Quyền tha tội
Người Do Thái vẫn coi mọi thứ bệnh tật là hình phạt của tội lỗi. Ngay các môn đệ của Chúa Giêsu, khi gặp người mù từ khi mới sinh cũng hỏi Chúa: “Thưa Thầy, do tội của ai mà người này bị mù vậy? Tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta?”.
Nếu quan niệm bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, thì không gì hợp lý và dễ dàng bằng tha tội trước rồi chữa bệnh sau. Bởi vì tiêu diệt được nguyên nhân thì tự nhiên hậu quả sẽ biến mất. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm cho người bại liệt như bài Tin Mừng hôm nay kể lại:
Trong khi Chúa Giêsu giảng dạy tại nhà ông Phêrô, có bốn người khiêng đến cho Chúa Giêsu một người bại liệt nằm bất động trên chiếc chõng, nhưng đường phố đầy người nghẽn cả lối vào. Họ cố tìm cách chen vào nhưng không được. Nhưng bốn người ấy không nản lòng. Nhà của ông Phêrô cũng như mọi nhà người Palestin, chỉ có một tầng với mái bằng, phía ngoài có cầu thang lên. Bốn người khiêng người bất toại vòng qua đám đông, lên mái nhà, họ dỡ mái nhà làm thành một khoảng trống, rồi thòng dây thả người bại liệt xuống nhà, ngay bên chân Chúa Giêsu. Họ chỉ đặt đó thôi, chứ không nói năng xin nài gì hết. Ai cũng hiểu họ muốn gì. Hiểu ý họ. Chúa Giêsu nắm lấy cơ hội. Họ muốn một, Chúa cho hai. Thay vì chữa bệnh thể xác liền, Chúa chữa bệnh cho tâm hồn người bại liệt trước. Ngài đi xa hơn sự mong chờ của mọi người. Bởi vì nếu quan niệm bệnh tật là do tội lỗi, thì không gì hợp lý và dễ dàng cho bằng tha thứ tội lỗi trước. Chúa Giêsu đã không lấy quyền của Ngài mà tuyên bố rằng Thiên Chúa tha tội cho anh: “Tội anh đã được tha”, nhưng người Biệt Phái rất khó chịu và nghĩ trong lòng rằng Chúa Giêsu là người lộng ngôn phạm thượng. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, còn ông chỉ là người mà dám tha tội cho kẻ khác.
Để tỏ cho nhóm Biệt Phái biết Ngài là ai, Chúa Giêsu đã làm cả hai việc: vừa tha tội vừa chữa bệnh. Việc này chứng minh cho việc kia; việc chữa lành chứng minh cho việc tha tội. Bởi vì nếu người bại liệt không được tha tội thì khó mà có thể được khỏi bệnh. Hay nói cách khác: nếu anh bại liệt không khỏi bệnh thì đó là dấu tội lỗi anh ta vẫn còn y nguyên và Chúa Giêsu thực là người lộng ngôn phạm thượng, lừa bịp dân chúng. Ngược lại, nếu anh bại liệt được tha tội thì việc khỏi bệnh thể xác sẽ xảy ra ngay. Bởi đó, khi Chúa Giêsu ra lệnh cho anh “Hãy chỗi dậy vác chõng mà về” và việc đó thực sự đã xảy ra như vậy, thì lời Ngài nói trước đó: “tội anh đã được tha” chắc chắn cũng đã xảy ra đúng như lời Ngài nói, tuy dù người ta không cảm thấy, không trông thấy ơn tha tội, nhưng đã có việc khỏi bệnh chứng minh cho việc tha tội. Vì thế dân chúng chứng kiến đã ca tụng: “chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”. Chúng tôi chưa từng thấy ai có quyền được tha tội trừ Thiên Chúa. Chúng tôi cũng chưa từng thấy ai chỉ truyền một lời là bệnh nhân được bình phục. Vậy đúng Ngài là Thiên Chúa, là: “Con Người có quyền tha tôi”.
