CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI

§1 - TIẾNG GỌI VỀ TRỜI
Hồng y Fulton Sheen
Đặc điểm thứ hai của con người tân thời là xa lánh tha nhân. Đặc điểm này được giãi bày không những bằng hai cuộc thế chiến trong vòng hai mươi mốt năm và mối đe dọa thế chiến thứ ba, không những bằng gia tăng đấu tranh giai cấp và ích kỷ lan tràn, mỗi nước, mỗi quốc gia, mỗi xã hội, mỗi cá nhân tìm kiếm lợi ích riêng của mình. Mà còn bằng các truyền thống, các gia sản lâu đời bị bẻ gãy không nuối tiếc. Bất cứ lòng trọng kính đối với truyền thống đều được gán khẩu hiệu "phản động". Và như vậy kết quả là con người thời đại mới phát triển thành kẻ xét đoán bừa bãi. Họ lấy tiêu chuẩn hôm qua xét đoán ngày hôm nay và hôm nay đoán xét ngày mai. Chẳng có chi buồn chán hơn một con người đã từng khôn ngoan mà lại mất trí nhớ. Chẳng có chi khốc liệt hơn một nền văn minh làm mai một truyền thống. Con người tân thời không thể bằng lòng với chính mình, thì làm thế nào bằng lòng với thiên hạ? Một người không sống được với bản thân, cũng chẳng sống được với ai! Các trận thế chiến giết hại nhiều triệu mạng người, chẳng qua là sự thể hiện rộng lớn hơn trận chiến tâm lý trong từng linh hồn. Giả như không có chiến tranh trong nội tâm hàng triệu trái tim, thì đã không có đánh nhau ở diện rộng trên toàn cầu. Người ta gây chiến trong tâm hồn mình trước, rồi sẽ đánh nhau ở xã hội.
Tình trạng hỗn loạn, vô luật pháp chỉ là hậu quả của những tâm hồn tha hoá trong các xã hội. Một người đấm đá nhau trong tâm hồn, sớm muộn sẽ đấm đá với hàng xóm chung quanh mình. Khi họ thôi phục vụ tha nhân là lúc họ trở nên gánh nặng cho chính mình và là một bước để họ từ chối sống với người khác. Khi Ađam phạm tội, ông ta đổ lỗi cho Evà. Khi Cain giết Abel, Cain đặt câu hỏi "Tôi đâu phải là kẻ canh giữ em?" (St 4,9). Khi Phêrô chối Chúa, ông đi ra ngoài một mình khóc lóc cay đắng. Tội kiêu căng của những người xây tháp Babel kết thúc trong sự lộn xộn ngôn ngữ. Nó làm cho việc hòa thuận trong loài người không thể duy trì nổi.
Cuối cùng, con người tân thời xa lánh Thiên Chúa. Xa lạ với mình, với tha nhân, có nguồn gốc là xa lạ với Thiên Chúa. Một khi cái đùm bánh xe bị bể, thì các căm xe rã rời mỗi nơi một chiếc. Khi người ta lãng quên Thiên Chúa, người ta xa lạ lẫn nhau. Ngày nay Thiên Chúa xem ra chẳng còn ai màng tới. Lý do là vì người ta cư xử như thể không có Thiên Chúa hiện hữu trong đời mình. Điều tốt trở nên yếu tố trách móc đối với những ai sống độc ác và vì thế họ tàn nhẫn tức giận và bách hại những ai làm điều thiện. Hiếm mà không thấy một linh hồn chán nản, không thỏa lòng lại không ghen ghét hàng xóm láng giềng mình. Họ ước muốn mọi người phải vô tôn giáo như mình.
Cho nên tổ chức vô đạo nào trong thời đại ngày nay cũng đều là phản ánh của tình trạng tự ghét mình. Chẳng ai ghét bỏ Thiên Chúa mà không ghét bỏ mình trước đã. Bách hại tôn giáo chỉ là dấu chỉ của tình trạng ghét Thiên Chúa. Bởi lẽ người ta hy vọng nhờ bạo lực của ghen ghét mà thoát khỏi tính vô lý của linh hồn mình. Hình thức cuối cùng của lòng ghét tôn giáo là khinh dể Thiên Chúa, chống đối Ngài, và bảo lưu nếp sống ác độc của mình trước mặt quyền năng và lòng tốt của Thiên Chúa. Nổi loạn chống lại toàn bộ hiện hữu, những linh hồn như thế nghĩ rằng mình đã xóa bỏ được nó. Họ không thích ai nói về tôn giáo, kẻo nữa sự yên ổn của mình trở thành án phạt trầm luân cho chính tính kêu ngạo. Ngược lại, họ khinh thường tôn giáo. Không khi nào tạo nên được một ý nghĩa cho cuộc đời mình, các linh hồn phản loạn phổ quát hóa những bất ổn trong lương tâm và nhìn thế giới như một khối lộn xộn. Do đó họ khai triển một triết lý mới gọi là "sống hiện sinh".