Suy niệm hạnh thánh _ 07/1

Thánh RÊMÔN Ở PENPHO
 (1175-1275)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Được Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Rêmôn có cơ hội để thực hiện được nhiều điều trong đời.
Là một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, ngài có đầy đủ tài nguyên và nền tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý và sùng kính Đức Mẹ. Vào lúc 20 tuổi, ngài dạy triết. Trong khoảng 30, ngài đậu bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Tuy nhiên, ngài đã từ bỏ tất cả để gia nhập Dòng Thuyết Giáo (Đa Minh) và là một linh mục năm 47 tuổi. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX gọi ngài về Rôma làm việc cho đức giáo hoàng và cũng là cha giải tội cho người. Môt trong những điều đức giáo hoàng yêu cầu ngài thi hành là thu thập các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm, kể từ lần sưu tập sau cùng của Gratianô. Cha Rêmôn biên soạn thành năm cuốn sách được gọi là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được hệ thống hóa.
Trước đó, Cha Rêmôn đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là "Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.
Khi Cha Rêmô được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Taragôna, thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm.
Tuy nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Đa Minh. Cha Rêmôn phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Rêmôn, lúc ấy 65 tuổi, đã xin từ nhiệm.
Nhưng ngài vẫn còn phải làm việc trong 35 năm nữa để chống với bè rối và hoán cải người Moor ở Tây Ban Nha. Và theo lời yêu cầu của ngài, Thánh Tôma Aquina đã viết cuốn "Summa Contra Gentes".
Mãi cho đến khi ngài được 100 tuổi thì Thiên Chúa mới cho ngài về hưu dưỡng. Năm 1601, Cha Rêmôn được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.
Suy niệm 1: Tuổi thọ
Được Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Rêmôn có cơ hội để thực hiện được nhiều điều trong đời. Năm 1601, ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.
Con người ngày nay sống được 100 tuổi quả là họa hiếm, nhưng Kinh Thánh cho hay “trăm tuổi mà chết là chết trẻ” (Is 65,20), vì các vị tiền bối còn sống lâu hơn thế: Ađam sống được 930 năm (St 5,5), Ápraham thì 175 (St 25,7), Aharon thọ được 123 tuổi (Ds 33,39), còn Môsê thọ 120 tuổi (Đnl 34,7), Giôsuê, con ông Nun, từ trần, thọ 110 tuổi (Gs 24,29). Giơhôgiađa sống đến già, tuổi thọ rất cao, rồi qua đời. Lúc chết, ông được 130 tuổi (2Sb 24,15).
Ông Tôbít chết bình an, thọ 112 tuổi, ông hay làm phước bố thí. Ông không ngừng chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người là Đấng cao cả (Tb 14,2). Ông Tôbia chết vẻ vang, thọ 117 tuổi, ông đối xử với cha mẹ kể cả cha mẹ vợ rất có hiếu (Tb 14,13-14). Bà Giuđitha tuổi đời rất cao, thọ được 105 tuổi. Bà ăn chay suốt thời gian ở góa. Bà trả tự do cho người nữ tỳ. Không một ai chê trách bà được điều gì (Gđt 8,6-8;16,23).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu được rằng: tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi (Kn 4,8), mà do sống đạo đức lành thánh. Còn sống gian ác thì thà đừng được sinh ra còn hơn (Mt 26,24).
Suy niệm 2: Đức Maria
Là một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, Rêmôn có đầy đủ tài nguyên và nền tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý và sùng kính Đức Mẹ.
Ông Antonio Riccarđi người Ý ghi lại chứng từ về ơn lạ nhận được do thân mẫu có lòng sùng kính Đức Maria: Bệnh tình làm biến dạng thân hình tôi. Mọi người thất vọng, nhưng Mẹ tôi thì không, vì luôn tin tưởng nơi sự phù trợ của Đức Maria. Mẹ tôi bồng tôi đến khấn xin ở tận đền thánh Đức Mẹ ở Pompei. Lạ lùng thay, ngay tại đây, dưới chân bức ảnh Đức Mẹ, tôi được khỏi bệnh. Cả bác sĩ lẫn y tá đều kinh ngạc trước sự khỏi bệnh nhanh chóng và lạ lùng của tôi.
Mẹ hiền dạy con tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ: Buổi sáng nọ, khi Vica tiến lại hôn chào bà như thường lệ để đi học, bà Sara từ chối với lời giải thích: Má không thích những chuyện không ăn khớp với nhau. Vậy thì hôm nay, má muốn con dứt khoát một lần cho xong, hoặc con phải lần hạt tỏ lòng kính Đức Maria, hoặc con phải chấm dứt việc hôn má để bày tỏ con thương má. Vica hiểu ý và từ đó chuyên chăm lần hạt mỗi ngày.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin hạ quyết tâm từ nay lần hạt mỗi ngày, cũng như đi dâng lễ và dọn mình rước lễ mỗi thứ bảy, để tỏ lòng yêu mến và sùng kính Đức Maria.
Suy niệm 3: Luật lệ
Thánh Rêmôn là một luật gia và là nhà giáo luật. Trong khoảng 30 tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Đức giáo hoàng yêu cầu ngài thu thập các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm. Ngài biên soạn thành năm cuốn sách được gọi là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được hệ thống hóa.
