DỊ ỨNG
Để tránh “dị ứng”, trong cả hai trường hợp,
người bị “dị ứng” cần quay lại nhìn vào bên trong để nhận ra phần “bất ổn”,
“problem” của mình, để chấn chỉnh sự yếu kém, khiếm khuyết nào đó thay vì xoay
ra ngoài than phiền, hờn trách, oán hận người.
Tôi đến cư ngụ tại thành phố nầy gần 30
năm. Tôi sống an lành và thật bình thường như mọi người bình thường khác.
Sau vài năm, một hôm tôi bổng nhảy mũi một
cách vô cùng khó chịu. Tôi nhảy mũi suốt ngày, tôi bị ngứa mắt, ngứa tai, ngoài
thì chảy nước mắt, nước mũi, trong thì ngứa, rát cổ họng… Tôi khó chịu lắm. Tôi
nghĩ là tôi bị bệnh. Tôi đi mua thuốc uống, nhưng không hết. Mấy ngày sau, tôi
cảm thấy bị nặng hơn. Vài người quen thân cho biết là: tôi bị “dị ứng”
(allergy).
Vậy sao!? Nầy “DỊ ỨNG”, “Ta chào Mi.”
Khoảng 2 tháng sau, cơn “dị ứng” chấm dứt.
Tôi không còn nhảy mũi suốt ngày, tôi không còn ngứa mắt, ngứa tai nữa. Tôi trở
lại bình thường. Thật sướng quá; “cảm ơn Trời, Phật.” Một, hai ngày sau tôi
quên hết mọi sự về cơn “dị ứng.” Đến năm sau, vào cùng khoảng thời gian của năm
trước, cơn “dị ứng” lại đến với tôi; “Nó” trở lại thật đúng ngày, không sớm
hơn, không trễ hơn.
Rồi mọi việc lại diễn ra y như năm trước.
“Nó” đến như thế nào, “Nó” đi như thế nấy. Mỗi năm tôi phải chịu đựng nỗi bực bội
nầy gần tròn 2 tháng. Thấy tôi quá khổ sở vì cơn “dị ứng” hoành hành, có người
khuyên tôi nên đi chích ngừa khoảng vài hôm trước khi cơn “dị ứng” bắt đầu. Tôi
ghi nhớ và tự hứa: lần tới sẽ đi chích ngừa. Qua năm sau, sau vài ngày bị “dị ứng”
tôi mới sực nhớ ra việc chích ngừa, nhưng đã trễ. Lại hẹn thêm một năm nữa; cứ
thế mà tái diễn thêm vài năm.
Năm ấy, tình cờ tôi có hẹn đi Bác sĩ vài
ngày trước khi cơn “dị ứng” bắt đầu. Tôi sực nhớ ra và yêu cầu bác sĩ chích ngừa
cho tôi một mũi. Và tôi đã không bị những cơn nhảy mũi, ngứa mắt, ngứa tai…
hành hạ như những lần trước. Thuốc ngừa thật tốt. Nhưng sau đó, có người lại
khuyên tôi: đừng nên chích ngừa, cứ chịu đựng thêm vài năm rồi sẽ quen dần và
không còn bị tác hại. Tôi đồng ý với đề nghị nầy. Tôi chịu đựng thêm gần 5, 7
năm nữa. Tôi đã quen dần và bớt khổ sở…
Vài năm nay, tôi không còn bị cơn “dị ứng”
hành hạ như trước kia. Mỗi năm, khi đến mùa “dị ứng”, tôi chỉ bị khó chịu nhẹ trong
vòng năm ba ngày, rồi thôi. Tôi đã quen dần với “dị ứng” và tránh được sự ảnh
hưởng và tác hại của “nó.”
Hai tháng trước đây, khi bước vào mùa “dị ứng”,
tôi cảm thấy bình thường sau năm, ba ngày hơi khó chịu. Bất chợt, tôi nghĩ đến
đôi điều về “dị ứng.” Rồi trong cơn suy tư, tôi nghĩ lan qua đến sự “dị ứng” của
những người hay bị “dị ứng” trong khi giao thiệp với người.
Trong khi đối nhân, xử thế, giao thiệp với
tha nhân trong xã hội; những người hay bị “dị ứng” trước lời nói, thái độ của
người là những người thường dễ bị khó chịu, bực bội, nhiều khi đến khổ sở nửa,
nhưng lại không thổ lộ ra ngoài, chỉ giữ trong tâm, đôi lúc lại than phiền, thì
thầm với người khác.
