NGÀY 29 THÁNG 12
BÀI ĐỌC: 1Ga 2,3-11
3 Anh em thân mến, căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết
Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. 4 Ai nói
rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói
dối, và sự thật không ở nơi người ấy. 5 Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta
biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. 6 Ai nói rằng mình ở lại
trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. 7 Anh em
thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một
điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh
em đã nghe. 8 Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em,
-điều ấy thật là thế nơi Đức Giê-su và nơi anh em-, bởi vì bóng tối đang qua đi
và ánh sáng thật đã tỏ rạng. 9 Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà
lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. 10 Ai yêu thương
anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp
phạm. 11 Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong
bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù
quáng.
ĐÁP CA: Tv 95
Đ. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.
(c 11a)
1 Hát lên mừng
Chúa một bài ca mới,hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! 2a Hát
lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh!
2b Ngày qua ngày,
hãy loan báo ơn Người cứu độ,3 kể cho muôn dân biết Người thật là
vinh hiển,cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
5 Đức Chúa là
Đấng sáng tạo trời cao. 6 Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 2,32
Hall-Hall: Đức Kitô là ánh
sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 2,22-35
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật
Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho
Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu
lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa",24 và cũng để
dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25
Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính
và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự
trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ
không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27
Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con
tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì
ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được
an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân
ngoại,là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34
Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi:
"Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã
xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35
và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một
lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
SỐNG GIỚI RĂN YÊU
Con người được dựng nên giống hình
ảnh của Thiên Chúa (x St 1,26), mà Thiên Chúa là Tình Yêu (x 1Ga 4,8), bởi thế
sống Đạo để giống Thiên Chúa chính là sống yêu, như Thiên Chúa yêu con người. Cùng
đích sứ điệp của các ngôn sứ cũng chỉ nhắm dạy người ta biết sống yêu: Yêu Chúa
và Yêu người. Do đó, thánh Gioan nói: “Đó
là giới răn cũ”, cũ là vì từ muôn thuở Chúa muốn con người phải sống yêu (x
1Ga 2,7: Bài đọc).
Để cụ thể sống yêu, thánh Gioan nhắc
nhở ta sống hai điều:
-
Yêu Thiên
Chúa là giữ Luật Chúa (x 1Ga 2,3-6: Bài đọc).
-
Yêu người là
phục vụ toàn diện nhu cầu xác hồn của đồng loại (x 1Ga 2,9-11: Bài đọc).
***
1/ YÊU THIÊN CHÚA LÀ GIỮ LUẬT
CHÚA
Thánh Gioan nói: “Chúng ta nhận biết rằng ta biết Thiên Chúa:
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người…Hễ ai giữ Lời Người dạy, tình
yêu của Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Ai nói rằng mình ở lại trong Người,
thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga 2,3. 5-6: Bài đọc).
Thế nào là giữ Luật Thiên Chúa để đạt Đức Ái?
Chúng ta biết mục đích của Luật chỉ nhắm điều công bằng. Ví dụ: “Ai móc ta một mắt, ta có quyền móc lại nó một
mắt; nó đánh gãy ta một răng, thì ta có quyền bẻ gãy một cái răng của nó”
(x Mt 5,38).
Sống điều Luật dạy như thế,chẳng ai
bị thiệt,chẳng ai có lợi, và chẳng hơn gì lương dân, hay kẻ tội lỗi? Thực vậy,
Đức Giêsu đã nói: “Nếu các ngươi chỉ yêu
thân nhân và ghét thù địch, thì có hơn gì dân ngoại, các ngươi chỉ làm ơn cho
bạn bè và cho vay hòng được lấy lại, thì có hơn gì kẻ tội lỗi, họ cũng làm như
vậy. Các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, Ngài làm
mưa làm nắng trên kẻ bất lương và người công chính” (Mt 5,43-48).
Vậy “ai thực hành Lời Chúa, thì tình
yêu của Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo nơi người ấy” (1Ga 2,5: Bài
đọc). Mà đã yêu Thiên Chúa thì phải làm hơn điều Luật dạy. Cụ thể ông Giakêu, lúc
đón Chúa vào nhà, ông tự nguyện bán tất cả gia tài chia cho kẻ nghèo một
nửa,phần còn lại ông đền gấp bốn cho bất cứ ai ông đã làm thiệt hại, chẳng có
Luật nào dạy ông Giakêu phải làm như thế, ông đã làm hơn điều Luật dạy. Chính
vì vậy mà Đức Giêsu lên tiếng khen và xác nhận: “Hôm nay, cả nhà ông được ơn cứu
độ. Vì người này mới thực là dòng giống của Abraham”(Lc 19,1-10). Cả
đến gia đình thánh Gia Thất tại Nadareth: Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse,
cả ba Đấng cũng làm hơn điều Luật dạy, trong Tin Mừng hôm nay tác giả Luca nhắc
đi nhắc lại bốn lần: “Ông bà làm như thế
là để làm trọn Luật Chúa dạy” (x Lc 2, 22. 23. 24. 27).
