Một linh mục hiện đại:
THOMAS MERTON
Merton là một trong bốn người
Mỹ được ĐTC Phanxicô nhắc đến trong bài diễn văn đọc tại Hoa Kỳ. Merton sinh tại Prades, Pháp, rửa tội trong
Anh Giáo. Cha ông là Owen Merton, một họa sĩ người Tân Tây Lan, nhưng phần lớn
sống tại Âu Châu và Mỹ. Mẹ ông là Ruth Jenkins, người Mỹ, theo đạo Quaker, và
là một nghệ sĩ.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI chọn năm thứ
150 ngày Cha Thánh Xứ Ars qua đời để mở Năm Linh Mục cho toàn thể Giáo Hội. Nói
đến gương mẫu thánh thiện và gương sáng mục vụ, không ai có thể qua mặt vị
Thánh đầy khiêm nhu này. Ngài quả là quan thầy mọi linh mục, dù cuộc sống linh
mục hiện nay đã ra khác xa so với cuộc sống linh mục tương đối êm ả của hậu bán
thế kỷ 19.
Thật vậy, các linh mục ngày nay vừa phải đấu
tranh quyết liệt với bản thân vừa phải lao mình vào nhiều trận tuyến khốc liệt
ngoài đời, ngoài xã hội, thuộc đủ mọi lãnh vực. Nói về các vị, không đơn giản
như trước nữa. Một khuôn mặt linh mục có thể cho thấy cái tính phức tạp ấy hẳn
phải là Thomas Merton.
Thomas Merton (1) là một nhà văn Công Giáo
Mỹ thế kỷ 20, một đan sĩ Trappist tại Đan Viện Getsemani thuộc bang Kentucky, một
thi sĩ, một nhà tranh đấu xã hội và là một người nghiên cứu tôn giáo học so
sánh. Xem thế đủ biết người Mỹ này phức tạp hơn người ta nghĩ.
Một người ‘vô đạo’ chịu cầu nguyện
Thực ra, khởi thủy, Merton không phải là
người Mỹ. Ông sinh tại Prades, Pháp, rửa tội trong Anh Giáo. Cha ông là Owen
Merton, một họa sĩ người Tân Tây Lan, nhưng phần lớn sống tại Âu Châu và Mỹ. Mẹ
ông là Ruth Jenkins, người Mỹ, theo đạo Quaker, và là một nghệ sĩ. Tháng 8 năm
1915, gia đình rời cư qua Mỹ. Mẹ chết lúc Thomas lên 6.
Năm 1925, hai cha con trở lại Pháp sống tại
Saint-Antonin. Năm 1926, Thomas vào học nội trú tại Montauban, nơi Chúa Nhật
nào cũng có Thánh Lễ Công Giáo, nhưng Thomas không bao giờ tham dự.
Năm 1928, hai cha con qua Luân Đôn sinh sống.
Thomas được gửi học tại trường nội trú Ripley Court School, nơi Chúa Nhật nào
cũng có giờ phụng vụ của Anh Giáo mà các học sinh buộc phải tham dự. Nhờ thế,
Thomas bắt đầu biết cầu nguyện thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi rời trường này,
ông đã bỏ thói quen tốt lành ấy.
Cha ông qua đời năm 1931, ông được vị y sĩ
của cha và là bạn học của cha từ ngày còn ở Tân Tây Lan, là Tom Bennett, nhận
giám hộ. Năm 1933, trước khi vào học tại Clare College, Cambridge, ông qua Rome
du lịch, một cuộc du lịch sẽ thay đổi hướng đi của đời ông. Ông cho biết trước
đây, với nhãn quan của một người Anglo-Saxon, Rome chỉ có nghĩa là tàn tích lịch
sử xấu xí, những ngọn đồi và khu ổ chuột. Nhưng sau khi đi thăm các địa điểm lịch
sử của Rome, ông bỗng thấy mình bắt đầu thích lui tới các thánh đường, chính
ông cũng không hiểu tại sao. Tại một thánh đường kia, ông bị thu hút bởi một ảnh
ghép hình Chúa Giêsu Kitô. Bức hình như dán vào mắt ông và ở lại mãi trong tâm
trí ông. Ông bắt đầu nhìn ra một Rome khác hẳn: một Rome của Kitô Giáo
Byzantine.
Ông mua một cuốn Thánh Kinh Phổ Thông
(Vulgate) bằng tiếng La Tinh và ngấu nghiến hết phần Tân Ước. Một ngày kia, tại
ngay nhà trọ, ông có cảm nghiệm như cha ông đang hiện diện với ông trong ít phút.
Cảm nghiệm lạ lùng ấy khiến ông thấy ra sự trống rỗng của đời mình và lần đầu
tiên trong đời, ông thực sự cầu nguyện và sau khi đi thăm một tu viện Trappist ở
Rome, ông tự nhủ: mình phải trở thành một đan sĩ dòng Trappist, dù chưa gia nhập
Giáo Hội Công Giáo.
Năm 1933, bỏ Rome, Thomas đáp tầu từ Ý qua
Mỹ thăm ông bà ngoại trước khi trở lại Luân Đôn. Thoạt đầu, ông còn lưu giữ được
một chút tinh thần như lúc còn ở Rome, tiếp tục đọc Bản Thánh Kinh Phổ Thông bằng
tiếng La Tinh, và muốn đi nhà thờ. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều nghi ngại đối với
Đạo Công Giáo, nên ông thử tới một nhà thờ Episcopal rồi một nhà thờ Quaker,
nhưng không thoải mái với các nhóm tôn giáo này.
Rồi sau đó, bị cuộc sống xô bồ của Nữu Ước
lôi kéo. Đến giữa mùa hè năm đó, Thomas Merton mất hết thích thú đối với các
tôn giáo có tổ chức. Cuối mùa hè này, ông trở lại Luân Đôn học tại Clare
College thuộc Đại Học Cambridge, lúc 18 tuổi. Cũng chính ở đây, ông trở thành
cô độc, bắt đầu say sưa, nhậu nhiều hơn học và sống khá buông thả về tình dục.
Có người tin rằng ông đã có một đứa con rơi trong thời gian ở Cambridge và được
Tom Bennett bí mật dàn xếp về phương diện tố tụng. Và cũng chính vì thế,
Bennett buộc Thomas phải qua Mỹ sống với ông bà ngoại.
Tháng Giêng năm 1935, Thomas Merton ghi
danh học năm thứ hai (sophomore) tại Đại Học Columbia ở Manhattan. Những năm ở
đây giúp Merton trưởng thành và ông khám phá ra Đạo Công Giáo một cách đúng
nghĩa. Ở đây, ông cũng chú ý tới chủ nghĩa cộng sản và từng tham gia Liên Đoàn
Thanh Niên Cộng Sản; nhưng ông chỉ dự một buổi sinh hoạt duy nhất, sau đó bỏ
luôn. Merton cũng tham gia các phong trào hòa bình tại địa phương, với chủ
trương không ủng hộ bất cứ chính phủ nào tham chiến, và từng tham dự biểu tình
ngồi tại Casa Italiana để phản đối việc Ý xâm lăng Ethiopia.
