NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG _ huấn luyện

NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG

C.    HUẤN LUYỆN

1.      PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG CHỈ HUY
Phải học, khai triển khả năng: như sáng kiến, tài quyết định mau chóng … nơi cấp chỉ huy và đoàn viên.
Phải biết, sau lưng các khuyết điểm, tật xấu có nhiều đức tính tốt phải khai thác mà chính đương sự cũng không ngờ mình có.
Thấy mình tiến bộ, đó là niềm khích lệ vô biên cho cấp bậc chỉ huy và đoàn viên.
Đây 3 điểm chính cần được huấn luyện:

a.       THÍCH CỐ GẮNG

Có kẻ khiêu khích: cố gắng không bằng số mạng: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa…” Nhưng, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy gì: nhiều anh hùng, bác học xuất thân từ cảnh hàn vi, thất học… nhờ cố gắng đã thay đổi vận mạng của mình và của xã hội.
Gian nan không chắn lối đi, kẻ muốn nên người, không tránh né còn đi tìm gian nan để học làm người: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Thái Học), tuy bản chất con người  lánh nặng tìm nhẹ.
Huấn luyện con người - khi không hứng khởi - đúng là rèn sắt đã nguội. Do đó, phải khéo léo kích thích đoàn viên. Khôn ngoan chia sẻ trách nhiệm. Cương quyết đánh tan tính lười biếng nhát gan nơi cấp chỉ huy và đoàn viên.
Thiếu tự ái và tự tin sẽ làm mất đà tiến. Tuy nhiên cũng đừng đòi hỏi sự cố gắng không tương xứng với khả năng của đoàn viên.
Tránh cái ý nghĩ: hy sinh ít mà kết quả nhiều, đó là óc con buôn.

b.      TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Người ta dễ sống xứng con người hơn khi nào ý thức trách nhiệm bừng dậy trong lòng. Nếu thấy được tín nhiệm, đoàn viên sẽ dốc toàn lực thực hiện cho kỳ được công tác giao phó.
Ai cũng thích tự do, ít muốn bị ràng buộc, nhưng lại hãnh diện về công việc kẻ khác giao phó. Do đó vị chỉ huy tác động tinh thần trách nhiệm hơn là độc tài ra lệnh.
Bề trên hay “giao” loại công tác tầm thường cho thuộc cấp, rồi không ngó ngàng tới, do đó bề trên thất bại. Trái lại vị chỉ huy sẽ hỏi: anh thích việc này không? Tôi trao phó cho anh đấy và tin rằng công tác sẽ được chu toàn cách hoàn hảo. Như thế đoàn viên sẽ thích thú với bổn phận và thích được hợp tác hơn là “khoán trắng”.

