Một chút suy tư _ điểm hẹn Giêsu


ĐIỂM HẸN GIÊSU
Hãy vào cổng hẹp.
Vì rộng rãi và thênh thang
là con đường dẫn đến hư vong
Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể

Chiều Chúa Nhật 27-01-2013, trên các trang mạng xã hội, người ta nhận được tin buồn, Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời.
Từ sáng tác đầu tay mang tên Cô hái mơ, âm nhạc của Phạm Duy bắt đầu xuất hiện trong làng nhạc Việt và sau đó nhanh chóng trở thành những ca khúc bất hủ…”
Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời ở tuổi 93 nhưng ông đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ với cả ngàn bài hát. Ông mất đi nhưng khán giả sẽ còn nhớ mãi những ca khúc lay động lòng người của cố nhạc sĩ…”
Đạo diễn Đinh Anh Dũng viết: “Phạm Duy đã ra đi... Vẻ đẹp của ông vẫn còn đó, nó toát ra từ một nhạc sĩ đã trải qua bao sóng gió cuộc đời, bao thăng trầm lịch sử, bao dư luận nghiệt ngã nhưng vẫn tĩnh tại và vững vàng…
“Trưa 27-1, bay ra Hà Nội thì tôi nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy mất lúc taxi bắt đầu vào TP. Khi xe chạy đến khu vực nhà thờ lớn - nơi tôi sẽ ở - vô tình lúc đó, một hồi chuông thong thả gióng lên. Tôi lặng đi, chuông nguyện hồn ông chăng?...
“Khi tôi viết những dòng này, một hồi chuông nữa lại vang lên. Tự nhiên tôi có một ý nghĩ, muốn dâng hồi chuông thánh thiện này cho Phạm Duy, cầu mong linh hồn ông siêu thoát, dù những điều mong mỏi của ông trong những ngày cuối đời vẫn chưa thành hiện thực…”
Trước khi qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy đã hát cùng với ca sĩ Khánh Ly nhạc phẩm do chính ông sáng tác "Những gì sẽ đem theo vào cõi chết":
“Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được tiền tài
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay ruợu nồng
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía,
Tôi không đem theo với tôi được mộng giàu sang phú quý,
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại,
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời,
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới,
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi!
Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn,
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng,
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng,
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống.
Tôi không đem theo với tôi được nhiều điều tôi mong đợi
Tôi không đem theo với tôi danh với lợi ra ngoài đời,
Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi
Tôi không đem theo với tôi, và để lại cho thế giới…

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi Niết,
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng mừng không hối tiếc
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 giờ để sống và mỗi ngày trôi qua, cuộc đời chúng ta ngắn đi 24 giờ đồng hồ. Cho dù có sợ chết, có tìm mọi cách để sống mãi, chúng ta cũng vẫn không qua khỏi quy luật tự nhiên của Tạo Hóa đó là “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”. Vậy chúng ta phải làm gì với những thì giờ còn lại trên thế gian này?
Khi sắp chết, Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình:
1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài.
3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần rất ngạc nhiên về những yêu cầu kỳ lạ này, đã hỏi Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.
Alexander giải thích như sau:
1 - Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời.
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Trang mạng tạp chí Forbes loan báo ông Albert Gubay, 82 tuổi, một tỷ phú chủ một hệ thống siêu thị tại Anh đã tặng 786 triệu Úc kim, tức hầu như toàn bộ tài sản của ông cho một tổ chức Công giáo để lo cho các chương trình liên quan đến Giáo hội Công giáo. Ông chỉ giữ lại khoảng 10 triệu bảng Anh để sử dụng trong tuổi già. Ông Gubay nói: "Tôi đã mượn 100 bảng Anh và giao kèo với Chúa như sau: Xin hãy làm cho con trở thành triệu phú và Chúa sẽ có phân nửa tài sản của con". Ông không chỉ trao tặng phân nửa tài sản, mà còn cho đi hầu như toàn bộ tài sản của mình (London Cathnews 24/3/2010).
