bị ngã đổ vương vãi khi bà
mẹ vừa quay lưng đi. Không một ai thú nhận. Vậy tất cả con cái bị trừng phạt.
Không được xem tivi buổi tối.
Điều đó có xu hướng trở thành phương thế đầu tiên của chúng ta, và chúng
ta coi đó là rất khôn ngoan và công bằng. Nhưng có phải như vậy không? Trừng phạt
chín mươi chín người vô tội chỉ vì một người có tội như vậy có đúng không? Dĩ
nhiên là không. Điều đó là bất công. Bị trừng phạt vì một điều mà bạn không làm
thật là khủng khiếp. Nó để lại trong lòng bạn một cảm giác vô cùng cay đắng.
Dù có vẻ hấp dẫn, đó không phải là một giải pháp của Kitô giáo cũng
không phải là một giải pháp nhân bản. Thiên Chúa không bao giờ dùng phương thế
đó. Bài đọc 1 nói với chúng ta điều đó. Đức Giêsu cũng dạy chúng ta bài học ấy
trong dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng. Người gieo hạt sẽ không nhổ những chùm cỏ lùng
vì như thế sẽ làm lúa mì cũng bật rễ.
Vấn đề quan trọng nhất trong thời đại chúng ta là làm thế nào vượt qua
điều ác mà không gây thêm điều ác. Người ta phải kháng cự điều ác. Nhưng chúng
ta phải làm cách nào để trong quá trình đó, chúng ta không gây ra thêm điều ác.
Điều ác không thể bị vượt qua bằng điều ác, mà chỉ bị vượt qua bằng điều thiện.
9. Chú giải của William Barclay
XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN (11, 1-4)
Rapbi Do Thái thường dạy môn đệ một bài cầu nguyện đơn sơ. Gioan đã làm
như thế cho môn đệ của ông và bây giờ các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến xin thầy
mình dạy cầu nguyện. Đây là bài cầu nguyện Chúa Giêsu dạy, được Luca ghi lại.
Bài này ngắn hơn bài của Matthêu nhưng cũng đầy đủ những điều mà chúng ta cần
biết phải cầu nguyện thế nào và phải cầu nguyện gì.
1. Nó bắt đầu bằng sự xưng nhận Thiên Chúa là Cha, lời mà mọi Kitô hữu
thưa với Chúa (xem Gl 4,6; Rm 8,15; 1Phêrô 1-17). Chính lời đầu tiên này dạy
chúng ta rằng, trong khi cầu nguyện, chúng ta không đến với một Đấng phải miễn
cưỡng ban ơn cho chúng ta, song đến với một người hằng vui thích thoả mãn mọi
nhu cầu của con cái Ngài.
2. Trong tiếng Do Thái, chữ “tên” hay “danh” có ý nghĩa sâu sắc hơn là
tên gọi của một người. Chữ “danh” gồm tất cả đặc tính của người mà chúng ta
quen biết. Thánh Vịnh 9,10 nói: “Phàm ai biết Danh Ngài sẽ để lòng trông cậy
nơi Ngài”. Câu đó có nghĩa sâu hơn chứ không biết tên Thiên Chúa là Giavê. Nó
có nghĩa là người nào thấu hiểu điều tư tưởng, ý muốn và tấm lòng của Chúa sẽ
vui lòng đặt hết niềm tin cậy vào Ngài.
3. Chúng ta chú ý đặc biệt đến thứ tự các lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy.
Trước khi xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Chúa, sự vinh hiển
và tôn trọng Ngài lên hàng đầu. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ
các điều khác mới có chỗ xứng hợp.
4. Bài cầu nguyện bao quát cả cuộc đời.
a. Nó bao trùm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin
lương thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta
cầu xin. Điều này nhắc lại câu chuyện xưa về manna trong đồng vắng (Xh
16,11-21). Dân Chúa chỉ được lượm manna đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta
đừng lo một tương lai không rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.
b. Nó bao trùm tội lỗi đã qua. Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì
hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một
tội nhân đến trước Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.
c. Nó bao trùm các thử thách trong tương lai. Từ “cám dỗ” trong Tân Ước
có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ
phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ,
thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta chỉ có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.
Có người nói: Bài cầu nguyện của Chúa có hai lợi ích lớn cho giờ cầu
nguyện riêng của chúng ta. Nếu chúng ta dùng để bắt đầu giờ cầu nguyện thì nó
khơi dậy những ước muốn tốt đẹp giúp chúng ta cầu nguyện một cách xứng đáng. Nếu
chúng ta dùng để kết thúc giờ cầu nguyện thì nó tóm tắt mọi điều chúng ta phải
cầu xin Chúa.
CẦU XIN THÌ SẼ ĐƯỢC (11, 5-13)
Trong xứ Palestine, khách bộ hành thường lên đường vào buổi chiều hầu
tránh cái nóng bức buổi trưa. Trong câu chuyện Chúa Giêsu kể, có một người
khách như vậy đã tới nhà bạn mình lúc nửa đêm. Bên phương Đông, tiếp khách là một
bổn phận thiêng liêng. Chỉ cho khách ăn vừa đủ no thôi thì không được, cần cho
khách ăn dư dật. Trong các làng quê, người ta làm bánh mì tại nhà và chỉ nướng
bánh đủ ăn nội trong một ngày, vì nếu giữ lại, bánh sẽ bị cũ đi và không ai muốn
ăn.
Vị khách nói trên đã đến muộn quá khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết,
chủ nhà không thể làm tròn bổn phận thiêng liêng là tiếp khách. Và dù đêm đã
khuya, chủ nhà cũng đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng. Bên
phương Đông, không ai muốn gõ cửa nhà đã đóng, trừ khi cấp bách lắm. Buổi sáng,
cửa nhà được mở ra và cứ mở suốt ngày, nhưng nếu cửa đóng lại, đó là dấu hiệu
chủ nhà không muốn bị quấy rầy. Nhưng người đi vay bánh đã không e ngại, ông gõ
cửa và cứ gõ mãi.
Căn nhà nghèo ở xứ Palestine chỉ có một căn phòng với cửa sổ nhỏ. Nếu
nhà bằng đất phủ che khô và cành khô. Căn phòng chia làm hai phần, không phải bằng
vách ngăn mà bằng đất. Hai phần ba phòng thì nền đất thấp, phần ba kia thì nền
cao hơn một chút. Trên phần cao đó có bếp than ủ cháy suốt đêm, và cả gia đình
nằm ngủ quanh bếp đó, họ không nằm giường cao, nhưng trên những tấm chiếu. Các
gia đình thường đông người và nằm cạnh nhau cho ấm. Khi một người thức dậy thì
tất nhiên làm phiền cả gia đình. Hơn nữa, tại làng quê, buổi tối người ta đem
gia súc, gà, dê vào trong nhà. Không lạ gì, trong cảnh đó, một người đã đi ngủ
thì không muốn dậy nữa. Không lạ gì, trong cảnh đó, người vay bánh quyết tâm cứ
gõ mãi, “gõ hoài không biết xấu hổ” –đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp được dùng- cho
tới khi chủ nhà đành dậy để cho người kia mọi nhu cầu, dù sao cả gia đình cũng
bị quấy rối.
Chúa Giêsu nói: “Câu chuyện này dạy các ngươi về cầu nguyện”. Bài học
trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin, không phải chúng
ta cứ phải đập vào cửa cho đến khi ép buộc được Chúa cực chẳng đã, đành ban cho
chúng ta điều chúng ta muốn, cho đến khi chúng ta cưỡng bách được Chúa trả lời
chúng ta. Một dụ ngôn nói nôm na là một điều gì đó đặt bên cạnh. Nó cho ta thấy
sự tương đồng hay tương phản giữa hai sự việc. Chúa Giêsu ngụ ý như sau: “Nếu một
người chủ nhà khó tính và thiếu thiện chí, mà cuối cùng có thể bị cưỡng ép bởi
một quyết tâm của người bạn trì chí, để phải cho người đó mọi điều mong muốn,
huống chi Chúa là Cha Từ Ái sẽ tiếp trợ mọi nhu cầu cho con cái Ngài hơn biết
dường nào!” Chúa Giêsu phán “Nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết mình có bổn
phận tiếp trợ nhu cầu cho con cái, huống chi Thiên Chúa”.
Điều này không làm chúng ta giảm bớt hăng say và sốt sắng cầu nguyện. Dù
sao chúng ta chỉ có thể tỏ lòng ước muốn thành thực bởi sốt sắng và kiên trì cầu
nguyện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải giành giựt các ơn huệ từ tay một
Thiên Chúa không thiện chí, nhưng chúng ta đến với một Đấng biết rõ mọi nhu cầu
của chúng ta hơn chính chúng ta và Ngài là Đấng có lòng yêu thương và rộng rãi
đối với chúng ta. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, không phải vì
Chúa không sẵn lòng ban ơn cho ta, nhưng vì Ngài có ơn phúc tốt hơn để dành cho
chúng ta. Không hề có vấn đề mà chúng ta gọi là lời-cầu-nguyện-không-được-nhậm.
Sự trả lời của Chúa có thể không đúng theo điều chúng ta ước muốn hoặc trông đợi.
Dù Chúa từ chối điều mong muốn của ta, thì đó vẫn là sự trả lời bởi tình thương
và khôn ngoan của chính Thiên Chúa là Cha Từ Ái.
10. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
GIÁO HUẤN VÀ CẦU NGUYỆN
Từ lời kinh ngợi khen Chúa Giêsu dâng lên Cha (10,21-22), chương 10 đã
minh hoạ, bằng nhiều cách khác nhau, thái độ mà người môn đệ phải có đối với
Thiên Chúa. Sự kiện Chúa Giêsu cầu nguyện, rất thường được Luca nhắc đến, ở đây
được dùng làm điểm xuất phát cho một lời yêu cầu. Giáo huấn Chúa Giêsu ban gồm
ba phần: Kinh Lạy Cha, dụ ngôn người bạn quấy rầy và việc áp dụng dụ ngôn.
1. KINH LẠY CHA (11, 1-4)
Đây không phải là vấn đề cầu nguyện nói chung, cũng không phải cách thức
cầu nguyện để lắng nghe một Đấng khác. Một môn đệ xin Chúa Giêsu một bản kinh để
thêm vào những kinh chính thức của đời sống Do Thái và là lời kinh đặc điểm của
nhóm các môn đệ giống như kinh mà chúng ta không biết rõ- vị Tẩy Giả dùng trong
nhóm của ông. Ở Qumran, Luật Cộng đoàn của những người Esséniens có một thánh
thi dùng cho nghi thức đón nhận những phần tử mới, vào dịp lễ Ngũ tuần (1QS, cột
XI, hàng 2-15).
Bản Kinh Lạy Cha mà Luca có được ngắn hơn Mt 6,9-13; Nó gồm một lời khẩn
cầu, hai ước mong và ba lời thỉnh nguyện. Trước hết, người môn đệ được mời gọi,
được quyền xưng hô với Thiên Chúa bằng cách dùng cũng một ngôn ngữ mà Chúa
Giêsu dùng trong lời nguyện của Ngài: “Lạy Cha” (x. 10,21); quan hệ thẳm sâu giữa
họ với Chúa phải chăng đã không được mặc khải rồi sao (x.10,22)? Tiếp theo là
hai lời ước nguyện cũng có trong kinh nguyện Do Thái Qaddish: sự hiển thánh tôn
Danh (xin Thiên Chúa đích thân can thiệp và tự mặc khải như Thiên Chúa cách tỏ
tường, xin Ngài tỏ mình ra!) và việc Vương quốc đến (xin Chúa thân hành đến và
bày tỏ sự hiện diện cao cả và hoạt động của Ngài!). Dưới hai hình thức khác
nhau, cũng một lời khẩn cầu thống thiết được nói lên: “Lạy Cha, xin hãy đến!”;
Thiên Chúa là “đối tượng” duy nhất của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa
(c.2).
Chỉ trong giai đoạn hai các môn đệ mới nêu lên ba lời thỉnh cầu cho họ,
với tư cách là cộng đoàn (việc dùng tiếng chúng con, các câu 3-4). Thỉnh cầu thứ
nhất nói đến lương thực cho họ cần hằng ngày để sống trên đời. Ở đây có một ám
chỉ về manna, thứ bánh từ trời đã nuôi dân Chúa trong cuộc xuất hành và, theo như
sự mong đợi của người Do Thái, sẽ lại được ban làm thực phẩm cho cộng đoàn của
thời đại cuối cùng. Trong Tin Mừng Luca, bánh sự sống này, các tín hữu được mời
gọi kêu xin cho mỗi ngày. Thỉnh cầu thứ hai, xin Chúa đoái thương tha tội chúng
ta! Đó là điều tuyệt đối cần thiết để chúng ta có thể gặp gỡ Chúa đang đến, mà
không bị chết ngay vì sự thánh thiện chói sáng của Ngài. Sự tha thứ của Chúa là
một hồng ân nhưng không mà chẳng bao giờ có ai xứng đáng lãnh nhận; nhưng ít ra
phải có khả năng để đón nhận. Mà từ chối tha thứ cho kẻ khác, phải chăng không
là nguy cơ làm cho thiếu khả năng đón nhận được ơn Chúa tha tội? Một lời xin cuối
cùng xin cho chúng ta khỏi bị cám dỗ chối bỏ, khước từ Chúa Giêsu Kitô (x.
8,12; 22,40).
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong kinh Lạy Cha là: Khi đặt tất cả chú ý về
Cha như trung tâm, nó không nói một tiếng về Con mà Cha đã sai đến. Không nói
gì đến Chúa Kitô ở đây là một trong những điều có ý nghĩa hơn cả: tránh bỏ hết
mọi quan tâm đến bản thân, Chúa Giêsu luôn hướng nhìn về Cha. Chúng ta cũng để
ý một sự thinh lặng khác nữa. Trong khi mà lời kinh có tính phổ quát nhất trong
các kinh nguyện của người Do Thái, kinh Qaddish, nhắc đến “nhà Israel”, đôi khi
“thành Giêrusalem”, “Thánh điện” và “Đất” thánh, thì ở đây không có một ghi chú
nào về địa lý. Các nơi Thánh không còn hiện hữu nữa; mọi dân tộc có đọc kinh
này.