Tháng Hai năm 1937, nhờ đọc cuốn Tinh Thần
Triết Học Trung Cổ của Etienne Gilson, Merton khám phá ra một lối giải thích về
Thiên Chúa được ông coi vừa hợp luận lý vừa có tính thực tiễn. Ông mua cuốn này
một phần vì lúc đó ông đang tham dự một lớp học về văn chương Pháp thời Trung Cổ,
chứ không lưu ý tới hàng chữ “nihil obstat” (2) trong cuốn sách nói lên gốc gác
Công Giáo của nó. Cuốn sách này hết sức chủ yếu trong việc dọn đường cho ông gặp
gỡ Đạo Công Giáo. Ông cũng bắt đầu đọc cuốn Mục Đích Và Phương Tiện (3) của
Aldous Huxley, một tác giả đã dẫn Merton vào huyền nhiệm học.
Năm 1938, Merton tốt nghiệp cử nhân Anh Văn
tại ĐH Columbia. Ông quyết định tiếp tục học cao học tại trường này. Tháng Sáu
năm ấy, ông được một người bạn giới thiệu gặp một tu sĩ Ấn Giáo, Mahanambrata
Brahmachari, từ ĐH Chicago tới thăm. Ông rất cảm phục vị tu sĩ này, tưởng ông
ta sẽ thuyết phục mình đi theo tôn giáo của ông ta, nhưng không ngờ, ông ta lại
khuyên Merton nên khai thác chính truyền thống tôn giáo của mình, bằng cách đọc
“Tự Thú” của Thánh Augustinô và Sách “Gương Phúc” của Thomas á Kempis. Nhờ đọc
hai tác phẩm này, Merton bắt đầu cầu nguyện lại một cách thường xuyên. Và cũng
từ đó, ông bắt đầu coi Đạo Công Giáo như một điều gì đó cần phải khám phá. Cuối
cùng, vào tháng Tám năm đó, ông quyết định tham dự Thánh Lễ và tới Nhà Thờ
Corpus Christi ở Nữu Ước, gần khuôn viên ĐH Columbia. Thánh Lễ xa lạ đối với
ông nhưng ông lắng nghe một cách chăm chú. Cùng với cảm nghiệm này, danh mục
các sách ông đọc càng ngày càng thiên về Công Giáo hơn.
Trở lại Công Giáo và ý định đi tu làm linh mục
Một buổi chiều tháng Chín, đang khi đọc một
cuốn sách về việc Gerard Manley Hopkins (4) trở lại Đạo Công Giáo và sau đó làm
linh mục, ông bỗng tha thiết muốn đi theo cùng một con đường như nhân vật kỳ diệu
này. Ông mặc vội quần áo, lập tức tiến về phía nhà thờ Corpus Christi, gặp Cha
George Barry Ford để xin gia nhập Giáo Hội. Ngày 16 tháng Mười Một năm 1938,
Thomas Merton được rửa tội và rước lễ tại nhà thờ Corpus Christi.
Đầu năm 1939, ông tốt nghiệp M.A. tại Đ.H
Columbia và quyết định ở lại trường để lấy Ph.D. Cũng thời gian này, ông theo một
giảng khóa về Thánh Tôma Aquinô do Daniel Walsh giảng dậy và qua vị giáo sư
này, ông làm quen với Jacques Maritain (5) và dự khóa giảng của triết gia này về
Công Giáo Tiến Hành tại Câu Lạc Bộ Sách Công Giáo. Có điều lạ là Walsh lại thuyết
phục được Merton tin rằng chủ thuyết Tôma không thích hợp với Merton.
Tháng Mười năm đó, nhân một đêm sinh hoạt tại
câu lạc bộ nhạc Jazz, Merton cho bạn bè biết ý định làm linh mục của mình. Sau
đêm đó, ông tìm gặp cha Ford tại nhà thờ Corpus Christi. Vị linh mục này khuyên
ông nên làm linh mục triều, chứ dòng tu không thích hợp. Trái lại Walsh thì
nghĩ khác. Theo ông, Merton nên làm linh mục dòng. Nhưng Dòng nào, Dòng Tên,
Dòng Xitô hay dòng Phanxicô? Cảm tình đối với Thánh Phanxicô Assisi khiến
Merton nghĩ tới Dòng Phanxicô trước nhất. Vị đại diện Dòng Phanxicô sẵn sàng
chào đón ông, nhưng sau khi được ông thổ lộ hết ‘khúc nhôi’ dĩ vãng, đã cho rằng
ông không thích hợp với ơn gọi của Dòng này.
Tuy vậy, sau đó ông đã nhận một chân dạy tại
Đại Học Thánh Bonaventura vốn do Dòng Phanxicô điều khiển. Sở dĩ ông chọn ĐH
này là vì ông vẫn muốn trở thành tu sĩ của Dòng này. Tháng Chín năm 1940, ông dọn
vào ngụ tại ký túc xá của trường. Dù thời gian ngụ ở đây khá ngắn, nhưng đó là
thời gian chủ yếu, giúp cuộc sống thiêng liêng của ông nở rộ, càng ngày càng đi
sâu hơn vào cuộc đời cầu nguyện. Ông hoàn toàn từ bỏ uống rượu, hút thuốc lá,
đi coi hát bóng và càng ngày càng chọn lựa cẩn thận các tài liệu để đọc. Theo một
cách nào đó, ông quả đã từ khước hết mọi lạc thú trần đời. Tháng Tư năm 1941,
ông dự tĩnh tâm Tuần Thánh tại Đan Viện Đức Bà Gethsemani gần Bardstown,
Kentucky. Ngay tức khắc, ông thấy mình hoàn toàn bị nơi này cuốn hút, thấy tinh
thần của mình lên cao hẳn.
Không biết nên chọn con đường tu trì nào,
ông bèn nghĩ ra cách như người Việt Nam ta thường bói Kiều: nhưng thay vì Đoạn
Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, ông dùng cuốn Thánh Kinh Vulgate đã mua từ Ý
năm 1933 làm ‘sách bói’. Đến lần thử thứ hai, ngón tay ông đụng vào câu của Phúc
Âm Luca “Này, ngươi nên giữ im lặng”. Ông hiểu đó là ‘điềm’ Chúa muốn ông nhập
Dòng Xitô.
Tuy thế, ông vẫn chưa có quyết định dứt
khoát. Tháng Tám năm 1941, ông tham gia Nhà Thân Hữu của Catherine de Hueck ở
Harlem, chuyên lo cho người nghèo và bị rẫy bỏ của khu Da Đen này. Ông hết sức
ngỡ ngàng thấy cảnh sống của họ. Cảm nghiệm này gây tác động lớn đối với ông
khiến ông sau này hay nhắc đến nó trong các trước tác của mình. Nhưng mặc dù được
Hueck mời làm hội viên toàn thời gian của Nhà Thân Hữu, ông từ chối, với lý do
bị lôi cuốn vào giấc mơ làm linh mục nhiều hơn.
