CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI

§1 - TIẾNG GỌI VỀ TRỜI
Hồng y Fulton Sheen

Liệu chúng ta có tìm thấy một linh hồn nản chí như vậy không trong Phúc âm? Liệu khoa phân tâm học ngày nay có gặp được kiểu mẫu con người như Chúa Giêsu đã gặp trong Tin Mừng và cứu chuộc anh ta? Nếu lần giở sách Phúc âm theo Thánh Marcô, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy một thanh niên trong miền đất Giêrasênê có những đặc tính y hệt với những linh hồn mô tả ở trên. Tức anh ta ở trong tình trạng vong thân ba chiều như các người tân thời.
Anh ta xa lạ với chính mình. Khi Chúa Giêsu hỏi: "Tên ngươi là gì? " Người thanh niên thưa: Tên tôi là một đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." (Mc 5,9). Xin để ý đến ngôi vị anh ta xưng hô nó lộn xộn giữa "tôi" và "chúng tôi đông lắm". Rõ ràng có sự vật lộn giữa ngôi vị. Anh ta chính là một vấn đề cho chính mình. Anh ta là dòng nước cuộn lại của ngàn lẻ một nỗi lo âu, vì thế anh ta gọi mình là một đạo binh. Kinh nghiệm thường thức cho hay chẳng con người phân liệt nào có hạnh phúc. Vì vậy Phúc âm mô tả người thanh niên đất Gierasênê là: Tru tréo và lấy đá đập vào mình (Mc 5,5). Con người thất vọng luôn luôn buồn rầu, chính mình lại là kẻ thù tệ hại nhất của mình, vì hắn lạm dụng thiên nhiên để hủy hoại bản thân.
Thứ hai, người thanh niên xa lạ với tha nhân: Phúc âm tả tiếp như sau: "Anh ta đêm ngày cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi anh ta là mối đe dọa cho người khác. Người ta nhiều lần đã gông cùm, và xiềng xích anh lại, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích và đập tan gông cùm và không ai có thể kiềm chế anh được." (Mc 5,4). Cô đơn, cách ly với mọi người là tính chất đặc thù của những linh hồn xa lìa Thiên Chúa. Thói quen tự nhiên của họ là tránh xa đồng loại, sống giữa các mồ mả của miền đất tử thần. Trong tội lỗi không có chất kết dính. Bản tính của nó là phân tán, chia rẽ và gián đoạn.
Người thanh niên xa lìa Thiên Chúa, khi nhìn thấy Đức Kitô, đấng cứu chuộc mình, liền la to: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa tối cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi." (Mc 5,7). Có nghĩa là "giữa tôi và ông có chi chung đụng đâu? Ông có mặt là tôi bị hủy diệt". Do đó chúng ta được chứng kiến một khía cạnh tâm lý là những linh hồn thất vọng chán ghét sự thánh thiện và ước mong tách rời nó mãi mãi, tội nhân nào cũng muốn ẩn mình khỏi tôn nhan Đức Chúa Trời. Cain, kẻ giết người đầu tiên trong lịch sử đã than: "Và tôi sẽ tránh khỏi mặt Ngài, tôi sẽ đi lang thang và trở thành kẻ trốn chạy trên mặt đất" (St 4,14).
Như vậy vấn đề không phải là chúng ta sẽ ra thế nào, mà là chúng ta sẽ là chi? Bom nguyên tử, khinh khí đã làm chúng ta bớt sợ hãi về mục tiêu và sự tồn tại trên đời này. Nhưng vẫn còn đó sự quan trọng là chúng ta sẽ sống đời vĩnh cửu ra sao chứ không phải chết thế nào. Quả bom nguyên tử trong tay thánh Phanxicô khó khăn đâu có nguy hiểm bằng khẩu súng ngắn trong tay một gã ăn cướp! Điều làm cho qủa bom nguy hiểm không phải là thuốc nổ bên trong nó, nhưng là người sử dụng. Vì vậy, linh hồn tân thời phải cải tạo, chứ không phải cải tạo hoàn cảnh. Trừ phi hắn ngưng ngay sự bùng nổ trong tâm hồn mình, bằng không có thể hắn dùng bom để phá hủy cả hành tinh. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Pio XII đã cảnh cáo nhân loại.
Người tân thời tự nhốt mình trong khối óc của mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải phóng hắn. Tương tự như Ngài đã giải phóng Phêrô khỏi nhà tù tôn giáo thủơ xưa. Tất cả những điều con người phải làm là ước ao ra khỏi đó. Chẳng bao giờ Thiên Chúa thất bại, chỉ phiền rằng ý chí người ta yếu ớt. Và cũng không có lý do để ai phải nhát đảm. Con chiên lạc lõng bị kẹt trong bụi gai làm trái tim Chúa lưu tâm, chứ không phải cả đàn cừu bình an trong đồng cỏ. Ngài đã giơ tay cứu vớt con chiên đó! Nhưng sự phục hồi bình an qua ơn thánh bao gồm sự hiểu biết về bồn chồn lo âu, tức sự thống hối than phiền của con người tân thời mắc vòng tù tội luân lý.