2. DỤ NGÔN NGƯỜI BẠN QUẤY RẦY (11, 5-8)
Qua dụ ngôn này thánh sử đưa ra ánh sáng một khía cạnh của kinh Lạy Cha:
đó là một lời cầu nguyện xin ơn. Mà trong lĩnh vực này, phải biết tỏ ra kiên
trì đối với Thiên Chúa, điều này rất quan trọng dưới cặp mắt của Luca, và ông sẽ
lặp lại giáo huấn này ở 18,1tt bằng một dụ ngôn khác.
Vấn nạn ban đầu bắt buộc thính giả phải có một phương diện cá nhân,
trong khi chính Chúa Giêsu sẽ nói rõ rệt về việc áp dụng dụ ngôn (xc.8). Toàn bộ
trình thuật cho thấy rõ những tương quan của con người đối với Thiên Chúa trong
lời cầu nguyện. Sẽ sai lầm khi tách rời từng yếu tố và, chẳng hạn tưởng tượng rằng
lời cầu nguyện của con người thức tỉnh Thiên Chúa hoặc là Thiên Chúa chỉ đáp lại
để khỏi bị quấy rầy. Dụ ngôn nói đến ba nhân vật. Anh chàng lì lợm có hai người
bạn không quen biết nhau. Nếu anh ta đến gõ cửa nhà một trong hai người vào giữa
đêm tối để mượn bánh, có nghĩa là người kia ở xa vừa đến nhà anh ta bất ngờ và
xin tạm trú. Người lữ hành này đi đường vào buổi chiều và một phần ban đêm để
tránh cái nóng ban ngày. Hãy để ý: anh bạn mà người đang ngủ bị đánh thức dậy
muốn đuổi khéo không xin gì cho anh ta cả, và chính anh ta mới là kẻ bị người
khác đến bất ngờ gây rắc rối nhất! Anh ta kêu gọi nhân danh tình bạn để được ba
ổ bánh, nhưng người kia từ chối giúp đỡ anh ta, không gọi anh ta là”bạn” và
không muốn làm cho con cái phải thức giấc. Kết luận của Chúa Giêsu đi từ chính
việc từ chối hành động vì tình bạn, hơn một lý do khác khiến người đang ngủ cho
điều mà người kia cần: đó là tính cách lì lợm của kẻ đi xin. Sự kiên trì đã được
trả giá.
3. ÁP DỤNG DỤ NGÔN (11, 9-13)
Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn một cách long trọng (c.9a) bằng cách mở rộng
phạm vi của cầu nguyện kể trong dụ ngôn. Giáo huấn ở đây được lấy từ Nguồn các
lời. Ngài mời gọi các môn đệ cầu nguyện (c.8) khởi đi từ một giả định về sự
khôn ngoan nhân loại (c.9). “Tìm” là một từ được dùng trong Kinh Thánh để gợi
lên sự cầu nguyện (x. Thánh vịnh 24,6; 27,8). Như cách làm của một hiền nhân,
Chúa Giêsu gợi lên ba hình thức cầu xin: xin, tìm, gõ rồi kết quả của từng việc
đó. Tuy nhiên Ngài không nhấn mạnh đến sự kiên trì của con người nhưng đến hồng
ân của Thiên Chúa; ba động từ ở thể thụ động quy chiếu về hành động của Chúa:
thì sẽ được ban cho anh em (chứ không phải “anh em sẽ nhận được”) thì sẽ mở cho
(hai lần), con người phải tin cậy và Đấng cho và mở.
Hai minh hoạ được đưa ra để biện minh cho một lòng tin cậy như thế (c.
11-12). Như trong dụ ngôn, một câu hỏi hùng biện được dùng để trực tiếp chất vấn
thính giả: Người cha nào trong anh em…? Từ liên hệ giữa bạn hữu mà dụ ngôn vừa
mô tả Chúa Giêsu nói tới liên kết giữa một người cha với đứa con của ông. Cái
lý luận tiên thiên, dẫn từ một cách cư xử mâu thuẫn với cách cư xử của kẻ có ý
thức, dựa vào giống nhau bề ngoài giữa con rắn và và con cá, giữa con bò cạp và
quả trứng. Và lại không có người cha nào trên đời làm con mình thất vọng khi
chơi cái trò dối gạt đó. Phải chăng đó không là kinh nghiệm thường ngày của từng
người?
Phải rút ra bài học (c.13) bằng cách giải thích việc so sánh giữa Cha
trên trời và một người cha trần thế. Không thể có mức độ giống nhau giữa lòng
nhân từ của Thiên Chúa và lòng tốt của cha mẹ trần gian. Như vậy, ta phải kết
luận rằng những hồng ân của Ngài vô cùng cao quý hơn. Trong khi Nguồn các lời,
mà thánh sử dùng cho các câu 9-13, khẳng định: “Chúa sẽ ban những của tốt lành
cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11), thì hồng ân tối hảo mà Chúa Cha ban cho con
cái Ngài được Luca xác định rõ: đấy là Thánh Thần. Thực ra, Chúa Thánh Thần sẽ
xuất hiện trong Công vụ, như một hồng ân đặc biệt của việc Thiên Chúa vào thời
cuối cùng (Cv 2,33-38).
11. Chú giải của Noel Quesson
Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có
một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu
nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông
Khi nhìn thấy Người cầu nguyện... họ chờ đợi bên Người, và không quấy rầy
Người. Phần chúng ta, chúng ta không có cái may mắn nhìn thấy Đức Giêsu đang cầu
nguyện. Tuy nhiên chúng ta có thể thử làm cho trí tưởng tượng của chúng ta hoạt
động... và, bằng tâm trí, nhìn ngắm Đức Giêsu đang cầu nguyện. Đức Giêsu thường
cầu nguyện lâu! Người là “vị thầy của sự cầu nguyện” không chỉ vì Người cho những
lời khuyên mà còn vì Người nêu gương cầu nguyện.
Ngày nay, có một sự phục hồi việc cầu nguyện ở mức độ nào đó. Tuy nhiên,
phần lớn con người ngày nay, nam cũng như nữ đều có khó khăn khi cầu nguyện. Vô
số những lời phê phán của tâm thức hiện tại ảnh hưởng đến tất cả chúng ta một
cách vô thức: cầu nguyện là đào nhiệm; đừng xin Chúa làm thay cho bạn, bạn hãy
xắn tay áo mình lên... cầu nguyện là một hành động ma thuật của những người sơ
khai không biết những quy luật chính xác của tự nhiên... cầu nguyện là một sự
tha hoá; bạn hãy đảm nhận tầm vóc của con người... không Chúa, không Thầy... bạn
hãy gạt bỏ những điều mê tín tối tăm...
Lạy Đức Giêsu, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện? Xin dạy cho chúng
con biết rằng sự cầu nguyện Kitô giáo không phải là bất cứ sự cầu nguyện nào.
Chúng con phải thanh luyện sự cầu nguyện của chúng con và học cách cầu nguyện.
Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha…”
Dân Do Thái đã gọi Thiên Chúa bằng “Cha” như nhiều tôn giáo khác (Hô sê
11,3; Giêrêmia 3,19; Isaia 63,16; Khôn Ngoan 5,5 v.v...).
Tuy nhiên Đức Giêsu đã đổi mới từ này, khi Người dám thưa cùng Thiên
Chúa: “Abba”! “ba ơi”.., từ ngữ chỉ sự thân mật mà trước Người ít khi người ta
dùng đến. Chính khi các môn đệ nhận thức được kinh nghiệm độc nhất của Đức Giêsu,
họ mới khẳng định Người là “Con Thiên Chúa” trong một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt.
Khi chúng ta lặp lại lời “cầu nguyện của Đức Giêsu, đến lượt mình, chúng ta dám
nghĩ rằng “Chúa Cha yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Người yêu mến
Con Một của Người” (Gioan 20,17).
Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển...
Trong Kinh Thánh, “danh” là để biểu hiện ngôi vị…Sự “thánh thiện” là điều
làm cho Thiên Chúa, bởi sự siêu việt lửa tình yêu và quyền năng, trở thành Đấng
Hoàn Toàn Khác (Tha Thể Tuyệt Đối).
Vậy trước khi nói với Thiên Chúa các nhu cầu của chúng ta, chúng ta phải
theo Đức Giêsu cầu nguyện tôn vinh chính Chúa Cha. Không có gì là ma thuật, tha
hoá trong lời cầu nguyện hoàn toàn vô tư và vô vị lợi này.
“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” có thể được diễn tả bởi: Xin Cha
hãy thể hiền sự toàn năng của Cha là lòng nhân hậu vô cùng, tình phụ tử vô
biên... xin Cha chỉ cho chúng con biết Cha là Chúa Cha... vô cùng và tuyệt đối
là “Cha”... một người Cha hoàn toàn khác chúng con, cha hơn chúng con vô cùng. Nếu
người ta có thể đặt vào một tấm lòng tình yêu thương vốn đã tuyệt vời của tất cả
các ông bà và bà má của trần gian, thì người ta chỉ có được một phần nhỏ nhoi
và thấp kém của Chúa Cha “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep
3,15).
Triều Đại Cha mau đến...
Lời cầu xin thứ hai hầu như đồng nghĩa với lời cầu xin thứ nhất. Triều đại
Cha mau đến. Xin Thiên Chúa hoạt động bên trong mọi tạo vật. Người vốn là Tình
Yêu (1 Ga4,7 đến 21) Xin Tình Yêu lên ngôi vua! Xin Tình Yêu ngự trị!
Chủ đề “Triều đại của Thiên Chúa” hiện diện thường xuyên trong Cựu ước!
Sử biên niên 16,30-33; Tôbia 13,1, Thánh. Vịnh 21,28-28.,67,33-36-97-102,19;
Isaia 11,1-9, - 33,17-24 - 54,7-12; Đanien 8,23): Trong tư tưởng của ít-ra-en
các vua trần thế chỉ là các “đại diện”, vương quyền thuộc về một mình Thiên
Chúa. Và khi tuân thủ Luật của Thiên Chúa mà ít-ra-en làm cho Thiên Chúa thực sự
trị vì.
Vào thời của Đức Giêsu đã từ lâu, không còn vua ở Giêrusalem như vào thời
của vua Đavít hoặc Salômôn. Như thế, do sự xâm chiếm của nước ngoài, sự chờ.đợi.
Đấng Mêsia đã nổi lên mạnh mẽ và được diễn tả trong kinh cầu Qaddish của người
Do Thái: xin làm cho Danh cao cả của Người được thánh hoá trong thế gian mà Người
đã tạo dựng theo ý chí của Người, xin Người làm cho Triều Đại Người được hiển
trị và sự giải thoát được nẩy mầm, Đấng Mêsia của Người đến gần”.
Đức Giêsu công bố rằng Triều Đại của Thiên Chúa đến rất gần nó đã hình
thành ở đó rồi, nhưng không phải một cách huy hoàng... như một ít men, như một
hạt giống vùi sâu trong lòng người (Mt 3,2-4-17-10,7 - 13,24-31,36-50).
Vì thế rõ ràng chúng ta không thể thực hiện lời cầu nguyện ấy mà chính
chúng ta không làm việc cho triều đại ấy lớn lên trong sự chắc chắn của Ngày
cánh chung, ngày mà dự án của Chúa Cha sẽ thể hiện sử thành công trọn vẹn, sự
hoàn tất.
Ở đây chúng ta hãy ghi nhận ràng Luca không thuật lại cho chúng ta “Kinh
Lạy Cha” được toàn thể Giáo Hội đọc và đó là Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng của
Mát-thêu. Có lẽ Luca đã rút gọn lại, bỏ bớt hai lời xin (ý Cha thể hiện và...
nhưng cứu chúng con khói mọi sự dữ). Không một thánh sử nào quan niệm phải theo
sát từng lời của Đức Giêsu mà truyền thống nhận được. Các ngài quan niệm Kinh Lạy
Cha như một định hướng tổng quát về sự cầu nguyện hơn là một định thức bất biến.
Đức Giêsu không xơ cứng điều gì, không biến điều gì thành nghi thức. Và Giáo Hội,
ngay từ những thời kỳ đầu, đã luôn luôn sử dụng nhiều công thức khác nhau trong
phụng vụ... trên nền tảng một sự thống nhất chung.
Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy
Trước hết, sau khi đã lấy các “dự án của Chúa Cha” làm dự án của chúng
ta giờ đây chúng ta có thể trình bày những ước muốn của chúng ta. Đức Giêsu gợi
ý cho chúng ta ba điều: lương thực... sự tha thứ... sự tự do đối diện với cái
chết...
Ở đây cũng vậy, Luca đã thay đổi bản văn của Mát-thêu. Vị thánh sử này
nói: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”. Luca có lẽ sống với
một cộng đoàn Kitô hữu quá nghèo khổ nên đã thêm vào một sắc thái, và nhấn mạnh:
“Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy... “ Lời cầu nguyện này rất
khiêm nhường, mặc dù không có về gì nhưng đã cáo giác tâm thức của những Người
giàu có chúng ta. Đức Giêsu không ngừng nhấn mạnh để chúng ta không nên lo lắng
quá về ngày mai (Lc 12,22-32; Mt 6,34). Trong cuộc xuất hành qua sa mạc, dân
Chúa không thể tích trữ lương thực man-na trước cho nhiều ngày (Xh 16,4). Từ ngữ
Hy Lạp “épiousios” mà người ta đã dịch là '“mà chúng con cần” chỉ được dùng ở
đây trong toàn bộ Kính Thánh. Nó nhắc đến một từ Do Thái, cũng hiếm khi gặp, được
dùng trong sách Châm ngôn: 30,8: “Xin đừng để con nghèo túng, cũng đừng cho con
giàu có; xin cho con cơm bánh cần dùng!”.
