CHATEAUBRIAND
(FRANCOIS RENÉ)
(1768-1848)
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Saint Malo, mất tại Paris. Tiên
sinh đi du lịch qua Mỹ châu về thì tại Pháp Cách mạng 1789 bùng nổ. Vì thuộc
dòng quý tộc, tiên sinh lại phải lưu vong tại Anh cát lợi và trở về lại nước
Pháp năm 1800, năm mà Cách mạng Pháp đã chấm dứt rồi. Nhưng tiên sinh cũng chống
đối với Nã phá luân đệ I nên không hợp tác. Tuy vậy, năm 1811, tiên sinh vẫn được
cử vào Hàn lâm viện.
Trong thời kỳ Vương chính trùng hưng tức là
sau khi Napoléon đệ I bị đày rồi, dòng vua Bourbons Pháp về lại ngôi, thì tiên
sinh nhậm chức Đại sứ tại Luân đôn, rồi Bộ trưởng Ngoại giao…
Tác phẩm đầu tiên làm danh tiên sinh lừng lẫy
là Biệt tài của đạo Gia tô (Le Génie du Christianisme 1862). Tiếp đến hai chuyện ngắn
lãng mạn là Atala và René.
Năm 1809 xuất hiện bộ tiểu thuyết Những kẻ tuẫn giáo (Les Martyrs), rất được hoan nghênh.
Những tác phẩm khác là:
Hành trình từ Paris đến Jérusalem (Itinéraire de Paris à Jérusalem 1811).
Dân Natchez
(1826).
Cuộc du lịch tại Mỹ châu (Voyage en Amérique 1829)…
Nhưng tác phẩm giá trị hơn hết của tiên
sinh là Tử hậu di bút (Mémoires d’Outre tombe) kể lại một cách say sưa những kỷ
niệm của tác giả và chỉ được in ra sau khi tác giả đã qua đời (theo di chúc của
tác giả).
TÓM TẮT NHỮNG TÁC PHẨM CẦN BIẾT
Biệt tài của Đạo Gia tô: Tiên sinh còn gọi tác phẩm này là Những cái Đẹp của đạo
Gia tô (Les Beautés de la religionchrétienne). Trước kia, tác giả cũng vô tín
ngưỡng như phần đông các triết gia của thế kỷ XVIII, nhưng sau đó, tác giả lại
theo đạo Gia tô. Tác giả đặt vấn đề chứng minh rằng (theo lời tuyên bố của tác
giả): Đạo Gia tô là đạo hay hơn hết, nên thơ (poetique) hơn hết, nhân bản hơn hết,
là Đạo thích hợp hơn hết cho văn chương, nghệ thuật cần tự do, rằng Luân lý dạy
trong đạo Gia tô có những điểm tài tình… Sách chia ra làm 4 phần:
-
Phần thứ nhất nói về các Giáo lý Kinh Thánh,
các Lễ và Đạo đức dạy ở trong Tôn giáo.
-
Phần thứ hai nói về những tác phẩm lấy đề tài
trong Đạo Gia tô. Những tác phẩm này đều hay hơn rõ rệt. Những tác phẩm lấy đề
tài trong các ngoại giáo khác thì kém xa.
-
Phần thứ ba nghiên cứu về ảnh hưởng của Đạo
Gia tô trên Văn chương và Nghệ thuật nói chung.
-
Phần thứ tư nói đến các hình thức hành lễ, các
nhà thờ, các tăng lữ, công cuộc giúp ích cho xã hội do các tổ chức Gia tô giáo…
Sách này gần như là một sách truyền giáo.
Như vậy thì nó phải khô khan và thiên vị, nhưng ở đây chúng ta không phải gặp
những điều ấy vì tác giả tránh xa những lý luận. Tác giả chỉ muốn thuyết phục
chúng ta bằng tình cảm. Ví dụ như muốn chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế.
Thay vì lý luận như tất cả các nhà truyền giáo, tác giả đưa ra một đề tài “Tình
yêu mến quê hương”. Mối tình này ai cũng có, giàu nghèo, sang hèn. Xa quê hương
thì ai cũng buồn, héo mòn,… Vì đâu mà có mối tình ấy? Độc lập tự tìm lấy kẻ
sinh ra mối tình thiêng liêng ấy.
Tác giả chỉ muốn thuyết phục chúng ta bằng
óc thẩm mỹ. Tác giả tả cho chúng ta những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp gồm bằng
sông suối, núi non, chim muông,… mà tác giả đã xem tận mắt. Do đâu mà có những
cảnh ấy,…
Atala tả một
câu truyện tình ở Bắc Mỹ. Chactas, một thanh niên bị một bộ lạc da đỏ nọ bắt
giam và sắp sửa bị thiêu, Atala, con gái của tù trưởng theo đạo Gia tô, yêu
Chactas, tìm cách cứu thoát Chactas rồi trốn theo Chactas. Tiểu thuyết kết thúc
bằng sự tự sát của cô Atala và đám tang của cô này rất là thảm thiết.
René là một
thanh niên tuy có tài, nhưng sống héo, sống mòn bằng những nỗi buồn vẩn vơ.
Chán cho thế giới này và cũng chán luôn cho bản thân, René vào rừng châu Mỹ ở,
tưởng là để tìm được sự yên tịnh cho cõi lòng, cho tâm hồn, nhưng rồi chàng
cũng thất vọng.
Bằng tác phẩm này, Chateaubriand muốn tả
cái sầu thế kỷ đang tràn ngập tâm hồn hầu hết thi sĩ văn nhân lúc bấy giờ.
Những kẻ tuẫn giáo: Tác giả còn gọi tiểu thuyết này bằng Sự chiến thắng của
đạo Gia tô (Le Triomphe de la religion chrétienne). Tác phẩm này cũng như tác
phẩm Atala là để bổ túc cho tác phẩm chính “Biệt tài của đạo Gia tô”.
Vào cuối thế kỷ III, Eudore, một tín đồ
Thiên Chúa giáo, bị bắt, sắp bị hành hình. Cô Cyodocée yêu Eudore, sau đó cũng
theo đạo Thiên Chúa cũng bị bắt và, cũng sẽ bị hành hình tại La mã. Hai người sẽ
làm mồi cho hổ báo cùng một ngày, cùng một nơi trước sự la ó của dân La mã lúc
bấy giờ.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN
Với một trí tưởng tượng rất dồi dào, một lối
văn lộng lẫy, huy hoàng, nhưng tả cảnh đầy màu sắc, Chateaubriand đã đổi mới tất
cả nguồn cảm ứng của Văn chương, nhất là nền Văn chương Pháp, gây được ảnh hưởng
lớn trên phong trào Văn chương lãng mạn lúc bấy giờ.
Trích
tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết
của Trịnh Chuyết