Sao gọi là “dị ứng”? Đối với cơn “dị ứng”
mà tôi phải chịu đựng hằng năm trong suốt mười mấy năm vừa qua, mỗi năm khi vào
mùa thì tôi bị nhảy mũi, chảy mũi, ngứa mắt… là “dị ứng” với cây cối, thiên
nhiên... vì phấn hay những gì do hoa lá, cây cỏ tiết ra và tỏa trong không khí,
tôi hít thở và bị phản ứng. Đó là “dị ứng”, gọi là “dị ứng” vì hoa lá, cỏ cây
chỉ hồn nhiên tỏa phấn, chẳng cố tình tác hại. Đó chính là tại tôi “dị ứng”, chớ
chẳng phải hoa lá, cỏ cây muốn làm tôi “dị ứng”, muốn tôi khổ sở, khó chịu, muốn
hành hạ tôi.
Riêng những ai hay bị “dị ứng’ trong khi
giao tiếp với tha nhân, thì khi chuyện trò, tiếp xúc với người thường cảm thấy
khó chịu, mặc cảm với người ở những gì người phát biểu bằng lời nói, cử chỉ,
thái độ… dù rằng những người nầy chẳng có ý hay cố tình làm người khác khó chịu
bởi bất cứ lý do gì. Sau khi bị “dị ứng”, người bị “dị ứng” lại lưu giữ những cảm giác nầy
trong tâm rồi sinh ác cảm, hờn
ghét, né tránh… và nếu nhiều thì đưa tới thù hằn ngấm ngầm, cho đến lúc không
chịu đựng được nổi nữa và lại gặp ngay cơ hội thì bật nói lên những
lời bực bội, căm hận một cách bất ngờ, làm ngạc nhiên và buồn lòng người bạn
hay người thân yêu của mình. Và chính mình, nhiều khi, cũng không hiểu “tại sao
mình lại nói như vậy, làm như vậy nữa.”
Nếu không tự thấy ra được điều sai lầm của
mình thì dễ rơi vào tình trạng tiếp tục cảm thấy
khó chịu nhiều hơn, rồi tìm lời bào chữa hay đổ lỗi cho người bằng
những lý do không hợp tình, hợp lý. Nếu không tự hiểu, không tự kềm chế được có
thể sẽ đưa đến việc nói xấu ngược lại người
ở những việc không đâu, lắm lúc lại rơi vào tình trạng “bới lông tìm vết” để
né tránh sự thật, để tìm thấy sự an ổn giả tạo, tạm bợ trong tâm.
Đây là yếu điểm, sự khiếm khuyết, sai lầm,
điều buồn bực, nỗi đau khổ… của những người bị “dị ứng” trong khi giao tiếp với
tha nhân hay ngay cả với những người thân yêu của mình trong cuộc sống hằng
ngày, vì mặc cảm nên tự khởi lên trong tâm những ý nghĩ so
sánh, đối kháng với người rồi sinh ra bực tức khi cho rằng
người đã có ý kiêu hãnh, khinh chê hay không quý trọng mình, hay thường tình
hơn là cho người đã “nổ” nên khiến mình cảm thấy khó chịu và “dị ứng”, dù rằng
người chẳng hề có ý như vậy.
Trong đôi lúc suy tư, tôi chợt nghĩ đến và
so sánh hai sự “dị ứng” nầy với nhau và nhận ra vài mẫu số chung. Tôi bị nhảy
mũi, ngứa mắt… vì phấn do cỏ cây, hoa lá tiết ra hòa trong không khí, tôi hít
thở và “dị ứng.” Nhưng quan sát kỹ thì chỉ có một số ít người bị như tôi, còn đại
đa số thì không sao cả. Như vậy, có thể nói: trong tôi đã có sẵn những “chủng tử”
làm tôi bị “dị ứng.” Vì nếu trong hoa lá, cỏ cây có những yếu tố hoàn toàn tác
hại thì tất cả mọi người đều bị “dị ứng” như nhau, không chỉ riêng tôi và những
người như tôi.