Trước kia, nguồn gốc tha tội ở trên trời cao, nơi Thiên Chúa. Bây giờ, Chúa Giêsu quả quyết rằng: bởi vì Con Người đã đến trần gian, nguồn ơn tha tội đã được chuyển từ trời xuống đất. Nguồn ơn tha tội đã đặt nơi một con người lịch sử: Chúa Giêsu Kitô. Tha tội ở trần gian hôm nay là làm trước công việc mà Ngài sẽ làm trong ngày: “Con Người sẽ hiện đến trên mây trời” để phán xét vào ngày tận thế.
Thưa anh chị em,
Sách Tin Mừng đã ghi lại nhiều phép là Chúa Giêsu đã làm: chữa bệnh tật, làm cho người chết sống lại, hóa bánh ra nhiều… Ngài đã làm những phép lạ đó thường là vì lòng thương xót người ta. Thương người bệnh tật đói khát, thương gia đình mất người thân yêu… Chúa Giêsu đã đến cho người ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta và Ngài đã chứng tỏ tình thương đó bằng cách giúp đỡ loài người một cách cụ thể.
Nhưng tình thương của Thiên Chúa không phải chỉ giúp đỡ đời sống vật chất hay thể xác của con người, mà còn muốn cứu chữa con người toàn diện, cả hồn và xác. Vì vậy, những phép lạ của Chúa Giêsu còn có ý nghĩa sâu xa hơn: đó là những dấu chỉ của ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho nhân loại. Chẳng hạn, khi làm cho người mù sáng mắt. Ngài cho thấy Ngài là ánh sáng thật cho chúng ta nhìn ra: “Đấng cứu độ”. Khi bánh hóa ra nhiều cho dân chúng ăn no, Ngài cho thấy Ngài là: “Bánh hằng sống” đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Khi chữa người bại liệt như Tin Mừng hôm nay kể lại, Ngài cho thấy Ngài có quyền tháo gỡ con người khỏi xiềng xích trói buộc của tội lỗi. Ngài đã chữa bệnh tận căn. Ngài giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi là nguồn gốc phát sinh đau khổ, bệnh tật và sự chết; đồng thời Ngài kêu gọi nhân loại đi theo đường lối đó cùng với Ngài, để tiêu diệt tận căn gốc của mọi đau khổ, bệnh tật, chết chóc mà con người gây ra cho nhau.
Với thiếu phụ ngoại tình được Ngài cứu cho khỏi bị ném đá, Chúa đã căn dặn: “Thôi chị về đi, và đừng phạm tội nữa”. Với người bại liệt 38 năm bên bờ hồ Bethsaida, Chúa cũng chỉ có một lời nhắn nhủ: “Đó, con đã được lành mạnh rồi, đừng phạm tội nữa, kẻo lại bị khốn khổ hơn” điều quan trọng là: “Đừng phạm tội nữa”.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Sự thánh thiện và công bình đòi phải trừng phạt tội nhân, nhưng lòng nhân từ lại thúc đẩy Ngài phải tha thứ. Đã được Chúa tha thứ, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho anh em và nhất là đừng phạm tội nữa. Sở dĩ chúng ta còn: “cứ phạm tội nữa” là vì chúng ta chưa tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Nếu đã tin Thiên Chúa yêu thương chúng ta thì chúng ta không thể cứ xúc phạm hoài đến người mình yêu thương được. Niềm vui của chúng ta là tin rằng Chúa yêu thương chúng ta và tội lỗi chúng ta đã được tha thứ. Chắc chắn chúng ta sẽ sống xứng đáng hồng ân tha thứ ấy.
Chúa Giêsu đã không chỉ tha thứ một cách dễ dàng qua lời nói, nhưng bằng chính sự hy sinh mạng sống mình trên thập giá. Kính nhớ công cuộc cứu chuộc qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha đã thương ban Con Một xuống cứu độ nhân loại. Tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc này, chúng ta quyết tâm chiến đấu chống lại tội lỗi, đến với Chúa Kitô, quyết tâm sống cho Thiên Chúa, Đấng đã cứu chuộc chúng ta.