Nhập Dòng Khổ Tu
Ngày 10 tháng Mười Hai năm 1941, Merton trở
lại Đan Viện Gethsemani và ở đó ba ngày tại nhà khách của Đan Viện, chờ được nhận
vào Dòng. Vị trông coi tập sinh sẽ ra phỏng vấn Merton xem ông có đủ thành thật
và điều kiện hay không. Trong khi chờ đợi, Merton được phân công đánh bóng sàn
nhà và lau chùi chen dĩa. Ngày 13 tháng Mười Hai, ông được Viện Phụ là Dom
Frederic Dunne nhận làm thỉnh sinh (postulant) của Dòng. Mấy ngày đầu không được
xuông xẻ lắm vì lúc còn ở nhà khách, ông bị cảm cúm do việc ngồi ngay ở cửa sổ
mở toang để chứng tỏ lòng thành thật của mình. Nhưng sau đó, ông đã hiến mình
hoàn toàn để thích ứng với lối sống nhiệm nhặt, rất vui với việc thay đổi hẳn lối
sống. Trong mấy tuần đầu, ông buộc phải học ngôn ngữ dấu hiệu rất phức tạp của
Dòng Xitô cũng như công việc và thói quen cầu nguyện hàng ngày.
Tháng Ba năm 1942, ông được chính thức nhận
là đan sĩ tập viên của Dòng. Tháng Bẩy năm đó, Merton hết sức hân hoan khi em
trai John Paul tỏ ý muốn trở lại Đạo Công Giáo và đã được rửa tội sau đó mấy ngày,
trước khi lên đường nhập ngũ. Đó là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau, vì John
Paul tử trận ngày 17 tháng Tư năm 1943 khi máy bay của anh bị hỏng máy lúc đang
bay trên Vịnh Anh Quốc. Ông có làm một bài thơ tặng em đăng ở cuối cuốn tự truyện
The Seven Storey Mountain (6).
Nhà Văn
Merton viết nhật ký suốt thời gian ở Đan Viện
Gethsemani. Thoạt đầu, ông thấy việc viết lách như không thích hợp với ơn kêu gọi
của mình, lo lắng nó có thể khích lệ khuynh hướng tôn thờ cá nhân. Rất may, viện
phụ Frederic nhận ra khả năng trí thức và năng khiếu viết văn của ông. Nên năm
1943, ông được trao nhiệm vụ phiên dịch các bản văn thánh cũng như viết tiểu sử
các vị thánh cho đan viện. Ông hăng say thi hành nhiệm vụ này cũng giống như
lúc làm việc tại nông trại của đan viện.
Ngày 19 tháng Ba năm 1944, ông được khấn tạm
và chính thức được mặc áo dòng. Tháng Mười Một năm đó, cuốn thơ đầu tiên của
ông được nhà New Directions xuất bản tựa là Ba Mươi Bài Thơ (7). Merton có cảm
xúc lẫn lộn về việc xuất bản này, nhưng Dom Frederick vẫn cương quyết để Merton
tiếp tục viết. Năm 1946, nhà New Directions in cuốn thơ thứ hai của Merton tựa
là Một Người Trong Biển Phân Chia (8) được nhiều người hoan nghênh. Cùng năm
đó, bản thảo cuốn tự truyện The Seven Storey Mountain được nhà Harcourt Brace
& Company chấp nhận để xuất bản. Cuốn tự truyện này được viết tại Thư Phòng
của đan viện trong hai giờ rảnh mỗi ngày.
Qua năm 1947, Merton thấy mình thoải mái
hơn trong vai trò nhà văn. Tháng Ba năm đó, ông khấn trọn đời trong Dòng, tức
cam kết suốt đời sống tại đan viện. Ngày 4 tháng Bẩy, tập san Công Giáo
Commonweal cho đăng một khảo luận của Merton tựa là Thi Ca và Cuộc Sống Chiêm
Niệm (9).
Chịu chức linh mục
Năm 1948, cuốn tự truyện The Seven Storey
Mountain được xuất bản và được các giới phê bình văn học ca ngợi, thư từ của
người mộ điệu ồ ạt gửi tới ông. Ngày 3 tháng Tám năm đó, viện phụ Frederic qua
đời, để lại thiêng tiếc rất lớn cho Merton. Rất may, tân viện phụ là Dom James
Fox vẫn khuyến khích ông viết văn. Đến lúc này, ông đã nổi tiếng ở bên ngoài
đan viện. Ngày 21 tháng Mười Hai năm đó, ông chịu chức phụ phó tế.
Ngày 5 tháng Giêng năm 1949, ông đáp xe lửa
đi Louisville nạp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ. Cũng trong năm này, ông cho xuất bản
các cuốn Seeds of Contemplation, The Tears of Blind Lions, The Waters of Siloe
(10), và ấn bản Anh cuốn The Seven Storey Mountain dưới tựa đề Elected Silence
(11).
Ngày 19 tháng Ba, Merton chịu chức phó tế
trong Dòng và ngày 26 tháng Năm, nhằm lễ Thăng Thiên, ông thụ phong linh mục và
cử hành thánh lễ đầu tiên vào hôm sau. Nhân ngày kỷ niệm 100 năm của đan viện
vào tháng Sáu, Merton viết cuốn Gethsemani Magnificat (12) để kỷ niệm. Qua
tháng Mười Một, ông bắt đầu dạy các tập sinh tại Gethsemani về thần học huyền
nhiệm, một việc được ông rất yêu thích. Trong mấy năm tiếp theo, ông liên tiếp
cho xuất bản nhiều tác phẩm khác và số độc giả của ông lên rất cao. Ông sửa lại
cuốn Seeds of Contemplation nhiều lần, cho rằng lần xuất bản trước có nhiều lầm
lỗi và non vụng. Chỗ đứng của người ta trong xã hội, quan điểm về đấu tranh xã
hội, và các cách tiếp cận khác nhau đối với việc cầu nguyện và lối sống chiêm
niệm trở thành các chủ đề thường hằng trong các trước tác của ông.
Tới thập niên 1960, ông đạt được một cái
nhìn nhân bản khá rộng rãi, một cái nhìn biết quan tâm sâu sắc đối với thế giới
và các vấn đề như hòa bình, khoan dung chủng tộc, và bình đẳng xã hội. Ông khai
triển được cả một chủ nghĩa cấp tiến có tính bản thân mang lại nhiều hệ luận
chính trị quan trọng nhưng không dựa trên ý thức hệ, mà trên hết bắt rễ từ bất
bạo động. Ông cho rằng quan điểm của ông dựa trên tính “đơn giản” và sự nhậy cảm
Kitô Giáo.
Đến lúc chịu chức linh mục, Merton đã rất nổi
tiếng ở bên ngoài đan viện, cuốn tự thuật The Seven Storey Mountain của ông đã
bán tới 150,000 bản. Suốt các năm sống tại đan viện Gethsemani, Merton thay đổi
từ một đan sĩ trẻ hết sức say mê với cuộc sống nội tâm qua một nhà văn và một
thi sĩ có tính chiêm niệm. Ông nổi tiếng về các cuộc đối thoại với các niềm tin
khác và quan điểm bất bạo động của ông trong những cuộc nổi loạn chủng tộc và
Chiến Tranh Việt Nam của thập niên 1960. Cuối cùng, Merton đã đạt ước nguyện được
sống cô tịch trong một căn nhà ẩn tu ngay trong Đan Viện vào năm 1965. Trong những
năm ấy, ông từng vận động để các vị viện phụ chịu để ông tự do ra ngoài đan viện,
đáp ứng phần nào danh tiếng quốc tế và số lượng thư từ khổng lồ từ rất nhiều
nhân vật nổi tiếng thời ấy. Cuối cùng, vị đan viện mới là Rev. Flavian Burns đã
cho phép ông qua thăm Á Châu vào cuối năm 1968. Trong cuộc du hành này, ông đã
gặp Đức Dalai Lama tại Ấn Độ. Ông cũng tới thăm Polonnaruwa, thuộc Tích Lan,
nay là Sri Lanka. Tại đây, ông có một cảm nghiệm tôn giáo mạnh khi ngắm nhìn tượng
Phật Thích Ca ở đó.
