Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 12b


CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
NĂM B
Giop 38,1. 8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
BÀI ĐỌC I: Giop 38,1. 8-11
1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau:
8 Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, 9 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? 10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; 11 rồi Ta phán: "Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành! "
ĐÁP CA: Tv 106
Đ. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương
. (c 1)
23 Có những người vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi,giữa trùng dương lèo lái con tàu, 24 mắt đã tường việc Chúa làm nên và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
25 Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. 26 Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc.
28 Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. 29 Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng.
30 Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. 31 Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
BÀI ĐỌC II: 2Cr 5,14-17
Thưa anh em, 14 tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. 15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.
16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. 17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 7,16
Hall-Hall: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Hall.
TIN MỪNG: Mc 4,35-41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? "39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? "41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? "
THIÊN CHÚA LÀ CỜ TRẬN CỦA TÔI!
(Xh 17,15)
A. GIẢI THÍCH.
1/ Lý do Đức Giê-su quát bảo biển: “Im đi, câm đi!” (Mc 4,39)
Người Do Thái quan niệm “biển” là sào huyệt của quỷ thần. Do đó, để cho mọi người tin thật Chúa đã đuổi quỷ xuất khỏi một người, Ngài cho phép nó nhập vào đàn heo lao xuống biển (x Mc 5,13); để diễn tả về ngày cánh chung không còn sự ác, thánh Gioan nói : “Ngày ấy biển không còn nữa” (Kh 20,13; 21,1).
2/ Thánh Marcô ghi nhận hai lần thuyền các môn đệ gặp sóng gió.
a-     Khi Đức Giêsu ngủ trên thuyền các môn đệ đang vượt biển (x Mc 4,35t).
b-     Khi Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, còn thuyền các môn đệ đang vượt biển đến vùng Betsaiđa (x Mc 6,45t)
B. GIÁO HUẤN.
Trong kinh “Lạy Nữ Vương”, chúng ta vẫn thưa với Đức Mẹ: “Chúng con than van, chúng con khóc lóc trong thung lũng đầy nước mắt này”. Vì trải nghiệm cuộc sống không ai thoát được đau khổ. Có nhiều nguyên nhân gây đau khổ xô đến chúng ta, mà thánh Phêrô đã diễn tả: “Như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai!” (1Pr 5,8)
Có bốn nguyên nhân gây đau khổ cho chúng ta:
·        Do thiên nhiên.
·        Do chính việc làm.
·        Do Lời Chúa dạy.
·        Do tội lỗi.
I. THIÊN NHIÊN GÂY ĐAU KHỔ CHO CHÚNG TA.
Cụ thể như động đất, sóng thần, núi lửa, bão lụt, bệnh tật, già yếu, chết v. v…
Những nguyên nhân gây đau khổ cho chúng ta bởi thiên nhiên là do Chúa cho phép xảy đến, nhằm mục đích dạy cho ta biết: Không ai tìm được hạnh phúc, không ai tìm được nơi nương tựa vững chắc ở trần thế này. Do đó ta phải đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu nơi một thế giới khác, và phải tin tưởng, trông cậy vào một Đấng Toàn Năng làm Chủ vũ trụ, mới giúp ta thoát khỏi những đau khổ hoặc biến dữ ra lành, đưa ta vào thế giới hạnh phúc viên mãn đời đời.
II. ĐAU KHỔ DO CHÍNH VIỆC TA LÀM GÂY NÊN.
Việc nào càng quan trọng, càng đạt giá trị cao, thì khi làm việc đó ta cần phải khắc phục nhiều gian khổ mới sinh hai hiệu quả:
1- Làm phát triển sáng kiến và tài năng. Thí dụ: Đi bộ khổ, người ta sáng chế ra xe đạp; đi xe đạp còn chậm, mệt, sáng chế ra xe máy; đi xe máy còn bị mưa gió, sáng chế ra xe hơi; đi xe hơi còn bị kẹt đường, sáng chế ra máy bay v. v…
2- Cộng tác với những đau khổ của Đức Giêsu, để góp phần làm hoàn hảo ơn cứu độ Đức Giêsu thực hiện. Ông Phaolô đã sống chân lý này, nên nói: “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Quả thực với ai sống kết hợp với Chúa Giêsu, Ngài sẽ chủ động mọi sinh hoạt của người ấy, nên dù sự dữ có xảy đến, thì cũng là Ngài cho phép để biểu lộ Đức Tin và lòng Mến. Chân lý này ta tìm thấy qua trình thuật thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió trên biển mà Đức Giêsu vẫn nằm ngủ ở đằng lái! Nghĩa là Đức Giêsu lái thuyền mà lại ngủ! Điều này làm ta nhớ đến việc Chúa dạy ông Noe đóng tầu từng chi tiết: Dùng ván gì, nhựa nào để trét, dài bao nhiêu, rộng thế nào, có mấy tầng, mở cửa tầu ở đâu? Nhưng riêng bánh lái tầu quan trọng nhất, lại không thấy Chúa dạy cho ông Noe làm! Vì chính Chúa lái con tầu (x St 6,14-16).
