Lời Chúa cnps 6c _ Thầy ban cho các con bình an của Thầy

Thầy ban cho các con
BÌNH AN CỦA THẦY
Lời trao tặng bình an của Đức Kitô cũng là lời mạc khải về ân huệ cao quí nhất mà Thiên Chúa dành cho con người, cho họ được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, trong Đức Kitô.
Trong cuốn “Người lữ hành trên đường hy vọng", ĐHY F.X. Nguyễn văn Thuận đã kể về điểm xuất phát của Công đồng Vatican II như sau:
Chính Đức Gioan XXIII đã dùng danh từ ‘Lễ Hiện xuống mới’ để diễn tả Công đồng Vatican II, một biến cố vĩ đại nhất của Hội thánh trong thế kỷ XX này, một biến cố không ai ngờ trước, ngay cả vị giáo hoàng khả kính. Ta hãy đọc chính những dòng do tay ngài đã viết sau đây:
“Tôi không nghĩ chi trước. Bất ngờ hôm nay 20-1-1959, khi bàn chuyện với vị thư ký, tôi nói đến Công đồng chung, Hội đồng Rôma, sửa lại Giáo luật. Thực ra lúc đó tôi không có dự ước hoặc một kế hoạch nào.
“Công đồng làm cho chính tôi cũng bỡ ngỡ và không ai ngờ rằng con người tôi lại nghĩ đến việc lớn lao đó.
“Rồi sau đó, mọi diễn biến tự nhiên xảy đến êm đẹp …”
Sự hiện diện của Chúa làm cho đời sống Giáo hội có vẻ có nhiều bất ngờ trong con mắt trần gian; và rất đáng ngạc nhiên là dù sống giữa một thế giới có nhiều thay đổi, Giáo hội vẫn có một sự bình an linh thánh.
Sự bình an Đức Kitô để lại khác với bình an của thế gian. Nó đặt nền tảng trên sự kết hiệp với Thiên Chúa, chứ không nhằm giúp ai tránh được khổ đau hay thiếu thốn trong cuộc sống trần gian: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”.
Nơi Đức Kitô, sống là kết hiệp với Chúa Cha: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).
Sự kết hiệp với Chúa Cha, qua việc thực hiện thánh ý Người, là sự sống và bình an của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, mong ước lớn nhất của Đức Kitô là chia sẻ sự kết-hiệp-ban-bình-an đó cho những ai theo Ngài. Mong ước đó được diễn tả qua lời nguyện rất dài trong Phúc âm Gioan: “Lạy Cha … Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17)
Lời trao tặng bình an của Đức Kitô cũng là lời mạc khải về ân huệ cao quí nhất mà Thiên Chúa dành cho con người, là cho họ được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, trong Đức Kitô.
Thật là một ân huệ cao quý! Dù mang thân phận hèn mọn, nhưng gia nghiệp và hạnh phúc của mỗi người lại chính là Thiên Chúa. Họ như “thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên” (Kh 21,23).
Sự bình an Đức Kitô để lại là một ân huệ, nhưng cũng là một lời mời gọi con người sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc tuân giữ Lời Chúa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”.
Sự kết hiệp đó đem lại sự bình an khôn sánh cho người tin vào Chúa: “Khốn khổ ngặt nghèo tuy ập xuống thân con, mệnh lệnh Ngài vẫn làm con vui thoả … Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (Tv 119,143.165).
Một thanh niên theo học một nghệ nhân nổi tiếng trong ngành sản xuất kính màu. Từ đôi tay của nghệ sĩ bậc thầy đó sản sinh ra không biết bao nhiêu những tác phẩm tuyệt hảo. Muốn đạt tới trình độ điêu luyện mà thấy khó quá, anh mới hỏi mượn bộ đồ nghề của thầy, với hy vọng sẽ tự mình tạo được những tuyệt phẩm… Vài tuần sau, anh đem trả lại bộ đồ nghề, thưa rằng: “Thưa thầy, con chẳng thấy khá hơn chút nào với bộ đồ nghề của thầy.” Người thầy trả lời: “Cái mà anh cần không phải là bộ đồ nghề, mà là tinh thần của thầy”.
Trước khi về với Cha, để bảo vệ và làm trọn sự kết-hiệp-ban-bình-an nơi những kẻ theo Ngài, Đức Kitô đã hứa ban Thần Khí của Ngài: “chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Thánh Thần được sai đến để hướng dẫn và giữ gìn Giáo hội đi trong đường lối Chúa; Thánh Thần là bảo đảm cho sự bình an của Giáo hội, vì nhờ Thánh Thần mà Giáo hội luôn kết hiệp với Thiên Chúa. Đặc điểm của Giáo hội từ xưa đến nay là luôn kết hiệp với Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng …”
Giáo hội được sai đi rao giảng Tin Mừng hầu xây dựng một thế giới mới. Một thế giới thật tốt đẹp mà chỉ những ai sống trong sự bình an Đức Kitô để lại - kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, qua việc tuân giữ lời Ngài trong Thần Khí của Đức Kitô - thì mới cảm nghiệm được.
Đứng trước cuộc sống luôn thay đổi, với nhiều nhu cầu cần được thoả mãn, tôi thường nói: “Tôi có quá nhiều việc phải làm nên không còn giờ để cầu nguyện”;
Nhưng đó không phải là cách ứng xử của người tông đồ đích thực. Tông đồ đích thực của Chúa là người ưu tiên tìm kiếm sự kết-hiệp-ban-bình-an, một điều luôn đòi hỏi phải có nhiều Thần Khí của Đức Kitô hơn, và họ sẽ nói: “Tôi có quá nhiều việc phải làm đến nỗi phải dành thời gian để cầu nguyện”.
Lm. HK