Lời cầu nguyện này khó thực hiện trong những xã hội dư thừa của chúng
ta.
Lời cầu nguyện này là của mọi người chỉ sống ngày qua ngày. Nhưng từ “chúng
con” mà chúng ta đọc, tiếp nối Đức Giêsu, rõ ràng phải buộc chúng ta bao gồm
trong kinh nguyện này mọi người đang thiếu thốn lương thực mỗi ngày. Tôi không
có quyền đọc “Kinh Lạy Cha” chỉ cho tôi: Xin Cha cho chúng con lương thực... Và
nếu lời cầu nguyện của tôi chân thật, thì nó phải khiến tôi chia sẻ lương thực
với những người đang đói.
Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc
lỗi với chúng con
So với công thức của Mát-thêu, Luca đã xác định từ “lỗi” khi dịch ra
bang từ “tội”: Thật vậy, vì tội là trở ngại lớn nhất cho Triều Đại của Thiên
Chúa cũng như cho sự chia sẻ lương thực trong tình huynh đệ? Hơn thế nữa, Luca
đã thêm từ “tất cả”, để chỉ sự phổ quát của sự tha thứ ấy mà chúng ta thực hiện
với những người khác nếu chính chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ.
Ôi! sự tha thứ ấy là điều chủ yếu của các Kitô hữu vì Đức Giêsu thường
xuyên nói về điều đó (Lc 23,34 - 6,36; Mt 11,19-26,28 - 6,14-18 - 22~5; Mc
1.1.,25; Gc 2,13). Niềm vui mà Thiên Chúa cảm thấy khi tha thứ cho kẻ tội lỗi
như thế phải trở thành viên đá thử vàng mọi hành động của Kitô hữu. Một cô bé
đã nói với thầy dạy giáo lý của cô: Một Kitô hữu chính là một người tha thứ.
Trước khi đi xa hơn trong kinh nguyện của tôi... tôi dừng lại một chốc để tôi
thật lòng tha thứ cho “tất cả những người đã có lỗi với tôi”. Và chúng ta đừng
bao giờ nói rằng sự cầu nguyện là ma thuật, vụ lợi, đào nhiệm. Đúng ra nó là một
sự dấn thân quảng đại, một yêu sách phi thường, gần như siêu phàm.
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ
Nhiều nhà chú giải nghĩ rằng đây là sự cám dỗ lớn! Cơn cám dỗ rất đáng sợ
ấy: là “đánh mất Đức tin”, “bỏ rời Đức Giêsu”. Thử thách to lớn ấy đã khiến Đức
Giêsu phải nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên
mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Trong khi kể lại cơn hấp hối của Đức Giêsu trong
vườn Ghếtsêmani, Tin Mừng của Luca đã hai lần nhắc lại lời Đức Giêsu khuyến cáo
các bạn hữu của Người (22,40 và 22,46): Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dữ… Phải,
cơn cám dỗ lớn nhất chính là bỏ rơi Đức Giêsu trong dụ ngôn người gieo hạt giống,
Đức Giêsu nhắc chúng ta phải cảnh giác: Có những người, tin trong một thời gian
nào đó và đến giờ thử thách, và bị cám dỗ, họ đã chồi bỏ đức tin (Lc 8,13) Vậy
mỗi ngày chúng ta phải chiến đấu chống lại sự ác, để chinh phục tự do... và
khiêm nhường xin Chúa ban cho ân sủng không bị “khuất phục”, bị trói buộc và
tha hoá!
Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm
đến nhà người bạn ấy mà nói: `Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn
lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả'; mà người kia từ
trong nhà lại đáp: `Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ
cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.'? Thầy nói cho
anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ
dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. “Thế
nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa
thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở
cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy
rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những
kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời
lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
Đây là kho tàng duy nhất mà chúng ta phải xin Thiên Chúa: Thần Khí của
Người!
12. Suy niệm của R. Gutzwiller
LẠY CHA CHÚNG CON (11, 1-4)
Khác hẳn với cô Matta, Maria nhận ra rằng phải có những khoảnh khắc đặc
biệt dành riêng để lắng nghe Chúa nói và thân thưa với Ngài. Đó là thời giờ cầu
nguyện. Ở đây, ta thấy Đức Giêsu giảng giải cách thực hành về chủ đề ấy.
Trong Tin mừng theo Th. Mathêu, chủ đề ấy đặt liền với bài giảng trên
núi; Thực tế chúng ta không biết Chúa đã dạy kinh Lạy Cha vào lúc nào, nhưng điểm
đó không quan trọng cho lắm, điểm cốt yếu chắc hẳn phải là chính nội dung nòng
cốt của Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha được Thánh Luca ghi lại đơn giản, vắn tắt hơn nơi Th.
Mathêu. Nơi Thánh Luca, lời cầu xin thứ ba và thứ bảy không có. Dĩ nhiên thánh
ký phải nhận rằng, khi hoàn tất cả hai phần của kinh đó, thì hai lời cầu xin bị
bỏ kia đều ngậm thực sự trong những lời cầu xin trên. Khi ghi lại kinh lạy Cha,
thánh sử cố tìm sự đơn giản tối đa; nên chúng ta càng phải tìm hiểu những ý tưởng
cô đọng ấy, những ý tưởng tập trung, ẩn tàng dưới vẻ ngắn gọn của những lời cầu
xin này.
‘Chúng con nguyện danh Cha cả sáng’.
Đây không phải là một yêu sách, một quyết ý mà chỉ là một lời cầu xin.
Thiên Chúa phải làm cho danh Ngài cả sáng tức là làm cho loài người nhận rõ sự
thánh thiện của Ngài hơn nữa và khiến cho sự thánh thiện ấy chiếu tỏ rạng ngời.
Mọi cái thuộc về nhân loại và trần thế phải được Thiên Chúa chiếu sáng.
Vĩnh cửu soi rọi cho tạm bợ, hằng hữu cho mau qua, bất biến thay cho biến đổi.
Trời cao sẽ thống trị trái đất, tuyệt đối sẽ làm chủ tương đối, tất yếu sẽ đứng
trên bất tất, con người tự do thay cho phận nô lệ, thánh nhân thế chỗ tội nhân,
người thanh sạch thế kẻ nhơ uế, người được thương xót thế tội phạm; nhất là những
gì còn bấp bênh và không bền vững sẽ được thay thế bằng cái kiên vững tối hảo,
những gì là bất an sẽ được thay thế bằng bình an rất mực, hạn hữu sẽ được thay
thế bằng vô biên.
Danh Ngài và qua Danh Ngài là chính Ngài tỏ hiện rõ ràng nơi Đức Giêsu
Kitô. Chúa Con là mặc khải của Chúa Cha. Danh tánh Đức Giêsu có nghĩa là: Đức-Giavê
là nguồn cứu độ. Như thế có nghĩa: nhờ Đức Giêsu, danh Thiên Chúa cứu độ và
thánh hoá được loan truyền.
Thiên Chúa là Đức Chúa. Đức Giêsu nhận biết điều ấy trong một cuộc đời
luôn vâng phục hoàn toàn, vâng phục Ngài như bậc Thầy Tối cao và lại công bố
như thế cho loài người tệ bạc. Đức Giêsu đã sống trong tình yêu Cha mình và đã
chứng tỏ cho mọi người biết Thiên Chúa là tình yêu.
Do đó, lời cầu xin ‘cho Danh Cha được hiển thánh’ trên môi Ngài phải có
một âm vang đặc biệt.
‘Nước Cha trị đến’. Theo Thánh Luca, lời nguyện xin này hàm ẩn cả lời
nguyện xin thứ ba: ‘Ý Cha được thể hiện’. Như vậy, Nước Cha được hình dung là
vương quyền tối cao của Thiên Chúa; nên ý Cha phải được thể hiện khắp mọi nơi,
vì ý Cha là khôn ngoan và yêu thương. Nơi nào ý Cha chủ trị, thị mọi sự đều ổn
thoả theo sự khôn ngoan Ngài và tràn ngập tình yêu Ngài.
Đó là một vương quốc hoà bình, vì hoà bình chẳng qua là yên hàn trong trật
tự. Và đó là một vương quốc tình thương vì quyền uy và thế lực tối cao không phải
chiếm được bằng bạo lực nhưng là bằng sự nhận biết cách vui vẻ. Mỗi một việc phục
vụ –khi nhắm phục vụ Thiên Chúa- đều hoàn thành với sự tự do vương giả.
Và theo lối nói xưa của sách Khải Huyền, tất cả những ai thuộc về vương
quốc của Thiên Chúa, đều là những vị hoàng vương tư tế, những vị tư tế (hoàng
vương).
Nước Thiên Chúa là ước mơ cao nhất của nhân loại, là sự thể hiện mọi lý
tưởng, vượt quá mọi thế lực chính trị, xã hội và Kinh tế. Nhưng sự hiểu thánh
danh Thiên Chúa cách trọn vẹn và việc thiết lập vững bền Nước Thiên Chúa là những
giá trị có tính cách cánh chung. Những giá trị này chỉ thành toàn khi Chúa lại
đến, khi bản tính Thiên Chúa tỏ hiện rõ ràng trong vinh quang Ngài và khi Nước
Thiên Chúa đạt đến sự viên mãn.
‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’. Giữa hai lời nguyện xin về bản
tính ‘siêu nhiên’ của chính Bản thể Thiên Chúa về nước Thiên Chúa và hai lời
nguyện xin sau nói về ‘hạ nhiên’ (infra naturel) (tội và cám dỗ), là một lời cầu
xin về lương thực xét trên bình diện hoàn toàn có tính cách phàm nhân. Bánh được
coi là thứ lương thực hàng đầu trong số những thực phẩm trần thế. Con người, vì
là Con Thiên Chúa, không thể bị cơn đói dằn vặt và cũng không được sống trong sự
quá dư thừa. Do đó cũng cần phải xin Cha cho được lương thực cần thiết mỗi
ngày. Một khi con người cứ phải đương đầu với cơn đói, thì hẳn là chẳng còn hơi
sức đâu, thời gian nào để nghĩ tưởng đến những thực tại trên cao.
Con người có thể liều mình sa vào hố thất vọng và có nguy cơ tráo trở với
Thiên Chúa. Nhưng nếu con người đắm chìm trong của ăn thức uống, thì cái bản
ngã tuyệt hảo của hắn sẽ chết ngạt trong chủ nghĩa tôn thờ vật chất. Con người
sẽ héo hắt vì thiếu của ăn áo mặc, đang khi đó sự dư thừa lại cản ngăn con người
sống tự do về mặt thiêng liêng. Giữa hai thái cực đói kém và dư thừa, một chỗ đứng
thích hợp nhất phải là sự điều hoà cân xứng và chỉ có như vậy, con người mới có
thể sống đạo đức được.
Đó là lý do tại sao lại có lời nguyện xin này, một lời cầu đề cập đến sự
an toàn trong khuôn khổ và không gian, thuộc về trần thế và trong môi trường.
Lời cầu nguyện ấy cũng có thể bao hàm một ý nghĩa bao quát hơn, thuộc
lãnh vực tinh thần. Lời Thiên Chúa trở nên lương thực nuôi tâm hồn, nên của ăn
tinh thần. Con người khẩn cầu Thiên Chúa ban cho Lời hằng sống ấy. Con người
xin Thiên Chúa ngỏ lời với thụ tạo và con người xin cho mình cũng hiểu được lời
đáng nghe của Thiên Chúa phát ra tự đáy lòng, thứ lời đã được ghi chép trong
Thánh kinh và con người xin cho được sống bằng lời ấy. Bởi vì ‘con người không
chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra’ (Mt
4,4)
Bánh còn có nghĩa về mầu nhiệm Thánh Thể ‘Bánh Ta sẽ ban chính là thịt
Ta để cho thế gian được sống’. Con người rất cần thứ bánh nhiệm mầu ấy để khỏi
bị chết ngạt bởi những lo âu về kinh tế.
Sau hết, Bánh đây chính là Đức Kitô. ‘Ta là Bánh sự sống’. Bởi thế, lời
cầu xin này tuy phát xuất do những nhu cầu thiêng liêng và siêu nhiên, để rồi
sau cùng lại gán cho chính Chúa.
Nó là giả thiết một thần học về bánh, bởi vì với nhãn quan người Kitô hữu,
mọi sự đều được thánh hiến và thánh hoá cách đạo hạnh.
‘Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Trước
Thiên Chúa, con người là kẻ mắc nợ. Đối với người đạo đức, tội lỗi là một gánh
nặng chèn ép họ. Nó làm cho họ phải xa rời Thiên Chúa, dựng lên một bức tường
ngăn cách họ với Thiên Chúa, phá huỷ những mảnh vườn đầy hoa tươi nở, làm tan
hoang bình địa mọi công trình xây dựng.
Tội khiến đời sống trở nên mù tối, và làm cho con người nên như trò cười
đáng mỉa mai. Hình ảnh Thiên Chúa bị bôi nhọ và đền thánh bị tục hoá. ‘Ích gì
cho con người chiếm được cả thế giới mà để mất linh hồn’. Dĩ nhiên, tội làm
thương tổn linh hồn, tệ hơn nữa, nó còn làm mất đời sống siêu nhiên mà Thiên
Chúa ban cho con người, và như thế, tội còn làm cho con người không được dự phần
vào chính Thiên Chúa. Tội phá huỷ mọi niềm hy vọng vĩnh cửu, tội ngăn chặn mọi
nẻo đường dẫn đến tương lai.
Và vì thế, lời cầu xin tha thứ là một lời khẩn cầu cấp bách. Những ai đã
được tha thứ, thì chính mình cũng phải biết thứ tha. Đã hưởng lòng Chúa xót
thương, con người không thể cứng lòng với tha nhân. Kẻ có nợ được chủ nợ tha
cho hoàn toàn, thì chính kẻ ấy cũng không thể là một chủ nợ nghiêm khắc.
Ở đây lời nguyện xin trở thành một yêu sách, một đòi hỏi.