Cuộc sống bản thân
Theo cuốn The Seven Storey Mountain, lúc
còn thanh niên, Merton rất thích nhạc jazz, nhưng khi bắt đầu đi dạy, ông đã bỏ
cả chỉ nghe nhạc êm dịu mà thôi. Tuy nhiên sau này, bất cứ lúc nào được rời đan
viện vì lý do sức khỏe hay lo việc cho đan viện, ông đều tìm dịp nghe nhạc jazz
sống, cho bằng thích, đặc biệt ở Louisville và Nữu Ước.
Tháng Tư năm 1966, Merton phải giải phẫu để
trị chứng đau lưng bất trị. Trong khi nằm dưỡng bệnh tại Bệnh Viện Louisville,
ông si tình một nữ sinh viên y tá được chỉ định chăm sóc ông. Ông viết nhiều
bài thơ tặng nàng và từng suy tư về mối liên hệ này trong “Nhật Ký Giữa Hè Cho
M.” (13). Merton cố gắng duy trì các lời khấn của mình dù rất yêu người thiếu nữ
này mà ông chỉ gọi tắt là “M”. Có thể đây là một thứ khủng hoảng nửa đời người
của một tu sĩ tài hoa. Tuy nhiên, ông giữ được lời khấn độc thân, chưa bao giờ
hoàn hợp mối liên hệ kia. Sau khi chấm dứt mối liên hệ ấy, ông lại tiếp tục cam
kết sống các lời khấn của mình.
Buồn thay, chính trong cuộc du hành Á Châu
trên, ông đã qua đời đột ngột tại Thái Lan, lúc đang tham dự cuộc hội thảo liên
tôn tại đó, do vô tình đụng vào chiếc quạt máy bị mát điện. Xác ông được đưa về
đan viện Gethsemani và được an táng ở đấy.
Tiếp xúc với Phật Giáo
Lần đầu tiên Merton biết đến và quan tâm tới
các tôn giáo Đông Phương là lúc đọc cuốn Mục Đích Và Phương Tiện của Aldous
Huxley vào năm 1937, một năm trước khi ông trở lại Đạo Công Giáo. Từ đó, song
song với việc nghiên cứu khoa bảng và cuộc sống đan viện, ông tìm tòi về Phật
Giáo, Lão Giáo và Ấn Giáo.
Ông không chú trọng tới học thuyết cũng như
định chế của các tôn giáo này, mà chỉ quan tâm tới những điều họ nói về kinh
nghiệm nhân bản. Điều ấy không hẳn có nghĩa các tôn giáo này không có những
nghi lễ và thực hành có giá trị đối với ông cũng như các Kitô hữu khác, nhưng
chỉ có nghĩa: về phương diện học thuyết, Merton hoàn toàn gắn bó với Kitô Giáo
và đàng khác, ông cho rằng các tín hữu của các tôn giáo kia cũng gắn bó với các
học thuyết riêng của họ đến nỗi bất cứ cuộc tranh luận nào về học thuyết cũng đều
vô ích đối với mọi người liên hệ.
Ông tin rằng Kitô Giáo phần lớn đã đánh mất
truyền thống huyền nhiệm của mình để tiếp nhận quan điểm của Descartes về việc
“vật thể hóa ý niệm (14), ngẫu tượng hóa ý thức suy tư, trốn chạy hữu thể mà đi
vào duy ngữ (15), toán học và thuần lý hóa”. Đối với Merton, các truyền thống
Đông Phương hầu như không bị ố tạp bởi thứ suy tư ấy và do đó có nhiều điều để
hiến tặng ta về phương diện phải suy tư và hiểu về mình ra sao.
Tuy nhiên, ông quan tâm và viết nhiều nhất
về Thiền. Vốn nghiên cứu nhiều về các Giáo Phụ Sa Mạc cũng như các nhà huyền
nhiệm Kitô Giáo khác, Merton hiểu rất rõ điều các vị này từng tìm kiếm và cảm
nghiệm được. Ông thấy nhiều điểm song hành giữa ngôn ngữ của các nhà huyền nhiệm
Kitô Giáo này và ngôn ngữ của triết lý Thiền học.
Năm 1959, Merton bắt đầu một cuộc đàm luận
với D.T. Suzuki. Cuộc đàm luận này sau đó đã được in trong cuốn Zen and the
Birds of Appetite (16) của Merton với tựa là “Wisdom in Emptiness” (17). Cuộc
đàm luận này xẩy ra sau khi Merton đã hoàn tất cuốn The Wisdom of the Desert
(18). Merton gửi một bản cho ông Suzuki, hy vọng ông ta sẽ nhận định về quan điểm
của Merton cho rằng Các Giáo Phụ Sa Mạc và các thiền sư đều có những cảm nghiệm
tương tự như nhau. Gần mười năm sau khi cho xuất bản cuốn Zen and the Birds of
Appetite, Merton đã viết ở lời bạt rằng “bất cứ cố gắng nhằm xử lý Thiền bằng
ngôn ngữ thần học nào đều sẽ chẳng đi đến đâu”. Ông thấy khó có thể hòa giải giữa
khuynh hướng Tây Phương và Kitô Giáo lúc nào cũng muốn lên danh mục và phát biểu
ra lời mọi cảm nghiệm bằng các ý niệm của nền thần học phủ định (19) và bản chất
không thể diễn tả bằng lời của kinh nghiệm Thiền.
Đối với Merton, cần phải phân biệt một đàng
là Phật Giáo Thiền Tông, một phát biểu của lịch sử và văn hóa, và Thiền. Theo
ông, Phật Giáo Thiền Tông là một tôn giáo phát nguyên từ Trung Hoa và phát triển
qua Nhật, với nhiều nghi lễ và định chế đi kèm. Thiền, trái lại, không bị cột
vào một nền văn hóa, một tôn giáo hay một tín ngưỡng nào. Các trước tác sau này
của Merton chịu ảnh hưởng của cái Thiền sau, một nền Thiền học không hẳn của Phật
Giáo nhưng sẽ mang nhiều âm hưởng từ việc đào tạo đan viện trong truyền thống
Kitô Giáo.
Chú thích
(1) 1915 –1968
(2) Không có gì trở ngại
(3) Ends and Means
(4) 1844-1889, thi sĩ
Anh, trở lại đạo Công Giáo, đi tu làm linh mục Dòng Tên, nổi tiếng trong thế kỷ
20 khiến được xếp vào hàng các thi sĩ hàng đầu thời Victoria.
