GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
Ngày nay hơn bao giờ hết, muốn giáo dục và chuẩn bị một thế hệ tương lai tốt, việc giáo dục phải thực sự có chất lượng, không chủ quan và không thiên lệch; điều đó chúng ta muốn nói tới một nền giáo dục quân bình, phù hợp với nhân sinh quan và thực tại nhân linh (con người). Giáo dục quân bình phải được đặt trên cả hai nền tảng: nhân bản và tâm linh.
1 – Nhân bản: giáo dục nhân cách (human behavior).
Khi bàn về giáo dục nhân bản, chúng ta nhắm tới tiến trình làm cho con người mang lấy “tính người” (human) thực sự; chúng ta gọi đó là tiến trình rèn nhân cách. Để việc rèn nhân cách có hiệu quả, chúng ta lưu tâm những khía cạnh sau:
a/ Cá nhân: khía cạnh đầu tiên trong giáo dục nhân cách là giúp người trẻ tự rèn luyện chính mình. Biết mình là điều tiên quyết, và nếu biết mình thì mới mong biết người; nếu biết nhận ra những giới hạn của mình thì mới mong tiến bộ. Mỗi ngày hãy biết nhìn lại chính mình, ra khỏi chính sự ích kỷ hẹp hòi của mình, luôn mang quyết tâm vượt khó và cầu tiến; tập sống nghiêm khắc với chính mình ắt sẽ sống bao dung hơn với người khác.
b/ Với tha nhân trong gia đình và ngoài xã hội: người xưa thường nói: “lòng dư tràn ắt sẽ trào ra bên ngoài”; người có nhân cách sẽ dễ dàng bộc lộ ra bên ngoài cuộc sống, dù ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội, biết mình biết người khi tiếp xúc, vẻ tự tin và điệu bộ thoải mái vui tươi; hiếu hoà chứ không háo thắng; biết nghe, biết nhìn và biết nói đúng lúc; không tự ti cũng không tự tôn; sống có đầu óc và biết nhìn xa; tự thể hiện mình bằng những quan hệ giữa những cá nhân cách tinh tế; quảng đại cho dù có bị thua thiệt một chút (thả con tép, bắt con tôm). Bặt thiệp, lịch sự và tìm cách thu phục nhân tâm.
c/ Trong giao tiếp và nghề nghiệp: cần lưu tâm đến hai điểm tinh tế sau đây:
Ngôn ngữ: “lời nói là quà tặng quí giá không tốn tiền, nhưng không thể lấy tiền mà mua”. Bạn trẻ hãy biết nói gì và nói thế nào để thu phục nhân tâm. Đừng vội nói; nói với điệu bộ lịch sự và thoải mái; ngôn ngữ phải tế nhị và lịch sự, tránh lời thô tục, tránh lời ý tứ dễ gây hiểu lầm; hãy nói với nét mặt rạng rỡ, khoé nhìn tế nhị và nụ cười duyên dáng; giọng nói chắc nhưng ấm áp, khiêm tốn và nhẹ nhàng, vui vẻ và lạc quan, không chua cay gắt gỏng và không châm biếm; đừng tiếc lời cám ơn hoặc xin lỗi khi cần.
Phong cách: người có nhân cách khi giao tiếp phải luôn mang phong cách ứng xử nhẹ nhàng, thuyết phục và có uy tín; điệu bộ thoải mái, tự tin nhưng không kênh kiệu; ưu ái trong cử chỉ; giữ đúng cung cách khi chào hỏi, nhưng không nên hình thức khách sáo; lời nói luôn ăn hợp với cử chỉ. Đặc biệt trong giao dịch và trên thương trường, phong cách nhân bản là yếu tố cần thiết giúp chúng ta thu phục nhân tâm.
2 – Tâm linh: giáo dục đạo đức và tôn giáo.
Một nền giáo dục chỉ nhắm tới nhân bản và không chú tâm tới tâm linh, chẳng khác gì người chỉ biết đi trên một chân. Giáo dục toàn diện phải được hoàn thành trong cả hai lãnh vực: nhân bản và đạo đức; và khi nói tới đạo đức, chúng ta muốn nhắm tới cả về đạo đức con người lẫn tôn giáo:
Về đạo đức con người, nhà giáo dục phải dạy người trẻ tập luyện những đức tính tốt, và sống những thói quen tốt. Họ phải tập sống ngay thẳng và trung thực với lòng mình, sống trung thành với lý tưởng và sự xác tín, bền bỉ trong công việc và những thói quen tốt, sống tự tin và đồng thời tạo uy tín với người khác, chính xác trong công việc với tinh thần trách nhiệm, sống lạc quan ngay cả khi đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống …
Về tôn giáo, nhà giáo dục phải giúp người trẻ có sự thẩm định khách quan và đúng trong cách nhìn những giá trị thuộc tôn giáo. Đây là điều buộc nhà giáo dục phải có trước. Đồng thời giúp các em sống tính thống nhất và trung thực, tự do nhưng xác tín về niềm tin và tôn giáo của mình, không mặc cảm hoặc ngần ngại học hỏi về tôn giáo, không chủ quan hoặc định kiến khi nhận định một tôn giáo, trung thực với lòng mình khi nhận định về tôn giáo, kể cả khi theo một tôn giáo, xác tín niềm tin và đi sâu mỗi ngày một hơn.
Khi nói về giáo dục nhân bản và tâm linh, chúng ta thấy chỗ đứng của lý trí và sự tự do luôn mang tính ưu việt, nhất là khi phải đi tới những quyết định quan trọng trong đời sống. Một nền giáo dục gạt bỏ hai yếu tố khách quan này sẽ là thứ giáo dục phiếm diện. Do đó cần phải xét lại tận căn, để cứu vãn tình trạng giáo dục chấp vá và khập khễnh. Đây không chỉ là một nhận định, mà còn là lời cảnh tỉnh chúng ta, những nhà giáo dục, hãy đặt lại vấn đề giáo dục nhân bản và đạo đức cho thế hệ tương lai, nếu chúng ta không muốn mất người trẻ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Quang SDB