Thời Tân Ước Chúa không còn “ngủ” nữa, bởi vì thân xác Ngài đã được thần hóa, luôn luôn “thức” và quan phòng những sóng gió Ngài cho phép nó xảy đến mức độ nào thôi, như lời Ngài nói: “Đường ranh giới của nó Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, tới đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” (G. 38,10-11: Bài đọc I). Dù Chúa quan tâm chăm lo đến ta mà ta vẫn còn sợ hãi, thì ta hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Thầy, chúng con chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38: Sóng gió lần I)
III. ĐAU KHỔ DO BỞI THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Thánh Phaolô nói: “Lời Chúa sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não, cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ” (Dt 4,12).
Lời Chúa như gươm đâm vào lòng ta đau, vì Lời Chúa vừa thâm sâu không ai hiểu thấu,có khi nghịch với ý muốn của phàm nhân. Thánh Tông Đồ nói: “Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người ai theo dõi được! Thật vậy,ai đã biết tâm tư của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11,33-34)
Đan cử:
·        Chúa bảo ông Abraham sát tế con trai duy nhất của mình (x St 22).
·        Chúa dạy: ai tạt má phải thì đưa luôn má trái (x Mt 5,39b).
·        Chúa không đem bình an mà đem gươm giáo, vì Ngài đến gây chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình (x Mt 10,34-35).
·        Thậm chí một người xin về chôn cất cha mới mất rồi đi theo Chúa mà Ngài không cho phép. Ngài nói: “Để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,59-60).
·        Đức Giêsu còn nói: “Kẻ nào không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14,26).
·        Chính Đức Maria tin vào Lời Chúa hứa trong ngày truyền tin: “Con bà là Con Đấng Tối Cao,Ngài sẽ làm Vua, vương quyền của Ngài vô tận” (Lc 1,32), nhưng Mẹ lại đứng nhìn Con chết treo trên thập giá! (x Ga 19,25t)
·        Cả đến Đức Giêsu cũng lần mò làm theo ý Cha, khiến Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu (x Lc 22,44).
IV. ĐAU KHỔ DO TỘI LỖI GÂY NÊN.
Đầu mối tội hay nguyên nhân chính gây ra đủ mọi thứ tội, đó là người ta hành động theo ý loài người mà không làm theo Lời Chúa dạy! Tội này khởi đi từ Ađam, Evà. Chúa bảo họ: Đừng ăn trái cây biết lành biết dữ, ăn nó là chết, thì họ lại cho ăn trái ấy là tốt, là sống hạnh phúc như Chúa! Tội này đã gây ra hậu quả:
-            Họ trần truồng xấu hổ, phải dùng lá vả làm khố (x St 3,7).
-            Họ sợ nghe tiếng Chúa, nên tìm cách lánh xa Ngài (x St 3,9-10).
-            Vợ chồng đố kỵ nhau và muốn chia lìa (x St 3,12).
-            Con cái họ giết nhau, lại tìm cách báo thù càng ngày càng gia tăng (x St 4), nên Chúa cho nước lụt khắp trái đất hủy diệt sự sống, trừ những sinh vật và gia đình ông Noe sống trong tầu (x St 6).
-            Đỉnh cao của tội là ly tán nhau, cả dòng giống Noe sống sót nói không hiểu nhau nữa, đành phải tản đi mỗi người mỗi ngả (x St 11,1-9).
