TRUNG TÍN
Hãy tin tưởng và trung thành với Thiên
Chúa, Người sẽ… giúp chúng ta đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách trong
cuộc sống hôm nay.
Sách Tôbia kể lại một câu chuyện nơi cuộc đời của ông
Tôbit và con ông là Tôbia trong cảnh sống lưu đày của người Do Thái giữa đế quốc
Ba Tư. Trong thời gian lưu lạc sinh sống, Tôbit có gửi nơi ông Gabael ở Raghes
xứ Mêdi mười tạ bạc. Khi Tôbit đã già, cảm thấy cận kề cái chết nên đã kêu con
là Tôbia lại, khuyên nhủ Tôbia phải hiếu thảo với mẹ, căn dặn về cách sống làm
sao để đẹp lòng Chúa, “Suốt mọi ngày đời
con, hỡi con, con hãy nhớ đến Chúa. Đừng cố ý phạm tội, lỗi các lệnh truyền của
Người. Hãy làm việc nghĩa mọi ngày. Đừng đi theo đường lối bất chính. Vì chưng
phàm ai làm sự thật sẽ được xuôi thuận trong việc làm, như mọi kẻ làm theo nhân
nghĩa” (Tb 4, 5-7). Sau đó, Tôbit nói về số bạc đã gửi. Bấy giờ, Tôbia thưa
lại: Thưa cha, mọi điều cha truyền dạy
con, con xin thi hành. Nhưng làm sao con có thể nhận lại được số bạc nơi ông ấy.
Ông không biết con mà con cũng chẳng biết ông. Con lấy bằng chứng gì để ông nhận
biết con, tin con, và trao số bạc cho con (x. Tb 5, 1-3).
Tôbit trả lời: Cha
và ông ấy đã làm một văn tự, cha đã cắt làm 2 mảnh, mỗi người giữ một mảnh, và
cha đã để văn tự ấy chung với số bạc, tính đến bây giờ đã 20 năm rồi.
Hai mươi năm rồi, với 10 tạ bạc đã gửi, Tôbia vâng lời ra
đi, với tâm hồn băn khoăn lo lắng. Được sứ thần Raphael dẫn đường, thời gian đi
mất hai ngày, Tôbia đã gặp được Gabael, nhận được đầy đủ số bạc và trở về bình
an. Gabael đã trung tín với sự ký kết để giữ số tiền đã gởi suốt 20 năm (x.
Tobia 4-5).
Trung tín với Chúa
Vào khoảng năm 1250 trước công nguyên, dân Do Thái khi được
giải thoát khỏ ách nô lệ của Ai Cập, trên đường vào đất hứa đã gặp những thử
thách nặng nề về lòng trung tín với Giavê Thiên Chúa. Hành trình trong sa mạc
Sinai là một hành trình thật khó khăn, vất vả, cam go, dân phải trả giá bằng sự
chịu đựng của khổ đau, đói khát, và cả sự chết. Nhiều lần, vì chỉ muốn
thỏa mãn về phần thể xác, họ đã không giữ được những cam kết, nên đã phản bội
Chúa (Bài đọc 1).
Cuộc sống trong hoàn cảnh hôm nay đang hướng con người
vào chủ nghĩa hưởng thụ và thực dụng. Vì thế con người đang bị đẩy vào vòng nô
lệ cho quyền lực của vật chất. Nhu cầu ăn uống và tiêu dùng không chỉ là để
nuôi sống, mà còn là để thể hiện “đẳng cấp” của con người. Những bữa tiệc quá
xa xỉ, những đồ dùng “hàng hiệu” không cần thiết là thời trang cho người trẻ
đang làm thay đổi cách nhìn về giá trị của cuộc sống. Con người giống như một
cái máy trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ. Đi tới đâu cũng dễ dàng tìm thấy
những quán cà phê, những điểm ăn nhậu, từ quán cóc bên vệ đường tới những nhà
hàng sang trọng, để phục vụ cho nhiều hạng người, đủ mọi thành phần như người
ta vẫn nói “tiền nào của nấy”, “thích thì chiều.”
Quá chú tâm vào công ăn việc làm, mong sao có nhiều tiền,
để hòa nhập với môi trường sống theo kiểu suy nghĩ như trên, làm nhiều người
quên đi của ăn tinh thần, quên đi trách nhiệm và bổn phận xây dựng sự trung tín
trong đời sống vợ chồng, quên đi sự giáo dục đức tin cho con cái, quên đi những
nghĩa cử tương thân tương ái, giúp phát triển một xã hội công bằng và yêu thương.