Vì luật gồm tóm toàn thể những ý muốn của Thiên Chúa được diễn tả cách rõ ràng (Đnl 30,10), vì “Ai ghét bỏ luật lệ thì không khôn ngoan, và sẽ bị nghiêng ngả như con tàu giữa cơn phong ba” (Hc 33,2), nên Đức Giêsu chẳng những nghiêm túc giữ luật mà còn truyền dạy phải tuân thủ cách chi tiết đến mức không được bỏ qua dù một chấm một phết (Mt 5,18). Tuy nhiên không được vụ luật, vì “Con Người làm chủ ngày sabát” (Mt 12,8).
Thói vụ luật là một trong những điều mà Giáo Hội cố tránh trong Công Đồng Vatican II. Có sự khác biệt lớn lao giữa các điều khoản với tinh thần và mục đích của luật lệ. Luật lệ tự nó có thể trở thành cùng đích, do đó giá trị mà luật lệ muốn nhắm đến đã bị quên lãng. Nhưng cũng phải thận trọng đừng ngả về thái cực bên kia, coi luật lệ như vô ích hoặc cho đó là một điều tầm thường. Một cách lý tưởng, luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của mọi người và phải đảm bảo quyền lợi của mọi người được tôn trọng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học được sự tôn trọng luật lệ như một phương tiện phục vụ công ích.
Suy niệm 4: Giải tội
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX gọi Cha Rêmôn về Rôma làm việc cho ngài và cũng là cha giải tội cho ngài. Trước đó, Cha Rêmôn đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là "Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.
Ý thức về tầm quan trọng của một lương tâm bình an, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa và mọi người, Đức Giêsu đã từng tha tội cho nhiều người (Mt 9,2;Lc 7,48;Ga 8,11). Ngài hoàn tất việc thiết lập nên bí tích Giải Tội khi trao quyền cho Phêrô và các tông đồ (Mt 16,19;Ga 20,23). Đồng thời Ngài cũng mời gọi mọi hối nhân hãy làm một việc đền tội là hãy tha thứ cho nhau (Mc 11,25-26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng lãnh nhận bí tích Giải Tội, và cũng xin Chúa giúp các vị chủ chăn có được tâm tình của Chúa, để sẵn sàng dành thì giờ cũng như có thái độ hiền dịu đối với các hối nhân, vì một người tội lỗi hối cải thì đem lại niềm vui cho cả triều thần thánh trên trời (Lc 15,7.10).
Suy niệm 5: Vinh dự
Khi Cha Rêmôn được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Taragôna, thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm. Tuy nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Đa Minh.
Càng cao danh vọng càng dày gian lao. Dĩ nhiên cuộc đời lành thánh của ngài không cho phép ngài sợ gian lao vất vả, vì quả thật sau khi từ nhiệm trọng trách của một vị tổng giám mục, thì lại đã phải gánh vác trách nhiệm của một bề trên nhà dòng. Nhưng tất cả chỉ vì lòng khiêm tốn chân thật và thẳm sâu, nhất là triệt để chấp hành Thiên Ý.
Vinh dự đi liền với chức vụ nhưng cũng tùy thuộc rất nhiều vào chính phẩm chất của đương sự. Áo dòng không làm nên thầy tu. Một hoàng đế Saun khiếp nhược trước tướng quân Gôliát, đâu xứng đáng tranh giành niềm vinh dự toàn dân dành cho cậu bé Đavít, với chiến công giải cứu dân thành (1Sm 18,7). Đức Giêsu đã từng dạy: Người làm lớn không để cai trị mà là phục vụ (Mt 20,26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống theo gương Chúa, là không tìm vinh quang cho mình mà là cho Đấng đã sai mình (Ga 7,18;8,50).
Suy niệm 6: Thăm viếng
Cha Rêmôn phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Rêmôn, lúc ấy 65 tuổi, đã xin từ nhiệm.
Với sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu cũng rất xem trọng việc thăm viếng mục vụ, vì chính Thiên Chúa cũng từng viếng thăm dân Người (Lc 1,68;7,16). Chẳng lạ gì, Đức Giêsu dành giờ về thăm viếng quê làng (Lc 4,16), thăm bà mẹ vợ của Phêrô (Lc 4,38), thăm gia đình ba chị em Mácta, Maria và Ladarô (Lc 10,38). Nhất là Ngài dùng việc thăm viếng người đau yếu như một tiêu chuẩn để xét xử (Mt 25,36.43).
Theo gương Thầy chí thánh, tông đồ trưởng Phêrô cũng rảo khắp nơi thăm viếng dân thánh (Cv 9,32). Phaolô cũng nhiều lần đến thăm các giáo đoàn (2Cr 13,1) và luôn ước ao cũng như có dự kiến ấy (Rm 15,23;Pl 2,24), cho dầu không thiếu những cản trở (1Tx 2,18). Timôtê cũng thực hiện sứ vụ này (1Tx 3,6).
* Lạy Chúa Giêsu, vì lý do bận rộn, nhiều mục tử ngày nay thường cắm trại trong nhà. Xin giúp các ngài hiểu rằng việc thăm viếng các gia đình cũng là một công việc đáng phải mất thì giờ, để hữu hiệu hóa sứ vụ mục tử, vì có tiếp cận mới thấu hiểu tình cảnh.