Lời Chúa cntn 12b _ lòng chúng con đừng xao xuyến

LÒNG CHÚNG CON ĐỪNG XAO XUYẾN  
Những lúc Giáo Hội bị thử thách, bị sóng gió, Chúa vẫn hiện diện trong Giáo Hội, để che chở Giáo Hội.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài tin mừng chúng ta vừa nghe, cho ta thấy quyền phép của Chúa Giêsu. Ngài quả thực là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì “cả gió lẫn biển cũng phải vâng phục Ngài” (Mc. 4.35-40)
Người ta cũng nhắc tới ý nghĩa thiêng liêng: Giáo Hội là con thuyền lênh đênh giữa biển khơi, đưa các tín hữu vào bến đời đời. Trong những lúc Giáo Hội bị thử thách, bị sóng gió, Chúa vẫn hiện diện trong Giáo Hội, để che chở Giáo Hội.
Cuộc đời mỗi người chúng ta, cũng có thể ví như con thuyền đang vượt biển trần gian, hướng về bến bờ thiên quốc. Trước mọi biến cố, nhất là những biến cố rủi ro, trước những bận tâm lo lắng của chúng ta, Chúa cũng thường nhắc nhở chúng ta như xưa đã nhắc nhở các tông đồ: “Sao con sợ hãi thế, con không có đức tin ư?” (Me.4, 40).
Dale Carnegie đã thuật lại hoàn cảnh gia đình, và cuộc sống tuổi thơ của ông:
Má tôi dậy trong một trường làng, còn ba tôi làm công trong một trại ruộng, mỗi tháng được 12 mỹ kim. Má tôi chẳng những may đồ cho cả nhà, mà còn nấu lấy xà bông cho chúng tôi giặt đồ nữa.
Ít khi chúng tôi có tiền, từ mỗi lần bán heo: chúng tôi đưa bơ sữa lại hàng tạp hóa đổi lấy bột, cà phê, đường. Cho tới năm 12 tuổi, mỗi năm tôi không có lấy một cắc rưỡi để tiêu riêng. Có một lần đi coi hội xin ba tôi được một cắc, mà như tưởng trong tay cầm tất cả bạc, châu ngọc của các ông hoàng Ấn Độ. Tôi đi bộ non hai cây số đến trường học, chỉ có mỗi một lớp. Mùa lạnh tuyết đóng đầy mặt đất, và hàn thử biểu nhiều khi chỉ 28 độ dưới số không. Thế mà cho tới lúc 14 tuổi, không bao giờ tôi được một đôi giầy cao su, trong mấy tháng đông dài, chân tôi luôn luôn giá lạnh, và không bao giờ tôi tưởng tượng ở đời có người được hai chân ấm ráo trong mùa đông.
Song thân tôi làm việc như mọi, mỗi ngày 16 giờ, vậy mà chúng tôi luôn bị nợ nần quấy rầy và vận xui đeo đẳng. Hồi nhỏ tôi phải thấy cảnh lụt: nước sông tràn  ngập ruộng nương, tàn phá mọi vật. Cứ bảy năm thì lụt tới sáu, mùa màng tiêu tan. Không năm nào heo không chết dịch. Và bây giờ, nhắm mắt lại, tôi lẫn còn ngửi thấy mùi khét nẹt của xác heo đem thiêu.
Một năm, may không lụt, trúng mùa, chúng tôi mua bò về nuôi, bò mập ú, nhưng không lụt mà còn tệ hơn lụt, vì năm ấy, giá bò ở chợ Chicago hạ tới nỗi bò nuôi mập mà bán chỉ được lời có 30 mỹ kim. Vất vả cả năm vì 30 mỹ kim! Làm gì cũng vẫn lỗ, tôi còn nhớ, ba tôi mua la con về nuôi, nuôi ba năm, mướn người chăn dậy, rồi chở tới Memphis ở Tennessy, chịu bán với giá thấp hơn giá mua ba năm trước. Sau 10 năm vất vả, ăn uống kham khổ, chúng tôi không còn một xu dính túi, mà còn mang nợ đến nước phải cầm vườn, cố trại.