‘Chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ’. Theo Thánh Luca, lời nguyện xin này
bao gồm cả lời nguyện xin giải thoát khỏi sự dữ và Satan. Cơn cám dỗ là con đường
của vực thẳm, là lối đi dẫn tới hoả ngục,là khu vực của quỉ ma, là sự gần kề đầy
doạ nạt của địa ngục, của những bóng đen ghê rợn quái ác luôn rình mò lượn
quanh con người.
Ân sủng là khí giới, là sự bảo đảm chở che… Ánh sáng từ trời xuống đánh
tan những bóng tối dữ tợn. Và tiếng nói từ trên cao càng vang dội mạnh bao
nhiêu, thì tiếng gầm thét của vực thẳm càng cố vươn lên bấy nhiêu. Chỉ có bàn
tay Thiên Chúa mới gìn giữ canh chừng con người thoát khỏi rơi vào nguy hiểm,
vào vực thẳm. Chỉ nơi Ngài, đời sống đầy chông gai thách thức mới tìm được sự
an toàn đảm bảo.
Như vậy, theo Thánh Luca, năm lời cầu xin cấu thành một toàn bộ trọn vẹn,
ôm lấy hết toàn thể đời sống con người, đang bị phân rẽ giữa hạ giới và thiên
thượng, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và tăm tối, giữa sự sống và sự chết.
Đó là giải pháp mà Chúa Giêsu trả lời cho môn đệ khi họ xin. ‘Lạy Thầy,
xin dậy chúng con cầu nguyện’.
Cầu nguyện là một việc mà con người khó thực hiện. Vì thế phải luyện tập.
Chính Thánh Gioan Tẩy giả đã dạy các đồ đệ cầu nguyện. Nhưng Giáo huấn của Chúa
Kitô thật khác lạ; Chỉ bằng vài lời, đã nói lên được tất cả, một sự sung mãn
phong phú qui kết vào 5 lời nguyện xin chi phối toàn bộ đời sống và hướng về
Thiên Chúa Duy Nhất, là Cha hết mọi người.
CẦU NGUYỆN THỰC SỰ (11, 5-13)
Trong việc dạy họ cầu nguyện, Đức
Giêsu đã nói lên cái ‘cốt cách’ của việc cầu nguyện, bằng cách nhấn mạnh những
đặc tính hết sức quan trọng, là sự kiên trì và tín thác.
1. Kiên trì
Dụ ngôn sau đây tỏ rõ cho thấy thế nào là kiên trì. Đây là một vài nét
chính: một người kia, bổn tính không hay giúp đỡ nhưng sau cùng phải thua tính
cố nài nẵng của người xin.
Lòng kiên tâm cầu nguyện cho thấy hoàn cảnh chung quanh cũng phải tuỳ
thuộc và như là một chủ đề cốt tuỷ. Một người Cha trong một gia đình kia, giữa đêm
trường, đang ngủ yên, cửa đóng then cài, lối vào cũng đầy những đồ đạc lỉnh kỉnh;
ở gian trong, cả nhà ngon giấc, hết thảy, chồng, vợ, con cái đều yên giấc. Nếu
phải mở cửa, ông phải chỗi dậy, khó nhọc lắm mới thắp nổi ngọn đèn ở dưới đấu
và đặt trên giá đèn, không khéo lại va vào chân đám trẻ, lấy bánh ra, mở then,
mở chốt, đẩy cửa kẽo kẹt,…. Nói tắt rằng, ai nấy đều bị thức giấc, và mọi cái đều
lộn xộn xáo trộn.
Như thế, ta hiểu ngay lý do tại sao ông ta từ chối. Tuy nhiên, mọi trở
ngại đều bị thắng vượt, không còn nghĩ tới nghĩ lui gì nữa, chỉ còn lo sao để
thoả mãn người ăn xin đang quấy nhiễu nài nỉ luôn miệng không thôi. Áp dụng vào
thật quá rõ. Người van xin phải nài nỉ không biết mệt mỏi: có như thế mới được
điều mình xin, cửa sẽ mở cho vào, tìm thì sẽ thấy.
Tuy nhiên, một vấn nạn khiến ta lo ngại: Tại sao Thiên Chúa lại để cho
con người phải đợi chờ? Chỉ cần Ngài nhận lời là mọi trở ngại sẽ mất đi, không
còn quấy nhiễu gì nữa…
Có thể giải đáp thế này: không thể đổ lỗi kỳ hạn cho Thiên Chúa, như trong
dụ ngôn người cha nọ cứ để cho người xin kia phải chờ đợi cho đến khi ông ta sẵn
lòng. Ở đây hẳn là không như thế, việc nhận lời có bị trì hoãn là do chính người
xin, chính ông này phải biết gia tăng cầu nguyện ráo riết hơn nữa. Khẩn cầu
liên lỉ liên kết người ấy với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến họ phải ý
thức hơn về tình trạng bất lực riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn
vẹn cho Thiên Chúa và do đó, sau khi Ngài nhận lời, người ấy sẽ nhận biết Ngài.
Việc dạy cầu nguyện bao hàm thái độ chờ đợi kiên nhẫn ấy. Chờ đợi hẳn là
một đặc ân của con người. Không nên đánh giá tôn giáo như làm một việc lạ lùng,
và cũng không nên coi cầu nguyện van xin như một thứ nút điện đơn giản cứ ấn xuống
là được. Mà là một hành vi của ngôi vị, một sự đi sâu đầy khí lực của một thái
độ trước Thiên Chúa, chiêm ngắm Ngài, tâm sự với Ngài và vươn tới Ngài.
Bởi thế, lời cầu xin -kiên trì cầu xin- phải mang một dấu hiệu nói lên ý
nghĩa đạo đức đích thực.
2. Tín thác
Cái lối lý luận trên được thực hiện
theo kiểu ‘huống nữa là…’ một kiểu so sánh từ cái nhỏ đến cái lớn (a minore ad
majorem). Con người vốn hẹp hòi và tầm thường. Đức Giêsu quả quyết điều này: ‘Vậy
nếu các ngươi là những kẻ ác…’ Tuy con người thật đê tiện, hẹp hòi, vụ lợi, và
cứng lòng mà còn không chối từ, lời của người van xin, nhất nữa lại là con
mình, xin bánh, cá hay trứng. Giống vật cũng chẳng làm như vậy khi cho con cái
đang đói hòn đá, rắn độc hay bò cạp. Vậy nếu điều ấy khó coi đối với con người,
vốn tính xấu xa, thì đối với Thiên Chúa nói làm sao đây!.
Thiên Chúa không ác độc xấu xa, nhưng đầy thiện hảo tốt lành; Ngài không
hẹp hòi tư kỷ, nhưng hay thương xót. Ngài không nghiêm khắc cứng cỏi, song hiền
từ lân tuất, thì Ngài càng phải nhận lời nhân loại kêu xin gấp bội phần.
Nhưng lại một vấn nạn đặt ra cho chúng ta: kinh nghiệm cho ta thấy một
điều trái nghịch. Vì dù con người vẫn luôn kiên trì cầu nguyện và luôn tín
thác, mà họ vẫn phải thất vọng –và thực sự thất vọng hoàn toàn!- Vì trong cuộc
sống họ thấy những hy vọng được nhận lời đã tan theo mây khói: điều người ta
mong tồn tại thì lại tiêu tan, cái người ta mong thành đạt thì không được thoả
mãn.
Đức Giêsu trả lời như sau khiến ta khó có thể lãnh hội ý nghĩa: ‘Huống hồ
Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người’. Ở đây
ta lại gặp cái lối lý luận ‘huống nữa là…’.
Chúng ta thường xin với những ý định tầm thường quá: nào là nhu cầu thể
xác, nào là mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái
gây lầm lạc cho mình nữa.
Thiên Chúa thoả mãn ta bằng những điều thiện hảo rất cao quý; Ngài ban
Thánh Thần cho ta, mà Thánh Thần Thánh hoá nội tâm. Bởi vậy, không có lời cầu
xin nào bị bỏ qua mà không được nhận lời. Ta chẳng thể nhìn thấy việc Ngài nhận
lời ta, như Thánh Thần thánh hoá làm sao ta thấy được.
Thực ra, khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong
phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin
kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy
nhiêu.
Bởi vậy hai yếu tố hoà trộn mật thiết với nhau khi cầu nguyện phải là:
kiên trì và tín thác. Với hai yếu tố ấy, con người được tràn đầy Thiên Chúa,
luôn thêm mãi và sâu đậm hơn. Đó mới là điều thiện hảo tối cao Thiên Chúa ban
cho con người và con người nhận được cách rõ rệt.
Chúng ta không được mệt mỏi trong
việc kiếm tìm, nguyện xin và gõ cửa. Và chúng ta cũng sẽ không hề biết mỏi mệt
khi chúng ta hiểu được điều từ miệng Đức Giêsu thốt ra trong giờ phút sau cùng:
chúng ta thuộc về Chúa.
13. Chú giải của Fiches Dominicales
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI CON THẢO
NƠI CÁC MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Như chúng ta đã học biết nơi Đấng Cứu Thế.
Tin Mừng theo thánh Luca, mở đầu bằng lời cầu nguyện của người Do Thái
trong Đền Thờ và kết thúc bằng lời cầu nguyện của cộng đoàn các môn đệ “không
ngừng chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ”, dành một vị trí ưu tiên cho cầu nguyện
của Đức Giêsu.
+ Một lời cầu nguyện mà từ ngày chịu phép rửa ở sông Giôdan đánh dấu tất
cả những thời điểm quan trọng trong sứ vụ của Ngài.
+ Một lời cầu nguyện của con cái, dâng lên Thiên Chúa với sự đơn sơ và
thân thiết của trẻ thơ: “Abba”, nghĩa là: “Lạy Cha”.
+ Một lời cầu nguyện, mà các môn đệ đã là những nhân chứng, không chỉ bằng
mắt thấy, mà còn bằng tai nghe, vào thời đó, người ta không biết cầu nguyện nhỏ
tiếng, và ‘cầu nguyện’, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘nêu lên’. Cha George
viết: “Các môn đệ đã phải nghe Đức Giêsu cầu nguyện lớn tiếng, và chính trong
các biến cố quan trọng, mà các ông đã có thể hình thành cho mình một ý tưởng cầu
nguyện riêng.
Đức Giêsu muốn người ta nghe Người cầu nguyện, Người muốn xác định lời cầu
nguyện của chúng ta bắt nguồn từ lời nguyện của Người (Cahiers-Evangiles, số 5,
trg 43).
Trong khi thánh Matthêu thuật việc truyền lại kinh “Lạy Cha” trong khuôn
khổ Bài Giảng Trên Núi, thì thánh Luca lại đặt nó trong khuôn khổ của cuộc hành
trình về Giêrusalem, thành phố mà ở đó, Đức Giêsu sẽ trút hơi thở cuối cùng
trong lời nguyện sau cùng. Đức Giêsu, “ở một nơi nào đó”, “đang cầu nguyện”,
và, khi Người đã cầu nguyện xong, một trong các môn đệ xin Người: “Lạy Chúa,
xin dạy chúng con cầu nguyện. Đây không phải là vấn đề cầu nguyện chung chung,
mà là lời cầu nguyện, thêm vào những lời cầu nguyện chính thức của niềm tin Do
thái sẽ nêu rõ nét đặc trưng nhóm các môn đệ của Người, theo cách thức - mà
chúng ta không biết - mà “Gioan Baotixita dạy các môn đệ ông”. Một lời cầu nguyện
tập trung vào điểm chính yếu của sứ điệp Người và xây dựng cộng đoàn các môn đệ
chung quanh Người.
Đức Giêsu đáp lại lời cầu xin của ông bằng một lời cầu-nguyện-kiểu-mẫu.
Một lời cầu nguyện mà từ nay, căn cứ vào đó, tất cả các lời cầu nguyện Kitô
giáo sẽ phải rập theo, cách này hay cách khác: đó là kinh “Lạy Cha”.
Louis Monloubou nhận xét: “Những hoàn cảnh; trong đó lời cầu-nguyện-kiểu-mẫu
được phát biểu rất đặc biệt. Chúng giúp các Kitô-hữu hiểu rằng, lời cầu nguyện
của họ là sự nối dài lời cầu nguyện của Đức Giêsu; lời cầu nguyện đó phải là sự
bắt chước, phản ảnh... Các môn đệ đã nhìn thấy Chúa cầu nguyện, nên đã xin Người
hướng dẫn họ cầu nguyện; nói khác đi đưa dẫn họ vào lời cầu nguyện của Người. Đức
Giêsu đồng ý bằng cách công bố kinh Lạy Cha. Khi cầu nguyện bằng kinh nầy, và
khi hiểu thấu những tình cảm hay ý hướng nó diễn tả, các Kitô-hữu cầu nguyện
như Đức Giêsu: “Nhờ người, với Người, trong Người” là một công thức về sau sẽ
diễn tả điều mà thánh Luca gợi ý (L'évangile de Luc Salvator, trg 194-195).
2. Chúng con dám nguyện rằng: “Lạy Cha”
Khác với thánh Matthêu, “kinh lạy Cha“ của thánh Luca ngắn hơn, bao gồm
một lời cầu khẩn, hai ước nguyện và ba lời xin ơn.
Một lời cầu khẩn. Để thưa với Thiên Chúa, kinh này lấy lại từ ngữ mà Đức
Giêsu, ngôi Con, dùng trong lời nguyện của riêng ngài: “Lạy Cha” (“Lạy Cha
chúng con” trong thánh Mátthêu). Lập tức, lời này mạc khải cho chúng ta chiều
sâu của mối liên hệ giữa Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa.