Trước một lời nói, một thái độ cư xử của một
người không ác ý, chỉ có một ít người bị “dị ứng” còn những người khác thì
không, điều nầy chứng tỏ người bị “dị ứng” đã
có “vấn đề” trong tâm mình nên mới cảm thấy như vậy. Vì nếu lời phát
biểu, sự đối xử đó quá tệ hại, có chủ tâm có thể làm buồn lòng người thì hẳn hầu
hết mọi người đều nhận thấy và cảm thấy khó chịu, phiền lòng như nhau. Và như vậy,
trong trường hợp nầy, đây không còn là “dị ứng” nữa mà là sự buồn lòng, sự bị
xúc phạm vì người kia đã cố tình hoặc quá vụng về khi đối xử. Nhưng nếu người
không cố ý và mọi người xung quanh không có ai cảm thấy khó chịu mà chỉ riêng một mình mình bị
“dị ứng”, chỉ riêng mình là nhạy cảm, chỉ riêng mình cảm thấy khó chịu và không
có đủ lý do vững chắc để nói lên sự sai quấy của người mà lại lặng lẽ giữ trong
tâm, “để bụng.” Thì quả thực đó chính là “dị ứng.”
Tóm lại, cả hai loại “dị ứng” đều phát sinh
từ sự việc “có gì không ổn” bên
trong người bị “dị ứng”, chớ không do yếu tố đến từ bên ngoài. Để
tránh “dị ứng”, trong cả hai trường hợp, người bị “dị ứng” cần quay lại nhìn
vào bên trong để nhận ra phần “bất ổn”, “problem” của mình, để chấn chỉnh sự yếu
kém, khiếm khuyết nào đó thay vì xoay ra ngoài than phiền, hờn trách, oán hận
người. Đó là sự sai lầm quan trọng từ căn bản vì không nhận ra được nguyên nhân
đích thực của sự việc.
Người bị “dị ứng” từ cỏ cây, hoa lá, cần
chích thuốc ngừa để ngăn chận, uống thuốc để chiết giảm hay làm quen với chất
tác hại để vô hiệu hóa dần cơn “dị ứng.” Người bị “dị ứng” từ tha nhân thì
không cần thuốc, vì không có thuốc để trị liệu, mà chỉ cần quay vào bên trong hóa giải dần những mặc
cảm, những tự ái quá cao, những cố chấp nặng nề, những nhận
định, ý nghĩ thiên lệch, sai lầm về người, về mình, rồi phá vỡ mọi nội kết
trong tâm, nếu có. Làm được như vậy là hóa giải được “dị ứng”, là “giải thoát”,
là “trí tuệ.”.. mà có lẽ Phật pháp sẽ là phương pháp thần diệu nhất.
Không còn chảy mũi, ngứa mắt, ngứa tai khi
vào mùa “dị ứng” là vui tươi, khỏe mạnh.
Không còn “dị ứng” trước lời nói, thái độ
cư xử không “ác ý” của người khi đối nhân xử thế là an vui, hạnh phúc vì đã xóa
đi được những cảm giác, ý nghĩ không an lành, giả tạo mình đã tự tạo ra mà
không tự biết và đã âm thầm tự làm khổ mình, đã cản trở tình thân của người
xung quanh, che mờ sự cảm nhận những tình cảm đầm ấm, êm đềm của những người
thân dành cho.
Ngoài ra, nói cho cùng thì nếu tha nhân dù
cố tình hay vì kém cỏi, vụng về hoặc vô ý nên có những lời nói, cử chỉ khiếm
khuyết hoặc họa hoằn có “nổ” đi nữa, thì nếu mình không khởi niệm so sánh, khó
chịu, và trong tâm không có chủng tử “dị ứng” thì những lời nói, cử chỉ ấy cũng
sẽ chỉ là những phấn hoa bay tung vô hại trong không khí, những lời “nổ” lại là
những “tràng pháo” nổ vang cho vui ngày Tết.
Như vậy, sở dĩ mình “dị ứng “ vì chính mình
đang mang sẵn chủng tử “dị ứng” đúng như các câu châm ngôn của Phật giáo Tây Tạng
đã nói:
“Không có cái gì xảy đến cho Anh nếu trong
Anh không có cái đó” và “Không có một quả nào có thể xảy đến cho ta nếu tự nơi
ta không chứa chấp, nuôi dưỡng mầm mống của sự việc ấy.”
Lê Trung Cang