c.       GÂY PHẤN KHỞI KHI LÀM VIỆC CHUNG

Biệt tài của chỉ huy là: phát triển tinh thần hợp quần, liên đới phát triển.
Đường lối của vị chỉ huy phải được truyền thống đến cấp thấp nhất, tránh được óc địa phương gây tỵ hờn đả phá nhau, giữa các cơ cấu của cùng một tổ chức.
Phân công rõ rệt, để đoàn viên thấy rõ công tác của họ liên hệ với sự sống còn của công việc chung.
Thi đua là điều cần, nhưng phải khôn ngoan hướng tất cả về công ích. Bất khôn sẽ làm tăng tính kiêu căng, ích kỷ, tạo ra giai cấp và tranh chấp xã hội.
2.      NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC
Biết tổ chức có nghĩa là biết ĐIỀU KHIỂN và SẮP XẾP người nào việc nấy. Vị tư lệnh quân đoàn không thể bận việc điều chỉnh máy ghi âm, song phải để thì giờ lo việc của ông là: nhìn tổng quát, phân phối nhiệm vụ, phối hợp mọi hoạt động xúc tiến đúng kế hoạch.
Làm việc không có kế hoạch sẽ làm nản lòng mọi đoàn viên thiện chí. Công tác phải được phân chia rõ ràng, hợp lý, hợp khả năng, tránh dẫm chân, tranh chấp.
Cần hội họp đúng định kỳ, linh động, cởi mở, nghe phúc trình, nhận ý kiến để phân công, trong sự thông cảm, đồng tâm nhất trí hướng về mục tiêu chung, như mọi bộ phận của đồng hồ đều qui về việc chỉ đúng giờ.
Tránh nói nhiều, khích lệ phát biểu ý kiến.
Chỉ huy quan sát và trù liệu, thì đoàn viên phải chú tâm và nhiệt thành.
Khi đã thông cảm, tin tưởng nhau nói ít sẽ hiểu nhiều.
Đừng chóng đổi ý.
Bốn uỷ viên là bộ tham mưu. Nếu cần mời thêm phụ tá và chuyên viên.
3.      NGHỆ THUẬT ĐIỀU KHIỂN
Không hống hách ra lệnh, nhưng biết cách làm cho đoàn viên tự nhiên ham muốn sống chết hợp tác, đúng chỉ thị rõ rệt của chỉ huy. Chính biệt tài này làm cho thấy chân giá trị của người lãnh đạo.
Bình tĩnh, thanh thản để thấy đủ và thấy rõ. Không lệ thuộc áp lực, dù là thuộc cấp có cấu kết. Can đảm gánh trách nhiệm đến phút cuối cùng.
Không ấm ớ dân chủ để rồi hèn, trốn trách nhiệm, mị dân, thay đổi lập trường như chong chóng, cũng tại vị chỉ huy không có đường lối rõ ràng, mãi trong tình trạng dò dẫm. Rút cổ trước những gì có vẻ cứng cáp, khó nhọc, nguy hiểm, dù là tưởng tượng.
Ý định của vị chỉ huy trở thành ý định của đoàn viên, và làm sao cho họ tự động thực hiện với bất cứ giá nào.
Tránh do dự khi quyết định. Maisen do dự đã bị cất quyền chỉ huy. Sự cương quyết thanh thản sẽ truyền thông qua đoàn viên.
Tránh kiểu nói TIÊU CỰC, ví dụ: các người đừng làm biến! hoặc có giọng nói doạ nạt! hoặc xui làm lẹ lẹ đi rồi về! Yên lặng nghe giáo lý đi rồi tôi kể truyện cho mà nghe! Chiếu bóng cho mà xem … Lối xử trí dở dang làm cho thuộc cấp làm việc  cách tiêu cực, chịu đựng cho qua giờ.
Rất CHU ĐÁO khi sửa soạn, nhiều Ý CHÍ khi thi hành, đó là lý thuyết điều khiển.
“Đừng làm cái này, chớ làm cái kia...”. Đó là loại mệnh đề tiêu cực, giết thời giờ; từ bà mẹ gia đình, đến vị lãnh đạo phải chỉ cho kẻ thuộc quyền những gì họ có thể làm và giúp cho họ làm đến nơi đến chốn.
4.      NGHỆ THUẬT KIỂM SOÁT
Phải theo dõi coi mệnh lệnh được thi hành thế nào, nếu cần sẽ giúp họ vượt khó khăn.
Đừng kiểm soát quá tỉ mỉ, hoặc vì khó tính.
Người dưới sẽ nhận sự kiểm soát, nếu thấy chỉ huy biết theo dõi cách hữu ích, đúng lúc, hợp thời. Đây là cả một nghệ thuật khéo léo. Nếu chỉ huy không theo dõi, họ sẽ buồn và cho rằng bị bỏ rơi.