Jean-Luc Vesco cắt nghĩa: “Lời cầu nguyện Kitô giáo, giúp môn đệ Đức
Giêsu bước vào sự thân mật duy nhất liên kết Chúa Con với Chúa Cha. Trong lời cầu
nguyện của Người con thảo, người Kitô hữu có thể lấy lại lời cầu khẩn này của Đức
Kitô: “Lạy Cha” (Gl. 4, 6; Rm. 8, 15). Tiếng kêu Cha đó có tính cách năng biệt,
cá nhân. Nó diễn tả một sắc thái thân mật và cũng muốn nhấn mạnh là, mối liên hệ
duy nhất và đặc biệt mà Chúa Con có với Chúa Cha cũng là mối liên hệ nối kết tất
cả các Kitô hữu với Thiên Chúa”. (“Jérusalem et son prophète”, trg 72).
- Hai ước nguyện, cùng có song song trong lời nguyện Do Thái Qaddish.
+ Sự thánh hoá Danh Thiên Chúa: chớ gì Thiên Chúa can thiệp và tỏ rõ
mình là Thiên Chúa, ước mong người được mọi người nhận biết?
+ Nước Ngài trị đến: chớ gì Thiên Chúa đích thân ngự đến và tỏ lộ ra sự
hiện diện cao cả và năng động của Ngài!
Như thế, H. Cousin nhận xét: “Lạy Cha, xin ngự đến” đã được làm thành
công thức dưới hai hình thức khác nhau; Thiên Chúa là “đối tượng” duy nhất của
lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa (L’evangile de Luc, Centurion, trg 162).
- Ba lời xin ơn, được diễn tả, không phải ở ngôi thứ nhất số ít: “Con”,
nhưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng con”, các môn đệ thân thưa với Thiên
Chúa cho chính họ với tư cách là một cộng đoàn.
+ Lời xin ơn thứ nhất hướng về “cơm bánh mà chúng con cần mỗi ngày” để
tiếp tục cuộc hành trình. H. Cousin nhận xét: “Trước tiên ở đó, có sự ám chỉ đến
manna, bánh từ trời đã hồi phục dân Thiên Chúa trong thời kỳ xuất Hành, và theo
sự mong đợi của dân Do Thái, bánh này sẽ lại được trao ban như là lương thực
cho cộng đoàn của thời sau hết. Nơi thánh Luca, các tín hữu được mời gọi cầu
xin Bánh hằng sống nầy hằng ngày”. (Sđd).
+ Lời cầu xin thứ hai nhắm đến “sự tha thứ tội lỗi của chúng con”. Ơn
tha thứ là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa, không có ơn tha thứ, chúng ta sẽ
không thể nào sống trong tình thân với thiên Chúa, vì chúng ta là những con nợ
không có gì để trả. Ơn tha thứ đó cần thiết cho chúng ta còn hơn là cơm bánh.
Hơn nữa, chúng ta còn phải tha thứ cho các con nợ của chúng ta, nếu không, Thiện
Chúa sẽ không thứ tha cho chúng ta.
+ Sau cùng, lời xin ơn thứ ba liên hệ đến sự trợ giúp trong “cơn cám dỗ”.
Một lời cầu xin mà bản tiếng Pháp dịch là: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“
có ý nghĩa mơ hồ. Chúng ta không xin cho chúng ta được miễn trừ khỏi cơn cám dỗ
hay thử thách: Chính Đức Giêsu đã chẳng được Thánh Thần đưa đến hoang địa để chịu
ma quỉ cám dỗ đó sao (Luc 4)? Chúng ta cầu xin đừng sa chước cám dỗ, theo ý
nghĩa của lời cầu cho Phêrô, trong 22,32: “Thầy cầu nguyện cho con, để con
không mất đức tin”. Chúng ta cầu xin cho thử thách không làm chúng ta ngã quỵ
cho chúng ta đừng sa vào kế hoạch của Tên Cám Dỗ.
3. Trong một lời nguyện tin tưởng và kiên trì:
Rồi, Đức Giêsu tiếp nối bằng một dụ ngôn và những lời cắt nghĩa.
- Dụ ngôn là dụ ngôn người bạn quấy rầy, nhân danh tình bạn, không sợ làm
phiền một trong những người bạn của mình, ngay “lúc giữa đêm”, và không ngại
năn nỉ đến độ “sỗ sàng”, để giúp đỡ một người bạn khác, đường xa mới đến. Cũng
chính với sự tin tưởng, sự kiên trì, táo bạo, làm nền tảng cho tình yêu của Người
mà chúng ta dám thân thưa với Thiên Chúa: Đức Giêsu nhấn mạnh, các con hãy xin,
thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ, thì cửa sẽ mở cho các con.
Là người cha tốt lành, Thiên Chúa không thể không lắng nghe lời cầu nguyện
của con cái Người. Tốt lành hơn mọi người cha trên trái đất, Chúa Cha trên trời
sẽ trao ban cho những ai cầu xin Người ơn huệ tuyệt hảo: Chúa Thánh Thần. Cách
nay hai tuần, khi đọc dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, chúng ta biết rằng, để
đi theo Đức Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta phải bước qua con đường tình yêu tha
nhân, một tình yêu vượt trên tất cả mọi thứ lề luật. Chúa Nhật vừa qua, trong
nhà của Mátta và Maria, chúng ta khám phá ra rằng con đường nầy là con đường lắng
nghe Lời Chúa. Hôm nay, chúng ta được báo cho biết, con đường nầy cũng là “con đường
của lời cầu nguyện khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì, con đường trao ban
Thánh Thần và sẽ được Người tác động” (J.L. Vesco, sđd, trg 75).
BÀI ĐỌC THÊM.
1. “Vượt ra khỏi những thói quen của những kẻ xin xỏ tầm thường”
Ở đây không phải những nhu cầu của con người là giai đoạn đầu tiên của
hành trình tôn giáo. Chính Thiên Chúa đã trao cho Abram một lời yêu cầu: “Ngươi
hãy đi khỏi xứ sở của ngươi và đi đến xứ sở mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Vai trò của
con người trong tôn giáo mới nầy, rõ ràng là đón nhận lời Thiên Chúa; lắng nghe
lời yêu cầu của Ngài và vui lòng đáp lại. Điều đó thay đổi tất cả. Thiên Chúa
không còn được kêu cầu để phục dịch con người nữa. Ngược lại, con người tìm đến
phụng sự Thiên Chúa...
Lời cầu nguyện Kitô giáo, rất có thể là lời xin ơn, nhưng không bao giờ
bắt đầu từ chúng ta vã những nhu cầu của chúng ta. Nó luôn luôn bắt đầu từ
Thiên Chúa. Gọi Thiên Chúa là Cha, là nhìn nhận sự hiện hữu của Người cũng vững
chắc như sự hiện hữu của một người cha bình thường của tất cả mọi người... Gọi
Thiên Chúa là Cha, có nghĩa là, chúng ta từ chối làm cho đức tin chúng ta tuỳ
thuộc vào cách thức chúng ta được nhậm lời. Nói với Người, chớ gì ý cha được thể
hiện, cũng có nghĩa là, nhìn nhận rằng, ngay cả khi không thấy Người nhậm lời
như mong muốn, chúng la vẫn chắc chắn rằng, ý muốn của Người luôn luôn là tốt
lành và có thể là chúng ta không hiểu biết hết điều chúng ta cầu xin..
Chúng ta đừng xấu hổ vì những lời xin ơn. Chúng ta hãy dám khẩn khoản
Thiên Chúa cho những nhu cầu riêng tư của chúng ta, và những nhu cầu, cho dù rất
ghê gớm, của anh em nhân loại. Đơn giản là chúng ta đừng làm điều đó theo cách
thế của dân ngoại. Khi lời cầu xin của chúng ta hình như không được nhậm lời,
chính lúc ấy, thái độ bên trong sẽ giúp chúng ta biết mình có phải là người có
đức tin hay không, tình yêu của mình: đối với Chúa có hoàn toàn dính liền với
những lợi lộc hy vọng có được từ mối liên hệ nầy hay không, hoặc sự tin tưởng
có vượt lên trên nổi thất vọng hay không.
2. Lời cầu nguyện: mặt khác của mầu nhiệm Thiên Chúa
Cầu Nguyện! đó là một từ ngữ của đức tin. Một tín hữu mà không cầu nguyện
thì còn có nghĩa gì nữa!
Thế nhưng, phải nhận là điều đó không dễ dàng gì. Cầu nguyện là một thử
thách, nhất là khi lời cầu nguyện không được phụng vụ hoặc một cộng đoàn nâng đỡ
cầu nguyện, như là mặt khác của mầu nhiệm Thiên Chúa, mất nhiệm của Thiên Chúa
sống động trống con người. Một dấu vết mờ nhạt và nóng bỏng.
Thiên Chúa là Đấng Thánh, đó là lời nguyện chúc tụng. Thiên Chúa là Đấng
Tốt Lành, đó là lời nguyện cầu xin.
Không cần phải nhấn mạnh đến lời chức tụng. Nó nằm trong kinh Lạy Cha:
nguyện Danh cha được hiển thánh. Yêu mến ai, là nói với người ấy tất cả những từ
ngữ tỏ lòng trân trọng. Huống chi là đối với Thiên Chúa.
Thế nhưng lời nguyện xin ơn, có thể gây ra vấn đề. Trước hết, những người
tinh thần mạnh mẽ thì cho rằng, thật là vô ích và ấu trĩ khi cầu xin Thiên Chúa
điều mà Người biết rõ hơn chúng ta.
Đó cũng là cơn cám dỗ của những người yếu đuối, tôi muốn nói những người
cầu xin Thiên Chúa những ơn lành một cách vụng về hay hiển nhiên lệch lạc. Làm
gì đây?.
Trước hết, đừng bao giờ xem Thiên Chúa như là một người phân phát ơn huệ
một cách máy móc. Hay là theo kiểu đổi chác: “Tôi cho Ngài, Ngài cho tôi”. Tệ
hơn nữa: đừng bao giờ đặt Thiên Chúa trước một tối hậu thư. Không đổi chác,
không tối hậu thư, lời cầu xin đích thực trước hết chấp nhận chúng ta sẽ không
được nhậm lời như chúng ta hiểu biết hay mong muốn. Như thế, không được điều
mình cầu xin cũng có thể là một ơn huệ. Bởi vì Thiên Chúa luôn luôn ban cho
chúng ta điều Người đã hứa: Thánh Thần của Người. Trong tất cả những gì anh em
cầu xin, hãy cầu xin Thiên Chúa và Thánh Linh của Người, và anh em sẽ được tràn
đầy.
14. Chú giải của Lm Vũ Phan Long
LỜI KINH CỦA CHÚA - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
Bởi vì Người biết và luôn luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa, bởi vì Người
cũng biết ý nghĩa và cùng đích của đời sống chúng ta, Đức Giêsu có thể dạy
chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa hơn bất cứ ai trước Người.
1.- Ngữ cảnh
Trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem, tác giả Luca ghép
vào một giai thoại trong đó Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, vì các ông xin
Người.
Hình thức của Kinh Lạy Cha ăn khớp với ngữ cảnh này, vì bản văn được đặt
sau lời kinh Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha (10,21-22), cũng như sau “ví dụ” của
Người về tình thương đối với người thân cận (10,29-37) và việc Người nhấn mạnh
trên việc lắng nghe Lời như điều cần thiết duy nhất (10,38-42). Toàn khối các
giai thoại này giới thiệu cho biết thái độ và những tâm tình người Kitô hữu phải
có đối với Thiên Chúa.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Hoàn cảnh (11,1);
2) Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (11,2-4);
3) Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng hai dụ ngôn (11,5-13):
- Dụ ngôn Người bạn quấy rầy (cc.
5-8),
- Sáu khẳng định (cc. 9-10),
- Dụ ngôn Người cha và đứa con
(cc. 11-13).
3.- Vài điểm chú giải
- Lạy Cha (2): Tác giả chỉ dùng hô-cách Hy-lạp đơn giản: pater (x.
10,21), tương đương với từ A-ram ’abbâ’. Do chỗ từ này được lưu giữ trong Mc
14,36 (x. Gl 4,6; Rm 8,15), có thể cho rằng kiểu thưa gửi trong bản văn Lc thì
“gốc” hơn kiểu trong Mt (với công thức “Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”).
Một số tác giả như Kittel, Jeremias và Marchel nghĩ rằng đây rất có thể
là một từ ngữ của các em bé (G. KITTEL, VAbba/, GLNT, vol. I, col. 15-18; J.
JEREMIAS, Abba. Studien zu neutestamentlichen Theologie und Zeitgeschichte
(Gưttingen 1966) 15-67; W. MARCHEL, Abba, Père (Roma 1963, 1971). Còn Pitta thì
cho rằng không phải chỉ có các em bé mới dùng từ này mà thưa với cha, nhưng cả
người lớn cũng dùng để ngỏ lời với cha (A. PITTA, Lettera ai Romani. Nuova
versione, introduzione e commento (I Libri biblici – Nuovo Testamento 6; Figlie
di San Paolo; Milano 2001) 298.). Dù sao, vào thế kỷ I, từ này không chỉ được
dành cho trẻ em.
Gọi Thiên Chúa là “Cha” không phải là chuyện lạ lùng. Danh xưng “cha” đã
có nơi các tôn giáo rất khác nhau, từ dạng thô sơ nhất đến dạng phát triển nhất,
của người Hy-lạp, Rô-ma và Sê-mít. Nhưng điều lạ là sử dụng một danh xưng thân
mật để thưa với Thiên Chúa. Theo các nghiên cứu của Jeremias và Marchel, ’abbâ’
là một danh xưng thân mật, nên không bao giờ được người Do-thái dùng mà thưa với
Thiên Chúa. Đôi khi, cũng rất hiếm, từ này được dùng để nói về Thiên Chúa, chứ
không bao giờ để thưa với Thiên Chúa. Và ngay cả nói về Thiên Chúa, các bản
Targumim (= Bản dịch và diễn giải) cũng rất ngại áp dụng danh hiệu “cha” cho
Ngài. Ngược lại, theo chứng từ của Mc 14,36, được củng cố gián tiếp bởi Gl 4,6,
Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân mật Abba,
và như thế Người tỏ cho thấy quan hệ thân tình như là người con với Thiên Chúa,
một thứ quan hệ kiểu mới mẻ và duy nhất, vô song (Cf. JEREMIAS, Abba, 58-67).
