NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG _ tư cách

NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG

B.   TƯ CÁCH

1.      NGƯỜI CHỈ  HUY TIN TƯỞNG VÀO SỨ MẠNG
Tin tưởng và chia sẻ nhiệt huyết cho đoàn viên, bởi tin tưởng vào khả năng để thắng bản thân và lôi kéo kẻ khác theo mình.
Say sưa với công việc, hy sinh tư lợi, dốc toàn lực, tự hạn chế tự do để tất cả chỉ có một lòng tin.
Thất vọng, nhút nhát, thiếu lý tưởng, buồn sầu, yếm thế bi quan, thấy toàn phương diện xấu xa của đời, phàn nàn, trách móc, hay nổi giận, đó là điều tối kỵ nơi cấp chỉ huy.
Tự tin mà không tự cao, tự đại, bởi muốn tận dụng chút khả năng của mình để phục vụ.
2.      Ý THỨC VỀ UY QUYỀN
Phải dám điều khiển, vì không dùng quyền còn tai hại hơn là lạm quyền.
Do dự không dám quyết định, là gây đổ vỡ, hỗn loạn mà đoàn viên là nạn nhân.
Muốn thuộc cấp kính trọng mình, trước hết mình phải biết kính trọng mình, phải cố tránh những lỗi lầm làm tổn thương đến uy quyền.
Con người muốn được kẻ khác điều khiển, miễn là điều khiển cách khôn khéo; họ vững tâm khi thấy người chỉ huy cứng rắn, dũng mãnh. Napoléon nghe mọi người, thăm dò ý kiến, nhưng  QUYẾT ĐỊNH MỘT MÌNH. Trao đổi ý kiến chứ không phải là phân chia trách nhiệm.
“Họ thông thái, ta học với họ, họ thánh thiện, ta noi gương họ, nhưng ai có tư cách chỉ huy, ta mới nhận sự điều khiển của người đó”.
3.      SÁNG KIẾN VÀ CAN ĐẢM NHẬN TRÁCH NHIỆM
Can đảm quyết định sau khi đắn đo thua thiệt, đúng lúc không chậm trễ, đó là một trong những cách thức căn bản tạo nên sức mạnh của người chỉ huy.
Sợ trách nhiệm và không dám ước vọng những việc trọng đại, đó chỉ là hạng người tầm thường, không thu hút được ai.
Chần chờ, sợ sệt, xu thời, thay đổi làm thuộc cấp nản lòng, gây khó khăn và tai hại cho nội bộ.
Chờ lệnh trên, chờ thời cơ thuận tiện, không phải là thủ lãnh. Đó là hạng thụ động, họ sẽ bị các biến cố đàn áp.
Có sáng kiến hợp thời, hữu hiệu và quyết định đúng lúc, là một nghệ thuật khoa học. Có ít sáng kiến nhưng thực hiện ngay, còn hơn có nhiều mà chẳng làm chi cả. Biết điều mình muốn và muốn cách cương quyết sẽ lôi cuốn kẻ khác theo mình.
4.      NGƯỜI CHỈ  HUY: SỐNG ĐỜI KỶ LUẬT
Vâng lời bề trên cách tuyệt đối, sẽ nêu gương cho bề dưới của mình.
Hiểu lệnh trên và dung hòa với sáng kiến của mình, đó là cấp chỉ huy chân chính.
Bàn cãi, nghi ngờ quyết định của Bề trên sẽ làm đổ vỡ các kế hoạch, dù đã được trù liệu cẩn thận nhất, làm mất nhuệ khí, gây chia rẽ.
Vì tự kiêu, lười biếng, sợ thất bại, người ta tìm cách chỉ  trích lệnh trên.
Bề trên vẫn là người, vẫn có khuyết điểm, càng ở gần ta càng thấy khuyết điểm. Chớ quan trọng hóa khuyết điểm nhỏ đó, kẻo Bề trên bớt uy tín đối với chính ta.
Bề trên càng nhiều uy tín sẽ sẵn sàng hy sinh và sẽ hoàn thành việc trọng đại.
Chỉ trích Bề trên trước mặt thuộc cấp, chỉ hạ giá chính mình.
Kỷ luật không làm cho ta mù quáng, không giết chết nhân vị, nhưng thêm nghị lực.
Uy quyền đang gặp khủng hoảng, ta cần huấn luyện tinh thần kỷ luật và nêu gương kỷ luật.
