Lời Chúa cntn 28b _ hãy tích trữ kho tàng trên trời


HÃY TÍCH TRỮ KHO TÀNG TRÊN TRỜI
Của cải là phương tiện giúp đỡ ta, chứ của cải không phải là mục đích sau cùng của đời ta.  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài tin mừng Chúa Nhật XXVIII thuật lại một thanh niên tới hỏi Chúa: “Phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa nói phải giữ các giới răn, và nếu muốn sống trọn lành, (cuộc đời tận hiến), thì về bán hết gia nghiệp, bố thí cho kẻ khó và tới theo Chúa. Chàng thanh niên này không muốn sống cuộc đời tận hiến, (ta cũng phải quen nói là sống theo lời khuyên Phúc Âm) nên anh ta đã buồn, rồi bỏ đi. Nhân cơ hội này, Chúa nói tới của cải trần gian, dễ mê đắm con người khiến con người khó vào nước trời. Rồi để trả lời câu hỏi của thánh Phêrô, Chúa nói rõ, những người sống cuộc đời tận hiến (bỏ tất cả để theo Chúa) thì chẳng những được hưởng hạnh phúc muôn đời, mà do cuộc sống thanh thoát, không bị của cải ràng buộc, họ cũng được hạnh phúc ngay trong cuộc đời này nữa.
Tuy thời giờ không cho phép chúng ta kéo dài, chúng ta cũng cần tìm hiểu qua về quan niệm đạo ta, đối với tiền bạc, và của cải. Trừ những con người tình nguyện sống cuộc đời tận hiến, khấn giữ đức thanh bần, như các nam nữ tu sĩ trong đạo, thì Chúa không khuyên, cũng như không buộc chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải. Trái lại đạo ta là đạo nhập thế: tiền bạc của cải chẳng những đã giúp cho Giáo Hội phát triển biết bao cơ sở giáo dục, nâng cao mức sống con người về mọi phương diện, mà còn giúp Giáo Hội lo lắng cho những con người nghèo khổ (trong giáo hội, khắp thế giới có biết bao viện dưỡng lão, nhà tế bần, nhà thương, viện mồ côi, các trại phong cùi v.v.) Đạo ta khuyên chúng ta phải nỗ lực phát triển xã hội, nỗ lực lao động cho cuộc sống trần gian, mỗi ngày mỗi phong phú tươi đẹp. Tuy nhiên chúng ta phải coi của cải là phương tiện giúp đỡ ta, chứ của cải không phải là mục đích sau cùng của đời ta. Đừng để cho của cải mê hoặc cuộc đời ta, sống gian lận, tham lam, trộm cắp, đặt lời lãi quá đáng, làm giầu cách bất công, bóc lột sức lao động của người khác v.v.
Ngay đầu tám mối phúc thật, Chúa đã phán: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó…” (Mt 5,3). Tinh thần nghèo khó, Chúa đề cập ở đây, là tuy nỗ lực làm ra của cải, nhưng phải giữ tinh thần siêu thoát, thanh thoát khỏi mọi đam mê, nhất là đam mê của cải. Không phải chỉ có đạo chúng ta, mà hầu như mọi tôn giáo đều khuyên con người phải xa tránh đam mê, mới tới gần Tạo Hóa, mới tới gần Thiên Chúa.
*  Tại một đạo viện trong đẫy Hi Mã Lạp Sơn có khá đông người Âu Mỹ theo học với một Đạo Sư. Hằng ngày thầy trò cùng nhau tham thiền ở bãi cỏ trước đạo viện, sau buổi thiền, họ thường thảo luận, và nếu ai còn thắc mắc điều chi, thì họ nói ra. Câu hỏi về việc làm thế nào để biết mình gần Thượng Đế, hay còn cách xa Thượng Đế, đã được một học viên nêu lên. Đạo sư nói: “Câu hỏi này hay lắm, dĩ nhiên có một tiêu chuẩn, nhưng trước hết, tôi muốn hỏi các bạn một câu. Các bạn có bao nhiêu ham muốn?” Các học viên hỏi: “Ham muốn loại gì?”
Đạo sĩ trả lời: “Bất cứ loại nào, thí dụ như anh muốn có căn nhà lớn, có thật nhiều tiền, có người bạn gái thật đẹp, có một mái ấm gia đình, một khả năng về thể thao, một nghề chuyên môn, một bằng cấp cao, một chiếc xe thể thao thật lộng lẫy, hay ước ao được nổi tiếng v.v.… Các bạn hãy lấy giấy bút ra, ghi chép tất cả ham muốn mà các bạn đang có, đang ao ước, rồi đếm xem bạn có bao nhiêu ham muốn?”
Sau khi mọi người nghi chép xong, Đạo Sư lên tiếng hỏi từng người: “Bạn có bao nhiêu ham muốn?” Người thứ nhất trả lời: “Tôi có 36 cái.”
Người thứ hai trả lời: “Tôi có 60.”
