NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG _ sứ mạng

NGHỆ THUẬT LÀM TRƯỞNG


LỜI NÓI ĐẦU: “Không có lính dở, mà chỉ có chỉ huy kém”. (Napoléon)

A.   SỨ MẠNG

1.      THỦ LÃNH LÀ AI?
Thủ là cái Đầu, biết XEM, XÉT, và LÀM, những gì có lợi cho toàn thân.
Biệt tài của họ là CÓ SÁNG KIẾN, biết CHIA SẺ điều mình biết, san sớt lòng nhiệt thành, đưa đoàn viên đến chỗ thành công.
Khi đặt chương trình là họ có kế hoạch để thực hiện cho bằng được.
Khi chỉ huy, họ biết thuyết phục và gây cảm tình với đoàn viên. BIẾT NGƯỜI,  BIẾT MÌNH,  họ hy sinh làm nô lệ mọi người, biết rõ việc phải làm, biết khả năng của từng người, biết liên kết các sức cố gắng vì ÍCH CHUNG và ích riêng cho từng đoàn viên.
Xuất hiện ở đâu là GÂY PHẤN KHỞI ở đó là dấu hiệu của người có tư cách chỉ huy.
2.      CÓ CẦN NGƯỜI CHỈ HUY KHÔNG?
Không biết chỉ huy, đừng tụ họp người ta lại, vì sẽ tạo ra nhóm vô kỷ luật, học cái xấu của nhau hơn là học cái tốt. Nhiều con nhà lành, vì đi họp thanh niên mà biết uống rượu, biết chọc gái, xấc xược, chia rẽ, hỗn loạn.
Nhờ biết chỉ huy, đoàn viên tầm thường trở thành có khả năng, học được tánh tốt, hết do dự, biết đoàn kết, nói tắt là biết làm việc, dám hy sinh.
Phải thay TRƯỞNG  khi thấy đoàn sa sút, chán nản.
Thiếu cấp chỉ huy chớ có lập đoàn thể.
3.      SỨ MẠNG CỦA CHỈ  HUY LÀ PHỤC VỤ
Người chỉ huy là người:
Phục vụ Chúa: mọi quyền hành đều do Chúa. Chúa ban biệt tài để họ chỉ huy.
Phục vụ công ích: không mị dân, không theo sở thích nhất thời của đoàn viên.
Phục vụ Chúa trong anh em: người chỉ huy cương quyết mà không hống hách, không độc tài, biết hỏi ý kiến và sau đó biết làm cho mọi người vui vẻ tuân lệnh.
Phục vụ quyền trên: người chỉ huy làm gương vâng lời bề trên. Vâng lời vô điều kiện. Quên mình. Có vậy, đoàn viên cũng noi gương để bỏ ý riêng, vâng lời chỉ huy vô điều kiện.
4.      MUỐN CHỈ  HUY PHẢI CÓ NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO?
Người chỉ huy phải được đoàn viên:
- Ngưỡng mộ: vì họ có đức tính, có chân giá trị.
- Yêu mến: vì người chỉ huy biết hy sinh, phục vụ cách vô vị lợi.
- Vâng phục: vì sự có mặt, lời nói, cái nhìn của chỉ huy làm ta hăng hái.
Thực vậy, người chỉ huy phải:
- Sáng suốt hơn: thấy trước cái rủi, may.
- Minh mẫn hơn: để nhận định những dữ kiện.
- Quyết định nhanh nhẹn hơn: để công việc tiến hành đúng lúc.
- Dám liều mình: giúp mọi người hoàn thành công tác.
- Can đảm hơn: để lấn áp tính rụt rè chung quanh.
- Kiên tâm hơn để thắng trở ngại.
- Bền gan hơn để chịu đựng sự cô độc.