Học làm người _ luận bàn về pháp luật

Luận bàn về Pháp luật
Đạo đức và pháp luật về bản chất hoàn toàn khác nhau. Đạo đức là các giá trị, còn pháp luật là các công cụ để điều chỉnh các giá trị. Chỉ có đạo đức được luật hoá chứ không có sự đạo đức hoá luật.  
Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult
Sách Văn hóa và Con người
chungta.com
Vai trò định hướng ứng xử không chỉ thuộc về đạo đức mà còn thuộc về pháp luật. Những nhà triết học ngay từ thời cổ đại, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đều nói đến vai trò to lớn của pháp luật.
Hàn Phi Tử cho rằng mặc dù có những bậc hiền nhân, nhìn chung con người có bản tính ác và cần phải dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi của họ. Thực ra, cái lệch lạc của con người cũng tự nhiên như cái đúng đắn của nó. Pháp luật và nhà nước là nhu cầu tự nhiên của cuộc sống, không phải là phi tự nhiên. Con người sinh ra làm cả việc đúng lẫn việc sai, cả những việc chính đáng và những việc lệch lạc.
Con người, dù muốn hay không, phải sống chung, với cáe nhu cầu của cá thể và các nhu cầu mang tính công cộng khác nhau. Vì thế, cần phải có một sự dàn xếp, phải có trọng tài, có người kiểm soát các giá trị công cộng hay phòng ngừa sự xâm phạm vào các giá trị công cộng bởi một số cá thể. Nhà nước và pháp luật là những công cụ không thể thiếu. Vấn đề ở chỗ cần nhà nước nào, pháp luật nào và các giới hạn của nó là gì.
Chúng ta cần phải phân biệt hai khái niệm đạo đức và pháp luật cùng với mối tương quan biện chứng của hai khái niệm này. Đạo đức và pháp luật về bản chất hoàn toàn khác nhau. Đạo đức là các giá trị, còn pháp luật là các công cụ để điều chỉnh các giá trị. Chỉ có đạo đức được luật hoá chứ không có sự đạo đức hoá luật. Đó là hai khái niệm có chức năng xã hội và bản chất tự nhiên khác nhau. Tất cả các khái niệm trên đều thuộc về con người, tuỳ trạng thái giác ngộ của con người mà trở nên hợp lý hay không hợp lý.
Chừng nào con người cảm thấy rằng nếu không có pháp luật thì sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn thì pháp luật đóng vai trò thống trị. Nếu con người cảm thấy pháp luật bóp chết tự do, bóp chết năng lực sáng tạo của con người thì vai trò của pháp luật sẽ bớt đi. Khi đó các hành vi của con người sẽ được điều chỉnh nhiều hơn bằng đạo đức. Không có mô hình chung cho đời sống con người mà chỉ có mô hình phù hợp cho trạng thái giác ngộ của con người hay trình độ phát triển của con người. Một trò chơi mà luật lệ chặt chẽ quá sẽ làm giảm bớt đi sự bay bướm. Con người sống tuân theo pháp luật nhưng con người sáng tạo theo qui luật của tâm hồn. Nói cách khác đạo đức và pháp luật, mặc dù về mặt bản chất khác nhau, đều có nghĩa vụ xã hội là tạo ra môi trường sống tốt đẹp cho con người. Nếu pháp luật trở thành công cụ để hạn chế tự do và làm giảm thiểu năng lực sống của con người thì pháp luật trở nên phản động.
Nhà nước nào có pháp luật đó, pháp luật ấy thô sơ, độc tài hay dân chủ là tuỳ thuộc vào chất lượng của nhà nước và chất lượng của xã hội. Xã hội đủ năng lực để kiềm chế nhà nước và tác động ngược hấp dẫn và rằng phương Tây đang hướng về những giá trị đó như là "trở về cội nguồn". Ở Việt Nam, hiện nay có phong trào hương ước hoá các qui tắc sống, các qui tắc sinh hoạt ở các làng xã. Việc này, theo tôi, là một sai lầm. Thực ra, hương ước chính là bằng chứng về tình trạng chậm phát triển.
Châu Á không hề có giá trị gì đặc biệt so với phương Tây. Nguồn gốc của việc xem trọng hương ước, bản sắc, giá trị châu Á là kết quả của bệnh tự ty, kết quả của tình trạng kém hay thiếu phát triển. Văn hoá nào, pháp luật nào, quan điểm chính trị nào thì cũng để phục vụ cho sự phát triển con người. Sự phát triển cá nhân con người, chứ không phải hương ước, không phải luật pháp quốc gia hay luật pháp toàn cầu là mục tiêu. Ở đâu nền văn hoá kìm hãm sự phát triển thì nền văn hoá ấy có vấn đề, pháp luật ấy có vấn đề.