Như Alexander Đại Đế, như nhà tỷ phú Albert Gubay, hay như nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy… cõi vĩnh hằng là điểm hẹn của mỗi người, và của tất cả mọi người phải đến, phải có mặt ở đó. Lúc đó ta sẽ biết "Những gì sẽ đem theo vào cõi chết". Ai không có mặt ở “điểm hẹn” ấy là coi như uổng công cả một cuộc đời. Điểm hẹn đó là nấm mồ, và sau nấm mồ vô tri ấy là gặp được Con Người quyền năng và đầy lòng thương xót, đó là Đức Giêsu Kitô.
Tất cả phụng vụ của Hội Thánh đều quy về Đức Giêsu Kitô, nên khởi đầu năm phụng vụ là mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Tiếp đến là mầu nhiệm cứu chuộc, chết trên thập giá và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Giữa năm phụng vụ Hội Thánh dành cả một tháng để chiêm ngưỡng tấm lòng yêu thương vô cùng của Thiên Chúa nơi trái tim của Chúa Giêsu. Cuối cùng là suy niệm về thân phận con người “Tất cả đều phải chết” (tháng các linh hồn). Nhưng chóp đỉnh là: Hội Thánh, tất cả người sống cũng như kẻ chết, đều nhìn vào niềm hy vọng vĩnh cửu của mình là Chúa Kitô Vua, Đấng chiến thắng sự chết, Đấng đã đặt sự chết dưới bệ chân của Ngài, vì Ngài là Đấng phục sinh đang cầm vận mệnh của cả nhân loại.
Vì vậy, cùng đích của nhân loại, hạnh phúc của nhân loại là chính Đức Giêsu chứ không phải là thứ lý thuyết đạo đức nào khác. Nói cách khác, chính Đức Giêsu là cánh chung, là điểm hẹn cuối cùng không phải chỉ là của riêng người Kitô hữu, mà là của mọi người, của tất cả những ai đã có mặt, đang có mặt và sẽ được sinh ra trên thế gian đau khổ này.
Chính vì thế mà cuộc đời của mỗi người, muốn có hạnh phúc đích thật, thì từ khi bắt đầu có mặt ở trần gian, phải để Thiên Chúa hướng dẫn, để đi vào, đi trên, hoặc đi đến con đường đó, để cuối cùng gặp được hạnh phúc của mình.
Con đường ấy không phải là con đường nào khác, mà cũng chính là Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng theo thánh Gioan: Môn đồ Tôma hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, tôi không biết Ngài đi đâu, làm sao mà biết được con đường? Đức Giêsu nói với ông: “Ta là Đường” (Ga 14,6).
Vậy Hội Thánh trước hết không hề khuyên giáo dân hãm mình ép xác, tu thân tích đức, mà Hội Thánh đưa mọi người vào con đường của Đức Giêsu, nghĩa là đi vào trong Ngài bằng bí tích Thánh Tẩy, để dìm chết con người cũ tội lỗi trở thành con người mới. Mà những người được ơn này, dù là trẻ nhỏ hay người lớn tuổi, chẳng phải ăn chay đánh tội, hãm mình ép xác, mà chỉ quyết tâm từ bỏ con đường cũ, hết lòng tin vào Đức Giêsu, ước ao đón nhận Ngài làm Chúa của mình, và đặt cả mạng sống linh hồn thân xác vào con đường của Ngài để cho Thánh Thần dẫn dắt, từ những ngày tháng vất vả đau khổ hôm nay đến điểm hẹn cuối đời là nhà Cha. Chúng ta thường gọi con đường này là ơn cứu độ.
Tin là theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn của Ngài. Con đường này đối với thế gian thì không ai thích, trái lại thế gian còn chối bỏ khinh chê, vì thế gian không thể gặp được ở con đường này những đam mê, phóng đãng của nó. Nhưng Thiên Chúa nói, trên đường của Ngài, “chúng sẽ được chăn dắt, chúng sẽ có đồng cỏ, chúng sẽ không phải đói, không phải khát, nóng bức và mặt trời không làm chúng đau ốm, vì Đấng thương xót sẽ hướng dẫn chúng” (Ys 49,9.10). “Chúng” là những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô.
Con đường này, chính Đức Giêsu Kitô đã đi trước chúng ta, trong tư cách là người tôi tớ của Đức Giavê.
