Lời Chúa cntn 26b _ mất để được

MẤT ĐỂ ĐƯỢC
Phải đặt phần rỗi đời đời của ta trên tất cả. Tất cả các thánh là những con người biết hy sinh cuộc đời chóng qua, để đạt tới phúc trường sinh vĩnh cửu.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài tin mừng Chúa Nhật 26 thuật lại việc tông đồ Gioan ngăn cản không cho người ta nhân danh Chúa mà trừ quỷ, (vì họ không ở trong nhóm các ông). Chúa bảo đừng ngăn cản họ, vì như vậy là họ đã theo Chúa. Chúa đề cập tới vấn đề gương mù. Người làm gương để người khác sa ngã, thì phạm tội nặng nề, xứng đáng bị buộc thớt cối xay vào cổ mà xô xuống biển. Rồi Chúa cũng nói tới phần rỗi của mỗi người chúng ta thực là quan trọng. Thà mất tất cả ở cõi đời này, mà được vào chốn trường sinh, còn hơn là được tất cả để rồi phải sa địa ngục đời đời.
* Khi chưa nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ Chúa, (kể cả tông đồ Gioan người được Chúa yêu thương nhất) cũng chỉ là những con người tham lam chức quyền, và ghen tỵ v.v. Chúa dậy chúng ta phải sống quảng đại, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ làm khổ mình… Ghen tỵ, thù oán không đưa lại kết quả gì, mà chính phải "lấy đức báo oán", mới đưa lại kết quả tươi đẹp.
Tống Tựu làm quan Doãn một huyện gần biên thùy nước Lương, chỗ giáp với nước Sở. Người đình trưởng ở biên thùy nước Lương và người đình trưởng ở biên thùy nước Sở, cả hai cùng trồng dưa.
Người bên nước Lương chăm làm, tưới luôn, nên dưa tốt. Còn người bên nước Sở, biếng làm, và tưới ít nên dưa xấu.
Quan Doãn ở ngay biên thùy nước Sở, thấy dưa bên Lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức giận. Người đình trưởng nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn bên mình, cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vò dưa bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo, chết một ít.
Được ít lâu, người đình trưởng nước Lương biết việc đó, ông ta ngỏ ý với người trưởng trong huyện, định tâm sang cào vò dưa bên Sở, để trả thù. Người trưởng này đem truyện ấy nói với Tống Tựu, hiện đang làm quan Doãn gần biên thùy nước Lương. Tống Tựu bảo: “Ôi sao lại thế! Thế chỉ là gây thù oán, chuốc tai họa thôi. Này ta bảo ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta, mà đừng để cho người ta biết.”
Người đình trưởng nước Lương cứ theo thế mà làm. Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương không trả thù, mà còn làm giúp.
Quan Doãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở. Vua Sở biết truyện, buồn và có ý thẹn nghĩ rằng: ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa. Vua Sở bèn lấy nhiều của dưa sang tạ tội với Lương và xin giao hiếu. Vua Lương cũng vui lòng, thành hai nước giao hòa với nhau được lâu. Lão Tử có nói: “Báo oán dĩ đức.” nghĩa là hãy đem đức để báo oán. Câu truyện trên đây xẩy ra mãi đời chiến quốc, nhưng cái ý nghĩa của nó cũng rập theo tinh thần Tin Mừng và thích hợp cho muôn đời.
* Chúa bảo ta phải đặt phần rỗi đời đời của ta trên tất cả. Tất cả các thánh là những con người biết hy sinh cuộc đời chóng qua, để đạt tới phúc trường sinh vĩnh cửu. Sau đây là câu truyện của một vị thánh, đúng hơn của một cô gái 12 tuổi, được cả thế giới Công Giáo tôn thờ ngưỡng mộ.
Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Ancona. Cha mẹ Maria Goretti là những người nhà quê thất học. Vì hoàn cảnh nghèo túng , năm 1899, gia đình Maria Goretti rời về sống trong một nông trại ở làng Anziô, gần Nettunô. Gia đình phải sống chung với một gia đình khác, vỡ dất trồng trọt để nuôi tám miệng ăn.
Gia đình can đảm và đầm ấm này, đã bị giao động khi người cha bất ngờ qua đời, bà góa phụ Assunta phải tự quyết định, tiếp nối công việc nặng nhọc của cả gia đình. Bà giao việc săn sóc các con nhỏ, cho trưởng nữ Maria Goretti lúc đó mới lên mười. Maria Goretti tỏ ra là người nội trợ đảm đương. Thánh nữ là nguồn an ủi cho mẹ nàng. Gia đình Serenelli, hàng xóm của bà, có tinh thần đạo đức và phục vụ, nhưng cậu con trai Alessandrô thì hung tợn, thiếu tư cách, vì giao tiếp với bạn bè xấu và đọc nhiều sách vở dâm ô. Nhiều lần Alessandrô giúp đỡ Maria Goretti, trong những việc nặng nhọc, người ta ngờ là Alessandrô đã sửa đổi tính nết. Maria Goretti thì chỉ biết ơn, và còn quá trong trắng để hoài nghi và dè đặt trước cử chỉ của Alessandrô. Nhưng Alessandrô đã không ngần ngại tỏ ý muốn phạm tội với Maria Goretti. Anh lại còn đe dọa cô, không được nói với ai. Maria Goretti đã nói tất cả với mẹ. Bà Assunta đã dậy con phải xa lánh tội lỗi, giữ mình trong sạch, và đề phòng cô không rơi vào cạm bẫy của Alessandrô. Maria Goretti hứa sẽ luôn luôn làm đúng lời mẹ chỉ dậy.
Alessandrô đã thúc bách, nhưng người thiếu nữ đã giữ gìn và cương quyết chống cự. Ngày 5 tháng 7 năm 1902: Sáng hôm đó, khi mọi người vắng nhà, Alessandrô tới gần cô gái, cầm dùi trong tay, va đe dọa: “Nếu cô không chịu, tôi sẽ giết cô.”
Maria Goretti liền la lớn: “Không! Đó là tội lỗi, Chúa đã cấm. Anh sẽ phải vào địa ngục.” Không cầm hãm được thú tính, Alessandrô lao vào cô gái, đâm cô tới 14 nhát …
Bà Assunta đưa Maria Goretti hấp hối vào nhà thương ở Nettunô, dọc đường Maria Goretti còn cố nói với mẹ: “Mẹ ơi, anh muốn con phạm tội với anh, con đã cự tuyệt.”
Khi Maria Goretti sắp lìa đời: Một linh mục tới đầu giường, nhắc lại cho cô cuộc tử nạn của Chúa trên thập giá, và hỏi cô có sẵn sàng tha thứ cho Alessandrô không, thì Maria Goretti đã trả lời: “Vì yêu Chúa Giêsu, con tha, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.”
Alessandrô bị kết án 30 năm khổ sai. Tuy đã vào nhà giam, nhưng tính hung bạo của anh càng tăng, và làm các bạn tù khiếp sợ.
Nhưng rồi qua 8 năm, bỗng nhiên, tâm tính anh đổi hẳn, và sự thay đổi này, theo lời anh, thì do một đêm: Anh mơ thấy Maria Goretti sáng chói, giữa vườn đầy hoa huệ và hái trao cho anh một bông. Sau đêm đó anh đã viết lời thú tội gửi Đức Giám Mục, và kể lại cho ngài biết giấc mơ. Anh thành thực hối hận, trở thành con người gương mẫu và được phóng thích năm 1929. Để biểu lộ lòng thành thực và thống hối, anh đã xin vào sống trong một tu viện.
Maria Goretti được phong hiển thánh ngày 24 tháng 6 năm 1950: Trong buổi lễ này người ta thấy có sự hiện diện của mẹ cô là bà Assunta, lúc đó đã 87 tuổi, và cũng có sự hiện diện của… tu sỹ Alessandro.
Đề tựa của Lm. HK