GIỚI LUẬT
YÊU THƯƠNG
Ngày phán xét... chúng ta thuộc
về nhóm người nào: nhóm người lành hay nhóm kẻ dữ? Nhóm chiên hay nhóm dê? Nhóm
ở bên phải hay nhóm ở bên trái? Nhóm được chúc lành hay nhóm bị chúc dữ? Nhóm
được ân thưởng hay nhóm bị trừng phạt?
Trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã gửi gấm những tâm sự cuối cùng
cho các môn đệ. Ngài đã trăn trối cho các ông, cũng như cho chúng ta một sứ điệp
quan trọng mà mỗi người phải đem ra thực hành trong cuộc sống. Ngài nói:
-
Các
con thân mến, Thầy chỉ còn ở với các con một thời gian ngắn nữa mà thôi, nên Thầy
ban cho các con một điều răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy
đã yêu thương các con.
Như chúng ta đã biết: giới răn thứ nhất đó là lòng kinh mến đối với
Thiên Chúa. Tuy nhiên, giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất,
đó là tình yêu thương đối với anh em.
Thế nhưng, nếu kiểm điểm lại cuộc sống, chúng ta thấy mình đã thực hiện
hai giới răn ấy như thế nào? Bởi vì tất cả đều xuất phát từ lòng mến Chúa và
tình yêu người. Tất cả mọi lời khuyên nhủ và ngăn cấm cũng chỉ là kết quả đương
nhiên của hai giới răn ấy mà thôi.
Đúng thế, nếu chúng ta thực sự yêu thương anh em, hẳn chúng ta sẽ không
còn thù oán và ghen tương, hẳn chúng ta sẽ không còn nói hành và nói xấu, hẳn
chúng ta sẽ không còn gian tham và bất công. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh,
chúng ta đều cố gắng chia sẻ và giúp đỡ họ. Trong chiều hướng đó, chúng ta mới
hiểu được lời nói sâu xa của thánh Augustinô: “Ama et fac quod vis”, nghĩa là HÃY YÊU VÀ LÀM ĐIỀU MÌNH MUỐN.
Sở dĩ như vậy, vì tất cả những hành động xuất phát từ tình yêu thương đều
có giá trị riêng của chúng.
Không phải chỉ trong ngày sau hết chúng ta mới bị xét xử về tình yêu
thương, mà hơn thế nữa, ngay từ bây giờ tình yêu thương đã trở thành dấu chỉ của
người môn đệ Chúa. Không có tình yêu, thì mọi hành động chỉ là tiếng não bạt ầm
vang, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã phải nhấn
mạnh:
-
Người
ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.
Như vậy, tình yêu thương vừa là một điểm đặc sắc nhất của người Kitô hữu,
vừa là một bảo chứng chắc chắn nhất cho niềm hạnh phúc đời đời.
Thực vậy, hẳn chúng ta còn nhớ lời Chúa phán trong ngày phán xét. Với những
người lành, Ngài bảo:
-
Hỡi
những kẻ đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần thưởng đời đời đã được
sắm sẵn cho các ngươi từ muôn ngàn thưở trước, vì khi Ta đói, các ngươi đã cho
ăn. Khi Ta khát, các ngươi đã cho uống, Khi ta mình trần, các ngươi đã cho mặc.
Khi Ta đau yếu và bị cầm tù, các ngươi đã viếng thăm.
Vậy lúc này đây, chúng ta đang thuộc về nhóm người nào: nhóm người lành
hay nhóm kẻ dữ? Nhóm chiên hay nhóm dê? Nhóm ở bên phải hay nhóm ở bên trái?
Nhóm được chúc lành hay nhóm bị chúc dữ? Nhóm được ân thưởng hay nhóm bị trừng
phạt?
Từ đó, hẳn chúng ta đã nhận ra điều gì cần phải làm ngay? Đó là tình yêu
thương. Điều ấy tuy dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng,bởi vì nó sẽ ấn định
số phận đời đời của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, yêu thương bằng miệng lưỡi,
bằng lời nói mà thôi chưa đủ, điều quan trọng và cần thiết, đó là phải biểu lộ
tình yêu thương ấy bằng những việc làm cụ thể.
Bác tài xế của Đức Thánh Cha Phaolô VI kể lại rằng:
Có một cụ già chẳng may bị mất một con lừa. Cụ ta bèn viết thư xin Đức
Thánh Cha giúp đỡ, lúc bấy giờ ngài mới chỉ là một vị Tổng Giám Mục. Sau khi biết
được giá mua của một con lừa, ngài liền gửi số tiền ấy cho cụ già.
Là một vị Hồng Y, bận rộn nhiều công chuyện lớn lao, thế mà ngài vẫn
không quên những nhu cầu nhỏ bé cần phải giúp đỡ cho những kẻ bất hạnh. Chính
vì những hành động nhỏ bé này mà người ta xác định được tình yêu thương chân
thành của người Kitô hữu. Một linh mục ở Milan cũng đã nhận xét: Tôi thường thấy
đức Hồng Y quì gối chăm sóc cho những người nghèo túng và bệnh tật.
Với chúng ta cũng vậy, Hãy biểu lộ tình yêu thương của chúng ta đối với
những người chung quanh bằng những việc làm cụ thể, bởi vì chính những việc làm
cụ thể này sẽ là như một tấm vé để chúng ta được đón nhận vào Nước trời.