Chính người chỉ huy đích thân theo dõi, đừng chỉ nhờ trung gian hoặc theo báo cáo. Theo dõi kỹ lưỡng, không vì khó tính nhưng vì đó là những chi tiết quan trọng. Nhờ có thẩm quyền, vị chỉ huy dễ quyết định tại chỗ, không mất thời gian tính toán, chỉ thị lại rõ ràng, hơn là qua trung gian hoặc thư từ.
5.      NGHỆ THUẬT KHIỂN TRÁCH
Ngại khiển trách khi cần vì sợ lôi thôi đó là vị chỉ huy bất lực, tưởng là dễ dãi sẽ được lòng người nhưng trái lại sẽ bị thuộc cấp khinh thường.
Khiển trách quá mạnh sẽ làm nản chí, gây sự phản đối. Khiển trách cách quá đáng sẽ làm sụp đổ cả. Chưa kể kẻ dưới sai là do lỗi tại vị chỉ huy ra lệnh không rõ, chểnh mảng không theo giúp đỡ.
Đừng rầy, chửi cả lũ, gây nản chí cho tập thể.
Phê phán cách ôn hoà và bình thản. La lối sẽ vô ích, không ai còn đầu óc để hiểu gì.
Thấy mình thiếu bình tĩnh, hãy tạm hoãn mọi mệnh lệnh hay phê phán.
Không nhắc chuyện cũ, vì bề dưới sẽ nản chí, tự ti mặc cảm.
Châm biếm mỉa mai không xứng nơi miệng bề trên.
Lỗi lầm nhỏ đừng khiển trách nặng.
Đừng lẫn lộn tính cương quyết với tính độc ác tàn nhẫn.
Thông cảm với kẻ lầm lỗi, nhất là khi họ đã nhận lỗi.
Không đổ lỗi cho bề dưới.
Tất cả cũng vì tình thương, vì lợi ích chung.
6.      KHI GẶP CHỐNG ĐỐI
Không bỡ ngỡ khi bề dưới chống đối, trái lại phải thấy trước, nghe ngóng trước và tìm cách ứng xử.
Bề dưới chống đối thường là vì bản năng tự vệ. Vả lại bá nhân bá tánh: họ có thể hiểu sai ý của ta, có khi tại họ thiếu suy nghĩ, chưa kể số nhỏ bất mãn.
Đối với kẻ nham hiểm, hãy can đảm thành thực mổ xẻ vấn đề để tái lập mối hoà đồng.
Đối với kẻ bi quan, hãy nhắc nhở cho y nhớ những thành quả y đã đạt được để y tự tin.
Đối với nhóm kết bè phản đối, đó là vì họ tự ti mặc cảm. Hãy tỏ ra độ lượng, chấp nhận những yêu sách gì kể ra chính đáng, từ từ gây lại tư tưởng phục tùng. Nếu tuỳ tiện phản đối, đừng phân xử nội vụ công khai trước đoàn viên, phải bảo vệ uy tín của tuỳ viên, ai cũng có thể lầm lẫn, khôn ngoan kín đáo sửa chữa.
Có nhiều hạng BẤT MÃN, phải tuỳ nghi mà đối xử.
Bất mãn vì hoàn cảnh: họ cho là quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Bất mãn vì cuồng si: do trạng thái tâm linh có từ thuở thơ ấu.
Bất mãn do tính phản động: họ có tài nhưng thiếu đức tính, họ hay sách động đoàn viên, sẽ tuỳ hoàn cảnh mà tỏ ra khoan hồng, thông cảm, nhưng cương quyết bảo vệ uy quyền chính đáng.
Không tạo một nhóm ủng hộ mình, song phải làm cho toàn thể đoàn viên vì sứ mạng chung.
Chỉ có giá trị tinh thần: khôn ngoan, công bình, tiết độ, can đảm, tận tâm, vô vị lợi mà vượt mọi phản đối.
7.      NGHỆ THUẬT CỔ VÕ VÀ TƯỞNG THƯỞNG
Lời cổ võ sáng suốt, tình bạn khích lệ, sẽ làm nghị lực thêm dồi dào.
Theo sát, không hờ hững với những thử thách vui buồn của đoàn viên, họ sẽ hy sinh hơn mà  không đòi hỏi gì cả, bề trên biết cho là đủ rồi.
Quên hẳn lỗi lầm trước kia của họ, sẽ khích lệ họ làm lại đẹp hơn, bằng không họ sẽ thất vọng, khép kín.
Phần thưởng lớn nhất, xứng nhân vị nhất là khi họ thấy khả năng của họ được dùng đúng chỗ, được bề trên giúp cho phát triển.
Có những bề trên già, chỉ biết càu nhàu: rầy thì rầy rất hăng, khích lệ thì không có. Hễ bất mãn với người ta, vị chỉ huy cũng rước lấy toàn là bất mãn.
Dù ai có xấu, họ vẫn còn có điểm tốt, cứ nhìn điểm tốt mà khai thác, họ sẽ ra tốt.
8.      NGHỆ THUẬT TÌM CỘNG SỰ VIÊN