Đức Giêsu là đường. Đức Giêsu còn là cửa nữa. Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 10, câu 9 đến câu 10, Đức Giêsu nói: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.
Đó là con đường của Đức Giêsu, đó là cửa của Đức Giêsu. Vì vậy con đường chúng ta phải đi, cửa chúng ta phải vào, điểm hẹn cuối đời chúng ta phải đến để có hạnh phúc là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ai không ở trong Đức Giêsu hôm nay mà chỉ muốn tu thân tích đức cho riêng mình để được lên thiên đàng, thì người ấy đã đi trật đường rầy mất rồi.
Tin Mừng theo thánh Luca nói: “Đức Giêsu tiếp tục hành trình đi Giêrusalem, có người nói với Ngài: ‘Thưa Ngài ít người được cứu thôi, phải không?’Đức Giêsu nói cùng họ: ‘Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào’.
Trong thế gian, các bậc giảng dạy cũng như vua quan lãnh đạo các dân tộc, thường thích dạy dỗ người ta nhiều điều, nhưng chính họ lại không thực hành những điều họ nói, hoặc không có khả năng thi hành, thậm chí còn làm trái ngược những điều do miệng họ nói ra. Đức Giêsu nói: “Những kinh sư Do Thái, họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng đặt trên vai người ta, còn chính họ lại không muốn tra ngón tay vào thử.
Phần Đức Giêsu khi truyền dạy người ta điều gì, Ngài không lấy ở sách vở nào, Ngài không dạy đạo đức luân lý nào của thế gian, mà Đức Giêsu nhìn vào chính Ngài. Đức Giêsu lấy những tuyệt hảo tốt lành của Thiên Chúa nơi bản thân Ngài để truyền dạy và ban phát cho chúng ta và cho mọi người. Đức Giêsu nói: “Ta là đường – Ta là ánh sáng – Ta là sự sống – Ta là sự thật – Hãy đến với Ta. Hãy ở lại trong Ta. Hãy chịu lấy Ta…
Vậy khi Đức Giêsu nói với chúng ta: “Hãy chiến đấu mà vào cửa hẹp, vì rộng thênh thang là con đường đi đến hư vong” thì không như các kinh sư Do Thái, vì họ nói để kẻ khác làm, còn họ thì không nhúng tay.
Phần Đức Giêsu, như Kinh Thánh nói: “Ngài đã làm và đã dạy” (Cv 1,1b). Vậy chúng ta hãy nhìn, hãy chiêm ngắm Đức Giêsu xem Ngài đã đi con đường nào. Và ngày hôm nay chúng ta Tin là đi theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn của Ngài, là đi vào con đường chính Ngài đã đi.
Cái cửa, cái con đường mà Đức Giêsu đã đi qua là: “Ý của Thiên Chúa Cha”.
Không phải con đường ấy hẹp khó đi, cái cửa ấy hẹp khó vào mà thôi, mà là con đường có máu, nước mắt và cả mạng sống của Ngài. Con đường ý Cha là con đường mà Đức Giêsu phải toát mồ hôi máu ra mà kêu van: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con, song đừng theo ý của con, mà là theo ý của Cha” (Lc 22,42).
Con đường theo ý của Cha là con đường mà sự đau đớn linh hồn và thể xác làm Đức Giêsu không chịu thấu. Con đường khổ nạn ấy tối tăm mù mịt đến độ Ngài phải kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, vì sao Người bỏ tôi!”.
Nhưng con đường của Đức Giêsu đã thành sự trong Cha của Ngài. Trong cơn khốn đốn cùng cực mọi ngả, Đức Giêsu vẫn bỏ ngỏ cuộc đời cho Cha, vẫn bám chặt lấy Cha: “Lạy Cha con ký thác hồn con trong tay Cha”. Và ngay lúc đó, mầm phục sinh bừng dậy. Giêsu Kitô là Chúa. Và qua con đường của Đức Giêsu: Thập giá tủi nhục – Phục sinh vinh quang – Ý của Cha thành tựu, thì tất cả nhân loại được cứu thoát.
Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Không phải Đức Giêsu bảo chúng ta hãy chen lấn giành giật lẫn nhau để cướp được Nước Trời, giống như những ngày xa xưa chen lấn xếp hàng mua gạo, hoặc bây giờ chen nhau giành đường vượt ẩu. Cũng không phải là khuyên nhau hãm mình ép xác tu thân tích đức để có công cho riêng mình mà không cần quan tâm đến ai. Đó không phải là Ý của Thiên Chúa.
Chúng ta không chiến đấu với nhau, không tranh dành nhau, không giành giật nhau, không loại trừ nhau vì như thế là mất đức thương yêu và thành hỗn loạn. Chúng ta cũng không thù ghét linh hồn mình nên chúng ta cũng không thể chiến đấu với bản thân chúng ta. Mà mỗi người chúng ta phải dồn hết nỗ lực thân xác và linh hồn mình để chiến đấu với một kẻ thù vô hình, vô cùng ác độc, đó là tội lỗi và Satan. Nhưng cả nhân loại đã thua nó như Kinh Thánh nói là “hết thảy đều dưới quyền sự tội” (Rm 3,9c). Tội đã thâm nhập vào thân xác, linh hồn chúng ta.
Muốn chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa, muốn thể hiện niềm tin là theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn của Ngài thì tất cả nhân loại phải cậy nhờ vào sức mạnh của Đấng Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng sự chết, đã đánh gục Satan dưới chân thập giá.
Vậy chiến đấu như thế nào? Hãy nhìn vào Đức Giêsu xem Ngài chiến đấu ra sao. Tin Mừng theo thánh Luca viết “Đức Giêsu quỳ gối cầu nguyện rằng: lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha. Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người. Lòng xao xuyến bồi hồi nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22,41-44). Đó là cách chiến đấu của Đức Giêsu. Ngài đặt tất cả niềm cậy trông vào Thiên Chúa Cha, phó thác hoàn toàn vào Cha. Đức Giêsu không cậy sức riêng của mình để chiến đấu.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma, đã kêu gọi mọi người chiến đấu như thế này: “Thưa anh em, vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và vì tình yêu của Thánh Thần, tôi khuyên nhủ anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi…” (Rm 15,30).
Dùng những lời luân lý thế gian khuyên bảo nhau làm lành lánh dữ, là nên là phải, nhưng đó mới chỉ là thứ dầu thoa xức bên ngoài, còn đó rồi mất đó. Có những bậc cha mẹ đạo hạnh suốt đời khuyên bảo con cái mà nó vẫn hư hỏng. Có những bà vợ đau khổ khuyên nhủ chồng mình hết lời mà nó vẫn xay xỉn đập phá. Chỉ có Thánh Thần, mà Đức Giêsu Phục Sinh xin Chúa Cha gởi đến thế gian mới canh tân đổi mới người ta thấu tận trí khôn.
Vậy chiến đấu qua cửa hẹp để vào Nước Thiên Chúa, theo Đức Kitô trên con đường khổ nạn là dấn thân, bỏ ngỏ, ký thác đời sống cơm ăn áo mặc, mạng sống thân xác và linh hồn cho Đấng sống lại điều khiển dẫn dắt, bằng cách gắn bó với Ngài mọi ngày trong đời mình. Ngài sẽ đưa chúng ta vào ý của Cha để sống bình an hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa và trong an hòa yêu thương mọi người. Nếu chúng ta chỉ đọc kinh dâng lễ, chỉ tu thân tích đức theo ý chúng ta, cho một mình mình thì khi gặp Đức Giêsu ở điểm hẹn cuối cùng, Chúa sẽ bảo chúng ta “Ta không biết các ngươi từ đâu đến”. Bởi vì tuy gọi Đức Giêsu là Chúa mà chúng ta vẫn giữ đạo theo ý của ta, vẫn đi theo con đường riêng của ta, chứ không tin mà đi theo con đường khổ nạn của Đức Kitô.
Lạy Chúa Giêsu là Đường và là Cửa vào Nước Trời, chúng con xin phó thác đời chúng con cho Chúa điều khiển dẫn dắt. Xin cho chúng con biết sống niềm Tin hôm nay là bước theo Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn của Chúa bằng cách chấp nhận những đau khổ, nhất là bằng cách bỏ ý riêng mình để thánh ý của Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng con. Amen