TÂM HỒN BỪNG CHÁY LÊN
Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II vừa được phong thánh vào ngày Chúa Nhật 01/5 vừa qua. Cách nay sáu năm một tháng, vào tối ngày 02/4/2005, có đến hơn 60 ngàn người chen nhau ở quảng trường thánh Phêrô chỉ để theo dõi tình hình sức khoẻ của Đức Gioan Phaolô II. Khi Đức Tổng Giám mục Leonardo Sandri, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh, loan báo ĐTC đã ra đi thì không chỉ những ai ở quảng trường thánh Phêrô mà có thể nói được là toàn thế giới rung động lên trong niềm thương mến.
Tại Ba lan, quê hương của ĐTC, “Đức Giáo Hoàng” là những tiếng cửa miệng của mọi người từ hai tuần trước đó.
Không chỉ tại Ba lan mà trên khắp thế giới ai cũng muốn tỏ ra lòng quí mến dành cho ngài. Tổng thống Mỹ đã quyết định treo cờ rũ trên cả nước cho đến hết lễ tang, còn Chủ tịch nước Cuba thì thực hiện ba ngày quốc tang. Từ 03/4/2005. Đài CNN phát hình trực tiếp 24/24 về thời sự tại Vatican, thỉnh thoảng chen vào đó một vài tin thế giới khác.
Ngay cả một phát thanh viên Việt ngữ của đài BBC, chưa hẳn là công giáo, vẫn có chút nghẹn ngào khi nhắc đến ĐTC. Và nước Ý phải chuẩn bị cho khoảng hai triệu người đến tham dự lễ tang của ngài với khoảng 200 nguyên thủ các quốc gia trên khắp thế giới.
Tại sao mọi người thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau mà lại có chung một lòng quí mến dành cho ĐTC như thế?
Các nước có để tang Đức Gioan Phaolô II
Vì ai cũng cảm thấy ngài là người thân của mình, quan tâm đến mình, lo lắng cho mình. Bởi đó, ngày ra đi của ĐGH Gioan-Phaolô II có thể gọi là cuộc khải hoàn của Đức Ái Kitô giáo, của sức mạnh đến từ tình yêu Thiên Chúa được tỏ ra trong đời sống và lời giảng dạy của Đức Kitô, và đạt đến tột điểm trong hy lễ cuối cùng trên cây thập giá: “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi” (Cv 6,23).
Mọi người bị hút về với Đức Gioan-Phaolô II vì ngài đã để đời mình bị lôi kéo bởi Đức Kitô, Đấng chịu chết vì yêu thương.
Tình yêu bao la của Thiên Chúa đã chạm vào đời sống thế nhân và trở nên một biến cố lịch sử không thể chối bỏ, như suy nghĩ của hai môn đệ Emau: “Chắc ông là người duy nhất tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (Lc 24,18).
Nhưng sự từ bỏ đến cùng vì yêu của Chúa thực sự vượt quá tầm suy nghĩ của con người. “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5).
Chúa không chỉ nhớ đến mà còn phải bận tâm đi theo, tìm kiếm con người. Khi đưa Dân ra khỏi Ai cập, Chúa là cột lửa đi trước soi đường cho họ; còn với hai môn đệ đang về Emmau, “chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ”. Thật là “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8,6)!
Hạnh phúc thay cho ai nhận biết tình yêu Chúa! Người ấy sẽ trở nên nô lệ cho tình yêu, một sự “nô-lệ-trong-hạnh-phúc”!
Câu chuyện trên môi của hai môn đệ Emau cho thấy Đức Kitô đã trở nên một phần đáng kể trong đời sống của họ. Họ vừa đi vừa trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.
Bận tâm đến tương lai của mình, vẻ mặt họ buồn sầu vì chưa hiểu được bàn tay yêu thương của Chúa, “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Họ thấy được quyền thế trong việc làm cũng như lời nói của Đức Kitô, nhưng vẫn chưa nhìn ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong sự từ bỏ đến cùng vì yêu trên thập giá, khác xa những tính toán của họ, như Chúa đã phân định cho họ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25-26)
Và Đức Kitô đã dùng toàn bộ Sách Thánh (bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ) mà giải thích cho hai ông về chương trình cứu độ, chương trình của tình yêu Thiên Chúa. Đó là “con đường về cõi sống” (Cv 2,28), một mầu nhiệm vượt trên lý trí tự nhiên mà chỉ những ai đã gặp Đức Kitô, đã bước theo Ngài để cùng chết và sống lại vì yêu mới hiểu được.
Trong tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II, nhiều bạn trẻ vừa đi vừa giơ cao hình ngài vừa khóc. Ngay cả những người vô thần cũng thấy một điều gì đó là linh thiêng trong đời sống hy sinh tất cả vì yêu của ngài. Trong những lời cuối cùng của Đức Gioan-Phaolô II được ghi nhận trước khi đi vào hôn mê, ngài cố gắng thốt lên những lời cho các bạn trẻ đang đứng đợi ở ngoài quảng trường thánh Phêrô: “Các con thân mến, trong mọi hoàn cảnh, Cha luôn luôn cố gắng để có thể đến gần với các con...”
Một tâm hồn bừng cháy lòng muốn về ngay Giêrusalem để loan báo Tin Mừng không chỉ gặp thấy nơi hai môn đệ Emau, mà còn thấy nơi Đức Gioan-Phaolô II, nơi cha M. Kolbe, Mẹ Têrêxa, Đức Cha Cassaigne v.v…và hết thảy những ai đã gặp Đức Kitô phục sinh.
Tại sao tâm hồn các ngài bừng cháy lên khi gặp Đức Kitô phục sinh? Vì nơi các ngài, ĐỨC KITÔ LÀ TẤT CẢ, tình yêu, lẽ sống, hy vọng, hạnh phúc ...
Tại sao tâm hồn tôi chưa bừng cháy lên trong tôi?
Lm. HK