CHIẾC
CỔNG
Trong một vương quốc nọ, có một hoàng tử
tài năng lập nhiều chiến công, chàng hết sức hãnh diện về mình và tự nghĩ rằng,
với tài năng và vị trí của chàng, chàng sẽ lập gia đình với bất cứ ai mà chàng
muốn.
Từ ấy trở đi, vua cha ra thông báo đến với
mọi người trong vương quốc về ý định tìm công chúa của hoàng tử. Ngày từng
ngày, nhiều cô gái xinh đẹp được tuyển chọn nhằm giới thiệu cho hoàng tử, nhưng
xem chừng như hoàng tử vẫn chưa gặp được người mình mong ước. Cuối cùng, một
quan cận thần cho hoàng tử biết, tại một khu rừng hoang vắng, có một cô gái rất
xinh đẹp, cô có giọng hát ngọt ngào, dầu vậy cô không chấp nhận đến trình diện
với hoàng tử. Cô cho biết, nếu hoàng tử thật lòng yêu cô, hoàng tử hãy đến tìm
cô.
Nghe tin như thế, hoàng tử tỏ vẻ bực tức
giận dữ; dầu vậy, chàng cũng đành lòng đi gặp cô gái. Với một đoàn rước oai vệ,
nhiều xe cộ lộng lẫy, hoàng tử tin là chàng sẽ chinh phục được cô gái. Tới nơi,
chàng hoàng tử thấy một toà lâu đài nhỏ gọn, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi với
tường rào xung quanh. Ngạc nhiên thay, toà lâu đài và bức tường rào trông rất đẹp,
gọn gàng, nhưng chiếc cổng thì rất tồi tệ, cũ kỹ, và rất nhỏ thấp.
Hoàng tử xuống xe ngựa, bước đến trước cổng
tòa lâu đài và cất tiếng gọi. “Hãy mở cổng đón rước ta!” Một giọng nói ngọt ngào
trong trẻo đáp lại, “ngươi là ai?” “Ta là hoàng tử. Ta lập nhiều chiến công; ta
sẽ là làm chủ vương quốc này trong nay mai; ta sẽ cho nàng làm hoàng hậu.” Giọng
nói ngọt ngào đáp trả, “Xin lỗi, trong toà nhà này chỉ có một phòng, hôm nay
không thể đón ngài được!” Tức thì, mọi người đều thấy chiếc cổng tự hạ thấp xuống
sát đất mà không ai có thể chui qua được. Hoàng tử tỏ vẻ giận giữ bỏ đi. Dẫu vậy,
vài tháng sau, giọng nói ngọt ngào ấy đã thôi thúc chàng trở lại. Nhưng lần
này, chàng phi ngựa cùng với vài người bạn. Đến bên cổng, chàng cất tiếng, “Tôi
là dũng sĩ, xin đón rước tôi.” “Chàng là dũng sĩ ư! Xin lỗi, hôm nay cũng chỉ
có một phòng, không thể đòn chàng được.” Lạ thay, chiếc cổng được nâng lên một
chút, dẫu vậy nó cũng chưa cao đủ để cho người ta bước vào. Hoàng tử nổi giận bỏ
đi.
Chàng tự hỏi, tại sao chiếc cổng ấy lần
trước nó lại hạ thấp xuống sát đất, lần này nó lại nâng lên một chút! Sau một
thời gian, chàng quyết định một mình quay lại toà lâu đài để gặp cô gái. Lần
này, chàng làm một người nông dân, đi chân đất; đứng trước cổng hồi lâu, chàng
cất tiếng gọi, “Tại hạ là hoàng tử, nhưng trước tiên, tại hạ là con người nông
dân nghèo như bao ngươi nông dân khác; tại hạ là dũng sĩ, nhưng trước tiên tại
hạ cũng là một anh lính nhỏ như bao người lính khác; tại hạ sẽ làm vua, nhưng
trước tiên tại hạ cũng là con người biết yêu và muốn được yêu.” Một giọng nói
ngọt ngào cất lên, “xin mời chàng”; tức thì chiếc cổng tự nâng cao lên, rộng mở
ra và nhiều hoa lá kết xung quanh cổng. Hoàng tử bước vào cung điện gặp cô gái;
họ yêu nhau, và kết hôn với nhau.
Vương niệm, huy chương thắng trận không
chinh phục được quả tim vàng của cô gái, nhưng chính là lòng khiêm tốn nhận ra
căn tính thật con người của hoàng tử. Điều này quả rất đúng đối với con người
chúng ta. Những “ấn tượng” ban đầu của đôi bạn trẻ khi mới đến với nhau không
kéo dài mãi được; chúng không trở thành nền tảng cho tình yêu và gia đình mà họ
muốn xây dựng. Sau một thời gian yêu nhau vì những ấn tượng ấy, họ cần phải đến
với nhau bằng bản chất thật trong con người của họ. Tình yêu bền vững không phải
vì những ấn tượng ta dành cho nhau lúc ban đầu, nhưng chính là đón nhận bản chất
thật của nhau. Bản chất thật ấy nó có thể “thấp, nhỏ, bất toàn,” nhưng khi đón
nhận nhau với bản chất thật, tình yêu sẽ đơm nở – nó bền chặt, vững chắc.
Tình yêu thật là chỗ đó; tình yêu không
có giới hạn là chỗ đó. Con người chúng ta có khuynh hướng tự nhiên đi tìm vẻ đẹp
bên ngoài, chức cao, quyền trọng; chúng ta thích được tán dương, thích được biết
đến. Chúng ta nghĩ rằng, những điều “cao quí” ấy là điểm chuẩn cho sự thành
công của chúng ta trong đường đời, trong mối quan hệ. Càng danh tiếng bao
nhiêu, tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác. Những tán
dương ca tụng là điều tốt đẹp; những thành công, giải thưởng là điều cần thiết.
Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào những yếu tố đó để đối xử với nhau trong mối
quan hệ thì nó rất nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là chúng ta đề cao những những
thành quả mà mình đạt được để rồi coi thường giá trị thật nơi những con người
mà mình đang sống chung trong một mái nhà. Cái nguy hiểm chính là những thành
công ấy trở thành tâm điểm cho cuộc đời chúng ta mà quên đi những nhân vị khác
đang sống chung quanh chúng ta.
Chiếc cổng trong câu truyện đóng lại khi
chàng hoàng tử thể hiện sự phô trương tự đắc, và nó đã mở rộng để đón chàng khi
chàng biết hạ mình xuống nhận ra căn tính thật của mình. Câu chuyện Chiếc Cổng
cũng nhắc nhở chúng ta rằng, cách cư xử hằng ngày của chúng ta với nhau có thể
sẽ làm cho “chiếc cổng” đóng lại hay mở ra. Đã rõ, thái độ tự cao, cổng lòng
đóng lại; thái độ khiêm tốn, cổng lòng mở ra. Bạn muốn cổng lòng người đóng hay
mở để đón tiếp bạn?