Kỷ luật tạo sức mạnh cho quân đội, kỷ luật tạo sức mạnh cho mọi tổ chức. Nếu ai cũng theo lối của mình, đoàn thể sẽ tan rã.
Thủ lãnh có các tài liệu tùy viên không biết.
Thủ lãnh tin tưởng và làm thuộc cấp đồng ý với mình thì tát Biển Đông cũng cạn.
5.      NGHỊ LỰC THỰC HIỆN CỦA THỦ LÃNH
Nhìn nguy hiểm với tinh thần mạnh mẽ và quyết thắng.
Mềm dẻo, đi sát với thực tế nhưng không thay đổi lập trường, biết chuyển bại thành thắng.
Tự chủ, không thay đổi sắc diện khi vui hay buồn, khi mệt nhọc hay sợ hãi. Biết chiến thắng bản thân sẽ in trên mặt vị chỉ huy vẻ khắc khổ, quả cảm và từng trải, làm cho thuộc cấp tin tưởng và vâng phục.
Thông minh, dĩ nhiên phải có nhưng không thể thiếu GAN DẠ.
Thủ lãnh nào cũng gặp thất bại nhiều hơn thành công, buồn nhiều hơn vui, nhiều hiểu lầm hơn biết ơn… Chính vì nhìn thấy xa và rõ ràng cái ích lợi to lớn cho nhiều người (dù có thể mình không được gặt hái kết quả) làm cho thủ lãnh tin tưởng và được nghị lực cao nhất.
6.      BÌNH TĨNH TỰ CHỦ
Bình tĩnh là việc khó, dù lúc đáng lo sợ cũng phải điềm đạm. Thuộc cấp nhìn vào mặt người chỉ huy mà vững dạ chiến đấu. Hoảng hốt, bối rối là hư đại sự.
Bình tĩnh biểu hiện ý chí. Tự chủ, làm chủ mình, mới điều khiển được kẻ ương ngạnh.
Sức khỏe rất cần. Thủ lãnh kém sức, mệt nhọc không thể chỉ huy. Phải biết nghệ thuật nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe tươi vui.
Cần sống biệt lập, suy gẫm, đọc sách để tẩy rửa óc não dù bận rộn, hay việc ngập đầu.
Tổ chức họp mặt hội thảo, vừa giải trí vừa thu nhập ý kiến mới, dễ dãi để thuộc cấp cởi mở.
Tạo khả năng sáng tạo, sáng kiến mới, kinh nghiệm mới, giả thuyết mới. Tận dụng thời giờ, nói ít nghe nhiều. Bí mật là linh hồn của mọi việc, ba hoa sẽ làm mất uy tín. Yên lặng là dấu chỉ của ý chí và suy nghĩ.
Khéo sắp xếp thời giờ cho công việc. Đừng nói: Tôi bận quá! E thành thói quen, ra nóng tính. Mệt trí không vì nhiều việc cho bằng thiếu tổ chức đời sống.
Phải kiểm soát cho được tướng đi, lời nói, gương mặt của mình, nhất là khi hữu sự.
7.      ÓC THỰC TẾ
NHÌN RÕ, NHÌN THỰC, NHÌN ĐÚNG, không nuôi ảo vọng, không có chương trình vĩ đại mà xa rời thực tế, bệnh của hạng trí thức trống rỗng, lý luận nhiều mà không làm hoặc không làm được.
BIẾT MÌNH, biết khả năng và giới hạn của mình. BIẾT NGƯỜI, để dùng đúng khả năng.
Không bi quan để thấy toàn đen tối, không lạc quan để dễ nghe, dễ tin.
Náo động, chơi bời làm suy nhược.
Cần ban cố vấn có khả năng, một nhóm chuyên viên để khảo cứu.
Không tự mãn với cái cũ, nhưng không xóa bỏ tất cả, vì dĩ vãng là bài học quý giá cho hiện tại. Không áp dụng nguyên tắc cách máy móc.
XEM: Để thấy đủ các chi tiết, thấy rõ tầm quan trọng của mỗi vấn đề, đó là một nghệ thuật.
XÉT: Nhận biết giá trị của mỗi yếu tố khác nhau, để dễ dàng có cái nhìn toàn diện; định giá trị các yếu tố khác nhau nhưng quy hướng về một điểm. Biết phân tích mà cũng biết TỔNG HỢP. Thấy tổng quát mà không mơ hồ, không lệ thuộc ảnh hưởng ngoại tại. Tập lẹ trí, thấy rõ trong nháy mắt và có quyết định thần tốc.