(5) 1882-1973, triết
gia Công Giáo Pháp. Trở lại Công Giáo từ Thệ Phản năm 1906; tác giả hơn 60 cuốn
sách, người chịu trách nhiệm phục hồi Thánh Tôma Aquinô cho thời đại mới và là
người soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nổi tiếng; bạn và là người
dìu dắt cũ (mentor) của Đức Phaolô VI.
(6) Núi Bẩy Tầng
(7) Thirty Poems
(8) A Man in the
Divided Sea
(9) Poetry and the
Contemplative Life
(10) Hạt Giống Chiêm
Niệm, Nước Mắt Sư Tử Mù, Nước Suối Siloe
(11) Im Lặng Tự Chọn
(12) Ngợi Khen
Gethsemani
(13) A Midsummer Diary
for M.
(14) Reification of
concepts
(15) Verbalism
(16) Thiền Và Những
Con Chim Háu Ăn
(17) Khôn Ngoan Trong
Trống Rỗng
(18) Khôn Ngoan Sa Mạc
(19) Apophatic
theology/via negativa theology
Di sản Merton
Merton để lại ít nhất cũng hơn 70 tác phẩm,
chưa kể rất nhiều thư từ liên lạc. Cho đến nay các sách và bài vở viết về ông
có đến hàng trăm, đủ cho thấy ảnh hưởng của ông sâu rộng ra sao. Từ ngày ông
qua đời, ảnh hưởng ấy càng lớn mạnh hơn và ông được mọi người nhìn nhận là một
nhà huyền nhiệm và tư tưởng Công Giáo quan trọng của thế kỷ 20. Việc lưu ý tới
các công trình của ông đã góp phần vào việc gia tăng sự tìm kiếm tâm linh bắt đầu
từ hai thập niên 1960 và 1970 tại Hoa Kỳ. Các thư từ và nhật ký của ông cho thấy
lòng say mê cao độ của ông đối với các vấn đề công bằng xã hội, gồm cả các
phong trào dân quyền và việc phổ biến vũ khí nguyên tử. Thêm vào đó, các trước
tác của ông cũng gây nên phong trào học hỏi tư tưởng, thực hành Công Giáo và ơn
gọi vào Dòng Xi Tô.
Để ghi nhận sự gần gũi giữa Merton và Đại Học
Bellarmine ở Louisville, Kentucky, trường này đã cho thiết lập một địa điểm lưu
giữ chính thức các văn khố về Merton tại Trung Tâm Thomas Merton. Paul Pearson,
giám đốc trung tâm này, cho hay: yếu tính nền linh đạo của Merton là tính người
của nó. Ông thực sự có khả năng nói với người thông thường. Không có gì mới lạ
trong đó cả. Ông chỉ diễn tả các nhà cổ điển vĩ đại của nền linh đạo Kitô Giáo
bằng một ngôn ngữ mà người bình dân có thể hiểu được và sống được. Pearson cho
đó là một đóng góp lớn vì vào hai thập niên 1940 và 1950, nền linh đạo ấy chưa
được một người bình dân nào nghe nói tới cả. Nó chỉ thuộc phạm vi của các tu
sĩ, linh mục và giám mục. Người giáo dân thường thì lần chuỗi môi khôi ngay
trong thánh lễ
Cũng theo Pearson, thoạt đầu xem ra Merton
muốn quay lưng với thế giới tội lỗi ở bên ngoài đan viện. Nhưng càng sống kinh
nghiệm đan viện, và sau sự thành công của cuốn tự truyện Núi Bẩy Tầng và rất
nhiều thư từ nhận được sau đó cũng như việc giao tiếp với giới trẻ mà ông giảng
dạy ngay bên trong đan viện khiến ông nghĩ rằng ông không thể để thế giới lại
phía sau cổng đan viện, mà thực sự ông vào đan viện là vì chính cái thế giới ấy.
Thế là nền linh đạo của ông thay đổi để bao hàm cả việc phải đối đầu với các vấn
đề đang được mọi người trong thế giới quan tâm. Pearson gọi đó là nền linh đạo
biết phối hợp cả chiêm niệm lẫn hành động. Các vấn đề ấy gồm: chiến tranh lạnh,
thi đua vũ khí hạch nhân, chiến tranh và hòa bình, bất bạo động, rồi chiến
tranh Việt Nam, dân quyền, nữ quyền, lạm dụng kỹ thuật, hiệu quả của truyền
thông, sinh thái. Ông là người đầu tiên cho duyệt lại cuốn Silent Spring của
Rachel Carson (20) và còn cho đọc nó tại phòng cơm đan viện, cũng như khuyên
các đan sĩ phải lưu tâm đến vấn đề tái sinh rừng ngay trong đan viện.
Nhưng theo Pearson, khi quyết định không
đơn thuần chỉ viết về linh đạo, Merton đã gây ra nhiều tranh cãi. Người ta vẫn
chỉ muốn ông viết về linh đạo. Vì một đan sĩ, sống sau bốn bức tường đan viện,
phỏng biết được bao nhiều về những chuyện ở đời, nhất là “đời” lúc ấy lại đang
do một tổng thống Công Giáo đầu tiên cai trị. Chỉ trích chính phủ và Giáo Hội
lúc ấy xem ra không hợp thời.
Nhận định về các tìm tòi đối với nền đan viện
Đông Phương của Merton, Pearson cho rằng đó cũng là một đóng góp lớn, vào một
thời điểm (thập niên 1960), ít người làm thế. Trước đó, trong thập niên 1950,
Merton từng đã bắt đầu làm việc với các sinh viên thuộc các giáo phái khác như
các chủng sinh của giáo phái Luthêrô tại Louisville hay các chủng sinh Baptist.
Họ tới gặp để đối thoại với Merton và các đan sĩ khác của đan viện Gethsemani.
Điều ấy không xẩy ra nhiều trước Vatican II. Sau đó, ông mở rộng, trước bằng
thư từ, sau bằng tiếp xúc trực tiếp với người thuộc các tôn giáo khác, còn mời
họ nói truyện với các tập sinh của đan viện và cả đan viện nữa.
Một số người, trong đó, có nhiều vị giáo phẩm,
coi Merton như một thứ Tân Đại (New Age) nhợt nhạt. Tuy nhiên, theo Pearson,
Merton quả đi trước cả thời gian, nhưng lại luôn bám trụ vào thánh truyền, nhất
là các giáo phụ sa mạc, những người tuy ‘xa lánh’ thế gian, nhưng vua chúa thế
gian vẫn lui tới vấn kiến.
Thầy Paul Quenon của Đan Viện Gethsemai, từng
được “Cha Louis”, tên quen thuộc của Merton trong đan viện, linh hướng, cho
hay: đối với Merton cầu nguyện cũng giống như cuộc vật lộn của Giacóp với Thiên
Chúa. Khi ta gặp gỡ Thiên Chúa, Người không phải là một sự vật. Như thế có thể
nói Thiên Chúa giống như không là gì cả. Và do đó, khi bạn buớc vào cầu nguyện
sâu sắc, là bạn bước vào cõi không (nothingness). Theo thầy, điều ấy là chủ yếu
trong nền linh đạo của Merton. Nghe như có cung giọng Thiền rõ rệt.
