Học làm người _ sống bác ái

SỐNG BÁC ÁI
Thầy Tăng Tử nói với Đức Khổng Tử : “Tôi biết thầy có ba điều: tôi học mãi mà chưa được.
Thầy thấy người ta có được một điều hay, mà quên cả trăm điều trái của người ta, thế là thầy dễ tính.
 Thầy thấy người ta có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có, thế là thầy không ghen tỵ.
 Thầy nghe thấy điều gì phải, nhất quyết làm rồi sau mới nói, thế là thầy chịu khó thực hành.
Thầy là người dễ tính, là người không ghen tỵ, là người chịu khó, tôi học mãi ba điều ấy của thầy mà chưa có thể làm được”.
Chúng ta luôn luôn ghi nhớ ba điều trên để thực thi bác ái.
Khi không bằng lòng với ai, khi buồn giận người khác thường ta chỉ thấy cái xấu của họ.
Hai người tính tình không hợp nhau, cũng thường chỉ thấy khuyết điểm của nhau. Nhưng thực ra, con người đâu chỉ có khuyết điểm, ai mà chả có một số đức tính tốt, vậy ta phải tìm và nhận ra đức tính tốt của người. Rồi căn cứ vào đức tính tốt đó để quên đi những khuyết điểm của họ.
Riêng đối với chúng ta, ta dễ bào chữa, tự tha thứ, ta dễ dàng viện lý do nọ, lý do kia để biện bạch cho những lỗi lầm của ta, để quảng đại với chính ta. Ước gì chúng ta cũng cư xử như thế với người chung quanh ta.
Anh chị em chúng ta lầm lỗi, chúng ta hãy nghĩ tới lỗi lầm của ta để đừng ngạc nhiên về lỗi lầm của anh chị em đó. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều mình chẳng muốn thì đừng làm cho người. Sách Tobia (4,16) cũng dạy cùng một tư tưởng : “Đừng làm cho người khác điều con không muốn người làm cho con”.
Ta không muốn ai nghĩ xấu về ta, thì ta cũng đừng nghĩ xấu cho người khác. Ta muốn người ta quên lỗi lầm của ta, thì ta cũng hãy vội quên lỗi lầm của người. Ta muốn mọi người thông cảm cho ta, đứng vào hoàn cảnh ta, thì ta cũng phải thông cảm với họ, đứng vào hoàn cảnh họ.
Về vấn đề ghen tỵ, ta buồn bực, ghen tương là vì ta không chịu vui khi thấy người khác gặp may, khi thấy kẻ khác hơn ta. Tính ghen tỵ không làm cho người khác thiệt thòi, mà chính chúng ta bị thiệt, lý do nó làm hại cả thể xác lẫn tinh thần ta.
Về vấn đề nói và làm: ai cũng từng biết nói thì dễ, làm thì khó. Khi phê bình người, chúng ta muốn người làm này làm khác, phải cư xử thế này thế nọ, nhưng chính chúng ta, chúng ta lại không chịu làm gì. Chúng ta có bắt tay vào việc, chúng ta mới cảm thấy sự khó khăn, mới qua những thất bại và từ đó chúng ta mới thông cảm thất bại của kẻ khác.
 Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công