-
Đức Giêsu: Khi lên 12 tuổi, Ngài đã đi dự Lễ ở đền thờ Giêrusalem, trong
khi đó Luật dạy người ở xa Đền Thờ quá một ngày đường, và chưa đến tuổi 13, thì
không buộc phải lên Đền Thờ dự Lễ (x Xh 23,14-17), nhất là khi cuộc Lễ đã kết
thúc, mọi người ra về mà Ngài còn trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ dạy Giáo Lý (x Lc
2,41t).
-
Thánh Giuse và Đức Maria: Các đấng cũng giữ Lề Luật hơn điều đã quy định.
Cụ thể, theo sách Lêvi 12,2-6 chỉ buộc người mẹ sau khi sinh con trai bị ô uế 7
ngày, rồi 33 ngày sau mới được thanh tẩy máu; hoặc nếu sinh con gái thì bị dơ
14 ngày, rồi 66 ngày sau mới được thanh tẩy máu. Như thế sinh con gái thì dơ
gấp đôi sinh con trai. Có nghĩa là nếu sinh con trai thì sau 40 ngày, nếu sinh
con gái thì sau 80 ngày người mẹ phải lên Đền Thờ để được thanh tẩy. Chứ không
có Luật nào buộc người cha phải lên Đền Thờ thanh tẩy sau khi có con được sinh ra,
và “Luật không lập ra cho người công
chính, nhưng cho hạng phi pháp và loạn tặc, vô đạo và tội lỗi, bất lương”
(1Tm 1,9). Trong khi đó ông Giuse là người công chính (x Mt 1,19), và Đức Maria
sinh Con bởi phép Chúa Thánh Thần, chứ không sinh Con theo thói đời để phải mắc
uế, bởi đó Mẹ được gọi tên là “Đầy Ơn Phúc”, vì có Chúa ở cùng (x Lc 1,28). Thế
mà tác giả Luca lại ghi: “Khi đã đủ thời
gian (40 ngày hoặc 80 ngày sau khi sinh con) đến ngày các ngài (Giuse
và Maria) phải được thanh tẩy theo luật
Môsê, bà Maria ông Giuse đã đem Con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa theo
Luật đã dạy” (Lc 2,22-23: Tin Mừng).
Vậy các đấng được thanh tẩy phải
hiểu đó là dấu chỉ loài người muốn được thanh tẩy phải lên Đền Thờ gặp Chúa
Giêsu mà cha mẹ Ngài đã tiến dâng.
Nếu người Công Giáo, từ giáo sĩ đến
giáo dân chỉ giữ đúng Luật Hội Thánh buộc, làm sao diễn tả lòng mến Chúa và yêu
người? Ví dụ: Luật chỉ buộc Linh mục phải giảng trong các Lễ Chúa nhật và Lễ
Trọng, nên ngày thường Linh mục dâng Lễ không giảng; còn ngày trong tuần Luật
không buộc giáo dân phải đi dự Lễ, nên ai cũng chỉ đi Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng
mà thôi! Luật cũng chỉ buộc tín hữu rước Lễ vào mùa Phục Sinh, nên người tín
hữu chỉ rước Lễ một lần trong mùa Phục Sinh. Thế thì giáo sĩ và giáo dân cử
hành Phụng Vụ hay tham dự Phụng Vụ như thế có phải vì yêu Chúa không? Trong khi
đó Chúa nói: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, Ta ưa việc nhận biết Thiên Chúa
hơn là của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).
Ta hãy noi gương bắt chước ông
Simêon, là người công chính và sùng đạo, những ngóng đợi niềm an ủi của Israel,
nên ông được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào Đền Thờ trong ngày Đức Giêsu được cha
mẹ đem dâng cho Thiên Chúa, và ông được Chúa Thánh Thần cho biết Hài Nhi đó là
Đấng Cứu Thế, ông đã bồng ẵm Hài Nhi trong niềm hân hoan sung sướng, ông cảm
thấy không còn niềm vui nào lớn lao hơn, ông đã được toại nguyện, không điều gì
hấp dẫn đối với ông, nên ông chỉ muốn được về với Chúa ngay, không để vụt khỏi
tay ơn huệ quý báu này, như lời ông nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa
đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,là vinh quang
của Irrael Dân Ngài.” (Lc 2,29-32: Tin Mừng). Điều này ông Simêon đã làm
mẫu cho ta lên Đền Thờ dự tiệc Thánh Thể, sau khi rước Lễ, ta cũng phải có tâm
tình tri ân Chúa như lúc ông Simêon bồng ẵm Hài Nhi trên tay. Hội Thánh đã mượn
lời cầu của ông Simêon để dạy ta cầu nguyện trong giờ Kinh Tối (Kinh Phụng Vụ).
Do đó, nếu mỗi ngày ta không rước Lễ, không ôm Chúa vào lòng như ông Simêon, mà
đêm Chúa lại gọi ta ra khỏi thế gian, hỏi Đấng nào dẫn ta ra đi bình an?
2/ YÊU NGƯỜI LÀ PHỤC VỤ TOÀN DIỆN NHU CẦU XÁC
HỒN CỦA ĐỒNG LOẠI (x 1Ga 2,9-11: Bài đọc).