Tuy nhiên sau đó, thầy Quenon nhấn mạnh rằng
tìm kiếm Thiên Chúa trong cô tịch chính là cốt lõi nền linh đạo của Merton và
cũng là cốt lõi thẳm sâu của bản ngã ta. Merton cho hay chiêm niệm là trả lời một
mời gọi, một mời gọi của Đấng không có tiếng nói nhưng lại nói trong mọi sự, nhất
là trong thẳm sâu hữu thể ta. Do đó, theo Merton, có một mầu nhiệm về bản ngã,
một mầu nhiệm giống như mầu nhiệm về Thiên Chúa. Cả hai đều là một mầu nhiệm
duy nhất đối với ta. Chính trong diễn trình biết mình, ta biết được Thiên Chúa,
hay đúng hơn, đạt được sự hiểu biết Thiên Chúa một cách trực tiếp là cách duy
nhất ta biết được chính mình.
Không đề cập nhiều tới các trước tác không
phải là linh đạo, thầy Quenon cho rằng Merton đã gây tác động tích cực lên lối
sống đan viện. “Chúng tôi đã có được một tầm nhìn rộng lớn hơn về cuộc đời […].
Chúng tôi biết đánh giá tốt hơn nhiều ơn gọi khác nhau của cuộc sống đan viện.
Chúng tôi đã khai triển được việc biết đánh giá cuộc sống đơn tu của nhà ẩn tu
cũng như biết đánh giá các thách đố trí thức gặp thấy trong cuộc sống đơn tu,
những thách đố mà trước đây các đan sĩ vốn bị coi là không nên ước ao. Nhưng rõ
ràng Merton là một điển hình cho thấy điều người ta có thể làm trong bối cảnh đời
sống đơn tu”.
Thầy cũng cho rằng cả các cố gắng trong việc
bắt tay với các tôn giáo Đông Phương của Merton cũng là một điển hình cho cuộc
sống đơn tu. Các đan sĩ tại Gethsemai đã tìm thấy một thứ tình họ hàng với các
tu sĩ Phật Giáo. Họ tới đây từng nhóm nhỏ trong nhiều dịp khác nhau, cả
Matthieu Ricard cũng tới đây, ông ta vốn làm việc với Đức Dalai Lama trong 17
năm nay. Theo thầy, các đan sĩ biết đánh giá phổ quát tính tốt hơn trước rất
nhiều.
Viết về chức linh mục
Xem như thế, cuộc hiện sinh của một linh mục
thời hiện đại đa dạng và nhiều khía cạnh phức tạp hơn trước nhiều lắm. Nhu cầu
mục vụ càng ngày càng mang tới nhiều mẫu sống linh mục hết sức độc đáo và nhiều
rủi ro. Điều ấy càng khiến Giáo Hội quan tâm nhiều hơn tới hàng ngũ linh mục,
những người luôn ở hàng tiền đạo của mình. Sứ mệnh của Giáo Hội tùy thuộc phần
lớn vào hàng ngũ này. Cầu nguyện cho hàng linh mục vì thế phải là hình thức hỗ
trợ cần thiết nhất và cũng hữu hiệu nhất trong thời đại này.
Thomas Merton không phải chỉ chứng tỏ tính
phức tạp và đầy thách đố của cuộc sống linh mục bằng chính cuộc sống mình, mà
ông còn dùng ngòi bút trực tiếp nói lên các khía cạnh đó. Chúng tôi tạm trích 4
đoạn nhật ký của ông (21) viết vào bốn thời điểm khác nhau về chủ đề vừa nói:
1. Thứ ba tuần thánh, 17 tháng Hai năm
1953:
“Nhìn lên tượng chịu nạn treo trên bức tường
trắng tại Nhà Thờ Thánh Anna, bỗng nhiên tràn ngập cả cõi lòng khi nhận ra mình
là một linh mục, ơn này được ban cho mình để mình biết Thánh Giá có nghĩa gì,
và nhà thờ Thánh Anna là một phần hết sức đặc biệt đối với ơn gọi linh mục của
mình: sự im lặng của nó, các bụi cây, ánh sáng mặt trời, bóng tối, hình Chúa
Giêsu, hình Đức Bà Cobre và thiên thần bé nhỏ trong tranh thiên đàng của Fra
Angelico. Thế là mình đang là một linh mục với thế giới làm giáo xứ. Hay đó là
một cơn cám dỗ, khi chỉ cần nghĩ như thế? Có lẽ mình không cần nhớ tới tính hoa
trái tông đồ của sự im lặng này. Mình chỉ cần không là gì cả và sẵn sàng chờ đợi
sự mạc khải của Chúa Kitô: bình an, khó nghèo và im lặng nơi một thế giới,
trong đó mầu nhiệm sự ác cũng đang hành động và là nơi không còn sự mạc khải
nào khác. Không, tại nhà thờ Thánh Anna, có sự bình an đến độ chắc chắn nó trở
thành trung tâm của một trận chiến thiêng liêng đang được chiến đấu trong im lặng.
Tôi, kẻ đang ngồi đây, đang cầu nguyện, đang suy tư và đang sống, tôi quả không
là gì cả, và cũng không cần phải biết điều gì đang xẩy ra. Tôi chỉ cần hy vọng
vào Chúa Kitô để nghe được tiếng chuông vọng sâu thật lớn đang bắt đầu rung lên
và gửi âm vang thánh của nó tới tôi qua hàng bách tùng bé nhỏ”.
2. Ngày 19 tháng Giêng năm 1961:
“Cần phải thoát khỏi mọi can dự - đối với mọi
phía. Cần cố gắng giữ thanh tĩnh mà mình vốn có nhiệm vụ rao giảng: không phải
như một thứ xa xỉ mà như một điều cần thiết. Trong mấy năm qua, mình đã thay đổi
không biết bao nhiêu ý niệm về vấn đề này. Không còn phải là vấn đề ‘thánh hóa’
nữa nhưng chỉ là chuyện sống còn, sống còn trong toàn vẹn tính mà Thiên Chúa đã
ban cho mình.
Cần biết lúc nào, cách nào và với ai để nói
chữ ‘không’. Nhiều rắc rối và khó khăn lắm ạ. Đừng có muốn làm ai thương tổn,
chắc hẳn rồi, nhưng cũng đừng quá lo lắng làm vui lòng họ.
Người ta không ngừng tìm cách lợi dụng bạn
trong việc giúp họ tạo ra một ảo tưởng để họ sống. Nhất là các ảo tưởng tập thể
hết sức đa dạng. Vì lầm lỗi của chính tôi, tôi đã trở nên thành phần của quá
nhiều ảo tưởng tập thể, tôi đã muốn trở nên như thế.
Trong lãnh vực yêu thương, cần có sự phân
biệt. Tôi từng thoả mãn khi được nhiều người ‘nghĩ tốt’ về mình và mình nghĩ tốt
về họ. Một thứ lòng tốt đầy ảo tưởng vốn giúp hết thẩy chúng ta cảm thấy an ổn.
