Lời Chúa cnmv 3c _ chúng tôi phải làm gì?


CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
Có một ai mà tôi không thể mỉm cười với họ không? Hãy mỉm cười với họ, và niềm vui đời đời cũng sẽ mỉm cười với tôi!
Lm. HK
Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết Tề Thanh Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy sợ hãi, răm rắp vâng lời. Riêng có Án Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không chịu thề.
Thôi Trữ bảo Án Tử: “Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước, thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức.”
Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm, những sự đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi mà Án Tử vẫn không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: “Lấy lợi dứ người ta mà bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân, lấy binh khí hiếp người ta mà làm người ta mất chí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm.”
Thôi Trữ nghe nói, không dám làm gì Án Tử.
Án Tử đứng dậy, ung dung bước ra.
Các sĩ phu kia đều làm theo nỗi sợ, còn dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa với câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” cũng là câu hỏi từ một điều lo sợ, một sự bất an trước định mệnh đời đời.
Chúng tôi phải làm gì?
Sức mạnh trần tục thường được người ta chạy đến trước tiên khi đối diện với những nỗi sợ. Tiền bạc, quyền thế, mưu ma chước quỉ… có sức hấp dẫn vì đã che chở và cứu gỡ họ khỏi nhiều khó khăn.
Nhưng trước định mệnh đời đời, sự khôn ngoan và sức mạnh trần tục bộc lộ ra cái giới hạn của nó. Khi thời gian chấm dứt, mọi sự qua đi, những gì còn lại đều ở trong tay Đấng điều khiển mọi sự: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3,17)
Vâng, chính Chúa đặt biên giới cho cuộc sống con người: “Vì tuổi con người đã được Ngài ấn định, sống được bao năm tháng là tuỳ thuộc ở Ngài. Ngài định giới hạn rồi, sao có thể vượt qua!” (G 14,5), và chẳng một ai khác là người điều hành vũ trụ: “Ai đã lên trời rồi lại xuống? Ai đã gom gió vào lòng bàn tay? Ai đã dồn nước vào áo choàng? Ai đã ấn định biên cương cho cõi đất?” (Cn 30,4)
Bởi đó, lời hứa về ơn cứu độ và về sự hiện diện của Chúa là tin vui xoá tan mọi nỗi sợ hãi: Đấng điều khiển tất cả đứng về phía chúng ta: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ítraen đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ” (Xp 3,14-15)
Còn sợ hãi gì nữa khi Đấng Toàn năng, Vua cả vũ hoàn, và Quan án tối cao, cũng chính là Đấng cứu độ trong ngày sau hết với tình thương của một người Cha: “Ngày đó, bạn sẽ nói: Lạy Đức Chúa, con dâng lời cảm tạ: Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi. Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Is 12,1-2)?
Chúa trở nên niềm vui cho dân Ngài. Niềm vui không thể sống chung với sợ hãi vì niềm vui diễn tả sự bình an ở mức cao nhất của nó, bình an đến từ tình yêu.
Trước khi nhận biết Đức Kitô, Phaolô gieo sợ hãi cho mọi Kitô hữu. Gieo sợ hãi vì sợ hãi giáo lý mới sẽ tiêu diệt dân Do Thái. Nhưng khi nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, thánh Phaolô đã gặp và rao giảng ngay Tin Mừng về niềm vui và sự bình an bởi tình yêu, niềm vui vượt qua mọi nỗi sợ hãi nơi phận người: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.”
Đó là niềm vui không thể giải thích được cho thế giới tục hoá, vì đó là “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,4-5.7)
Phaolô đã sống trong nỗi sợ và đã gieo sợ hãi. Tình yêu Đức Kitô biến đổi ông trở nên người gieo niềm vui cho cả thế giới. Công việc của chúng ta trong Năm Thánh này cần được bắt đầu với tình yêu.
Nhưng thế nào là loan báo Tin Mừng tình yêu? Abbé Pierre, linh mục sáng lập nhóm Emmaus chuyên lo cho người vô gia cư tại Pháp, chủ trương loan báo Tin Mừng bằng nụ cười của tình yêu:
“Giá của một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại toả sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện.
Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, mà cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của kẻ khác.
Một nụ cười vốn liếng tuy nhỏ bé, nhưng lại sinh hoa lợi nhiều lắm. Nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm cho người trao tặng nó phải nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ…
Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của thân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại can đảm cho người đang nản chí hoang mang …
 Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không trao cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với con người đáng thương ấy. Bởi vì không ai lại cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết mỉm cười…”
Chúng tôi phải làm gì? Mỉm cười với mọi người là là công thức loan báo Tin Mừng của cha Pierre. Còn tôi?
Có một ai mà tôi không thể mỉm cười với họ không? Hãy mỉm cười với họ, và niềm vui đời đời cũng sẽ mỉm cười với tôi!