Lời Chúa cntn 27b _ cả hai thành một xương một thịt


CẢ HAI THÀNH MỘT XƯƠNG MỘT THỊT
Đó là quy luật không thể hiểu được của tình yêu, quy luật mà ai chối bỏ nó thì cũng chối bỏ cả Thiên Chúa, Đấng đã “hy sinh mạng sống vì người mình yêu.”
Lm. HK
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh, là người tuyệt đẹp và có đức hạnh. Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi bệnh nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lư thị đến bảo rằng: “Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ, không nên ở vậy, liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.”
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết cũng không lấy ai nữa. Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh. Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là ông sợ Lư phu nhân có tính hay ghen. Chính vua Đường thái tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo: “Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà tatuổi đã cao, vua muốn ban cho một mỹ nhân” Lư phu nhân nhất định không nghe. Vua nổi giận mắng rằng: “Nhà người không ghen thì sống, mà ghen thì chết.” Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng: “Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.” Lư phu nhân không ngần ngại chút nào, cầm chén uống hết ngay. Vua thấy thế, nói: “Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.” (Cổ học tinh hoa)
Tình yêu là sự ràng buộc vượt trên mọi sự ràng buộc, nhưng lại là sự ràng buộc đem lại tự do, vì chính trong tình yêu mà người ta sống thật với chính mình, hoàn tất ơn gọi được đặt sẵn trong lòng người: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2,23)
Trong tình yêu mọi người dành cho nhau, người ta thấy được trước hết là bản tính hèn yếu của mình luôn cần đến trợ tá, một trợ tá không ai có thể tìm thấy nơi bất cứ một tạo vật nào khác. Chính Chúa quan tâm và thiết lập xã hội loài người từ gia đình đầu tiên với những định chế nằm ngoài sự hiểu biết của họ: “Con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2,20-22)
Tình yêu gia đình là một cánh cửa mở ra cho tình yêu nhân loại, và là nấc thang đầu tiên đưa con người lên cao, hầu đón nhận hồng ân cao quý nhất Chúa đã dành sẵn cho con người khi dựng nên họ, là được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, là được vươn lên tới Thiên Chúa trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.” (Mt 22,2)
Bản tính của Thiên Chúa đã kết hôn với bản tính nhân loại trong mầu nhiệm cứu chuộc: “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,5).
Tình yêu cứu độ nối kết con người với Thiên Chúa, bất kể địa vị cao thấp dù trời đất cũng không sánh bằng, khiến cho Ngôi Hai Thiên Chúa “đã thua các thiên thần trong chốc lát, ta thấy Ngài, Đức Yêsu, ngang qua thống khổ tử nạn mà được vinh dự huy hoàng làm triều thiên ban tặng, nên do ân sủng của Thiên Chúa và vì mọi người mà Ngài đã nếm biết cái chết (…) Ngài không sượng gọi họ là anh em” (Dt 2,9.11, bản dịch của Lm. NTT)
Đó là quy luật không thể hiểu được của tình yêu, quy luật mà ai chối bỏ nó thì cũng chối bỏ cả Thiên Chúa, Đấng đã “hy sinh mạng sống vì người mình yêu.”
Cha Leseur, tu sĩ dòng Đaminh ở Pháp, vốn là một nhà trí thức vô thần cực đoan có vợ là Elizabeth, một phụ nữ công giáo rất đạo đức và nhân ái, nên gia đình luôn giữ được bầu khí êm ấm.
Khi bà lâm bạo bệnh qua đời năm 1914, ông cố gắng tìm đọc những tập nhật ký của bà để nguôi lòng tiếc thương người vợ có tâm hồn quảng đại dịu dàng. Say mê đọc những giòng tâm sự, ông mới biết bà âm thầm ước ao và cầu nguyện cho ông nhận biết tình yêu Thiên Chúa. Ông hồi tâm trở lại đạo, lại còn xin vào tu dòng Đaminh và cuối cùng được chịu chức linh mục năm 1923.
Bởi gương sống thánh thiện có ảnh hưởng sâu rộng lên người chồng và nhiều người khác trong Giáo hội, bà Leseur được gọi là tôi tớ Thiên Chúa, và bắt đầu được lập hồ sơ phong thánh năm 1934.
Khi nhập thể, Đức Kitô không hổ thẹn gọi tôi là anh em, để nên một xương một thịt với toàn thể nhân loại trong một gia đình mới. Sao tôi còn lòng chai dạ đá từ chối Đấng đã gọi tôi là anh em?