Sức khỏe _ mống mắt, huyết áp thấp, trà xanh

Hỏi đáp sức khỏe
Mống mắt, huyết áp thấp, trà xanh
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
MỐNG MẮT  
Hỏi: Mẹ cháu năm nay 63 tuổi. Từ gần năm nay, mắt bên trái có nổi lên một gân máu, mà bác sĩ bên Việt Nam gọi là mống thịt và đã được cắt nhiều lần, nhưng một thời gian sau lại mọc trở lại. Cụ mới sang đây chơi với con cháu. Bây giờ cháu định đưa cụ đi khám bác sĩ bên Mỹ. Vậy xin bác sĩ cho biết nên đi bác sĩ nào và ở bên này có cách nào chữa dứt không.
Cháu cảm ơn bác sĩ.
- Vân Lê
Đáp: Chào cô Vân Lê,
Cứ như cô nói thì bà cụ đã được bác sĩ khám, xác định là có mống thịt trong mắt và đã mổ nhiều lần mà vẫn tái phát. Vậy thì tôi xin giải thích thêm về bệnh này, vì bà con ta bên nhà cũng nhiều người bị.
Mống mắt, tiếng Anh kêu là Pterygium là bệnh trong đó có những tế bào mới mọc ra ở tròng trắng của con mắt, thường là từ phía gần mũi rồi kéo ngang sang tới con ngươi. Mống này không là ung thư, có thể lớn dần suốt đời người bệnh và có thể che kín con ngươi. Bệnh không gây ra hiểm nghèo gì nhưng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi nhìn và nom cũng mất thẩm mỹ. Người bệnh thường than phiền cay cay ngứa trong mắt, mắt khô, mờ khi nhìn sự vật. Bệnh thường thấy ở đàn ông nhiều hơn là đàn bà. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, nhưng một số nguy cơ có thể khiến mống mắt mọc ra như là tia nắng mặt trời, bụi bặm ô nhiễm môi trường, gió, mắt khô.
Về điều trị thì bác sĩ sau khi khám có thể cho thuốc nhỏ mắt cho bớt khô, nhỏ thuốc làm co mạch máu hoặc thuốc có chất steroid. Nhưng thuốc nhỏ chỉ có tính cách tạm thời, thường thì phải giải phẫu cắt bỏ mống mắt. Phương pháp mổ hiện nay rất tiến bộ: sau khi cắt bỏ mống, bác sĩ sẽ lấy tế bào giác mạc lấp vào chỗ trống của mống như vậy kết quả tương đối khả quan hơn. Giải phẫu có thể làm tại phòng mạch có trang bị đầy đủ máy móc chuyên ngành và bệnh nhân có thể làm việc trở lại trong mười ngày. Để tránh mống mắt, nên mang kính râm để tránh bụi cát ô nhiễm cũng như tia nắng quá mạnh xâm nhập kích thích mắt.
Bên Hoa Kỳ, các bác sĩ chuyên môn về mắt cũng khá nhiều. Cô có thể nhờ bác sĩ gia đình giới thiệu cho một bác sĩ nhãn khoa giải phẫu để khám chữa cho mẹ cô. Có điều là chi phí chữa trị giải phẫu bên đây cũng khá cao đấy, mà mẹ cô ở quy chế viếng thăm, chắc là phải trả tiền mặt. Bên Việt Nam, phẫu thuật như vậy tương đối ít tốn kém hơn.
Chúc cô và gia đình vui vẻ, khỏe mạnh.
HUYẾT ÁP THẤP
Hỏi: Chị cháu năm nay 28 tuổi nhưng thường xuyên bị tụt huyết áp và thiếu oxy não. Bác sĩ cho cháu hỏi có thuốc nào uống để giúp chị cháu. Cháu cám ơn bác sĩ.
TranTran
Đáp: Không biết là huyết áp của chị cô tụt tới mức độ nào mà cô e ngại, hỏi hộ. Xét ra đây cũng là mối e ngại của nhiều độc giả tuần báo Trẻ, cho nên tôi xin đi vào chi tiết một chút để cô và bà con đồng hương biết rõ.
Bình thường huyết áp ở dưới 120/80 mmHg. Còn thấp là khi một trong hai kết quả bằng hoặc dưới 90 cho tâm thu, 60 tâm trương. Như vậy nếu có kết quả 115/50 thì là huyết áp thấp.
Nguyên nhân:
1. Giảm khối máu do mất nước tại các mô cơ thể vì ói mửa, tiêu chảy, nóng sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, phỏng nặng, vận động quá mức với đổ mồ hôi. Máu lưu thông giảm, huyết áp thấp, không đủ dưỡng khí nuôi tế bào, cơ thể mệt mỏi, yếu, chóng mặt.
Nếu mất nước quá nhiều và không được điều trị bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng shock, nguy hiểm tới tính mạng.
2. Nội ngoại xuất huyết đều giảm khối lượng máu và đưa tới thấp huyết áp.
3. Trong thời gian có thai, mạch máu dãn mở, giảm sức ép của máu lên động mạch do đó huyết áp xuống thấp khiến cho bà bầu hay chóng mặt. May mắn là huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sanh.
4. Một số bệnh tim như suy tim, rối loạn van tim, nhịp tim chậm, cơn suy tim đều làm huyết áp xuống thấp vì máu lưu hành ít đi.
5. Mấy bệnh nội tiết như tiểu đường, nhược hoặc cường tuyến giáp, đường huyết thấp.
6. Nhiễm trùng huyết, cơn dị ứng trầm trọng, dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, folic acid.
7. Dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc dãn mạch, thuốc viagra, vài loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đau, rượu.