Hết sức làm lụng mà vẫn không trả nổi tiền lời, nên nhà ngân hàng làm nhục, chửi rủa, và đe đuổi ba tôi đi. Lúc đấy, người 47 tuổi. Trên 30 năm: đầu tắt mặt tối, người chỉ chuốc thêm nợ nần, nhục nhã. Chịu không nổi người sinh âu sầu, sức lực tiêu mòn, cho nên dù làm lụng suốt ngày ở ngoài đồng, mà vẫn không thấy đói. Mỗi ngày mỗi rạc đi. Bác sĩ nói với má tôi rằng: người không thể qua được sáu tháng nữa. Thì chính vì lo lắng quá, người có muốn sống thêm ngày nào nữa đâu. Tôi thường nghe má tôi kể: hễ ba tôi đi cho ngựa ăn, hoặc vắt sữa bò, mà lâu không thấy về, thì má tôi vội mã đi kiếm, sợ trông thấy xác chồng lủng lẳng ở đầu một dây thừng.
Một hôm khi ở Maryville về, nhân lại vừa bị nhà ngân hàng dọa đem phát mãi lẫm, ba tôi gò cương giữa đầu, rồi xuống đứng ngó xuống dòng nước, một hồi lâu, phân vân không biết có nên nhảy xuống đó cho rồi đời không? Về sau ba tôi kể rằng: bữa ấy người không tự vẫn mà nhờ má tôi quyết tin: Nếu ta yêu mến, phó thác nơi Chúa, tuân lời Chúa, thì mọi sự đều được như ý. Vì vậy ba tôi còn sống thêm được 42 năm nữa, cho tới năm 1941, thọ được 89 tuổi.
Trong những năm phấn đấu đầy đau lòng ấy, không bao giờ thấy má tôi ưu tư; có nỗi gì lo lắng, thì người cầu xin Chúa. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, người đọc một chương thánh kinh. Ba má tôi thường đọc những câu sau đây của Chúa Giêsu:
“Lòng chúng con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với chúng con rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con, thì Thầy sẽ trở lại, và đem chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu chúng con cũng ở đó.” (Gioan 14, 1-3)
Sau đây là một câu truyện trong nhiều câu truyện kỳ lạ của một vị thánh: Thánh Don Boscô. (Câu truyện có vẻ hài hước, nhưng nó cũng cho ta thấy Thiên Chúa vẫn dùng công việc của các thánh, để nhắc nhở chúng ta phải vững lòng tin, tuy chỉ là tin vào sự quả quyết của một vị thánh).
Một vị tướng, ngụ tại Tônrino, (nơi thánh Don Boscô lập dòng Salésien) bị đau nặng. Bệnh tình tới lúc nguy cấp. Ông cho mời Cha Don Boscô tới. Nhưng rồi cả gia đình ông bỡ ngỡ vì Cha Don Boscô chỉ giải tội cho Ông, chứ không cho Ông chịu của ăn đàng (Rước lễ lúc nguy tử). Mặc dầu các bác sĩ đã công nhận là bệnh nhân không thoát khỏi cơn nguy kịch. Hôm đó là ngày 22 tháng 5. Cha Don Boscô nói: “Ngày mốt chúng tôi mừng lễ” Đức Mẹ phù hộ, Ông sẽ cầu xin Đức Mẹ và rồi ngày đó Ông tới rước lễ tại thánh đường “Đức Mẹ phù hộ” để cảm ơn Đức Mẹ cho Ông khỏi bệnh.” (thánh đường do chính thánh nhân đã xây cất).
