Lời Chúa cntn 14c _ Tin Mừng

TIN MỪNG
Điều ta vui mừng trong cuộc đời ta, không phải là đã thi hành được những việc vĩ đại, được đặc ân nọ, đặc ân kia, có quyền phép trừ ma quỉ… mà điều ta vui mừng là tên của chúng ta đã được ghi trên trời.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh coi việc Chúa sai 72 môn đệ đi rao giảng, như ta vừa nghe, chỉ có giá trị tượng trưng, là vì số 72 (hoặc 70), theo Thánh Kinh (70 trong bản văn Hipri, và 72 theo bản văn Hy Lạp) đều chỉ các dân ngoại. Chính thánh Luca cũng đã dư biết các môn đệ chỉ đến với dân ngoại khi Chúa đã phục sinh và sau lễ Ngũ Tuần (ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống). Do đó, chỉ có thánh Luca mới ghi lại chuyến đi này, và các lời của Chúa được ghi lại trong đoạn này dài hơn các lời Người nói khi sai 12 tông đồ (Lc 9,2-5).
Thánh Luca cho ta biết Tin Mừng không phải chỉ để rao giảng cho người Do Thái mà còn được rao giảng cho toàn thế giới.
Sở dĩ Chúa nói: “Đừng chào ai dọc đường” là vì việc chào hỏi theo kiểu đông phương thì dài dòng, trong khi việc rao giảng Phúc Âm thì cần thiết.
Chúa lại nói: “Con cái sự bình an… và sự bình an sẽ đến trên người ấy, bằng không sự bình an lại trở về với các con”, đó là kiểu nói “Semit”. Thánh Luca lập lại kiểu chúc phúc thông thường của Cựu Ước (1Sm 25,6…), một lời cầu chúc: phúc, lộc, an khang, một lời chúc lành. Đó là sự bình an, quà tặng của Đấng Thiên Sai và bình an của Tin Mừng mang đến…
Hai điểm ta cần ghi nhớ trong bài Tin Mừng hôm nay:
·        Chúa muốn, và bắt mọi người góp công vào việc mở mang nước Chúa. Vì thế Chúa mới nói: “Hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt, gặt lúa về.” Ngoài việc đi rao giảng Tin Mừng, sống đời chứng nhân, ai cũng có thể cầu xin. Ta cầu xin Chúa cho người khác trở lại, cho các xứ truyền giáo, cho các vị chủ chăn, cho các người đang làm việc tông đồ… chính là ta góp công vào việc mở mang nước Chúa. Mỗi ngày ta hãy dâng những đau khổ, chịu đựng, bệnh tật, những hy sinh dù rất nhỏ mọn của ta cho việc mở mang nước Chúa. Giáo Hội đặt hai vị thánh bổn mạng cho các xứ truyền giáo: thánh Phanxicô Xavie và thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Thánh Phanxicô suốt đời lặn lội hàng trăm ngàn cây số để rao giảng Tin Mừng Chúa; còn thánh nữ Têrêxa chỉ sống âm thầm trong bốn bức tường nhà kín tại Lisieux, âm thầm hy sinh và cầu nguyện cho việc truyền giáo: cả hai đều đã góp công lớn lao cho việc mở mang nước Chúa.
·        Điều ta vui mừng trong cuộc đời ta, không phải là đã thi hành được những việc vĩ đại, được đặc ân nọ, đặc ân kia, có quyền phép trừ ma quỉ… mà điều ta vui mừng là tên của chúng ta đã được ghi trên trời, đã được ghi vào sổ hằng sống. Nói kiểu khác, suốt đời ta phải đặt phần rỗi là quan trọng nhất. Nào được ích gì khi ta lời lãi cả thế gian mà để mất linh hồn mình. Thánh Giêrônimô (340-420) khi còn là thanh niên mải miết học tập tiếng Latinh (La văn là cổ ngữ phổ thông thời đó) Ngài còn sống sa đọa, ham mê thú vui xác thịt. 19 tuổi ngài mới lãnh bí tích thánh tẩy. Nhưng rồi nghĩ tới cuộc đời chóng qua, nghĩ tới phần rỗi là quan trọng, ngài trở lại với Chúa, từ bỏ tất cả, tới sống trong sa mạc Chalcis như một ẩn sĩ. Nơi đây ngài sống khổ cực và thiếu thốn, vì bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ trở lại cuộc đời sa đọa trước. Ngài nói: “Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy”, và ngài còn nói thêm: “Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn lửa thèm muốn còn cháy lên dữ dội…” Để kiềm chế óc tưởng tượng, ngài phải luôn luôn cầu nguyện, ăn chay, đánh tội, và nhất là ngài chú tâm học tiếng Do Thái để rồi cố gắng và vất vả dịch toàn bộ Thánh Kinh ra tiếng Latinh. Bản dịch phổ thông (bản Thánh Kinh bằng tiếng Latinh) đã được thánh Giêrônimô phiên dịch hay nhuận đính (trừ các sách: Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch và hai cuốn Macabêô). Thánh Giêrônimô qua đời an bình và thánh thiện tại Bêlem ngày 30 tháng 9 năm 420.        
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
* Đề tựa của Lm. HK