LÀM: Quyết định những gì có thể thực hiện được. Không táo bạo quyết định nhiều rồi không làm được gì cả. Cắt đặt công việc cho mỗi người đúng nguyện vọng và khả năng của từng người. Không quá bi quan để khoanh tay thúc thủ, không quá lạc quan để nuôi toàn  ảo vọng.
8.      THỦ LÃNH PHẢI CÓ KHẢ NĂNG
Khả năng đặc biệt của thủ lãnh là: nhìn xa, trông rộng, biết tổ chức, biết kiểm soát.
Khả năng định các giá trị, cân  nhắc công việc, đoán đúng tâm lý, biết dùng người .
Càng có trách nhiệm, càng phải biết nhìn tổng quát.
Thủ lĩnh khác người chuyên môn, vì người chuyên môn biết rõ, biết nhiều về việc của mình thôi. Thủ lãnh làm chủ được tình thế, có kinh nghiệm dung hòa và quy hướng mọi cố gắng về mục tiêu.
9.      THỦ LÃNH BIẾT NHÌN XA
Làm việc đang làm cách chín chắn, không để mình bị cái BẤT NGỜ đè bẹp, đó là chuẩn bị ngày mai cách bảo đảm và hữu hiệu nhất.
An nhàn thư thả, lười biếng, sẽ bị cuộc đời chế ngự, ngóc đầu không lên. Napoléon luôn tỏ ra sẵn sàng vì ông đã chuẩn bị sự việc trước hai năm. Trường hợp gọi là bất ngờ đối với người khác, thì  ông đã suy nghĩ kỹ trước rồi.
Do đó cần đặt chương trình cho tương lai, kế hoạch và phương án làm việc, xác định  giờ giấc… Sẽ không bị đè bẹp bởi cái bất ngờ, mà còn đi trước thời cuộc, tạo ra thời cuộc.
10.  BIẾT NGƯỜI
Thành công là nhờ biết tâm lý, biết khả  năng, đặt người xứng đáng đúng chỗ. Đặt sai chỗ, người giỏi hóa thành dở đến ngớ ngẩn. Không có kẻ bất tài, chỉ có người đặt không đúng chỗ.
Người bình thường, nhưng được bề trên tin tưởng, quí mến, họ sẽ dốc toàn lực vượt bực cho công ích, vì ai cũng muốn giữ thể diện. Ngược lại họ sẽ bất mãn, tự ti mặc cảm và nổi loạn.
Gọi ai, phải gọi đúng tên, đúng họ. Ta càng biết rõ, họ càng lấy làm vinh dự. Ngược lại, bề trên sẽ bớt được tín nhiệm, mất người hợp tác. Phải thông cảm, biết rõ tính khí, sức khỏe, hoàn cảnh, khó khăn của từng đoàn viên. Gần họ, ta sẽ biết phản ứng của họ đối với mình, đối với công việc. Họ muốn được nghe, dù ý kiến của họ ra sao đi nữa.
Phải tỏ ra khoan dung, vui vẻ chấp nhận khuyết điểm của đoàn viên, như  Chúa Giêsu đối với môn đệ.
11.  RỘNG LƯỢNG
Ân cần hỏi thăm sức khỏe khi thấy đoàn viên mệt nhọc, trao đổi quan điểm với giọng thân mật, một lời khuyên điểm một nụ cười. Nhưng đừng khuyên ai với tính cách bề trên. Họ không muốn ta dây mình vào đời tư của họ. Nếu cần, chia sẻ với họ kinh nghiệm của mình.
Thái độ lạnh lùng xa cách làm người cách xa ta.
Ngày sinh nhật, ngày vui, buồn của đoàn viên, là dịp để thủ lãnh tỏ tình thân thiện.
Không than trách khuyết điểm của đoàn viên.
Đừng sửa sai gắt gao.
Chịu đựng người khó tính nhất để khắc phục họ bằng tình thương nhẫn nhịn.
12.  NHÂN TỪ
Không bao giờ lầm lẫn vì quá nhân từ.
Mọi khoa học sẽ tai hại, nếu thiếu khoa học tình thương trước.
Điều khiển mà không cần sức mạnh, đó là một biệt tài.
Tận hiến cho đoàn viên, sẽ được đoàn viên tận hiến lại cho công cuộc chung.
Lời nhã nhặn hữu hiệu hơn lý luận chắc chắn.