Người thứ ba trả lời: “Tôi có 18”…
Sau khi chờ mọi người nói xong, Đạo Sư gật đầu, và nói: “Được lắm, bây giờ các bạn hãy tưởng tượng rằng, có một cây thước đo bề dài mà các bạn ham muốn, và các bạn có tiêu chuẩn rồi đó.”
Mọi người chưa rõ, hỏi lại: “Chúng tôi chưa hiểu?”
Đạo sư trả lời: “Này các bạn, cái bề dài của danh sách ham muốn chính là mức độ của các bạn cách xa Thượng Đế. Nói một cách khác khoảng cách giữa ta và Thượng Đế có thể tượng trưng bằng một con số của các ham muốn mà ta có trong lòng.”
Một trong những ý nghĩa của tinh thần nghèo khó là lòng ít ham muốn, (nhất là ham muốn bất chính) bao lâu lòng ta còn chứa đầy dục vọng, thì Chúa không còn chỗ ở trong ta, và Chúa ở xa ta.
*  Bill làm thợ sơn gần 50 năm, các con ông đều khôn lớn và đã có gia đình. Nguồn vui của ông là chơi bóng chầy, và viếng thăm con cháu. Ông có hỏi bà Darshani Deane (tác giả cuốn Wisdom, Bliss and Common Sense)
“Thưa bà, tôi già rồi, chắc chẳng còn sống được bao lâu, nhưng nói ra thì ngượng quá, tôi thường lo lắng khi chết phải bỏ lại nhà, những chiếc cúp bóng chầy, của cải, và nhất là các đứa cháu nội tôi biết khi lìa đời, người ta không thể mang theo một cái gì, nhưng biết vậy mà tôi vẫn gắn bó vào những đồ đạc, vào con cháu v.v. làm sao một người già như tôi có thể thoát được sự gắn bó này, để sống thoải mái hơn, khi truyện phải đến, sẽ đến?”
Darshani Deane trả lời: “Theo tôi nghĩ, thì người phàm chúng ta chẳng ai làm chủ được cái gì hết: nhà cửa, tài sản, tiền bạc, nữ trang, xe cộ, quần áo, cả đến thời giờ, tài năng, không gian hay sức khỏe. Nhận thức được điều này không dễ, nhưng có ý thức được chúng, thì người ta mới dễ hưởng được sự tự do thực sự, không bị chúng ràng buộc. Vì ông thường chơi bóng chầy, nên xin hỏi ông đã tham dự các cuộc tranh giải (cúp luân chuyển) chưa?”
Ông Bill trả lời: “Có chứ, không những tôi đã tranh giải, mà còn giữ mấy chiếc cúp luân chuyển nữa.”
Bà Darshani Deane nói: “Tốt lắm, vậy ông nghĩ sao với những chiếc cúp luân chuyển này?”
Ông Bill trả lời: “Tôi rất vui mừng vì đã đạt được những chiếc cúp này, tuy nó không là của tôi vì mai ngày sẽ được chuyển qua một người khác, người thắng giải kỳ tới.”
Darshani Deane nói: “Ông nói rất đúng, tất cả mọi thứ ông có, ngay cả những cái trong thân xác ông cũng chỉ là những cúp luân chuyển mà thôi, nhất là của cải, đồ đạc, nhà cửa, thì đúng là cúp luân chuyển, hiện nay ông đang giữ, nhưng rồi chắc chắn có ngày sẽ chuyển sang tay người khác. Chúng ta vui và hãnh diện, hiện đang được giữ chúng, nhưng rồi sẽ mất tất cả. Ông và tôi và tất cả mọi người chỉ quản lý những gì mình đang có, chứ không làm chủ, vì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể phải xa lìa cái chúng ta có. Tóm lại phương pháp hay nhất để sống siêu thoát, để được tự do thực sự, không bị ràng buộc, là nhìn tất cả mọi sự như chiếc cúp luân chuyển, vì mọi cái tốt hay xấu, cũng chỉ có tính cách tạm thời. Đời ban cho ta những gì, ta hãy nhận lãnh, xử dụng chúng một cách đứng đắn.”
Darshani Deane nói tiếp: “Tôi có quen một thiếu nữ, cô luôn luôn lo lắng cho sắp đẹp của mình. Mỗi ngày cô bỏ ra nhiều giờ chăm lo cho nhan sắc, như thoa kem bôi mặt, xức dầu thơm, làm tóc v.v. Trong nhà, cô treo nhiều tấm gương như để nhắc nhở nhan sắc yêu kiều của cô. Vài tháng sau, tôi gặp lại cô, nhưng khi đó cô vừa trải qua một tai nạn xe hết sức ghê gớm. Thú thật là tôi không nhận ra cô nữa, mặc dầu đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu thẩm mỹ, nhưng nhan sắc yêu kiều đã hoàn toàn bị hủy hoại.”
Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta phải nghĩ tới những cái không bao giờ bị mất nữa, những cái chắc chắn là của chúng ta: “Chúng con đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch lấy đi được.” (Mt 6, 19-20)
Đề tựa của Lm. HK