Quan hệ này được diễn tả rõ ràng trong một vài bản văn Tin Mừng, đặc biệt trong
Mt 11,27 // Lc 10,22. Tin Mừng IV triển khai các phương diện khác nhau của quan
hệ hỗ tương này, một quan hệ được vén mở cho thấy không những bằng các lời nói,
mà hơn nữa còn bằng công trình chung giữa Chúa Cha và Chúa Con; và công trình
chung này đạt tới đỉnh cao khi Đức Giêsu hiến mình trên Núi Sọ. Tin Mừng làm chứng
về hai điều: 1) Quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa là quan hệ có một không
hai, không thể so sánh với bất cứ kiểu tương quan nào; quan hệ này hoàn hảo,
thâm sâu, hỗ tương; theo nghĩa này, quan hệ này chuyên nhất (x. Ga 10,30); 2)
Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, quan hệ này không độc chiếm, nhưng lại có khả
năng thông ban, thông dự vào (x. Ga 6,57; 10,27-28). Đức Giêsu đến chỉ nhắm một
mục tiêu là đưa loài người vào trong tương quan cha con với Thiên Chúa. Và bởi
vì quan hệ này không phải là một tương quan bên ngoài như một liên hệ pháp lý,
mà là một thực tại thâm sâu, người ta không thể thông dự vào đó nếu không được
một sự thông truyền tinh thần. Vậy toàn thể cuộc sống của Đức Giêsu, sứ vụ, cái
chết, sự sống lại của Người chỉ có một mục đích là thông ban Thánh Thần trong
tư cách là Thần Khí của Con (x. Gl 4,6). Quả thật, Đức Giêsu là người đầu tiên
cầu nguyện với Thiên Chúa bằng danh hiệu này. Nhưng bây giờ, nhờ Thần Khí của
Con, mỗi tín hữu cũng có thể làm như thế: là con (x. Gl 3,26; 4,6.7), người tín
hữu thông dự vào lời cầu nguyện của Chúa Con.
- xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (2): dịch sát là “Ước gì Danh Cha
được hiển thánh”. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, câu này không có nghĩa là Thiên
Chúa phải bận tâm làm cho loài người coi Danh của Ngài là thánh và không làm ô
nhục Danh Ngài. Câu này có nghĩa là chính Thiên Chúa phải thánh hoá Danh Ngài;
chính Ngài phải hành động cách nào để loài người nhận biết và tuyên xưng đúng
như Tên Ngài, tức là như Thiên Chúa và như Cha. Như thế, là xin Thiên Chúa mạc
khải bản thân Ngài ra vĩnh viễn và cho người ta được thấy Ngài và đến được với
Ngài cách chắc chắn.
-[xin làm cho] Triều Đại Cha mau đến (2): Đây là nội dung chính của lời
Đức Giêsu loan báo. Người loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa, về quyền
chúa tể của Thiên Chúa (4,43; 8,1; 10,9.11): Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất và tốt
lành, sẽ thực hiện công khai vương quyền của Ngài. Lời xin này cầu mong mau đến
lúc Thiên Chúa sẽ hiển trị trên tất cả mọi sự cách công khai và hữu hình; Đấng
là Cha sẽ là Chúa Tể duy nhất.
- ngày nào có lương thực ngày ấy (3): dịch sát là “Xin ban cho chúng con
mỗi ngày (to kath’ hêmeran)”, hiểu theo nghĩa phân phối.
- xin tha tội (4): Tác giả Lc đã thay từ opheilêmata, “các món nợ”, bằng
hamartias, “các tội”, có lẽ để cho độc giả Kitô hữu gốc Dân ngoại dễ hiểu lời
xin này hơn.
- bạn (5): Từ ngữ philos được dùng nhiều lần khiến chúng ta nhớ đến bối
cảnh là lòng hiếu khách của người dân Cận Đông. “Bạn” vừa có nghĩa là người
láng giềng và người khách.
- anh ta cứ lì ra đó (8): Anaideia, “sự trâng tráo, lì lợm”. Có tác giả
nghĩ rằng từ này áp dụng cho người bạn bị quấy rầy, nên phải dịch là “thể diện”
(Xem Bản dịch Kinh Thánh Tân Ước của Nhóm Phiên Dịch CGKPV 1995). Nhưng giải
thích như thế không đúng, vì: cả câu 8 dịch sát là: “dẫu anh không dậy để cho
người này (autô) vì là bạn của người này (autou), thì cũng vì sự lì lợm của người
này (autou), anh sẽ dậy để cho người này (autô) tất cả những gì người này cần”.
Bởi vì đại từ sở hữu autô và tính từ sở hữu autou (Ở chủ-cách là autos) được
dùng để chỉ người đến quấy rầy, nên phải hiểu anaideia áp dụng cho người quấy rầy.
- tất cả những gì anh ta cần (8): nghĩa là không phải chỉ cho những gì
anh ta xin mà thôi.
- anh em cứ xin thì sẽ được (9): Đây là một thái bị động thay tên Thiên
Chúa, nên có nghĩa là: “Anh em cứ xin, thì sẽ được Thiên Chúa ban cho”.
- cứ tìm thì sẽ thấy (9): Do câu này song song với câu trên, ta hiểu là
“sẽ thấy, với sự trợ giúp của Thiên Chúa”.
- thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó (11): Hiểu là có sự giống nhau về bề
ngoài giữa con cá và con rắn. Thỉnh thoảng các ngư phủ trên Hồ Ghennêxarét dùng
cá nhỏ mà câu rắn nước.
- xin trứng lại cho nó bò cạp (12): Một con bò cạp cuộn càng và đuôi lại
thì giống với một quả trứng.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hoàn cảnh (1)
Trước mắt các môn đệ, hẳn là Đức Giêsu xuất hiện ra như là vị thầy về cầu
nguyện. Còn trước mặt Người, các ông quả là những người đang chập chững tập cầu
nguyện. Do đó, các ông đã xin Người dạy cầu nguyện. Đàng khác, vào thời Đức
Giêsu, các nhóm tôn giáo được phân biệt nhờ có một kiểu cầu nguyện riêng. Lời
xin của các môn đệ Đức Giêsu cho thấy các ông ý thức mình là một cộng đoàn.
* Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (2-4)
Đức Giêsu đã ban cho các ông bản văn một kiểu mẫu cầu nguyện. Điều này
không có nghĩa là các ông phải luôn luôn dùng những lời này mà thôi. Nhưng với
người nào dùng lời kinh này, người ấy được xác định cho biết bầu khí phải quan
tâm khi cầu nguyện và được nhắc đến những lời thỉnh cầu phải coi là quan trọng
nhất.
Trong lời kinh, chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa và trình cho Ngài các lời
thỉnh cầu của chúng ta. Chúng ta không thấy Ngài và tự mình không thể biết là
Ngài đang tương quan với chúng ta thế nào. Ngài vô hình, xa cách, rất lạ với
ta, ta không thể hiểu Ngài và khám phá Ngài cặn kẽ. Trong cầu nguyện, quan trọng
nhất là biết bản chất của tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Phải chăng
Thiên Chúa là một Chúa tể quyền lực, có thể nhậm lời ta cầu xin, nhưng Ngài
không hề quan tâm đến ta? Lời xin đầu tiên và căn bản nhận được câu trả lời nơi
lời đầu tiên của Đức Giêsu: chúng ta phải ngỏ lời với Thiên Chúa như với một
“Người Cha”. Thiên Chúa không phải là một Chúa tể xa cách, xa lạ, quyền lực,
không muốn biết gì về chúng ta. Ngài đã giao tiếp với chúng ta với mối quan
tâm, tình yêu và sự chăm sóc, như một người cha đích thực.
Đức Giêsu đã phác ra những nét chính để dạy chúng ta biết phải cầu nguyện
với Thiên Chúa thế nào. Theo kiểu mẫu của Người, chúng ta thấy có hai khối lời
cầu xin. Khối thứ nhất liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa, khối thứ hai liên hệ đến
chúng ta và các nhu cầu của chúng ta. Lời cầu “xin làm cho danh thánh Cha vinh
hiển”, là xin Thiên Chúa cho chúng ta được đi từ hoàn cảnh đức tin sang hoàn cảnh
hưởng kiến. Lời cầu thứ hai xin Thiên Chúa là Cha tỏ quyền Chúa Tể trên mọi sự.
Nói chung, hai lầu cầu đầu tiên xin cho có cuộc đảo lộn các tương quan hiện hữu,
trong đó Thiên Chúa dường như vắng mặt hoặc ẩn mình. Chúng ta xin Ngài trở nên
hữu hình và tỏ ra là Chúa Tể duy nhất mãi mãi.
Khối lời thỉnh cầu thứ hai liên hệ đến các nhu cầu cấp bách nhất của
chúng ta: các nhu cầu vật chất (cái ăn cái uống, y phục, nhà cửa). Bên cạnh các
nhu cầu vật chất, là các nhu cầu thiêng liêng: “xin tha tội cho chúng con”.
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trách nhiệm, nhưng chúng ta thường xuyên sống vô
trách nhiệm, trở thành có lỗi trước mạt Thiên Chúa, chúng ta phạm những thiếu
sót đối với người thân cận. Chúng ta không thể tự mình tha các lỗi cho mình.
Chúng ta lệ thuộc sự tha thứ của Thiên Chúa nên phải xin Ngài ban cho. Thêm vào
lời cầu xin này, Đức Giêsu nối câu: “vì chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi
với chúng con”. Người nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thể nhận được ơn
tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta có một tâm hồn đầy cay đắng và hiềm khích
(x. Mt 18,23-35).
Cuối cùng, chúng ta xin Thiên Chúa chiếu cố đến sự yếu đuối và mỏng dòn
của chúng ta. Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận mình không có sức để đứng
vững trong thử thách để trung thành với Ngài. Do đó, chúng ta khiêm tốn xin
Ngài trợ giúp, đồng thời diễn tả ước muốn được mãi mãi liên kết với Ngài.
* Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng hai dụ ngôn (5-13)
Sau đó, bằng hai dụ ngôn và sáu khẳng định, Đức Giêsu còn muốn thuyết phục
các môn đệ rằng họ có thể cậy dựa vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, tức là tin
rằng Ngài sẽ nhận lời họ cầu xin. Với hai dụ ngôn, Đức Giêsu vận dụng các hoàn
cảnh và kinh nghiệm của loài người để dạy dỗ.
Dụ ngôn thứ nhất vận dụng những tương quan hàng xóm láng giềng ở miền
quê: Nếu một người hàng xóm bị quấy rầy còn sẵn sàng giúp đỡ người bạn, chẳng lẽ
Thiên Chúa vô cùng tốt lành và không hề có giờ nào không thuận tiện lại không
nghe lời con cái Ngài kêu xin?
Trong dụ ngôn thứ hai, Đức Giêsu vận dụng cách thức xử sự của người cha
trần thế với con cái: Nếu ngay trong lãnh vực con người, một người cha, tuy có
những khiếm khuyết, còn biết cho con cái những của tốt lành, chẳng lẽ Thiên
Chúa là “Cha”, Đấng có mọi tình phụ tử, lại không xử sự hơn thế sao?
Cách thức Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho hiểu rằng Người biết và
luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Dựa trên cái nhìn này, Đức Giêsu mời chúng ta cầu
nguyện tha thiết, Người hứa với chúng ta rằng chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lời
(cc. 9-10). Cho tất cả những ai xin bất cứ điều gì, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần.
Ân ban này độc lập với nội dung của từng lời cầu nguyện. Thánh Thần là Thần Khí
của Thiên Chúa, Thần Khí liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí làm
cho chúng ta thành con Thiên Chúa và giúp chúng ta có thể kêu lên “Cha ơi!”.
+ Kết luận
Bởi vì Người biết và luôn luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa, bởi vì Người
cũng biết ý nghĩa và cùng đích của đời sống chúng ta, Đức Giêsu có thể dạy
chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa hơn bất cứ ai trước Người. Trong Kinh Lạy
Cha, Đức Giêsu cung cấp cho chúng ta không những một bản văn kinh nguyện, mà
còn cho một kiểu mẫu về các nội dung của lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta
được gọi Thiên Chúa là “Cha”: tương quan của Thiên Chúa với chúng ta là như
tương quan của một người cha với các con mình. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin
cậy vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ
mình có một hình ảnh về Thiên Chúa và cảm nghiệm thế nào về Ngài. Trong lời cầu
nguyện, chúng ta thể hiện tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Trong khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha” (10,21;
22,42; 23,34-46), bởi vì Người biết Cha như thế. Lời dạy về cầu nguyện cũng đồng
thời là một lời dạy về đức tin. Chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa là Cha chúng
ta và Ngài quan hệ với chúng ta với tất cả sự quan tâm và yêu thương. Chúng ta
phải ngỏ lời với Ngài và dâng lên Ngài những lời thỉnh cầu với đức tin này. Nếu
chúng ta có một ý tưởng đúng về Ngài, chúng ta sẽ trình với Ngài những lời thỉnh
cầu đầy tin tưởng và hy vọng và cậy vào sự giúp đỡ của Ngài.
2. Đức Giêsu dạy chúng ta phải và có thể cầu xin cho có những nhu cầu vật
chất. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy
cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là
tất cả những ai đang cầu nguyện.
3. Thiên Chúa không đẩy chúng ta vào cám dỗ với mục đích làm cho chúng
ta rơi vào tội lỗi. Nhưng Ngài có thể thử thách chúng ta, có thể thử sự bền vững
và chắc chắn của chúng ta. Với lời xin cuối cùng, chúng ta được mời gọi loại trừ
mọi cao ngạo và tự phụ.