Thông minh, có tài, nhưng thiếu tình thương sẽ không làm được gì.
13.  TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ ĐOÀN VIÊN
Trước nhất vì mọi người bình đẳng, anh em con một Cha là Thiên Chúa.
Một lời nói vụng, câu cứng rắn khinh miệt sẽ gây căm hờn có khi nổ to.
Tôn trọng cộng sự viên tới cùng đâu phải là việc dễ.
14.  CÔNG BẰNG
Không cướp công, chân thành nhìn nhận công trạng của mỗi đoàn viên.
Không đổ lỗi, tự nhận sai lầm và khuyết điểm của mình.
Không kết án đoàn viên cách vĩnh viễn, phải tạo cho họ dịp làm lại (chớ in trí).
Tại sao khuyết điểm của người ta lại ghi trên đồng, công người ta lại ghi trên nước; vểnh tai nghe lời vu khống mà không chịu đích thân tìm hiểu vấn đề!
15.  CƯƠNG QUYẾT
Biết rõ điều mình muốn và muốn tới cùng.
Không gì nguy hiểm cho bề dưới, bằng tính quá hiền đến nhu nhược của bề trên.
Kỷ luật bảo vệ trật tự. Nghiêm khắc là làm ơn.
Tín cẩn cách có ý thức, không nghe kẻ dua nịnh.
Biết cắn răng đứng vững một mình khi chung quanh đã tuyệt vọng.
Biết nhận lỗi, không thiên vị với chính mình.
16.  GƯƠNG MẪU
“Gương lành lôi cuốn”. Nếp sống, hành động quả cảm của người chỉ huy có sức mạnh hấp dẫn, nhất là khi gian nguy.
Uy quyền do cấp bậc dễ bị giảm. Uy quyền do gương mẫu vẫn tăng. Mình đòi hỏi mình nhiều hơn, tự nhiên đoàn viên sẽ chấp nhận sự đòi hỏi hy sinh lao nhọc. Làm sao họ từ chối khi thấy cấp chỉ huy làm việc vất vả, quên tư lợi, coi thường vinh sang, chỉ biết lo hạnh phúc cho kẻ khác.
Chỉ huy lười biếng, trục lợi, cầu an, cầu danh?
17.  KHIÊM NHƯỜNG
Tuyệt đối không nói về mình (dù là cái tốt hay tật xấu).
Cao thượng là khi nghe tiếng gọi của phận vụ. Đê hèn là khi chạy theo lợi danh.
Người hùng thiếu khiêm nhường sẽ ra tàn bạo.
Thất bại, đừng chạy tội đổ lỗi, hãy khiêm nhường nhận lỗi vì mọi người đều lầm lẫn.
Kiêu căng, phá hoại tinh thần đồng loại.
Bình tĩnh, khi nhận những lời phê bình.
Cẩn thận với lời khen ngợi. Một lối phá hoại hữu hiệu là bốc người mình ghét lên cho thực cao, để họ có ảo vọng là họ rất cao thượng, rất quan trọng, họ sẽ xa thực tế và thất bại não nề.
Phải thực thà với chính mình, nào có ai là siêu nhân đâu. Nghe ai khen, hãy mau đưa qua chuyện khác, như thế thuộc cấp sẽ khó nhồi sọ cấp chỉ huy.
Chỉ huy hoà mình với thuộc cấp, do đó dùng tiếng “chúng tôi”, tránh chữ “tôi”.
Đừng bao giờ nói: Tôi thấy trước rồi, tôi đoán trước có sai đâu v.v… một thứ tiên tri rẻ tiền khiến kẻ nghe phải bật cười.
Lo chuẩn bị cho người kế vị, sẵn sàng để được thay thế vì muốn công việc trường tồn.
Phải nhận sự thực này: khi đã chỉ huy dễ sinh tật kiêu hãnh, khó mà khiêm nhường. Do dó phải tự kiểm thảo trước mặt Chúa.
Kẻ kiêu căng cố gắng nhiều cũng bằng thừa và sẽ kiệt sức, vì họ sẽ gặp toàn là đối thủ, kể cả Thiên Chúa cũng chống đối họ. Họ bị bao vây toàn là nịnh thần, giả vờ phục vụ để khai thác và sẵn sàng phản bội. Các lần đảo chánh cho ta thấy sự thực.
Cương quyết không phải là cứng đầu, song biết nghe và phục thiện. Dung hoà các đức tính tốt của một vị chỉ huy phải có ơn Chúa giúp mới làm được.