Lời Chúa cntn 20b _ Thánh Thể - Mình và Máu Chúa Giêsu

THÁNH THỂ -
MÌNH VÀ MÁU CHÚA GIÊSU
“Những người thông giỏi có tin Chúa ngự thật trong Bí Tích thánh Thể không?”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Về Bí Tích Thánh Thể, có rất nhiều điểm ta cần phải bàn tới. Hôm nay chúng ta lưu ý tới một điểm khá quan trọng:
Ta đặt một câu hỏi: “Những người thông giỏi có tin Chúa ngự thật trong Bí Tích thánh Thể không?”
Khi chúng ta tin bánh và rượu, sau lời truyền phép, trở thành chính mình và máu thánh Chúa, thì không phải ta tin một điều vô lý, mà chính là chúng ta tin điều mà một số nhà bác học cũng tin hệt như chúng ta. Chúng ta kể ra vài nhà bác học đó.
Một nhà bác học thời danh trong thời đại ta, thời danh tới nỗi, tất cả các dân tộc đều đã chịu ơn Ông: hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng có viện nghiên cứu mang tên Ông, và trong rất nhiều quốc gia, tên Ông còn được đặt cho một số đại lộ. Đó là nhà bác học Pasteur.
Ông Louis Pasteur (1822-1895) đã trở thành bất tử trong ký ức nhân loại. Không phải ông chỉ nổi danh sau khi chết, mà lúc sinh ra đời, khắp thế giới đã biết tên tuổi ông. Cũng do đó, đang khi ông sống, thì căn nhà ông chào đời tại Dôle, một căn nhà đơn sơ nghèo nàn, đã được chính phủ coi là di tích lịch sử phải bảo tồn. Trong buổi lễ đặt bảng kỷ niệm cho ngôi nhà đơn sơ này, chính Pasteur có đọc một bài diễn văn.
Nhà bác học Pasteur là một người tin mạnh mẽ vào bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày, từ nhà đi bộ tới phòng thí nghiệm của Ông tại Ulm. Ông vẫn có thói quen tạt qua nhà thờ Saint Etienne du Mont, và quỳ cầu nguyện trước mình thánh Chúa.
Có một lần, đang giảng bài cho các sinh viên, một sinh viên biết Ông là người rất sùng đạo, nên có hỏi Ông: “Tại sao Thầy đã suy nghĩ và có những nghiên cứu vĩ đại, mà Thầy còn có thể tin được?”
Pasteur đã trả lời: “Chỉ vì suy nghĩ nhiều và nghiên cứu nhiều, nên tôi mới có đức tin của một người đàn ông xứ Bretagne (Bretagne là quê hương của Pasteur, một miền rất sùng đạo), chứ nếu tôi suy nghĩ và nghiên cứu nhiều hơn nữa, thì tôi sẽ lại tin hệt như một người đàn bà xứ Bretagne.”
Trên giường bệnh lúc sắp lìa cõi đời, nhà bác học Pasteur đã luôn luôn hôn kính tượng chịu nạn, và cũng chính tượng này Ông đã mang theo người Ông, sau khi đã để lại cho cõi đời chúng ta biết bao vinh dự và ơn huệ.
Cường độ của dòng điện (điện mạnh hay yếu) được đo bằng đơn vị ampe. Ampe chính là tên một nhà bác học. Ông sinh năm 1775 và mất năm 1836. Ampe là nhà toán học và cũng là nhà vật lý nổi danh. Tên tuổi của Ông đã trở thành bất hủ, vì hễ nói tới điện là nói tới: Ampe. Tuy là một nhà bác học, một giáo sư lừng danh, nhưng ngày nào Ông cũng lần hạt.