Con người là khái niệm, không phải là một cá nhân. Cái hay của phương Tây là dung hoà được giá trị của cá thể và giá trị của cộng đồng. Pháp luật phải dung hoà giữa quyền lợi cá thể và quyền lợi cộng đồng, tạo ra tự do cá nhân chứ không phải tạo ra sự vi phạm các lợi ích công cộng. Đó mới là pháp luật lý tưởng.
Muốn có pháp luật lý tưởng, trước hết phải nâng cao dân trí chứ không phải là bắt đầu bằng việc biên soạn luật. Nâng cao dân trí đến lượt nó lại phải bắt đầu bằng nâng cao mức sống. Con người phải đạt đến một mức độ phát triển vật chất nào đó mới có quyền tự do để nhận thức được các giá trị tinh thần. Một khi còn bị trói buộc vào miếng ăn, vào nhà ở thì con người chưa thể có tự do. Con người mà chưa tự do, chưa được giải phóng ra khỏi những yêu cầu tối thiểu của đời sống vật chất thì không thể có hứng thú để bước sang lĩnh vực thưởng thức các giá trị tinh thần và do đó chưa thể có thói quen tôn trọng các giá trị pháp luật. Cho nên, nhiệm vụ đầu tiên của các hệ thống chính trị là nâng cao mức sống của con người và giải phóng con người khỏi những ràng buộc vật chất tối thiểu để họ được tự do. Càng tự do bao nhiêu con người càng tôn trọng pháp luật bấy nhiêu. Các hiện tượng vi phạm pháp luật là kết quả của sự thiếu tự do.
Khi nghiên cứu pháp luật, người ta thường đề cập đến hai mô hình: pháp trị và đức trị. Thực ra pháp trị và đức trị là hai trào lưu tư tưởng chứ không phải là hai mô hình pháp luật. Mặc dù luôn luôn nằm giữa trung tâm của những cuộc tranh luận lớn về bản chất của pháp luật, không ở đâu có pháp trị hoàn toàn và cũng không ở đâu có đức trị hoàn toàn, dù là ở phương Tây hay ở phương Đông. Sự phát triển không phải là do dùng pháp trị hay đức trị, mà chính là cách thức sử dụng các phương pháp cũng như cán cân Trị Vì và Quyền Lợi.
Giá trị của phương Tây là biến xã hội thành cấu trúc của các Quyền. Pháp luật là văn kiện, là công cụ để người ta qui định các Quyền. Và chỉ khi người ta qui định các Quyền thì mới tạo ra sự phát triển. Lẽ đơn giản là một khi có quyền, dù hẹp đến đâu chăng nữa, thì con người cũng cố gắng tận dụng không gian chính đáng là các Quyền của họ. Không nên nhầm rằng pháp trị thì hạn chế sự phát triển còn đức trị thì tăng cường sự phát triển hay ngược lại. Ở nơi nào con người bắt đầu có các quyền hiến định, các quyền luật định của mình, thì ở đấy có sự phát triển.
Có một hiện tượng đáng suy ngẫm là phần lớn các quốc gia đang phát triển đạt được thành tựu kinh tế cao trong những thập niên vừa qua (trừ các quốc gia thành phố như Singapore, Hong Kong...) đều là những nước mà ở đó quyền con người bị bóp nghẹt, thậm chí là những đất nước của các bạo chúa. Có thể kể: Chile, Indonesia, Hàn Quốc... Hiện tượng này cần phải được lý giải từ bản chất. Trước tiên, cần phân biệt phát triển và phát triển bền vững. Tạo ra một nhà nước thật mạnh, tập trung tất cả các ý chí hành động, huy động một cách cưỡng bức tất cả các năng lực để tạo ra sự phát triển quốc gia thì đó cũng là một biện pháp tạo ra sự phát triển. Nhưng sự phát triển đó có bền vững không? Một quốc gia có thể phát triển bằng cách đổ chất thải của mình sang các nước lân cận hay không? Và liệu các quốc gia lân cận có cho phép nước đó đổ chất thải sang không?
Trong một thế giới đã toàn cầu hoá, quốc gia nào sẽ hứng chịu rác rưởi của quốc gia khác? Hiện nay, với sự thức tỉnh của các dân tộc sau chiến tranh lạnh, các quốc gia buộc phải điều chỉnh lại chính sách của mình. Không quốc gia nào có thể làm như trước đây được nữa. Giai đoạn tập trung ý chí hành động bằng nhà nước đã qua, giai đoạn hiện nay là giai đoạn thức tỉnh các lực lượng khác nhau trong mỗi dân tộc và vì thế hình thức nhà nước mạnh không còn là hình thức hợp lý.
Nguồn:  Sách Văn hóa và Con người