Tôi phải hy sinh cái hào quang ảo tưởng của
lòng tốt ấy và chỉ nên chú ý tới việc quan tâm chân chính đối với các cá nhân
được Thiên Chúa dẫn tới với tôi mà thôi. Việc chăm sóc này là một can dự và là
một can dự có tính sinh tử. Nhưng can dự ấy tốt và đúng, vì nó đặc thù, có tính
bản thân. Nó không phải là một ‘phong trào’. Nó không tản mạn, mù xương, hao tốn,
phi lý.
Vấn đề viết lách: nhất định là phải cắt giảm
hoặc thay đổi.
Có người tố cáo tôi muốn làm ‘linh mục thượng
phẩm’ của óc sáng tạo. Hoặc ít ra cũng để cho người ta coi tôi như vậy. Việc ấy
có lẽ đúng.
Tội là muốn làm linh mục thượng phẩm
(pontiff), muốn được người ta nghe, muốn có người cải đạo, muốn có đồ đệ. Vì ở
trong tu viện kín, tôi nghĩ tôi không muốn điều ấy. Nhưng dĩ nhiên, tôi muốn thế,
và ai cũng biết vậy.
Sách Nguyện tối nay nói rằng Thánh William,
lúc gần chết, đã gỡ bỏ hết phẩm phục giám mục (không thể tưởng tượng được việc
tại sao ngài lại phải mặc thứ phẩm phục đó ở trên giường bệnh!) và đã ráng hết
sức bước xuống sàn nhà để qua đời ở đấy.
Tôi cũng như ngài, đang đội mũ tế (mitre)
trên giường. Tôi sẽ phải làm gì với nó đây?
Một điều tôi phải thoát khỏi là hình ảnh về
người Công Giáo nổi tiếng ở nước này. Tôi không hề là thứ người Công Giáo ấy,
và tại sao tôi lại nên đem lại cho những người ấy cái ý niệm tôi là người gợi hứng
đối với họ? Tôi không gợi hứng cho ai hết. Các giáo sĩ từng chống đối tôi sẽ hiểu
ra điều ấy. Giữa họ và tôi có cả một hố thẳm.
Đồng thời lại có thứ cám dỗ tinh tế hơn,
cơn cám dỗ làm người Công Giáo tiên phong kiểu Pháp, muốn có liên hệ tốt đẹp với
giai cấp vô sản cánh tả. Muốn trở nên một ‘thành phần của tương lai’. Nhưng đó
chỉ là một thứ huyền thoại khác. Và ở nhiều phương diện, còn là một thứ huyền
thoại tệ hơn nhiều. Cơn cám dỗ ấy có tính thực tiễn, vì có cơ hội thành công
hơn nhiều.
Tôi phải giáp mặt với sự kiện này là ở
trong tôi, hiện đang có sự thèm muốn được sống còn trong tư cách linh mục thượng
phẩm, tiên tri, và nhà văn, và thèm muốn ấy cần bị từ bỏ trước khi tựu chung,
tôi có thể là chính mình.
3. Ngày 23 tháng Mười năm 1961:
Có lẽ tôi đang ở khúc quanh trong cuộc sống
thiêng liêng của mình: có lẽ đang từ từ tiến tới điểm chín mùi, giải quyết được
các nghi ngại và quên đi mọi sợ sệt. Đang bước vào một trận chiến được biết đến
và có tính dứt khoát. Xin Chúa gìn giữ tôi trong trận chiến đấu ấy. Tờ Catholic
Worker (22) vừa phát hành một thông cáo báo chí về bài viết của tôi, một vài viết
rất có thể gây ra nhiều phản ứng, mà cũng có thể chả có phản ứng nào. Dù sao,
xem ra tôi là một trong số ít các linh mục tại nước này dám không mơ hồ dấn
thân vào một cuộc đấu tranh hoàn toàn không khoan nhượng cho việc bãi bỏ chiến
tranh, cho việc dùng các phương thế bất bạo động để giải quyết các tranh chấp
quốc tế. Từ đó, nó hàm ý không những chống lại việc dùng bom, chống lại việc thử
hạch nhân, chống lại các tầu ngầm Polaris, mà còn chống mọi hình thức bạo lực.
Điều ấy, tôi nhất thiết phải giải thích đầy đủ khi có dịp. Hành động bất bạo động
chứ không phải là đơn thuần thụ động. Nhưng làm thế nào để có thể kịp thời giải
thích và bênh vực được một quan điểm dứt khoát khi, một bài báo ngắn cũng cần đến
hai,ba tháng, mới có thể vượt qua được các nhà kiểm duyệt của Dòng. Đó là vấn đề
tôi không dám đưa ra câu trả lời.
Tôi nghĩ: xét về một phương diện nào đó, quan
điểm của Dòng thực ra không thực tế chút nào mà còn vô lý nữa. (Quan điểm ấy
cho rằng) Vào thời điểm như hiện nay, hình như không một ai trong Dòng nên quan
tâm một cách thực tiễn tới các thực tại của tình hình thế giới, các đan sĩ nói
chung, ngay cả các đan sĩ Biển Đức có thể lên tiếng một cách trọn vẹn, cũng chỉ
nên chuyên chăm tới các vấn đề có tính bác học liên quan tới các nhà văn trung
cổ và những bản văn ít quan trọng hơn đối với các học giả, một quan điểm như thế
ngay trong thời điểm có cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng nhất trong lịch sử
con người, theo tôi là điều không thể hiểu nổi. Nhất là chính sách dứt khoát của
Dòng Xi Tô chính thức chặn đứng hay ngăn cản bất cứ phát biểu quan tâm nào, bất
cứ ý kiến dưới hình thức viết nào nhắc đến cuộc khủng hoảng kia. Điều ấy đối với
tôi hết sức nghiêm trọng. Cho nên nêu vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề ấy
hiển nhiên là điều vô dụng. Tôi từng nói truyện với Cha Clément de Bourmont,
thư ký của Cha Bề Trên Cả, về vấn đề trên, và xem ra như nói truyện với một bức
tường. Hoàn toàn không có hiểu biết và thiếu thiện cảm. Chính Cha Bề Trên Cả lại
hiểu biết hơn và Dom James có đôi chút nhìn ra vấn đề (một cách đầy ngạc nhiên,
các ngài đã cho phép bài Original Child Bomb (23) được phép công bố sau khi bị
các vị kiểm duyệt khác cấm cản).
Các tu sĩ Dòng Tên không những ủng hộ, mà
còn khuyến khích nữa, việc ngồi tại hầm tránh đạn với súng máy cầm tay để đuổi
người khác đi khỏi! Xem ra đấy mới là điều tốt nhất mà nền thần học Công Giáo
có nhiệm vụ phải cung hiến cho đất nước này.
Ít nhất, tôi cũng cảm thấy mình vô tội chưa
tuyên bố quan điểm nào mới thực sự là quan điểm Công Giáo. Không phải quan điểm
coi tự vệ là không chính đáng, nhưng còn có những viễn tượng bao quát hơn thế
mà ta có nhiệm vụ phải xem sét. Không thể giải quyết các vấn đề của ta dựa vào
căn bản ‘mọi người vì chính mình’ và phải cứu lấy da thịt mình bằng cách giết
chết ngay người đầu hết đe dọa đến da thịt ấy.
