VUA CỦA TÔI
LÀ AI?
“Chúa đến thế gian không phải để sống,
nhưng để chết. Chết để cứu chúng ta, đó là mục đích Người đeo đuổi trong
kiếp sống tạm bợ nơi trần gian.” (Fulton Sheen)
Nước
Sở có người họ Hoà, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng Lê Vương. Vua sai
thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải
ngọc.”
Vua
cho họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.
Đến
khi Vũ vương nối ngôi, người họ Hoà lại đem ngọc đến dâng. Vua sai thợ ngọc
xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc.”
Vua
lại cho họ Hoà nói dối, sai chặt nốt chân phải.
Đến
khi Văn Vương lên ngôi, người họ Hoà ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt
ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ
Hoà thưa: “Tôi khóc không phải là thương
hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là
nói dối.”
Vua
bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là
“Ngọc bích họ Hoà.” (Cổ học tinh hoa)
“Ngọc
mà cho là đá” chỉ nói lên phần nào cái thực tại bóng tối che lấp sự thật trong
lịch sử nhân loại! Đức Kitô bị đóng đinh bởi những người muốn chống lại
sự thật, muốn lên án trước khi xét xử: “các thượng tế và toàn thể Thượng Hội đồng
thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình”; bởi những người không muốn tìm
sự thật, chỉ biết làm theo những lời xúi giục của
các thượng tế và kỳ mục: “Tổng trấn lại
nói: ‘Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?’ Họ càng la to: Đóng đinh nó vào thập
giá.”
Lời
Chúa trong ngày Lễ Lá trình bày Đức Kitô dưới hai dung mạo để mời gọi mỗi người
xét lại niềm tin của mình: có phải đó là niềm tin tinh tuyền dẫn đến ơn cứu độ
và hạnh phúc thật, hay là niềm tin bị che phủ bởi vinh quang trần thế, niềm tin
của người hôm qua đón mừng Đức Kitô vinh hiển với những lời tung hô mà hôm nay
chối bỏ ngay khi thấy Đức Kitô chịu đóng đinh, “kẻ qua người lại đều nhục mạ Người.”
Tiếng
reo vang đón rước Đức Kitô của họ là sự lập lại lời tung hô của những người rước
con bê vàng hôm xưa trong sa mạc: Chúa của họ là những tham vọng trần thế. Họ
không phải là những ai xa lạ, họ đi theo Đức Kitô, nhưng trong lời tung hô của
họ văng vẳng tiếng nài xin của ngay cả những người thân cận nhất của Đức Kitô: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một
người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." (Mt
20,21).
Nhưng
sao Chúa không đến thế gian để hiển trị, mà lại vác thập giá?
ĐHY
Fulton Sheen, trong lời nói đầu cuốn “Linh mục thời đại mới” đã viết: “trong quyển này chúng tôi sẽ cố gắng chứng
minh rằng Chúa đến thế gian không phải để sống, nhưng để chết. Chết để cứu
chúng ta, đó là mục đích Người đeo đuổi trong kiếp sống tạm bợ nơi trần gian.”
Thời
Salômôn, có hai bà mẹ đem đến nhà vua một đứa bé để xin được phân xử. Bà nào
cũng nhận đó là con mình mà chẳng có chứng cớ gì cả.
Để
biết ai là người mẹ thật, nhà vua ra lệnh chia đứa trẻ còn sống ra làm hai, cho
mỗi người một nửa. Bà mẹ thật của đứa trẻ liền thưa ngay với vua: "Ôi! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho
chị ấy đứa trẻ còn sống; còn giết chết nó, thì xin đừng!”
Tình
yêu sẵn lòng chịu thua thiệt đã cho biết ai là mẹ thật.
Còn
Đức Kitô… Người “đã hoàn toàn trút bỏ
vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây
thập tự” (Pl 2,7-8).
Cái
chết, và sự tự hạ đến tận cùng vì yêu là bằng chứng cho tiếng nói và sự sống
mãnh liệt của Thiên-Chúa-là-tình-yêu nơi Đức Kitô.
Thập
giá là nơi ngôi vị Thiên Chúa trong Đức Kitô chia sẻ thân phận khốn cùng của
con người cách triệt để nhất, và cũng là nơi bản tính con người sống cách mãnh
liệt nhất sự sống của Thiên-Chúa-là-tình-yêu.
Chết
vì yêu là sức mạnh của Đức Kitô. Ngày chịu đóng đinh cũng là ngày Đức Kitô bắt
đầu vương quyền Nước Trời với lời tuyên tín của viên đại đội trưởng: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”
Thập
giá Đức Kitô là Tin Mừng cho con người vì đó chính là nơi mà một người yếu hèn
nhất thấy được tình yêu Chúa là chỗ dựa vững vàng cho đời mình, không sợ lay
chuyển.
Thập
giá Đức Kitô là nơi người ta thấy được sự bình an do niềm tin mang lại cho con
người, dù có ở giữa trăm ngàn gian truân đau khổ: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có đức Chúa là Chúa Thượng phù
trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết
mình sẽ không phải thẹn thùng.” (Is 50,6)
Sau
hết, cũng trên thập giá mà Đức Kitô mặc khải về Nước Trời, về hạnh phúc Vua
Giêsu đem đến cho những ai tin và đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Thập giá cho nói
cho con người về tình yêu bao la mà Chúa dành cho họ, và chỉ ra phương thế duy
nhất mà mỗi người, trong bản tính của mình, có thể sống sự sống của Chúa một
cách hoàn hảo nhất.
Đâu
là Vua của tôi? Tôi tôn thờ và tìm kiếm Đức Kitô được chào đón hay Đức Kitô chịu
đóng đinh?
Lm.
HK