PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT RẮC RỐI
Không phải chỉ có những người giữ địa vị quan trọng mới có những rắc rối cần giải quyết, mà mỗi người chúng ta, không nhiều thì ít, cũng có những rắc rối phải giải quyết. Đôi khi ta chỉ biết lo lắng bâng quơ, hoặc thấy rắc rối mà rồi ta cứ để cho việc càng thêm rắc rối, hoặc thay vì tìm ra lối giải quyết tốt nhất, sống yên hàn, ta lại cứ để cho lòng trí bận bịu lo lắng hoài, cách vô ích.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường và khi mới tập làm luận văn, thí dụ như phải tả một cuộc hỏa hoạn, giáo viên thường dạy ta tìm ra ý của bài luận qua những câu hỏi: việc cháy xảy ra ở đâu, vào lúc nào, tại sao lại xảy ra cháy, cháy nhà của ai, cháy những gì, cháy to hay nhỏ, chữa cháy ra sao?
Ở đâu (ubi), lúc nào (quando), tại sao (cur), ai (quis), gì (quid), ra sao (quomodo), phương tiện nào (quibus auxiliis). Đó là bảy chi tiết (hoàn cảnh) xung quanh bất cứ một sự kiện nào và không phải thời văn minh ngày nay người ta mới nghĩ tới, nhưng chính ông tổ triết học tây phương Aristote, cách đây 2000 năm, đã áp dụng để phân tích tìm hiểu mọi sự việc (những từ trong ngoặc đơn là từ ngữ La văn).
Văn hoài Rudyard Kipling cũng khuyên ta đặt ra những câu hỏi áp dụng 6 trong 7 hoàn cảnh trên để giải quyết các vấn đề rắc rối: tại sao (why), ai (who), ở đâu (where), nào (how), gì (what), và khi nào (when):
“Tai sao, ai đó, ở đâu,
Cách nào, chi đó, khi nào, biệt danh.
Sáu người giúp việc trung thành,
Dạy tôi hiểu được mọi ngành gần xa”
Mỗi khi gặp những vấn đề rắc rối, ta nên tìm hiểu một số hoàn cảnh trên đây, và do đó ta nhận ra được đường lối giải quyết. Sau đây là một ví dụ:
Ông Léon Shimkin vừa có cổ phần, vừa làm giám đốc một nhà xuất bản lâu đời nhất tại Mỹ: Nhà xuất bản Simon Schuster. Ông Léon Shimkin kể: “Trong 15 năm, tôi phải bỏ một nửa thời giờ làm việc để họp, bàn cãi về các vấn đề làm ăn. Chúng tôi hỏi nhau nên làm thế này hay nên làm thế kia, hay đừng làm gì hết. Chúng tôi cáu kỉnh, ngồi yên trong ghế, đi đi lại lại trong phòng, bàn cãi trong vòng luẩn quẩn. Tối đến, tôi mệt lắm và tin rằng không có cách nào làm khác được. Tôi theo cách đó 15 năm, không bao giờ nghĩ rằng có thể kiếm được cách nào khác có hiệu quả hơn. Nếu lúc đó có ai bảo rằng tôi có thể tiết kiệm ba phần tư thời gian dùng trong những hội nghị quay cuồng ấy và tiết kiệm được ba phần tư nỗi nhọc mệt về tinh thần của tôi, thì chắc tôi đã cho người đó là quá lạc quan, hơi điên, không thực tế chút nào cả. Ấy vậy mà sau này tôi đã kiếm được một phương pháp kết quả đúng như thế. Tôi đã dùng phương pháp đó tám năm.
Có vẻ một trò ảo thuật – nhưng cũng như các trò ảo thuật – một khi bạn đã biết thì thấy nó vô cùng giản dị. Đây là bí quyết đó. Trước hết tôi bỏ hẳn cách làm việc tôi đã theo 15 năm rồi. Trước kia chúng tôi vào phòng hội nghị, lo lắng, kể lể hết những chỗ bất mãn, thất bại trong công việc làm ăn, để rồi sau đó cùng hỏi nhau: “Làm sao bây giờ?”. Tôi bỏ hẳn lối đó đi, lập ra một cách mới: Hội viên nào muốn đưa một vấn đề ra bàn cãi, trước hết phải thảo tờ trình chép những câu trả lời cho bốn câu hỏi này:
1. Nỗi khó khăn ra sao?
2. Nguyên nhân nỗi khó khăn ở đâu?
3. Có những giải pháp nào?
4. Bạn đề nghị giải pháp nào?
Bây giờ các hội viên của tôi rất ít khi đem những nỗi khó khăn ra bàn với tôi lắm. Tại sao? Vì muốn trả lời bốn câu hỏi ấy, họ phải thu thập đủ các sự kiện và suy nghĩ kỹ vấn đề. Và sau khi làm những công việc ấy rồi, họ thấy trong bốn trường hợp, có tới ba trường hợp họ khỏi phải hỏi ý kiến nữa, vì giải pháp tự nó hiện ra, như một trò ảo thuật vậy. Mà nếu họ có hỏi ý tôi, thì trước kia, bàn cãi mất ba giờ, nay cũng chỉ mất một giờ thôi. Vì chúng tôi tuần tự theo một con đường hợp lý để tới một kết quả hữu lý. Vì thế trong hãng Simon hiện nay chúng tôi chỉ phí rất ít thời giờ để lo lắng bận tâm về chỗ hư hỏng, sơ sót, mà hành động rất nhiều để cải thiện công việc.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công