4. Như người bạn đến xin người láng giềng giúp cho một nhu cầu, chúng ta
cũng phải ngỏ lời với Thiên Chúa không phải vì những chuyện phù phiếm, nhưng là
để trình bày với Ngài những nhu cầu thực tế của chúng ta và của người khác. Đứng
trước Thiên Chúa, chúng ta không cần phải tìm kiếm hoặc tính toán so đo về các
lời lẽ, nhưng chúng ta có thể nói thẳng ra với Ngài. Và khi cầu nguyện, chúng
ta không được mệt mỏi hoặc nản chí. Chúng ta không được bỏ Ngài, không mong được
Ngài giúp đỡ, để rồi đi theo đường mình cách cam chịu hoặc tự phụ. Chúng ta cứ
phải liên kết với Ngài bằng một lời cầu nguyện kiên nhẫn, đầy niềm tin tưởng và
đơn sơ, lặp đi lặp lại và không mỏi mệt.
5. Đức Giêsu cam kết rằng nếu chúng ta tha thiết cầu nguyện, chúng ta sẽ
được Thiên Chúa nhận lời. Tuy nhiên, dường như điều này không đúng với kinh
nghiệm chúng ta? Thật ra Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa chỉ ban những của tốt
lành, nhưng Người không hề bảo đảm là lời cầu nguyện của chúng ta luôn luôn có
nội dung là những ân ban mà chúng ta thấy là tốt lành. Người cha không đưa con
rắn cho đứa con xin cá. Nhưng nếu người con xin một con rắn mà nghĩ rằng đó là
điều tốt, thì người cha, chính vì ông tốt, ông sẽ không nhận lời xin này. Vậy
chính Thiên Chúa phán đoán về các lời thỉnh cầu của chúng ta. Chúng ta không thể
qui định cho Ngài cách thức Ngài phải theo mà nhận lời chúng ta. Chỉ có một điều
là chúng ta chắc chắn rằng Ngài sẽ nhận lời vào lúc tốt nhất cho chúng ta.
6. Không có gì lạ nếu khi dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”, Đức
Giêsu lại hứa là những ai ngỏ lời với Thiên Chúa sẽ được Ngài ban Thánh Thần. Nếu
chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong đức tin, chúng ta đã đang cầu nguyện
trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi. Và khi cầu nguyện như thế, chúng ta đã
sẵn sàng để cho mình được thấm nhuần sâu xa hơn bởi Thần Khí này, để cho Ngài
trở nên sống động trong ta, và càng ngỏ lời với Thiên Chúa như là Cha chúng ta
trong niềm tin tưởng trọn vẹn hơn. Điều quan trọng hơn mỗi lời xin và mỗi sự nhận
lời, đó là tương quan chúng ta thiết lập với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Lời
kinh dâng lên với đức tin đã là một sự nhận lời rồi, bởi vì khi đó dây liên kết
chúng ta với Thiên Chúa được đào sâu thêm và tăng trưởng hơn: Thiên Chúa ban
Thánh Thần cho những ai cầu nguyện và đón tiếp họ vào trong sự hiệp thông ngày
càng sống động và thân tình hơn với Ngài.
15. Cầu nguyện
Người Hồi giáo nói về sự sốt sắng cầu nguyện bằng một câu chuyện như
sau:
Có một ông vua vào rừng săn bắn. Chiều xuống, khi tới giờ cầu nguyện,
ông trải tấm thảm trên mặt đất, rồi hướng về phía tây và phủ phục cầu nguyện
theo cung cách của người Hồi giáo.
Giữa lúc ông đang chìm đắm trong sự cầu nguyện, thì có một người đàn bà
hối hả chạy vào rừng. Số là chồng bà đã ra đi từ sáng sớm mà đến giờ này vẫn
chưa thấy trở về. Bà ta sợ có điều chi không lành xảy đến cho chồng nên vội chạy
vào rừng để tìm kiếm. Trong cơn hốt hoảng, bà ta không nhìn thấy có người đang
phủ phục cầu nguyện. Bà bước qua người ấy mà không hề hối hận để nói lên lời
xin lỗi.
Nhà vua cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng ông cũng gắng gượng để tiếp
tục cầu nguyện theo đúng luật dạy. Khi ông cầu nguyện xong thì người đàn bà
cũng trở lại chỗ cũ, cười nói vui vẻ bên cạnh ông chồng. Bà cuống quýt khi nhận
ra rằng người mà bà đã bước qua trong cơn hốt hoảng chính là nhà vua. Nhà vua
cho gọi người đàn bà đến và ra lệnh trị tội vì đã tỏ ra bất kính đối với ông.
Thế nhưng, không một chút sợ hãi, bà đã nói như sau:
- Tâu bệ hạ, thần bị cuốn hút trong sự suy nghĩ về người chồng đến độ đã
không nhìn thấy bệ hạ, nên đã bước qua. Hạ thần nghĩ rằng, bệ hạ đang cầu nguyện,
thì tâm trí của bệ hạ cũng phải cuốn hút trong sự suy nghĩ về Thượng đế, lẽ nào
bệ hạ còn lòng trí biết đến hạ thần và những cử chỉ nhỏ nhoi của hạ thần.
Nhà vua lấy làm xấu hổ vì sự việc xảy ra. Ông nhìn nhận rằng: Tuy không
phải là một bậc thầy trong đạo, nhưng người đàn bà này đã dạy cho ông về sự
chuyên tâm trong việc cầu nguyện.
Trong giây phút này, khi đến nhà thờ cầu nguyện và dâng thánh lễ, có lẽ
chúng ta cũng hành động như ông vua, có nghĩa là chúng ta chưa cuốn hút vào
trong tâm tình cầu nguyện. Xác chúng ta ở trong nhà thờ, nhưng tâm hồn chúng ta
còn phiêu bạt tận đâu đâu. Một tiếng động nhỏ ở bên ngoài cũng đủ làm cho chúng
ta chia trí. Rồi thì trong đầu óc, chúng ta mơ tưởng, chúng ta nghĩ đến hết
chuyện này tới chuyện kia. Ấy là tôi chưa nói tới những người cố tình nói chuyện,
chọc phá, nô giỡn, chẳng để tâm vào sự cầu nguyện một chút nào.
Giả sử như có một vị khách quí tới thăm nhà. Thế nhưng mọi người trong
nhà đều bận rộn chuyện này chuyện kia, chẳng ai nói được một lời với vị khách
quí ấy? Chúng ta nghĩ thế nào về thái độ này. Theo tôi, thì đó là một thái độ
thiếu tế nhị, thiếu lịch sự, và chắc chắn sẽ làm cho vị khách quí buồn lòng.
Thế nhưng đối với Chúa, chúng ta lại thường xuyên cư xử như thế. Chúng
ta tham dự thánh lễ, hay đọc kinh cầu nguyện cho qua lần đoạn lượt, mà chẳng có
một chút tâm tình bên trong. Chính vì thế, chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì sự khô
khan nguội lạnh, vì sự thờ ơ sao lãng của chúng ta.
Đồng thời, như các môn đệ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa dạy cho chúng
ta biết cầu nguyện và nhất là xin Chúa dạy cho chúng ta biết cầu nguyện một
cách chuyên tâm và sốt sắng.
16. Cầu nguyện
Khi các môn đệ đến với Thầy với lời kêu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng
con cầu nguyện, thì các ông đã được ở với Đức Giêsu trong trường cầu nguyện một
thời gian rồi, các ông đã cảm kích vì những bài học cụ thể giá trị nhất, ấy là
tấm gương của chính Đấng Kitô. Nếu tâm trí của chúng ta từng nổi lên nhiều hoài
nghi về thực tế và hiệu năng của lời cầu nguyện, chúng ta chỉ cần quay về với
sách Tin Mừng của thánh Lu-ca để được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đã dành nhiều thời
giờ để cầu nguyện, và Ngài cầu nguyện ở mỗi biến động của đời sống Ngài. Chắc
chắn chúng ta không lạc được khi theo bước chân Ngài.
Tuy nhiên, điều các môn đệ muốn có là một công thức cầu nguyện đặc biệt,
như Gioan Tẩy Giả hình như có cho các người theo ông. Chúa Giêsu đáp ứng lời cầu
xin ấy và ban cho các ông một kiểu mẫu độc nhất vô nhị, rồi khích lệ với lời hứa
bảo đảm rằng lời cầu nguyện sẽ được nghe. Bài cầu nguyện được Lu-ca ghi lại có
ngắn hơn của Mát-thêu nhưng cũng chứa đủ những điều mà chúng ta cần biết phải cầu
nguyện thế nào và phải cầu nguyện những gì.
Lời cầu nguyện bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính
của mọi lời Kitô hữu thưa với Chúa. Chính lời đầu tiên dạy chúng ta rằng, trong
khi cầu nguyện chúng ta không đến với một Đấng phải miễn cưỡng ban ơn cho chúng
ta, nhưng đến với một Cha hằng vui thích làm thoả mãn mọi nhu cầu của con cái
Ngài.
Trong tiếng Do Thái, chữ “tên” hay “danh” có ý nghĩa sâu sắc hơn là tên
gọi của một người. Chữ “danh” gồm tất cả các đặc tính của người mà chúng ta
quen biết. Thánh vịnh 9, 11 nói: “Người nhận biết thánh danh, sẽ một niềm tin cậy.”
Câu đó có ý nghĩa sâu sắc hơn chứ không chỉ biết tên Thiên Chúa Gia-vê. Nó có
nghĩa là người nào thấu hiểu được tư tưởng, ý muốn và tấm lòng của Thiên Chúa sẽ
vui lòng đặt hết niềm tin cậy vào Ngài.
Chúng ta nên chú ý đặc biệt đến thứ tự các lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy
trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Thiên Chúa,
sự vinh hiển và tôn trọng của Ngài lên hàng đầu. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ
của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.
Bài cầu nguyện bao quát cả cuộc đời.
- Nó bao hàm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin vật
thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta cầu
xin. Điều này nhắc lại câu chuyện về Man-na trong sa mạc. Dân Chúa chỉ được lượm
Man-na đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta đừng lo cho một tương lai không
rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.
- Nó bao hàm tội lỗi đã qua. Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì
hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một
tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa.
- Nó bao trùm các thử thách trong tương lai. Từ ngữ “cám dỗ” trong Tân Ước
có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ
phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ,
thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó,
nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban. Có người nhận định rất đúng rằng:
Bài cầu nguyện Chúa Giêsu dạy – mà chúng ta gọi là kinh Lạy Cha – có hai ích lợi
lớn cho giờ cầu nguyện của chúng ta. Nếu chúng ta dùng để bắt đầu giờ cầu nguyện
thì nó khơi dậy những ước muốn tốt đẹp giúp chúng ta biết cầu nguyện cho xứng
đáng. Nếu chúng ta dùng để kết thúc giờ cầu nguyện thì nó tóm tắt mọi điều
chúng ta phải cầu xin trước mặt Thiên Chúa.
Để khuyến khích các môn đệ trong những lời khẩn cầu ấy Ngài kể cho họ
nghe câu chuyện về một người kêu xin không ngừng, hầu như là lì lợm nên đã được
ban cho bánh cần dùng. Trong xứ Pa-let-tin, khách bộ hành thường lên đường vào
buổi chiều hầu tránh cái nóng bức của buổi trưa. Trong câu chuyện Chúa Giêsu kể,
có một người khách như vậy đã tới nhà bạn mình lúc nửa đêm. Bên Đông phương tiếp
khách là bổn phận thiêng liêng. Chỉ cho khách ăn vừa đủ no thôi thì không được,
cần cho khách ăn dư dật. Trong các làng quê, người ta làm bánh mì tại nhà và chỉ
nướng bánh đủ ăn trong một ngày, vì nếu giữ lại, bánh sẽ cũ đi không ai muốn
ăn. Vị khách nói trên đến muộn quá khiến chủ nhà bối rối vì thức ăn đã hết nhẵn,
chủ nhà không thể làm tròn bổn phận thiêng liêng là tiếp khách. Và dầu đêm đã
khuya, chủ nhà cũng tới nhà bạn để vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng. Bên
Đông phương, không ai muốn gõ cửa nhà đã đóng, trừ khi cấp bách lắm. Buổi sáng
cửa nhà được mở ra và cứ mở suốt ngày, nhưng nếu cửa đóng lại, đó là dấu chủ
nhà không muốn bị quấy rầy. Nhưng người chủ nhà đi tìm bánh đã không e ngại ông
gõ cửa và cứ gõ mãi…
Căn nhà nghèo ở xứ Pa-lét-tin chỉ có một căn phòng với một cửa sổ nhỏ. Nền
nhà làm bằng đất nện phủ tre khô và cành khô. Căn phòng chia làm hai phần, không
phải bằng vách ngăn mà bằng mặt đất thấp hơn. Hai phần ba phòng thì nền đất thấp,
phần ba kia thì nền cao hơn một chút. Trên phần đất cao đó có bếp than ủ cháy
suốt đêm, và cả gia đình nằm ngủ quanh bếp đó, họ không nằm nơi giường cao,
nhưng trên những tấm chiếu. Các gia đình thường đông người và họ thường nằm sát
nhau cho ấm. Khi một người trỗi dậy thì tất nhiên làm phiền cả gia đình. Hơn nữa,
tại làng quê, buổi tối người ta đem gia súc, gà, dê vào trong nhà. Không lạ gì,
trong hoàn cảnh đó, một người đã đi ngủ thì không muốn dậy nữa. Nhưng người vay
bánh quyết tâm này cứ gõ mãi, “gõ mãi mà không biết xấu hổ” theo đúng nghĩa của
từ ngữ Hy-lạp được dùng – cho tới khi chủ nhà đành chỗi dậy cho người kia mọi
điều xin, vì dầu sao gia đình cũng bị quấy rầy rồi. Chúa Giêsu có ý bảo: “Câu
chuyện này dạy các ngươi về việc cầu nguyện.” Bài học trong dụ ngôn này không
phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin, không phải chúng ta cứ phải đập vào cửa
Thiên Chúa cho đến khi ép buộc Ngài cực chẳng đã phải ban cho chúng ta điều
chúng ta muốn, cho đến khi chúng ta cưỡng ép được Thiên Chúa không sẵn lòng chịu
trả lời cho chúng ta, một dụ ngôn nói nôm na là một điều gì đó đặt bên cạnh. Nó
cho ta thấy sự tương đồng hay tương phản giữa hai sự việc. Chúa Giêsu ngụ ý như
sau: “Nếu một người chủ nhà khó tính và thiếu thiện chí mà cuối cùng có thể bị
cưỡng ép bởi quyết tâm của một người bạn trì chí, để phải cho người đó mọi điều
mong muốn, huống chi Thiên Chúa là Cha Từ Ái sẽ tiếp trợ mọi nhu cầu cho con
cái Ngài hơn biết dường nào! Chúa Giêsu phán: “Nếu các ngươi vốn xấu mà còn biết
rằng mình có bổn phận cung cấp nhu cầu cho con cái, huống chi Cha trên trời…”
Điều này không làm cho chúng ta giảm bớt sự hăng say và sốt sắng cầu
nguyện. Dầu sao chúng ta chỉ có thể tỏ lòng ước muốn thành thực bởi sốt sắng và
kiên trì cầu nguyện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải giành giật các ơn
phúc từ tay một Thiên Chúa không thiện chí, nhưng chúng ta đến với một Đấng biết
rõ mọi nhu cầu của chúng ta hơn chính chúng ta, và Ngài là Đấng có lòng yêu
thương và rộng rãi đối với chúng ta. Nếu chúng ta không nhận được điều mình
xin, không phải vì Thiên Chúa không sẵn lòng ban ơn cho ta, nhưng vì Ngài có ơn
phúc tốt hơn, để dành cho chúng ta. Và không hề có vấn đề mà chúng ta gọi là lời
cầu nguyện không được nhận. Sự trả lời của Chúa có thể không đúng theo điều
chúng ta ước muốn hoặc trông đợi, dầu khi Chúa từ chối điều mong muốn của ta,
thì đó vẫn là sự trả lời bởi tình thương và khôn ngoan của chính Thiên Chúa là
Cha Từ Ái.