Ozaman, vị sáng lập Hội Bác Ái Thánh Vicentê, lúc 18 tuổi từ quê lên theo học đại học Sorbonne ở Paris. Được gia đình giáo dục cẩn thận ông rất đạo đức và chăm chỉ học tập. Nhưng tới Paris, do ảnh hưởng bạn bè xấu. Ozaman bị khủng hoảng về đức tin. Ông thắc mắc hoài về việc có Thiên Chúa hay không? Có đời sống bên kia hay không? Chết rồi thì còn gì nữa? Bị giằn vặt về những tư tưởng hoài nghi đó, một buổi tối Ozaman vào nhà thờ cầu xin Chúa và Đức Mẹ cho cho mình được tâm hồn bình an, được lòng tin mạnh mẽ.
Tối đó, Ông thấy một cụ già đang quỳ gần cung thánh. Ozaman tò mò lên tận nơi ngó xem cụ già đó là ai. Thì ra cụ già đó chính là giáo sư Ampe đang lần hạt trước nhà tạm, trước mình thánh Chúa. Sau này Ozaman đã tự thú: “Vừa thấy như vậy, tự nhiên các hoài nghi của tôi tan biến, tôi tin tưởng mạnh mẽ có Chúa, có linh hồn, có cõi đời bên kia; vì một nhà bác học uyên thâm, một giáo sư lừng danh như Ampe mà còn tin có Chúa, đang quỳ gối lần hạt, thì tôi, con người tầm thường, sao tôi lại dám hoài nghi? Chính chuỗi hạt của AMPE đã giúp tôi nhiều hơn các bài giảng tôi nghe.”
Chúng ta cũng đã từng nghe tên Nã Phá Luân, người đã làm cho các nước Âu Châu xôn xao và lo sợ. Năm 1821, khi bị giam ở đảo Sainte Hélène, Nã Phá Luân đau nặng. Ông có nói với vị y sĩ điều trị: “Tôi tin có Chúa, tôi là Kitô hữu của Giáo Hội Lamã, tôi muốn chu toàn mọi nghĩa vụ tôn giáo đòi hỏi tôi, và muốn lãnh nhận mọi trợ giúp tôn giáo đưa lại cho tôi.”
Ngày 21 tháng 4 năm 1821 Napoléon đã xưng tội, ngày 30 tháng 4, ngày 3 tháng 5 năm 1821. Ông đã rước Mình Thánh Chúa, Ông mất ngày 5 tháng 5 năm 1821.
Hồi sinh thời, khi có dịp nghe đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe, Nã Phá Luân đã phát biểu: “Những lời trong bài tin mừng thánh Gioan khiến ta không thể nào hoài nghi việc Chúa hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể.” Khi hai vị linh mục tới đảo Saint Hélène thăm Nã Phá Luân, thì Ông có nói: “Tôi ước ao dự thánh lễ, tôi muốn tuyên xưng điều tôi vẫn tin kính.”
Thi hào nổi tiếng Francois Coppée, mất năm 1908 có viết: “Chính nhờ phép Thánh Thể, mà trong những lúc gay go hơn hết, cha ông chúng ta đã có được niềm hy vọng, và sự bình an trong tâm hồn.”
Người ta có thuật truyện, khi một người tới bão tin cho hầu tước Simon xứ Montfort là có phép lạ Chúa hiện ra trong hình bánh, và mời hầu tước tới coi, thì hầu như tước Simon trả lời: “Tôi không cần phải tới xem, vì tôi đã tin chắc vào lời của Chúa, điều đó đã đủ để tôi biết Chúa đang ở trong Bí Tích này.”
Chính Luther, người sáng lập giáo phái Tin Lành, một giáo phái tin có Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, tin Thánh Kinh, nhưng lại không tin Bí Tích Thánh Thể. Về cuối đời, chính Luther đã viết: “Tôi ước ao tìm được một người thật giỏi, để chứng minh được rằng trong bí tích thánh thể chỉ có bánh và rượu thôi, người đó sẽ giúp ích thật nhiều cho tôi. Tôi đã ra công, mệt mỏi nghiên cứu vấn đề này, nhưng tôi phải thú nhận rằng, tôi cứ bị ràng buộc trong đó, không có lối thoát. Bản văn của tin mừng thánh Gioan rõ ràng quá, tới nỗi không thể nào giải thích cách khác được.”
Đề tựa của Lm. HK