Sống như thế thì làm sao tránh khỏi những xung đột giữa vợ chồng, giữa cha mẹ
và con cái, dần dần dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình. Đó là điều hiển nhiên. Là
nguyên nhân gây nên những tệ nạn xã hội, làm băng hoại những giá trị truyền thống.
Sống như thế là đang phản bội những cam kết của người kitô hữu đối với
Thiên Chúa.
Thiên Chúa luôn trung thành
Một hôm, trong dịp Mùa Chay, có người hỏi một bạn trẻ:
-
Tại sao không đi xưng tội?
-
Đi xưng xong rồi cũng phạm lại tội ấy, con thấy
không được ích lợi gì.
Trả lời như thế là vô tình nói lên sự tự mãn, bởi nếu
không có ơn Chúa thì chẳng ai có thể sám hối, hoán cải để sống đẹp lòng Chúa được.
Chúng ta nhớ lời một bài hát thường được nghe trong thánh lễ cầu hồn: “Nếu Chúa chấp tội, Chúa ơi, nào ai đứng vững
thảnh thơi. Nhưng Cha khoan hồng thứ tha, khiến muôn dân luôn tin thờ.”
Nhìn lại quá khứ, ai trong chúng ta lại chẳng phải đi xưng
tội nhiều lần. Dẹp bỏ những đam mê như: cờ bạc, rượu chè, trai gái đâu dễ dàng
gì, đâu chỉ có một sớm một chiều mà trở nên tốt được. Cần có thời gian với một
ý chí triệt để, và nhất là với ơn của Chúa, cố gắng thực hành những lời dạy bảo
của Chúa Giêsu, thì chúng ta mới hy vọng khử trừ được lối sống xưa kia, để trở
nên con người mới được tác thành theo thánh ý Chúa (bài đọc 2). Chúa luôn thấu
suốt những yếu đuối, lỡ lầm của con người, nên dù con người có bất tín nhiều lần, Chúa vẫn trung thành với tình yêu.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là “hãy tin vào Đấng Ngài sai
đến.” Qua Chúa Giêsu, chúng ta biết được Thiên Chúa như người cha nhân hậu,
luôn yêu thương, chăm sóc và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm cho chúng ta. Đọc hạnh
các thánh, ta thấy có nhiều tội nhân sau một thời gian ăn năn thống hối, sống một
đời sống mới đã trở thành thánh nhân.
Nỗ lực đến cùng
Cũng như dân tộc Israel, Hội Thánh ngày càng gặp những thử
thách cam go, những thế lực của mưu mô xảo quyệt của ma quỉ, cho nên Đức Giêsu
luôn mời gọi chúng ta phải nỗ lực để trung thành với những cam kết, để chúng ta
được cứu độ. Chúng ta cũng gặp lại kinh nghiệm thương đau của dân Do Thái trong
hành trình sa mạc, để phải cần đến “manna” mà chỉ có Thiên Chúa mới cung cấp
cho ta được, nhưng đặc biệt hơn là “manna” hôm nay chính là Mình và Máu Chúa
Giêsu, lương thực thần linh, lương thực đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Chúng ta hãy tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa, Người sẽ nuôi dưỡng chúng
ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, giúp chúng ta đủ sức mạnh để vượt qua
những thử thách trong cuộc sống hôm nay.
Thánh Tôma More sinh tại Luân Đôn ngày 06 tháng 02 năm
1478, là người tài giỏi, được vua Henri VIII mời giữ chức chưởng ấn, được phong
làm hiệp sĩ năm 1523. Nhưng tới năm 1527, nhà vua muốn ly dị hoàng hậu Catarina
và cưới Anna Boleyn. Tôma More phản đối, bị vua thải hồi. Ngày 12 tháng 4 năm
1534 Tôma More được mời đến tuyên thệ nhận Anna Boleyn là hoàng hậu, và phải
tuyên thệ vâng phục quyền bính nhà vua, chứ không vâng phục Tòa Thánh. Ngài từ
khước. Ngài nói: “Như người con không thể
không vâng phục cha mình, thì Vương quốc Anh không thể không vâng phục Tòa
Thánh.” Vì thế, ngài bị giam trong ngục với đời sống âm thầm cầu nguyện, bị
tử hình ngày 06 tháng 7 năm 1535, với lòng vâng phục Hội Thánh và trung thành với
Thiên Chúa.
Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để được ăn
“Bánh bởi trời.” Tấm “Bánh Giêsu” sẽ là lương thực, là sức mạnh Thần linh để ta
được sống trong sự trung tín với tình yêu Thiên Chúa.