HOÁN CẢI
Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, và Người mời
gọi chúng ta đừng bao giờ thất vọng về mình. Mỗi thành công là dịp để chúng ta
cảm tạ chúc tụng Chúa. Mỗi thất bại là khởi đầu cho nguồn ơn dồi dào hơn.
Tại một miền quê bên Hoa Kỳ vào thời lập quốc, có hai anh em bị
bắt quả tang đang ăn trộm cừu. Dân trong làng mở tòa án để xét xử. Sau khi nghị
án, mọi người đồng ý cho khắc trên trán của mỗi tội nhân hai chữ S.T có nghĩa
là “kẻ ăn trộm”.[1]
Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục đã trốn
sang một vùng đất khác để quên đi dĩ vãng của mình. Nhưng anh không thể xóa được
hai chữ viết trên trán. Bất cứ người nào gặp anh cũng tra hỏi về hai chữ ấy.
Không chịu nổi sự nhục nhã anh đã rời bỏ nơi cư ngụ mới để tiếp tục lang thang.
Cuối cùng, vì mòn mỏi trong cay đắng anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.
Nếu người anh đã bị sự sỉ nhục gặm nhấm đến nỗi phải chạy trốn
suốt cả cuộc đời thì người em lại tự nhủ:
-
Tôi không thể bỏ trốn
chỉ vì ăn trộm mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tái tạo lại niềm tin tưởng
nơi những người chung quanh, cũng như nơi chính mình.
Với quyết tâm đó, anh đã ở lại trong xứ sở mình. Chẳng bao lâu
anh đã xây dựng được một cơ nghiệp lớn, cũng như tạo được danh thơm tiếng tốt của
một người thanh liêm chính trực.
Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi trên
trán anh. Ngày kia có người lạ mặt hỏi cụ già về ý nghĩa của hai chữ ấy. Cụ suy
nghĩ một lát rồi trả lời:
-
Tôi không nhớ rõ lai lịch
của hai chữ ấy. Nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng hai chữ
ấy có nghĩa là “Thánh Thiện”.[2]
Dụ ngôn “cây vả” đã nói lên lòng nhân từ, thương xót đầy kiên nhẫn
của Thiên Chúa. Người muốn chăm sóc và tạo điều kiện để tội nhân được trở về
trong tình thương.
Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, và Người mời gọi
chúng ta đừng bao giờ thất vọng về mình. Mỗi thành công là dịp để chúng ta cảm
tạ chúc tụng Chúa. Mỗi thất bại là khởi đầu cho nguồn ơn dồi dào hơn. Mỗi vấp
ngã là bàn đạp để chúng ta vươn lên: “Trở ngại nào cũng là một trợ giúp”. Bởi
vì, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta.
Người em trong câu chuyện trên đây cho chúng ta một tấm gương
sáng chói về sự hoán cải. Bởi vì, như Oscar Wilde đã nói: “Mỗi thánh nhân có một dĩ vãng và mỗi tội nhân có một tương lai”. Nhưng
nó cũng nói lên rằng: sự hoán cải không là công việc của một ngày, một tháng, một
năm, mà là công trình cả một đời. Bao lâu còn sống chúng ta vẫn còn được mời gọi
để hoán cải không ngừng.
Hơn nữa, sự hoán cải ấy không chỉ là cố gắng riêng tư của chúng
ta, mà còn là tác động của chính Chúa. Chính Người mới có thể tái tạo cho chúng
ta một trái tim mới. Sự đổi mới mà người Kitô không ngừng đeo đuổi suốt cuộc sống
của mình là “cuộc gặp gỡ kỳ diệu” giữa những cố gắng riêng tư của mình với sự
tái tạo của chính Chúa.
Lạy Chúa, tội lỗi đè nặng trong tâm hồn con, có lúc con chỉ nghĩ
đến những vết hằn trong lòng mà quên đi tình thương nhân hậu của Chúa. Xin cho
con biết quyết tâm hoán cải và mau quay về với Chúa, vì con biết chắc rằng Chúa
luôn yêu thương con. Amen.
Trích trong ‘Như lòng
Chúa khoan dung’