Để kết luận chúng ta ghi lại đây tâm sự của tướng Douglas Mac Arthur:
“Tôi là một chiến binh chuyên nghiệp. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy, nhưng
tôi còn vô cùng hãnh diện hơn vì được làm một ông bố. Tôi hy vọng rằng một mai
khi tôi qua đời, đứa con trai của tôi sẽ không nhớ đến tôi như một chiến binh
lúc nào cũng ở trận địa, mà là một ông bố hiện diện trong gia đình đang cùng nó
đọc lời kinh nguyện đơn sơ hàng ngày: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con
nguyện danh Cha cả sáng… Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ
chúng con…”
17. Lời kinh tuyệt vời
Nhà thần bí Hồi Giáo tên là Farid, đến kinh đô Delhi để xin hoàng đế
Akbar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akbar đang đắm
mình cầu nguyện.
Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi: “Nhà vua vừa cầu nguyện như thế
nào?”
Nhà vua đáp: “Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có
và được sống lâu.
Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói:
“Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một kẻ ăn xin, không khác gì những hạng
người khác!”.
Thật vậy, cầu nguyện không chỉ là cầu xin, cũng không phải là bảng liệt
kê ước muốn mà cầu nguyện chính là tôn thờ, thống hối, cảm tạ và xin ơn. Trong
kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay bao gồm bốn tâm tình
đó.
Chúng ta thờ phượng, ca ngợi, tôn vinh Chúa trong câu đầu tiên: “Lạy
Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến” (Lc 11,2).
Sau đó chúng ta bày tỏ tâm tình thống hối bằng lời xin lỗi: “Xin tha tội
cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”
(Lc 11,4).
Rồi chúng ta cảm tạ Chúa ngay trong tâm tình thờ phượng, vì khi ca ngợi
tôn vinh Chúa thì đồng thời chúng ta cũng mặc nhiên cảm tạ những hồng ân Người
ban.
Cuối cùng, tâm tình cầu xin được biểu lộ trong câu: “Xin Cha cho chúng
con ngày nào có lương thực ngày ấy” (Lc 11,3), và “xin đừng để chúng con sa chước
cám dỗ” (Lc 11,4).
Như thế, Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì đã đặt sự cao trọng,
vinh danh, và thánh ý Chúa trên hết, sau đó mới xin cho các nhu cầu của chúng
ta, nên rất được Chúa Cha ưa thích.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta được gọi Thiên Chúa
là Cha, còn chúng ta là con cái của Người; chúng ta xin Cha ban ơn không những
phần xác mà cả phần hồn; chúng ta xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà
còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai, nên chắc chắn sẽ được Chúa
Cha đón nhận.
Sau khi đã dạy chúng ta lời kinh tuyệt vời đó, Người còn khuyên chúng ta
hãy kiên nhẫn và trông cậy mà cầu nguyện.
* Phải kiên nhẫn trong khi cầu nguyện là để tăng thêm ước muốn của chúng
ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được
điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều
cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành
cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng
chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự
khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.
* Phải trông cậy trong khi cầu nguyện vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì
sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Mẹ Têrêxa Calcutta
đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải
nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ
một ai đến xin giúp đỡ. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng
Người không bao giờ làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta”.
Lạy Chúa, xin nhắc chúng con siêng năng dùng Kinh Lạy Cha mà cầu nguyện
với Cha trên trời. Nhất là xin Chúa mở rộng tâm hồn hẹp hòi ích kỷ của chúng
con, để biết cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, những người nghèo khổ, những kẻ
tội lỗi và những người thân yêu của chúng con. Amen.
18. Kinh Lạy Cha
Đối với thánh Luca, Kinh Lạy Cha phát xuất từ việc các môn đệ nhìn Chúa
Giêsu cầu nguyện: “Khi Ngài cầu nguyện xong, một trong các môn đệ thưa Ngài: Lạy
Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Theo chiều hướng đó, chúng ta có thể tái khám phá Kinh Lạy Cha trong bài
suy niệm này, bằng cách xem Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào, bằng cách kết hợp
với nhiệt tình bên trong hướng về Chúa Cha của Ngài, bằng cách tiếp nhận mỗi lời
nói từ chính Chúa Giêsu.
“Lạy Cha chúng con”
Chúa Giêsu, ngay từ những lời nói đầu tiên, “Lạy Cha chúng con”, Cha đã
kéo con ra khỏi sự co cụm lại, Cha nhắc nhở con rằng mọi kinh nguyện mở con hướng
ra hai thế giới. Trong khi tìm cách tiếp xúc với Cha, con đi vào trong mầu nhiệm
Ba Ngôi. Trong khi nói “chúng con”, con cầu nguyện cùng với các anh em và cho
các anh em của con.
“Lạy Cha chúng con ở trên trời”
Lạy Cha, Cha ở khắp mọi nơi, nhưng là ở trong một thế giới khác với thế
giới hữu hình của chúng con, không phải ở bên trên, cũng không phải ở bên cạnh,
ở một nơi mà con không nhận thấy. Cha ở rất xa khi con suy nghĩ bình thường, và
rất gần khi con lắng nghe Chúa Giêsu: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Lạy
Cha, Cha “ở trên trời”, nhưng Cha đúng là Cha chúng con. Con sống trong sự hiện
diện của Cha, và Chúa Giêsu nói với con rằng đây là một sự hiện diện tình yêu.
Con ở trong Cha và Cha ở trong con. “Nếu ai yêu mến Thầy Cha Thầy sẽ yêu mến
người ấy và Chúng Ta sẽ đến ở cùng người ấy” (Ga 14,23). Con hiểu điều này khi
con nói với Cha: Lạy Cha.
“Xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện”.
Danh Cha, chính là Cha. Con muốn tất cả mọi người đều biết Cha. Con muốn
họ biết Ngài thánh thiện đến độ nào và Cha là Cha. Con muốn họ có thể phân biệt
được hành động, công bằng và vinh quang của Cha. Con muốn cuộc sống của con nói
lên danh Cha.
Nước Cha, chỉ có Cha mới có thể thể hiện Nước đó một cách hoàn toàn cùng
với những cuộc đời của chúng con khi các cuộc đời này không nổi loạn, đãng trí
cũng như gò bó. Xin hãy mở rộng các tư tưởng của chúng con cho đến thời cánh
chung khi chúng con sẽ là dân chúng đông đảo của Cha. Xin hãy làm cho Nước của
Cha đến qua điều mà con người trên thế giới đang sống. Điều đó là máu và nước mắt,
những nỗi thất vọng, những niềm vui, những hoạt động công bằng và những chuyện
tình đẹp. Xin cho máy truyền hình, nếu con biết xem cho tốt, luôn luôn đổi mới
sự lo lắng của con về Nước Trời và kinh nguyện của con về Nước Trời.
Con không muốn nói với Cha “xin cho ý Cha thể hiện” vì một sự cam chịu
đơn giản, con muốn đi vào trong ý muốn của Cha càng tích cực càng tốt bởi vì
con biết rằng điều Cha muốn là thánh thiện, công bằng và đầy tình yêu thương.
Nhưng đôi khi tất cả đều đen tối đối với chúng con. Xin cho đừng có chén
đắng!... Tuy vậy, nếu phải uống chén đắng, xin cho chúng con có thể hợp với ý của
Cha nhiều nhất.
“Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
Xin hãy cho chúng con điều cần thiết để sống một cách mãnh liệt ngày hôm
nay. Không phải hôm qua cũng không phải ngày mai, nhưng bây giờ đây. Mỗi lần
con xin Cha lương thực ngày hôm nay, hãy đặt con lại trong hiện tại, trong điều
mà con phải sống. Xin tách con ra khỏi những lo lắng làm con xa Cha. Con không
thể nói với Cha là Cha nếu con không tin rằng Cha muốn ban cho con điều gì đó để
sống ngày hôm nay.
“Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha”
Cho đến Kinh Lạy Cha cuối cùng của con con sẽ còn xin Cha tha thứ. Con sẽ
luôn luôn có những sai lầm với Cha, con biết, nhưng nhờ Chúa Giêsu con sẽ không
bao giờ nghi ngờ Cha, Cha là người cha của đứa con hoang đàng. Nhưng xin cho
con không quên điều kiện mà nếu không có nó Cha sẽ không thể tha thứ cho con:
con phải tha thứ. Không phải tha thứ cho anh em của con nói chung, đây là điều
quá dễ. Vào lúc này đây con phải tha thứ cho X… ngay tức thì. Nếu không, tại
sao lại đọc Kinh Lạy Cha? Sự tha thứ của Cha không thể được ban cho một tâm
lòng đóng kín với chỉ một trong những người anh em của họ.
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
Con không xin Cha cho con được rút lui khỏi cuộc chiến đấu, nhưng để làm
vinh danh Cha khi mọi sự trở nên khó khăn. Vào giờ phút tồi tệ, lạy Cha, xin
giúp con. Xin giúp chúng con.
19. Lạy Cha
Có một nhà văn vô thần. Ông ta không biết đến Thiên Chúa, đến linh hồn,
đến đời sau. Ông ta bị đau nặng, được đưa vào bệnh viện và đang ở trong tình trạng
hấp hối.
Nhìn thấy một nữ tu đến giúp đỡ ông nhưng tay lại cầm cỗ tràng hạt, ông
ta bèn lên tiếng hỏi:
- Chị làm gì thế?
Vị nữ tu trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện để ông được giảm bớt những cơn đau.
- Vậy chị cầu nguyện như thế nào?
Vị nữ tu bèn đọc thật chậm và sốt sắng lời kinh Chúa dạy:
- Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng…
Ông ta phát biểu:
- Lời kinh thật đẹp, chị hãy đọc tiếp nữa đi.
- Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Rồi sao nữa:
- Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Sau khi đã nghe đọc hết kinh Lạy Cha, ông ta nói:
- Tôi muốn chị dạy cho tôi lời kinh bất hủ ấy.
Và sau cùng, một người vô thần đã nhận biết Thiên Chúa nhờ lời kinh Lạy
Cha.
Trong phần tìm hiểu sáng hôm nay, tôi chỉ muốn dừng lại và phân tích bốn
chữ vắn gọn: Lạy Cha chúng con.
Trước hết là hai chữ “Lạy Cha”.
Trong đời sống chúng ta có thể gọi Thiên Chúa bằng nhiều danh hiệu khác
nhau: nào là Thiên Chúa vĩnh cửu, nào là Thiên Chúa quyền năng, nào là Thiên
Chúa tạo dựng, nào là Thiên Chúa thánh thiện. Mỗi danh hiệu đều nói lên một góc
cạnh, một đặc tính nào đó của Thiên Chúa.
Nhưng theo tôi nghĩ, không một danh hiệu nào lại đậm đà, lại trìu mến, lại
ý nghĩa, lại hy vọng cho bằng danh hiệu là Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy
chúng ta mỗi khi cầu nguyện hãy thưa lên:
- Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Thiên Chúa là một người Cha tuyệt vời và đúng nghĩa nhất, bởi vì Ngài đã
trao ban cho chúng ta sự sống phần xác, ngày chúng ta mở mắt chào đời, cũng như
sự sống phần hồn ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Danh hiệu này cũng đã
đem lại cho chúng ta chiếc chìa khoá để giải quyết vấn đề thân phận con người:
- Chúng ta bởi đâu mà đến và rồi chúng ta sẽ đi về đâu?
Tôi xin thưa:
- Chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và rồi sẽ trở về cùng Thiên Chúa là Cha
chúng ta.
Tiếp đến là hai chữ “chúng con”.
Chúng ta không đọc: Lạy Cha con, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời
kinh tuyệt vời này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với
Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau.
Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Như
thế lời kinh này không phải chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ
cho chúng ta tình huynh đệ.
Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải
hoà giải cùng nhau, vì thế không lạ gì khi thấy Chúa bảo chúng ta cầu nguyện:
- Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta hãy gắn bó mật thiết với Ngài. Đồng thời
là anh em với nhau, nên chúng ta phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Đó chính là những sứ điệp mà bốn chữ đầu của kinh lạy Cha muốn gửi đến mỗi
người chúng ta.