a.       ĐỨNG NGOÀI CÔNG VIỆC MỚI BÌNH TĨNH MÀ CHỈ  HUY

Do đó phải có nhiều người cộng sự. Nếu vị chỉ huy làm tất cả họ sẽ dễ cau có, hấp tấp không còn giờ để suy nghĩ. Biết dùng người là biết chỉ huy.
Đừng quá kén chọn, hãy tuyển mộ rồi huấn luyện dần dần.
Nhiều người làm công việc sẽ rộng rãi hơn. Dù họ làm dở hơn ta, vẫn có công việc.
Để họ thụ động, tức là tạo ra ký sinh trùng. Giúp họ hoạt động sẽ tạo ra nhiều phần tử ưu tú.

b.      CHỌN ĐÚNG NGƯỜI

Tông đồ là tổ chức khai thác TIỀM NĂNG nơi hạng người mà đời coi là tầm thường, để biến họ thành người tài lực, trung kiên.
Ngựa chứng, ngựa hay, phải đủ sức cầm cương bằng không là họ phá tan vỡ hết. Dễ bảo, thường lại thiếu ý chí, cầu an, lùi bước trước khó khăn.
Chọn người hăng hái chỉ huy, đừng QUÁ SỚM, họ làm đổ vỡ. Nhưng đừng QUÁ TRỄ, vì họ sẽ không còn nhuệ khí, sức lực lúc đương thời.

c.       PHÁT TRIỂN ÓC SÁNG KIẾN CỦA ĐOÀN VIÊN

Chỉ huy tức là tạo ra nhiều cấp chỉ huy mới.
Không những mở “lớp huấn luyện”, còn phải chia sẻ công tác, sáng kiến, phương pháp, hành động của mình.
Thông báo cho họ biết tiến triển của công việc, và hiểu rõ mục đích nhắm tới để họ hăng say, coi việc chung như việc của mỗi người để hăng say cộng tác.
Tông đồ có NỘI QUY, không quá ít đến thiếu sót, không quá nhiều đến rắc rối. Đó là mức trung dung khôn ngoan mới tạo ra được.

d.      NÂNG ĐỠ, GÂY UY TÍN CHO TUỲ VIÊN

Đề cao giá trị chuyên môn, giá trị tinh thần của tuỳ viên, bằng lời nói và nhất là bằng hành động uỷ nhiệm quyền hành cho họ.
Không can thiệp vô lý vào việc đã uỷ thác cho tuỳ viên.
Chấp nhận sáng kiến, để giờ nghe họ trình bày kế hoạch. Bổ túc khi cần.
Nếu thuộc viên có sai lỗi, không quở trách tuỳ viên công khai. Lắm lúc vị chỉ huy phải quy lỗi về chính mình hơn là đổ cho thuộc hạ.
Người trí thức rởm thường khinh rẻ tuỳ viên: Bọn chúng không làm gì được… Tôi không thể tin họ được… Và để tự đề cao, họ cần mạt sát tuỳ viên của họ cách công khai. Tình đời như thế đó!

e.      TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI

Gây được thiện cảm, đó là điều kiện mà vị chỉ huy tạo cho đoàn thể rất thuận tiện cho sự tiến triển của công việc.
Công việc chung, nhưng mỗi người thấy có lợi cho mình phát triển được tài năng.
Công việc càng khó, tài đức con người càng được nâng cao.
Hãy nêu gương vui vẻ, đôi chút khôi hài, cười được, người tươi tỉnh hơn.
Hãy có đôi phút truyện trò thân mật, đoàn viên được cởi mở thành thực giải bày.
9.      ĐOÀN KẾT ĐƯỢC CÁC VỊ CHỈ HUY KHÁC
Ngoài sự đoàn kết nội bộ, còn phải liếc nhìn và liên kết với các cấp chỉ huy khác, trước là tránh sự xung khắc, làm phiền nhau bởi vị chỉ huy nào cũng có cá tánh, có quyền lợi riêng phải bảo vệ, đoàn thể, tôn giáo bạn dễ thành kẻ thù tự nhiên.
Cần nuôi dưỡng tinh thần tìm hiểu, thông cảm nhau.
PHÊ BÌNH là cả một nghệ thuật, phê bình thiếu ý lành và xây dựng sẽ nguy hại cho sự đoàn kết, dù nói với giọng nhẹ nhàng vẫn gây chia rẽ. Không dám làm đừng phê bình!
Thông cảm, trật tự và thân thiện là ba đức tính đầu tiên xây dựng đoàn kết.
Thông cảm: dễ hiểu tha nhân và họ có dịp hiểu mình.
Trật tự: thật tình kính trọng nhau, đề cao công tác của tha nhân.
Thân thiện: vui tươi tạo bầu khí lý tưởng giữa các cấp chỉ huy.
Lợi dụng đồng nghiệp để tiến thân là sự phản bội không tha thứ được.