Ngày 23 bệnh tình của vị tướng nặng thêm. Giờ chết coi như đã tới gần. Người ta nghĩ đã tới lúc phải cho Ông chịu các bí tích sau cùng. Tuy nhiên gia đình rất băn khoăn, vì Cha Don Boscô đã nói là, nếu không có mặt ngài, thì không được cho xức dầu. Vào lúc 8 giờ tối, gia đình cho người tới báo cho Cha Don Boscô biết là bệnh nhân không có hy vọng qua đêm nay. Nhưng chiều đó là chiều áp lễ “Đức Mẹ Phù Hộ”, tuy ngài đã ngồi tòa cho các em ngay từ sáng sớm, mà tới đêm vẫn còn nhiều em đang sắp hàng chờ tới phiên được vào tòa. Người nhà vị tướng nói: “Xin Cha đến mau cho, vị tướng đang hấp hối.” Cha Don Boscô trả lời: “Tôi đang bận ngồi tòa, tôi phải giải tội cho các em xong đã, rồi tôi sẽ tới.” Rồi ngài cứ tiếp tục giải tội. Mãi tới 11giờ đêm các em mới xưng tội xong. Người ta đã để sẵn xe ở cửa, và nói với Cha: “Xin Cha lên xe và đến mau cho.”
Cha Don Boscô nói: “Tôi sẵn lòng, nhưng từ sáng tới giờ tôi chưa ăn gì, tôi sắp xỉu. tôi cần phải ăn trước nửa đêm (thời đó còn luật giữ chay thánh lễ: thông thường không được ăn uống gì từ 12 giờ đêm tới lúc rước lễ, hay làm lễ), sáng mai tôi lại phải ngồi tòa từ 5 giờ sáng.”
Người nhà vị tướng nói: “Xin Cha cứ tới cho, Cha dùng gì sẽ dọn cho Cha.” Cha Don Boscô lên xe, khi vừa tới, người nhà vị tướng đon đả ra đón, và nói: “Thưa Cha, xin Cha xức dầu cho, vì coi như bệnh nhân đã bất tỉnh.”
Cha Don Boscô nói: “Sao mà yếu tin thế, tôi đã nói là sáng mai lễ Đức Mẹ Phù Hộ, Ông sẽ đi rước lễ. Bây giờ gần nửa đêm rồi, cho tôi ăn gì đã.” Thế rồi Cha Don Boscô bình tĩnh ngồi vào bàn ăn. Ăn xong, Cha bảo đưa xe chở Cha về tu viện. Thực ra, thì vị tướng này nằm im lìm, và đang ngủ ngon.
Sáng hôm sau, Ông tỉnh thức thấy khỏe mạnh, Ông bảo con đưa đồ cho Ông mặc, để Ông đi rước Mình Thánh Chúa, do chính Cha Don Boscô trao.
Lúc 8 giờ sáng, Cha Don Boscô vào phòng áo, mặc lễ phục, chuẩn bị ra làm lễ, thì một vị vọng vào phòng áo hỏi: “Thưa Cha, con tới đây rồi.”
Cha Don Boscô nói: “Xin lỗi, tôi được tiếp truyện với vị nào đây?”
Vị tướng nói: “Cha quên con rồi sao? Cha không nhận ra con nữa sao?”
Cha Don Boscô trả lời: “A, tôi nhớ rồi, cảm ơn “Đức Mẹ Phù Hộ”, tôi đã nói là Ông sẽ tới thánh đường Đức Mẹ, để rước lễ và để cảm ơn Đức Mẹ.”
Vị tướng nói: “Xin Cha giải tội cho con, để con rước lễ trong thánh lễ Cha cử hành.”
Cha Don Boscô nói: “Ông mới xưng tội cách đây hai ngày, thế là đủ.”
Vị tướng nói: “Thưa Cha, nhưng con cần xưng tội, vì con đã phạm tôi yếu lòng tin, con đã không tin lời Cha.”
Cha Don Boscô giải tội cho Ông, Ông rước Chúa trong thánh lễ, và trở về nhà, trước sự cảm động của cả gia đình.
Đề tựa của Lm. HK