+ GB. BÙI TUẦN
ĐẦU XUÂN TÂM SỰ VỀ TRUYỀN GIÁO
1. Những ngày đầu năm là thời gian gia đình đoàn tụ. Dịp này, những người cao niên của gia tộc, như ông bà, cha mẹ, thường kể cho con cháu những chuyện xưa, mà bản thân mình cho là tha thiết nhất.
Đầu năm Nhâm Thìn này, tôi được nhiều người gọi là ông nội, ông ngoại. Đó là một cách gọi thân thương dành cho một người cha thiêng liêng 85 tuổi.
Với tư cách đó, tôi xin tâm sự về một công việc, mà ơn gọi Giám mục của tôi đã từng gắn bó hết mình. Công việc đó là Truyền giáo.
Truyền giáo phải như thế nào? Tôi có thể học hỏi nghiên cứu vấn đề đó trong rất nhiều tài liệu. Nhưng, Chúa đã dạy tôi qua vài biến cố riêng tư.
2.
Một đêm sau ngày thụ phọng Giám mục, 30 tháng 4, năm 1975, tôi chiêm bao đi giữa cánh đồng lúa chín. Đột nhiên, tôi nhìn thấy một người từ bờ ruộng đi lên. Khi gặp người lạ đó, tôi nhận ra ngay, người đó là Chúa Giêsu.
Chúa cầm tay tôi dẫn vào một thành phố đông người. Người đưa tôi thẳng vào một bệnh viện lớn. Tôi thấy bệnh nhân nằm la liệt. Tôi như cảm được những đau đớn của họ. Những đau đớn ấy đang khẩn thiết kêu gọi và đợi chờ được giải cứu. Tôi bừng tỉnh dậy. Trong lòng tôi chỉ còn tâm tình xót thương dâng trào. Lập tức, tôi hiểu: Đi truyền giáo là đến với mọi người với lòng thương xót. Xót thương của tình yêu tự nhiên và tình yêu siêu nhiên. Xót thương của tôi cộng với xót thương của Chúa trong tôi.
3.
Đó là bài học thứ nhất Chúa dạy tôi để truyền giáo. Thêm vào đó là bài học thứ hai.
Chúa để tôi trở thành người bệnh. Bệnh cả về thân xác, bệnh cả về tâm hồn. Mang các thứ bệnh trong mình, tôi cảm thấy mình yếu đuối, vật lộn với những cơn đau. Đau đớn thường gây nên cô đơn. Trong tình trạng như thế, tôi rất biết ơn đối với những ai xót thương tôi. Thứ xót thương, mà người bệnh như tôi đợi chờ, là thứ xót thương được diễn tả bằng những gì là cụ thể.
Khi nói đến xót thương cụ thể, tôi nhớ tới dụ ngôn Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm về người bị kẻ cướp trấn lột, đánh trọng thương, nằm ở vệ đường. Thầy tư tế đi qua thấy nạn nhân, nhưng vô tâm bỏ đi. Thầy luật sĩ đi qua, cũng thấy nạn nhân, nhưng dửng dưng bỏ đi. Chỉ có người ngoại giáo Samaria thấy nạn nhân, đã dừng lại, chăm sóc, không ngại hao tiền, tốn công, hy sinh thời giờ. Tôi đã được nhiều người xót thương con người yếu đuối của tôi như vậy.
4.
Nhưng, trong rất nhiều trường hợp, nếu tôi không cầm lấy bàn tay Chúa kéo tôi đứng dậy, mà chỉ cậy vào sự nâng đỡ của người trần, chắc chắn tôi không thể được giải cứu. Đó là bài học thứ ba.
Cầm lấy bàn tay Chúa là một việc của đức tin. Tôi nghe Chúa gọi. Tôi tin vào Chúa một cách tuyệt đối. Rồi với tất cả sự tự do cùng với sự cương quyết tôi cầm lấy tay Chúa.
Tôi hiểu đó mới chỉ là bước đầu đi theo Chúa. Sẽ còn những bước tiếp theo. Tôi phải sẵn sàng đi từng bước, từng chặng. Trong truyền giáo, tôi phải tôn trọng những chặng đường. Nôn nóng có thể sẽ phá hoại truyền giáo.
5.