Tôi vui mừng thấy mình đã bước một bước ngoặt,
có lẽ là bước ngoặt cuối cùng của đời mình. Cảm thức từ bỏ và niềm vui về nhà,
lòng yêu thương dành cho các tập sinh, những người tôi thấy như đang ngụ cư
trong ánh sáng và phúc lành của Thiên Chúa khi cùng nhau về nhà. Ý tưởng ấy
không tiêu cực cũng không phá hoại chút nào: nó hoàn toàn thoả mãn. Bất cứ điều
gì xẩy ra cho thế giới, điệu vũ hiển linh muôn mầu muôn vẻ của nó vẫn tiếp diễn,
hay có lẽ đang kết cục được biến hình hay hoàn thiện vĩnh viễn.
4. Ngày 26 tháng Năm năm 1963:
Hôm nay kỷ niệm năm thứ 14 ngày tôi thụ
phong linh mục.
Ước chi tôi có thể nói rằng chúng là 14 năm
thoả mãn, trật tự và hòa nhập mỗi ngày một hơn. Chẳng may, sự việc không đúng
như thế. Bề mặt, chúng là những năm tương đối hạnh phúc và nhiều năng xuất,
nhưng nay mỗi ngày tôi mỗi hiểu rõ hơn cái sâu xa trong nỗi thất vọng và tính chung
cuộc rõ ràng trong thất bại của mình. Chắc chắn tôi không thích hợp với cái
khuôn ước lệ hay truyền thống. Có lẽ đó là điều tốt. Tôi không phải là một nhân
vật của J.F. Powers (24). Ấy thế nhưng nỗi thất vọng thì vẫn vậy. (Tôi không biết
liệu mình có phải là một nhân vật của George Bernanos hay không. Nhưng nhất định
không phải là một nhân vật của Graham Greene) (25). Nhưng cái việc thất bại kia
thì quả có đó và xét theo một phương diện nào đó, tôi thấy có lẽ nó vĩnh viễn.
Như thể, phần nào đó, cuộc đời linh mục của tôi đáng buồn và vô ích, là một bại
trận và thất bại trong cuộc sống đan sĩ. (Có lẽ thôi. Vì dù sao, tôi cũng làm
sao biết được?)
Tôi có được cảm thức rất chân thực này là
cuộc đời ấy chỉ là một thứ nói dối, một trò đố chữ. Với mọi cố gắng đầy lầm lỗi
ngớ ngẩn của tôi để được thành thực, tôi thực sự đã không làm gì để thay đổi được
tình huống trên.
Chắc chắn tôi không phải là mẫu mực của đức
hạnh linh mục. Tuy hình như tôi không cố ý phạm tội trong các vấn đề nghiêm trọng,
nghĩa là không phạm tội với đầy đủ ý thức. Nhưng quả có những thất bại liên tiếp,
những thất bại không đếm xuể, giống như những lỗ thủng xuất hiện chằng chịt
trên tấm áo cũ. Không gì có thể vá lại một cách hữu hiệu được. Những con mối đã
gậm nhắm trọn bản thân tôi trong khi tôi mù mờ ráng bám lấy điều đối với tôi
xem ra có giá trị, quan trọng hay cần thiết để sinh tồn.
Từng có một nỗi thất vọng choáng váng trong
các cố gắng bán ý thức muốn duy trì căn tính của tôi, trong khi tôi bị sói mòn
bởi tính vô dụng, cứ đổi mới hàng ngày, của một cuộc hiện sinh chỉ đạt năng xuất
nửa vời.
Tôi không luôn luôn điều độ. Nếu ra phố và
có ai đó mời uống, tôi khó mà cưỡng được việc uống ly thứ hai hay ngay cả ly thứ
ba. Và có khi tôi còn đi quá cả cái trivium perfectum, ‘cái ly thứ ba hoàn hảo’.
Một đan sĩ mà như thế sao?
Có lẽ sự yếu đuối chính là thiếu can đảm thực
sự để có thể chống đỡ được các áp lực của cuộc sống đan sĩ và linh mục. Dù gì,
tôi cũng đã mỏi mệt. Tôi rất dễ bị ngã lòng. Các cơn trầm cảm mỗi ngày một sâu
xa thêm, mỗi ngày một thường có hơn. Tôi đã gần 50. Người ta nghĩ tôi hẳn phải
hạnh phúc.
Thánh Lễ của tôi vào mỗi buổi sáng chắc chắn
là niềm vui lớn, và tôi nghiêm chỉnh tham dự Thánh Lễ ấy. Trong nó, đôi lúc tôi
thấy một ý nghĩa cao cả mà lại giản đơn, cao cả hơn điều tôi có thể hiểu. Nhưng
đôi khi cũng có những giây phút âu lo căng thẳng không tài nào nói ra được.
Cuối cùng theo tôi, điều tôi loay hoay xưa
nay là chống lại việc cưỡng đặt một hình thức linh mục có sẵn, một khuôn mẫu
đơn tu có sẵn. Tôi ương ngạnh nhất định tránh cho bằng được việc bị hấp thụ
(absorbed) hòan toàn vào chức linh mục, và tôi không rõ liệu đó có phải là hèn
nhát hay chính trực. Hình như không có cách gì thực sự giúp tôi trả lời rõ được
điều đó.
Chú Thích
(20) Mùa Xuân Im Lặng; một nhà hải sinh vật học người
Mỹ. Cuốn này, xuất bản năm 1962, đã gây ra một quan tâm sinh thái chưa từng thấy
tại Hoa Kỳ, lật ngược lại chính sách diệt côn trùng hiện có, đưa đến việc hủy bỏ
thuốc DDT.
(21) Trích trong The Intimate Merton, His Life from
his Journal, A Lion Book, 1999.
(22) Thợ Thuyền Công Giáo của Dorothy Day
(23) Trái Bom Nguyên Sinh
(24) James Farl Powers, 1917-1999, là một tiểu thuyết
gia Công Giáo người Mỹ, rất nổi tiếng về các nghiên cứu đối với các linh mục
Công Giáo miền trung tây, từng phản đối Thế Chiến II
(25) Georges Bernanos 1888-1948, là một tác giả
Công Giáo người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm Journal d'un curé de campagne
[nhật ký một cha xứ nhà quê] 1936, Dialogues des carmélites [Các đối thoại của
nữ tu Các-men] 1949; Henry Graham Greene,1904 –1991, một tác giả, theo chính
ông, là người Anh theo đạo Công Giáo; các thể tài Công Giáo giữ vai chủ chốt
trong các sáng tác của ông, nhất là trong 4 tác phẩm lớn Brighton Rock, The
Heart of the Matter, The End of the Affair và The Power and the Glory. Năm
1953, Thánh Bộ Tín Lý thông báo cho ông hay: cuốn The Power and the Glory gây
nguy hại cho danh tiếng hàng linh mục; nhưng sau đó, ông được chính Đức Phaolô
VI, trong một buổi triều yết riêng, cho hay: dù một phần tiểu thuyết của ông
xúc phạm đến một số người Công Giáo, ông không nên quan tâm đến các lời chỉ
trích.