8. Bệnh Parkinson, chấn thương sọ não, ngộ độc hóa chất, phản ứng với thuốc, suy gan, nằm bất động quá lâu.
Một số triệu chứng khi huyết áp xuống quá thấp như bệnh nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, ngất xỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước. Nếu huyết áp thấp trầm trọng, bệnh nhân có thể bị trụy tuần hoàn (shock).
Điều trị:
Thấp huyết áp ở người khỏe mạnh mà chỉ có chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thường thường không cần đến trị liệu.
Với các trường hợp nặng, điều trị nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể giải quyết được vấn đề.
Trường hợp huyết áp xuống rất thấp gây ra shock thì cần được cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ có thể cho dùng dược phẩm tăng khối máu (fludocortione, clonidine, viên ngừa thai); thuốc co mạch (midrodine, ritalin, vài loại chống trầm cảm) hoặc thuốc điều khiển sản xuất epinephrine / norepinephrine (ức chế beta atenolol, propanolol) để nâng huyết áp.
Phòng tránh:
Các phương thức sau đây được áp dụng để giảm thiểu dấu hiệu triệu chứng của huyết áp thấp:
1. Uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp.
2. Dùng thêm muối có thể nâng cao huyết áp, nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn để tránh rủi ro suy tim.
3. Mang tất đàn hồi để tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.
4. Tránh uống rượu vì rượu làm mất nước và làm dãn mạch.
5. Đừng đứng quá lâu; từ từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.
6. Có huyết áp thấp sau khi ăn: không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm nhiều bữa nhỏ.
7. Với một số người, nước uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban đêm.
8. Nằm ngủ với gối hơi cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.
9. Khi đứng lâu: một chân co hoặc để trên ghế; lâu lâu ngồi xuống hoặc cúi mình về phía trước, để tay lên đầu gối.
Khi nào cần đi khám bệnh?
Thấp huyết áp mà lại thêm đau ngực, nhiệt độ cơ thể trên 101 độ F (38.3 độ C), rối loạn hô hấp, tim đập không đều, tiêu chảy và nôn ói kéo dài, ho ra đàm, không ăn uống được, đều cần đi bác sĩ ngay để được khám bệnh và điều trị.
Hy vọng những hiểu biết trên đây đã trả lời thỏa đáng thắc mắc của chị cô. Chúc cô và gia đình vui mạnh.
TRÀ XANH
Hỏi: Tôi nghe mấy ông bạn già nói là uống nước trà có thể giảm rủi ro bị mấy bệnh ung thư, có đúng không bác sĩ.
Đáp: Chắc là mấy người bạn của ông có theo dõi tin tức trong mấy ngày gần đây về trà xanh, cho nên mới kể lại cho ông. Đúng vậy, từ mấy chục năm nay, đã có nhiều phân tích về giá trị tăng cường sức khỏe của trà, trà xanh hoặc trà đen. Và mới đây nhất, ngày 18 tháng 10, 2012 vừa qua, một nhóm nghiên cứu gia tại đại học y khoa David Geffen, Los Angeles, đã tìm hiểu được bằng cách nào mà trà xanh có thể phòng ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư vú và nhiếp tuyến.
Tiến sĩ dinh dưỡng Suzanne M. Henning cho hay, chất chống oxy hóa polyphenol trong trà xanh có khả năng xâm nhập tế bào nhiếp tuyến rồi thay đổi mức độ viêm bệnh cũng như bảo vệ tế bào bị hư hao.
Bà cho 79 người đàn ông sắp mổ nhiếp tuyến uống sáu ly trà xanh hoặc nước lã mỗi ngày trong thời gian từ 3 tới 4 tuần lễ.
Trước khi nghiên cứu, bà lấy mẫu máu và nước tiểu của mọi người. Kết quả là sau khi quan sát, nhóm người uống trà xanh có lượng PSA trong máu thấp hơn những người không uống. PSA cao có thể báo hiệu ung thư nhiếp tuyến.
Theo bà, cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định tính chất ngừa ung thư nhiếp tuyến. Một nghiên cứu tại Ý cũng tìm thấy khả năng chống ung thư nhiếp tuyến của trà xanh.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác do bác sĩ Katherine Crew, đại học Columbia, Nữu ước, cho hay trà xanh có thể trì hoãn ung thư nhũ hoa.
 Bà yêu cầu 40 phụ nữ đã điều trị ung thư nhũ hoa uống từ 400, 600 hoặc 800 mg chất chiết của trà hoặc giả dược 2 lần một ngày trong 6 tháng. Kết quả cho thấy uống trà làm giảm yếu tố gây ung thư vú.
Tuy nhiên, với sự dè dặt các nhà nghiên cứu cho hay đây mới là kết quả sơ khởi, chưa đủ giá trị để đưa ra lời khuyên là uống trà xanh là một phương thức để ngăn ngừa ung thư.
Vậy thì thưa ông cũng như độc giả tuần báo Trẻ, chúng ta cứ tiếp tục “trà dư, tửu hậu”, vừa hưởng thú thanh nhàn mà vừa sống trong hy vọng là tránh được ung thư. Vì nước chè xanh vẫn là món giải khát ưa thích của người Việt mình từ nhiều ngàn năm nay. Thử tưởng tượng một buổi trưa hè, ngồi rít một hơi thuốc lào rồi chiêu mấy ngụm nước chè tươi thì sảng khoái biết chừng nào.
Chúc ông khỏe mạnh, yêu đời.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức www.bsnguyenyduc.com