Suy tư tháng 11 _ các thánh thấy tội như thế nào?

CÁC THÁNH THẤY TỘI NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta nên học hỏi lấy sự khôn ngoan của các thánh, đó là nhận ra và đón nhận con người tội lỗi của mình trong tình yêu của Chúa.  
Củ Khoai
“Điều gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong sự tha thứ, đó là tương lai cánh chung – Ngài đã cho chúng ta chính Ngài. Bởi thế, sự tha thứ có nghĩa là sự hiện diện của chính Thiên Chúa ngay trong hiện tại, món quà nhưng không vô tận ban tặng cho dân của Ngài, hoá mình để được chia sẻ tương quan mật thiết với con người.” - Nathan Mitchell
Tháng mười một là tháng Giáo Hội hoàn vũ dành riêng để kính các thánh trên Thiên Quốc, qua đó Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta về gương sống đức tin của các ngài và món quà Đức Tin thiêng liêng mà mỗi người chúng ta được lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội. Có lẽ chúng ta cũng nhận ra được rằng bên cạnh món quà Đức Tin, mỗi thánh có những đức hạnh đặc biệt để chúng ta noi theo; nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ về cuộc sống của các ngài, chúng sẽ thấy trong các thánh ai cũng có ơn để nhận ra con người tội lỗi của mình, và đón nhận nó trong ân sủng của Chúa.
Khi nói đến tội, có lẽ chúng ta cũng nhận thấy mỗi người chúng ta có cái nhìn khác nhau. Có người thấy tội đi đôi với án phạt - là hậu quả của sự tội - và có người thấy tội đi đôi với lòng thương xót của Chúa. Cả hai cách nhìn đều đúng và chúng cần phải đi đôi với nhau, như thế thì chúng ta mới thật sự có can đảm để nhìn nhận ra tội của mình và xin được chữa lành và ơn thống hối. Đây cũng là cái nhìn mà Giáo Hội dạy cho chúng ta rõ ràng nhất trong đêm vọng Phục Sinh - điều mà chúng ta gọi là "tội hồng phúc" - khi chính nhờ vào sự sa ngã của Adong mà chúng ta được biết Chúa qua sự Nhập Thể của Con Một Thiên Chúa.
Có lẽ phần đông chúng ta khó nhận ra và đón nhận con người tội lỗi của mình, nhất là đối với người Á Đông chúng ta. Nhận ra sự sai lầm của mình là một thách đố. Thế nhưng nhờ vào sự nhận thức rằng con người ai cũng bất toàn, chúng ta biết đón nhận sự sai lầm của chính mình một cách dễ dàng hơn. Có điều là lắm lúc, chúng ta có thể nói đến sự bất toàn của mình, nhưng khi chúng ta nói đến tội, chúng ta cảm thấy có một cái gì nặng nề và không muốn đối diện nó. Thậm chí nhiều khi chúng ta cảm thấy không cần đến toà giải tội vì chúng ta thấy mình không có tội hay chẳng làm gì nên tội. Tại sao vậy? Có lẽ khi chúng ta nói đến sự bất toàn của mình, chúng ta biết mình cần sửa đổi và sự sửa đổi ấy đến từ chính mình – mình tự làm chủ lấy sự sửa đổi đó. Nhưng khi nói đến tội, có lẽ chúng ta biết nó có liên quan đến Chúa và chúng ta sợ, vì chúng ta biết khi đón nhận con người yếu đuối của mình, chúng ta cũng phải đón nhận sự Phục Sinh mà Thiên Chúa hứa ban – chúng ta phải đón nhận Thiên Chúa vào cuộc sống của mình. Chúng ta không tự mình sửa đổi nhưng chính Chúa là người sửa đổi chúng ta, cách nào và lúc nào, như Ngài mong muốn. Thật ra, sự tha thứ và chữa lành thật sự chỉ có thể đến khi ta đón nhận tình yêu của Chúa, thấy và đón nhận tội lỗi của mình, và biết rằng chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể hoán cải và rửa sạch con người của chúng ta. Đó là thái độ của kẻ có tội được Chúa yêu thương.
Thông thường chúng ta hay nói đến chúng ta cần tình thương và lòng thương xót của Chúa, nhưng thực sự chúng ta có cần đến Chúa không? Chúng ta đều biết rằng chúng ta cần đến tình thương của Chúa, cũng như chúng ta, không kể tuổi tác, đều cần đến tình thương của cha mẹ mình, và chúng ta sẽ rất đau lòng nếu cha mẹ không thương mình. Nhưng có mấy ai trong chúng ta cần đến cha mẹ mình khi ta đã lớn lên và thành công? Chúng ta chỉ cần tình yêu, chứ chẳng cần sự chỉ bảo của cha mẹ, và chỉ làm những gì theo ý định và nhu cầu của mình. Lối suy nghĩ này có thể dùng để so sánh mối tương quan giữa ta và Chúa. Khi chúng ta không nhận ra tội lỗi của mình và chấp nhận rằng chỉ có trong Chúa mà tội lỗi của ta mới được tẩy sạch và chữa lành, chúng ta sẽ chỉ cần tình yêu Thiên Chúa chứ không cần Ngài. Chúng ta vẫn làm chủ cuộc sống và Chúa như vẫn tiếp tục làm theo kế hoạch và chương trình đã được đặt sẵn của chúng ta.
Chúng ta nên học hỏi lấy sự khôn ngoan của các thánh, đó là nhận ra và đón nhận con người tội lỗi của mình trong tình yêu của Chúa. Các thánh là những người thấy mình là người tội lỗi và họ đã bám vào Ngài - một sự phụ thuộc hoàn toàn. Họ không những cần tình yêu và lòng thương xót của Chúa, mà các ngài còn biết họ còn cần đến Chúa. Các thánh biết rằng chỉ có Chúa mới có thể thay đổi và dẫn họ đến tương lai đã được dành sẵn đó là luôn được ở trong tình thương của Chúa ở đời này và đời sau.
Ước gì chúng ta biết đón nhận con người yếu hèn của mình mà trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, xin Ngài ơn hoán cải và rửa sạch con người của mình như Ngài mong muốn. Xin Chúa dạy cho chúng ta biết chúng ta luôn cần đến Ngài hầu chúng ta biết bám vào Ngài như các thánh xưa, để chúng ta cùng hưởng những gì các ngài đã được hưởng khi còn sống. Amen.
Củ Khoai