Người Thợ
Điêu Khắc
Ông
say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng
tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá.
***
Ông
sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. Ngày lại
ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn
nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. Người trong làng thỉnh thoảng
ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. Nguồn thu
nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng, nhiều ngôi
chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy
nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.
Một ngày kia, có vị linh mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một "ông Cha" giao tiếp với ông; thứ đến là loại hàng này ông chưa bao giờ thử qua!
***
Ông
Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện.
Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét
chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.
-
Nhưng
thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng
như ông đòi hỏi?
Vị
Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy
ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt
nhà nghề, giọng đầy phân vân:
-
Thú
thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng
Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa
không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể
lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…
Vị
Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn
sách:
-
Đây
là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.
Suốt
cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu
nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có
vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng
Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người,
một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là
gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư
thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền
lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!
Ông
cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong
giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ
thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi, hai cánh mũi phập
phồng trong cơn khó thở!
Ngày
qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng
lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng
ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí
khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với
những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông
hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của
Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại
thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo
này!
Mỗi
nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt.
Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng
tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong
sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ
mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông
ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!
Hình
như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ
thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! Cái điệp khúc “Phần Ta, Ta
bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới
thánh thiện làm sao!
Mỗi
ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc
khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để
đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi
đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được
ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ.
Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có
người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung họ dần có cảm
tình với ông.
Giai
đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ
nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển
Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm
riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc
hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu.
Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!
Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!
Từng
nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa
Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác
vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang
khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính
Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và
khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực
ông.
Khi
ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng
cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường.
Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.
Tiếng
gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ
dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối
nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra
chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!
Ông
bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà
toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã
chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này.
Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể
mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…
Phải
đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá
mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm
chặt chân tượng Thánh Giá.
(*) đốc chết: điềm gở báo sự chết gần tới.
Đúng là Chúa Giêsu có một phong
thái và một tiểu sử đặc biệt kỳ lạ so với các nhà lập đạo khác, mà nổi bật nhất
là cái chết đau thương trên thập giá và lời “quảng cáo” lạ lùng của Ngài, ngay
sau khi báo cho các môn đệ biết về cái chết đau thương đó: “Ai muốn theo Thầy,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,28)
Thế nhưng chính trong cái chết đau
thương đó mà người ta nhận ra vẻ đẹp thần linh của một tình yêu hoàn toàn quên
mình, sống vì người khác. Cái chết của Chúa Giêsu cũng là một lời mời gọi mọi
người bước vào một thế giới mới, một cuộc sống mới, trong đó tất cả được lấp đầy
bằng tình yêu.
Vẻ đẹp đó đòi buộc ai muốn theo
Chúa phải hoàn toàn từ bỏ chính mình, không còn tìm một chút gì cho mình; tất cả
đều phải qui hướng về Thiên Chúa và tha nhân: “Thầy ban cho anh em một điều
răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em.” (Ga 13,34)
Người thợ điêu khắc trên là ai vậy?
Chúa muốn tôi làm người thợ điêu khắc đó. Khúc gỗ bình thường sau khi đục đẽo lại thành bức tượng cao trọng, đáng mến đó là chính con người tôi, mà mỗi
nhát đục là một hy sinh vì tình yêu trong đời sống làm cho tôi nên giống
Chúa hơn.
Trong cuốn Đường Hy Vọng, ĐHY Nguyễn
Văn Thuận chia sẻ kinh nghiệm “đục đẽo” đó:
* "Ai thuê tôi săn sóc bệnh
nhân một vạn đồng một ngày, tôi cũng không nhận!", một bác sĩ nói. -
"Thưa bác sĩ, nữ tu đáp, phần tôi, nếu không phải vì mến Chúa, một triệu đồng
một giờ tôi cũng không chịu. Nhưng vì Chúa tôi sẽ ở đây đến chết" (ĐHV
709)
* Gian khổ là cơm bữa của đời người.
Nhưng với người công giáo, cuộc sống của họ "loan truyền việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng việc Chúa sống lại". Con có sung sướng khi đọc lời ấy không?
(ĐHV 710)
* Gian khổ nặng nề nếu con khiếp sợ
trốn lánh, gian khổ dịu dàng nếu con can đảm chấp nhận (ĐHV 717)
Chính vẻ đẹp của tình yêu quên mình làm nên sức mạnh của
Kitô giáo, làm cho mọi người thấy một điều gì là thánh thiêng trong đạo, làm
cho người ta vẫn giữ đạo và theo đạo dù đạo Chúa Giêsu bị bách hại ngay từ những
ngày đầu tiên.