Thánh Gioan nhắc nhở các tín hữu: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng: trong
Chúa Giêsu, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối tội lỗi. Ai
yêu thương anh em mình, thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì
nên cớ vấp phạm” (1Ga 2,9-10: Bài đọc). Mà “yêu anh em không phải chỉ bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng là bằng việc
làm thực sự” (1Ga 3,18). Việc làm của Đức Ái phải ưu tiên chăm sóc linh hồn
đồng loại, dù phải mất mạng mình, chứ không chỉ dừng ở việc lo cho nhu cầu thân
xác anh em. Cách phục vụ thể hiện Đức Ái này không ai làm mẫu cho chúng ta
ngoại trừ Chúa Giêsu. Chính vì vậy mà ông Simêon đã báo trước cho cha mẹ Đức
Giêsu biết về sứ mệnh Hài Nhi: “Này! Ngài
có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi
lên chống đối – và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu – ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm
hồn phải bày ra” (Lc 2,34-35: Tin Mừng).
Lời ông Simêon tiên báo về Hài Nhi
như thế, 33 năm sau đã ứng nghiệm: Khi Con bà Maria bị treo trên thập giá, Ngài
đã tắt thở mà kẻ ác vẫn không buông tha, chúng lấy giáo đâm nát tim Ngài, nước
và máu còn chút ít trong tim dốc ra hết (x Ga 19,31-37). Lúc ấy, Đức Giêsu
không còn cảm thấy đau đớn gì, vì Ngài đã chết, nhưng Mẹ Maria đứng nhìn Con bị
đâm, chắc chắn Mẹ đau đớn vô cùng! Mẹ đã hứng chịu Lời Chúa chúc dữ cho bà Eva:
“Bà sinh con đau” (St 3,16), và như thế: “Lời
kẻ thóa mạ Ngài này chính con hứng chịu” (Tv 69/68,10b).
Nói cách khác,sự đau khổ của Mẹ được
cộng tác với đau đớn của Con,không miệng lưỡi nào tả cho xiết. Nhưng chính lúc
đó, Lời tiền Tin Mừng Chúa hứa cứu dòng tộc Adam, Eva thoát nô lệ Satan, thì:
-
Chúa Giêsu làm ứng nghiệm: “Dòng
giống người đàn bà sẽ đạp nát đầu rắn Satan” (St 3,15: bản văn 70 bằng
tiếng Hy Lạp).
-
Đức Maria là Hội Thánh viên mãn làm ứng nghiệm: “Chính
người đàn sẽ đạp nát đầu rắn Satan” (St 3,15 – bản văn Vulgata bằng tiếng
La Tinh).
Như thế, Đức Giêsu, Con Mẹ Maria,
suốt một đời phục vụ đã làm biết bao nhiêu phép lạ cứu người: cho kẻ đói ăn, chữa
lành nhiều bệnh nhân, trừ quỷ xuất khỏi nhiều người, cho kẻ chết sống lại, cuối
đời được nhận lại sự thù oán của những kẻ đã thụ ơn, nhưng Đức Giêsu cũng như
Mẹ Maria đã biết trước sự phũ phàng đó ngay từ lúc Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, để
rồi nhờ sự đau khổ cực độ này, cả hai Mẹ Con đã dâng hiến cho Chúa vì yêu nhân
loại, hầu mọi người được ơn cứu độ trọn vẹn cả hồn lẫn xác.
Do đó, nếu ta phục vụ đồng loại mà
chỉ nhắm sẽ được đền ơn, ta không thể giống Chúa và Mẹ. Nếu Mẹ Maria không kết
hợp mật thiết với Đức Giêsu, và nếu Đức Giêsu không phải là xương thịt của Mẹ,
thì việc phục vụ của cả hai Mẹ Con chẳng thực hiện ý Cha trên trời để cứu độ
muôn người.
Vậy nếu ta không kết hợp với Chúa
Giêsu Thánh Thể, xương thịt của ta không phải là xương thịt của Mẹ, cũng không phải
là xương thịt của Chúa Giêsu Phục Sinh, nếu ta chỉ lấy lòng tốt của mình phục
vụ đồng loại, thì đó chỉ là nhân bản không phải là đức ái, đó chỉ là việc của
loài người, nếu có giá trị cũng sẽ tan biến thành tro bụi; nhưng nếu ta cùng
kết hợp với Chúa Giêsu và Mẹ Maria để phục vụ đồng loại, thì đó là việc của Thiên
Chúa, mới thực là đức ái Kitô giáo, làm vinh hiển Chúa, đem ơn cứu độ cho ta
cũng như cho mọi người (x Cv 5,38-39). Được như thế ta mới làm cho: “Trời vui lên đất hãy nhảy mừng” (Tv
96/95,11a: Đáp ca). Vì “Đức Kitô là ánh
sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32: Tung
Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Ai nói rằng
mình ở trong ánh sáng: trong Chúa Giêsu, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở
trong bóng tối tội lỗi. Ai yêu thương anh em mình, thì ở lại trong ánh sáng, và
nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm (1Ga 2,9-10).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH