Những
con số nổi bật của
GIÁO HỘI
TƯƠNG LAI
Với truyền thống giữ
đạo sốt mến có từ lâu của khối các nước PINS, cánh tay dân số được vươn dài ra
khắp thế giới ấy, lối sống đạo Công giáo của họ càng đang được biểu lộ và lan tỏa
đến mọi nơi.
Đầu tháng
8.2015, tờ Crux - một tờ báo lớn uy tín về Công giáo tại Hoa Kỳ - từ những thống
kê, đã nhận định một nhóm bốn quốc gia sẽ nắm vai trò chủ chốt trong Giáo hội
Công giáo trong tương lai, gồm có Philippines, Ấn Độ, Nigeria và Hàn Quốc.
1. Các chuyên gia kinh tế hay đưa ra các thuật ngữ như BRIC, BRICS hay MINT
bao gồm các chữ cái đầu tiên của những quốc gia được đề xuất là những trụ cột
có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Năm 2001, chuyên gia của
Goldman Sachs Jim O’Neill đã tạo ra cụm từ “Các quốc gia BRIC” để chỉ các nước
Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ) và China (Trung Hoa), là các nước được cho
là các siêu cường mới của địa cầu. Sau đó có thêm South Africa (Nam Phi) trở
thành BRICS. Trong vòng 10 năm tiếp theo, ông lại đưa ra một thuật ngữ mới là
MINT gồm Mexico, Indonesia, Nigeria và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ).
Dựa trên cách đặt
khái niệm ấy, Crux - một tờ báo có tiếng nói quan trọng trong giới Công giáo
Hoa Kỳ và quốc tế (thuộc tập đoàn truyền thông Boston Globe và Global Pulse, vốn
tập hợp 5 tờ báo quốc tế lại với nhau) đã đề xuất kiểu nói các quốc gia PINS nhằm chỉ các cộng đồng Công
giáo chủ chốt trên thế giới trong tương lai, đó là Philippines, India (Ấn Độ), Nigeria
và South Korea (Hàn Quốc).
Trong bài viết,
nhà báo John Allen đưa ra nhận định về bốn nước này với những thuận lợi nổi bật trong việc phát triển của đạo Công giáo ở
thế kỷ 21, nhất là đối với những nước nói tiếng Anh. John Allen là biên tập
viên kỳ cựu của tờ Crux, chuyên gia cao cấp đưa tin những sự kiện liên quan đến
Vatican và Giáo hội. Ông đã xuất bản 9 cuốn sách về các vấn đề Công giáo và cũng
là một diễn giả nổi tiếng về Công giáo ở Hoa Kỳ và quốc tế. Là một ký giả đi khắp
toàn cầu trong tư cách nhà phân tích Vatican cho cả đài truyền hình CNN và
National Catholic Reporter, ông đã có một tầm nhìn lớn rộng, toàn cầu về các vấn
đề của Giáo hội, đặc biệt gần đây là những sâu sát về sự phát triển tích cực của
các Giáo hội địa phương trong vài thập niên vừa qua.
Ngày nay, Kitô hữu khắp thế giới ước lượng vào khoảng 2.3 tỷ người, khoảng 2/3 số này sống ở ngoài phương
Tây. Điều ấy cho thấy Kitô giáo là truyền thống tôn giáo lớn nhất trên hành
tinh, đại diện cho 1/3 dân số thế giới. Mức tăng dân số xảy ra trên mọi lục địa,
nhiều nhất là châu Á và châu Phi. Theo đó, nhà báo John Allen lên tiếng nhận định
những hy vọng mới của một nền Kitô Giáo phát triển hơn cả, hiện đang tập trung
tại vùng Hạ Sahara thuộc châu Phi và nhiều vùng tại Á châu.
Để lý giải cho
hiện tượng này, ông đã đưa ra nhiều con số khá ấn tượng dựa trên những thống kê
tình hình Giáo hội khắp nơi trên thế giới. Tính đến cuối năm
2012, tỷ lệ người Công giáo so với dân số thế giới là 17.59%. Con số này là 17.68% vào cuối năm 2013,
nghĩa là tăng 0.09 %. Tỷ lệ tăng nhanh nhất theo thứ tự là ở châu Phi, châu Mỹ,
châu Á, châu Âu, trong khi có sự giảm nhẹ tại châu Đại Dương.
Theo tình hình
chung, tổng số người Công giáo ở bốn quốc gia PINS nói trên đã lên tới 130 triệu
người. Trong đó bao gồm 80.2 triệu người Công giáo Phi, 19.7 triệu người Công
giáo Ấn Độ, 25.5 triệu người Công giáo Nigeria, và 5.3 triệu người Công giáo
Hàn Quốc. Giáo hội có thêm nhiều giáo phận mới, nhiều cứ điểm truyền giáo có
các linh mục thường trú và không thường trú tăng nhanh nhất là tại châu Phi và
châu Á.
Đây là một sự
phát triển đáng ghi nhận và vượt bậc khi so sánh với những quốc gia phương Tây.
Tại cả 4 quốc gia nói trên, do có thuận lợi là Anh
ngữ giữ vai chủ chốt, nên đạo Công giáo sớm được du nhập, có nhiều thuận lợi về dân số dẫn đến
sự phát triển một cách sâu rộng hơn.
2. Ông John Allen đã làm một bảng so sánh tổng số người Công giáo của bốn
quốc gia nói trên gộp lại lớn hơn tổng số người Công giáo tại nhóm các nước lớn
trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, và New Zealand. Đây là những nước vốn
được coi là cái nôi của đạo Công giáo nói tiếng Anh. Xuất hiện một xu thế đang
chuyển dần theo hai hướng trái ngược nhau, trong khi đức tin của nhóm các nước
lớn đang chao đảo, thì đức tin của nhóm PINS đang phát triển rầm rộ tuy với tốc
độ tăng dần.
Nổi bật nhất là
Philippines, một cường quốc của đức tin và truyền giáo
có lượng dân số theo đạo Công giáo lớn thứ ba
trên thế giới. Do ảnh hưởng
của văn hóa Tây Ban Nha, Philippines là quốc gia mà Công giáo Roma chi phối đứng
đầu tại châu Á, hơn 80% dân số là Công giáo. Philippines là một quốc gia thế tục, có
hiến pháp tách biệt nhà thờ và nhà nước. Xã hội Philippines thấm nhập đạo Công
giáo bậc nhất, với trình độ đức tin và thực hành vượt xa các tiêu chuẩn Tây
phương.
Nigeria là quốc gia lớn nhất của Phi châu về ba
phương diện dân số và mức sản xuất dầu hỏa. Hiện nay, có 25 triệu người Công
giáo tại Nigeria, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc về mức gia tăng dân số thì tỷ lệ người lớn trở lại đạo tăng dần trên trung bình và cho rằng sẽ có khoảng 50 triệu người
Công giáo tại Nigeria vào năm 2050. Sự gia tăng này sẽ biến Nigeria thành nước
Công giáo lớn thứ 7 trên thế giới, vuợt cả Ý lẫn Pháp. Nigeria tự hào có 7 Chủng
viện Công giáo với trung bình từ 400 tới 500 người trẻ tu học mỗi nơi. Chủng viện
Bigard ở Đông Nam Nigeria có sĩ số hơn 1.000 chủng sinh, được coi là chủng viện Công giáo lớn nhất thế giới.
Khi xét về các
khía cạnh kinh tế - chính trị, cả bốn quốc gia PINS nói trên đều có một nền
kinh tế đang lớn mạnh. Dù khác nhau về mức độ phát triển, hố phân cách về giàu
nghèo vẫn còn lớn, nhưng nhóm các nước PINS trong tương lai vẫn có nhiều đóng
góp đáng kể cho Giáo hội Công giáo.
Tại Ấn Độ, người Công giáo chỉ chiếm 1.6% dân số Ấn Độ, nhưng nước này có tỷ lệ dân
số rất lớn với 17% dân số thế giới, vẫn khiến cho con số người Công giáo thuộc
mức đáng kể : gần 20 triệu người. Số người Công giáo này lại đang có
một diện mạo xã hội “quá khổ” tại Ấn Độ, một phần vì hệ thống to lớn gồm nhiều
trường học và dịch vụ xã hội và phần khác vì sự sùng kính công cộng đối với Mẹ
Têrêsa, vị thánh đã thành huyền thoại của người nghèo. Song song với Trung Quốc,
Ấn Độ là một trong các siêu cường đúng nghĩa của Á châu, nhất là trong lãnh vực tiến bộ kinh tế
nhanh chóng và nguồn nhân lực có trình độ dồi dào.
Riêng Hàn Quốc,
có lẽ là quốc gia ngoại vi hơn cả trong số các quốc gia của khối PINS. Cộng đồng
Công giáo ở đây chỉ có 5.3 triệu người, chiếm một phần ba dân số quốc gia. Nhưng
vì có nền kinh tế phát triển cao, phúc lợi xã hội tốt và giáo dục theo quy chuẩn
quốc tế luôn được đề cao của người Công giáo ở đây, Giáo Hội Hàn Quốc
hiện đang đóng một vai trò đáng kể trong sinh hoạt quốc gia. Là một ngoại lệ đối với chuẩn mực Á châu, Hàn Quốc
sở hữu một nền linh đạo cổ truyền, người Hàn Quốc luôn đặc biệt dành sự tôn
kính nhất định đến tôn giáo trong thời buổi phát triển công nghiệp như hiện
nay. Đây được xem là một cơ điểm lớn tạo ra các hình thức đại kết mới mẻ hơn và
là nhân tố ảnh hưởng tích cực cho Giáo hội Công giáo Á châu.
Ngoài ra, một
trong những lý do xếp bốn nước này vào nhóm các quốc gia có vai trò quan trọng
của đạo Công giáo tương lai còn là nhờ các nước này đều có một
lượng khá lớn di dân tản ra khắp thế giới. Với truyền thống giữ đạo sốt mến có từ
lâu của khối các nước PINS, cánh tay dân số được vươn dài ra khắp thế giới ấy,
lối sống đạo Công giáo của họ càng đang được biểu lộ và lan tỏa đến mọi nơi.
Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình cho sự lan tỏa của cộng đồng người di dân thuộc
nhóm PINS tại đây. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng ơn gọi trong 100 năm qua của
Hoa Kỳ, đặc biệt là các linh mục, tu sĩ nam nữ quốc nội lại càng khan khiếm
hơn. Để giữ cho Giáo hội tại đây sống còn, họ có nhiều lệ thuộc vào các linh mục
xuất thân từ ngoại quốc đến để hoạt động truyền giáo. Hằng năm nước này tiếp nhận
khoảng 300 linh mục ngoại quốc như Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Phi…
Triệu Minh