Qua các bài học trên đây, tôi xác tín điều Chúa muốn dạy tôi về truyền giáo, là phải giàu lòng xót thương. Xót thương không chỉ trong lòng, mà còn phải diễn tả bằng những gì là cụ thể. Tình xót thương ấy sẽ nhận được từ chính Chúa, miễn là tôi biết gắn bó với Chúa, cầm lấy tay Chúa, kiên trì bước đi từng bước, vượt qua từng chặng trong khiêm nhường phó thác.
Thực sự, những gì tôi học được trên đây cũng đã được ghi trong Phúc Âm. Nhưng khi được Chúa dạy thêm qua những bài học riêng tư, tôi được thêm tin tưởng rằng: Ơn gọi của tôi trong thời điểm và địa phương tôi được sai đến sẽ phải nhấn mạnh đến xót thương tế nhị. Đó là ý Chúa.
Với xác tín đó, tôi làm những việc cụ thể sau đây.
6.
Tiếp xúc. Khi tiếp xúc với bất cứ ai, nhất là với những người ngoài công giáo, tôi cầu nguyện rất nhiều. Tôi tin Chúa ở giữa chúng tôi. Với người này, tôi khuyến khích họ làm những việc xót thương. Với người kia, tôi thực hiện lòng xót thương của tôi một cách cụ thể, cách này cách khác. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy người môn đệ của tình xót thương Chúa không bao giờ thiếu việc. Rất nhiều tiếp xúc đã cho thấy Chúa giàu lòng thương xót đang hiện diện và hoạt động mạnh mẽ trong nhiều tâm hồn và trong nhiều lãnh vực, kể cả trong những tâm hồn và lãnh vực ngoài phạm vi Hội Thánh.
Khi tiếp xúc, tôi đã gặp được nhiều người cộng tác để làm việc truyền giáo. Họ sẵn sàng cùng với tôi dọn đường cho Chúa đến, bằng những việc xót thương. Làm mà không coi đó là lập thành tích. Nhưng làm rồi, mà vẫn nhận mình là đầy tớ vô ích.
Khi tiếp xúc, tôi đã gặp được nhiều người trước đây bỏ đạo, nay trở về với Chúa. Họ sống niềm vui Tin Mừng một cách hân hoan giữa muôn vàn khó khăn trắc trở. Họ là những nhân chứng sống động của lòng thương xót Chúa.
Khi tiếp xúc, tôi nhận thấy sự xây dựng những quan hệ tốt là một điều hữu ích cho truyền giáo.
7.
Giảng giải. Tôi giảng giải bằng lời nói và bằng chữ viết. Để soạn một bài giảng, tôi phải cầu nguyện, và suy tư rất nhiều, cộng với những việc hãm mình, hy sinh. Những bài giảng của tôi thường giới thiệu Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Không thiếu trường hợp, khi dọn bài giảng, tôi đã cầu nguyện với “ông thánh trộm lành”. Ông là một tội nhân bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu. Ông không hề nghiên cứu Kinh Thánh, không biết giáo lý. Thành tích ông có là tội ác. Thế mà, trước khi chết, ông đã đón nhận được tình yêu xót thương Chúa cứu chuộc. Tôi hiểu chính sự khiêm nhường của ông đã giúp ông nhận ra Chúa là Đấng Cứu chuộc, để rồi với tay không, ông đã được Chúa đưa lên thiên đàng với Chúa. Vì thế, tôi hay nhắc đến sự khiêm nhường khi xót thương và để được xót thương.
8.
Tôi biết chắc thời gian Chúa dành cho tôi có hạn. Sẽ đến lúc tôi sẽ không còn tiếp xúc, không còn rao giảng, không còn viết bài. Nhưng tôi vẫn tiếp tục truyền giáo bằng cách biến con người của tôi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót. Của lễ tôi dâng là tình yêu bé nhỏ với tinh thần cầu nguyện trong mầu nhiệm thánh giá.
Tôi nhận biết tôi chẳng là gì, chẳng có gì, chẳng đáng gì. Hơn nữa, tôi chỉ là kẻ tội lỗi, hèn mọn. Nhưng tôi tin tôi được Chúa thương. Người cứu tôi. Người gọi tôi. Người chọn tôi. Người sai tôi. Tôi coi đó là một đặc ơn Chúa ban. Tôi hân hoan ca ngợi và tạ ơn Chúa đến muôn đời.
ĐGM GB Bùi Tuần