Như thế, 11 chương đầu sách Sáng Thế (Khởi Nguyên) cho biết hậu quả của tội vô cùng tai hại, gây đau khổ cho mọi người, chỉ vì loài người không làm theo Lời Chúa dạy.
Nhìn vào lịch sử Cứu Độ, sóng gió bởi tội không làm theo Lời Chúa dạy, không chu toàn bổn phận chính Chúa đã trao.
Đan cử:
-            Ông Giona không làm theo Lời Chúa dạy, không đi giảng Lời cho dân ngoại Ninivê, ông xuống tàu vượt biển trốn nhiệm vụ Chúa trao, nên đã gây sóng gió cho cả đoàn người trên tàu, nếu người ta không xô ông xuống biển, thì chắc chắn biển đã nuốt chửng con tàu vào lòng nó! (x Gn 1)
-            Các Tông Đồ được dân tín nhiệm, nhiều người bán cả gia tài đưa tiền đặt dưới chân các ngài, để chia của đồng đều cho mọi người (x Cv 2,44; 4,32. 35). Các Tông Đồ tưởng việc làm này là quan trọng, yêu thương, thực tế, nên các ông hết lòng chu đáo công việc ấy, đến nỗi xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lời! Hậu quả đã gây xáo trộn trong cộng đoàn! Nhờ ơn Chúa soi sáng, các ngài nhận ra mình đã làm việc phụ mà bỏ việc chính. Do đó cộng đoàn phải chọn ra các Phó tế để lo công việc phục vụ người nghèo, còn các Tông Đồ trở về nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời. Từ đó cộng đoàn hết sóng gió! (x Cv 6,1-9).
Điều đau lòng hơn nữa là, nhiều khi sóng gió do chính tội mình gây đau khổ cho nhiều người, lại không sám hối,có khi còn đổ lỗi quanh cho nhau nhằm quy trách về Thiên Chúa (x St 3,12-13).
Khi chúng ta gặp đau khổ do tội lỗi người khác gây nên, hoặc phải mò mẫm làm theo ý Chúa, thì ta hãy bắt chước Đức Tin của tổ phụ Abraham, lúc Chúa bảo ông đưa con đi sát tế (x St 22), thì đừng quên Lời Chúa phán: “Hãy vững lòng, chính Thầy đây đừng sợ!” (Mc 6,50: Sóng gió lần II). Bởi vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thật vậy, “Đức Giêsu đã chết thay cho mọi người và Ngài đã phục sinh, nếu ta đón nhận Ngài qua Bí tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể), thì Ngài làm cho ta thành thụ tạo mới, con người cũ (tội lỗi) đã qua đi, con người mới được thành sự” (x 2Cr 5,14-17: Bài đọc II). Giá trị này nhờ Đức Giêsu đã tiến thẳng vào tận Cung Thánh trên trời, hằng cầu nguyện cho ta, khởi đi từ lúc Ngài cầu nguyện trên thập giá làm ứng nghiệm việc Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các Tông Đồ lúc ở trên núi nhìn thấy thuyền các ông gặp sóng gió lần thứ hai, để cho ta được nguồn an ủi mãnh liệt, nắm chắc hy vọng đặt trước mặt, ví thể neo thần ta có cho hồn ta bền chắc vững chãi! (x Dt 6,17-19: Bản dịch NTT).
Tuy nhiên, khi chúng ta định làm điều gì, trước đó đã xưng tội, rước Lễ và cầu xin Chúa hướng dẫn, mà việc ấy xảy ra không đúng theo ý mình xin, thì ta cứ bắt chước ông Gióp đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho, Chúa lại cất đi, con xin tạ ơn Ngài” (G. 1,21b), vì ta tin Chúa thực hiện Lời Ngài đã hứa: “Mọi điều anh em xin hãy tin là đã được và anh em sẽ thấy thành sự” (Mc 11,24). Bởi lẽ: “Ai yếu mến Thiên Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt đẹp!” (Rm 8,28). Ngài tỏ quyền năng và tình yêu đối với những kẻ trông cậy vào Ngài, nên tội được Ngài biến ra ơn, đau khổ trở thành vinh quang, chết được sống lại.
Vậy “hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107/106,1: Đáp ca). Vì “vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Thiên Chúa là cờ trận của tôi! (Xh 17, 15)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh