Mark Link _ Lời Chúa thứ tư tuần 1 thường niên

TUẦN 1 –THỨ TƯ
Bài đọc 1 Năm lẻ:
Vì đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Dt 2,18)
Frederic Remington, một điêu khắc gia người Mỹ, đã bắt đầu sự nghiệp vào đầu những năm 1900. Công trình sáng tạo nghệ thuật của ông trị giá cả trăm ngàn Mỹ kim. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là “The Rattlesnake” họa hình một con ngựa và một hiệp sĩ đương đầu với một con rắn trên đường. Con ngựa nhảy chồm lên, trong khi người kỵ sĩ ghì chặt lấy nó, còn con rắn thì giữ thăng bằng để chuẩn bị tấn công. Bức họa xuất sắc này có tác dụng như một dụ ngôn dạy chúng ta phải phản ứng như thế nào khi đứng trước cám dỗ. Cũng như con ngựa và người kỵ sĩ, chúng ta cũng phải hành động mau lẹ và nghiêm túc.
Tôi có thực sự tin rằng Chúa Giêsu có thể cứu giúp tôi khi tôi gặp cơn cám dỗ không? Tôi giải thích ra sao khi đôi lần tôi cầu xin Chúa trợ giúp mà vẫn sa chước cám dỗ một cách nào đó?
Chúng ta không bị cám dỗ vì chúng ta xấu xa tội lỗi. Chúng ta bị cám dỗ vì chúng ta là con người. (Fulton J.Sheen)

Bài đọc 1 Năm chẵn:
Êli mới bảo Samuel: “Con cứ đi nằm! Và nếu có tiếng gọi con, con sẽ thưa: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1Sm 3,9)
Một nhà truyền giáo người Scottland tên là Robert Moffat từ Châu Phi trở về, cố gắng tuyển một số người để giúp ông. Một đêm lạnh giá nọ, chỉ có một vài bà già và một cậu bé đến nghe ông nói chuyện. Moffat thầm nghĩ: “Thật chẳng nên mất thời giờ cho buổi nói chuyện này” Nhưng rồi ông vẫn hết mình làm việc đó. Những lời nói của Moffat đã thúc đẩy cậu bé. Khi lớn lên, cậu đã trở thành một bác sĩ, làm việc như một nhà truyền giáo ở Châu Phi. Đó là bác sĩ David Livingstone, một người nổi tiếng khắp thế giới.
Câu truyện về việc Êli đã dạy cậu Samuel và việc Moffat gợi hứng cho cậu Livingston mời gọi tôi kiểm điểm xem tôi đã giúp đỡ và truyền cảm thế nào trong khi tiếp xúc người trẻ?
Hãy đối xử với một em bé như thể em đã là người mà em có thể trở thành trong tương lai (Halm Ginott).

Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu đi đến nhà ông Simon và Anrê. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Ngài biết tình trạng của bà. Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài (Mc 1,30-31).
Một chiếc xe lửa tốc hành đụng vào một chiếc xe hơi do một sinh viên trường đại học Cincinnati lái. Thật lạ lùng, cô sinh viên không hề hấn gì. Biến cố này đã tác động sâu xa đến cô. Cô không cảm thấy sự sống này là của mình, cũng không sử dụng cuộc sống như cô muốn nữa. Cô cảm thấy mình được cứu sống không phải do công lao hay tài năng của mình. Cô tin rằng cô được cứu sống là để “phục vụ” Bà mẹ vợ của Phêrô đáp trả như thế khi bà được Chúa Giêsu chữa lành. Phúc âm nói: “Bà bắt đầu phục vụ các ngài”
Bạn đã có lần nào giáp mặt với tử thần chưa? Biến cố đó đã tác động đến quãng đời còn lại của bạn như thế nào? Tại sao?
Bạn không thể cứ mãi mãi là quả trứng tốt. Hoặc bạn sẽ nở ra hoặc bạn sẽ hư đi (C.S Lewis).
Mark Link, cntn01  Hai   Ba    Năm  Sáu  Bảy