Lời Chúa cnps 2b _ hãy tin

HÃY TIN
Chúng ta cũng hãy mang lấy những dấu tích đau thương của Chúa không phải nơi thân xác nhưng trong tâm hồn và cuộc sống chứng nhân... 
Logos
Vào một ngày hè nóng nực ở Florida, nước Mỹ, một cậu bé đi bơi ở con sông bên cạnh nhà. Bên khung cửa sổ, ánh mắt người mẹ dõi theo cậu con trai yêu quý đang nô đùa giữa dòng nước mát. Đột nhiên, người mẹ hoảng hốt khi thấy một con cá sấu đang từ từ tiến đến gần cậu bé. Hoảng sợ đến tột độ, bà phóng ra bờ sông, vừa chạy, vừa la hét gọi con trai.
Nghe tiếng mẹ gọi, cậu bé phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại phía bờ. Nhưng quá muộn! Đúng vào lúc cậu bơi tới bờ, thì cũng là lúc con cá sấu đớp vào chân cậu. Từ trên bờ, người mẹ không chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và thế là bắt đầu một trận kéo co dữ dội. Con cá sấu khỏe hơn người mẹ rất nhiều. Nhưng người mẹ với sức mạnh của tình mẫu tử cũng không buông tay. Cuối cùng, nhiều người đã chạy đến kịp thời giải cứu cậu bé. Sau nhiều tháng nằm bệnh viện, cậu bé đã bình phục với một cái sẹo thật to nơi chân.
Ngày nọ, một phóng viên đến chụp ảnh cậu bé với vết sẹo và nói với cậu đây sẽ là vết sẹo khó quên nhất trong đời cậu. Nhưng cậu bé kêu lên: “Thưa bác, đây mới là vết sẹo đáng ghi nhớ!” Nói xong, cậu bé vén tay áo lên cho thấy một vết sẹo sâu hoắm với những vết cào xước do móng tay người mẹ bấm sâu vào da thịt đứa con, để giữ cậu lại trước hàm răng cá sấu. Cậu bé không bao giờ quên vết sẹo của tình thương ấy.
Vết sẹo của cậu bé chỉ là vết sẹo của người được thương, nhưng trổi vượt hơn nhiều, Chúa Giêsu đã bày tỏ những “vết sẹo tình thương” là những dấu đinh nơi thân xác Ngài, để củng cố niềm tin của các tông đồ, nhất là làm cho tông đồ Tôma được vững tin. Qua đó, Chúa cũng muốn dạy chúng ta bài học của niềm tin.
Những dấu đinh, chứng tích của niềm tin
Chúa Kitô Phục Sinh chính là Tin Mừng nền tảng của Kitô giáo. Nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, niềm tin của mọi kitô hữu sẽ bị sụp đổ. Thế nhưng, Tin Mừng Phục Sinh không phải là một điều dễ tin.
Khi đứng trước “ngôi mộ trống”, các người theo Chúa, đặc biệt là các tông đồ chưa hoàn toàn tin rằng Thầy mình đã thực sự sống lại. Vì điều đó, nên Chúa Giêsu Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các tông đồ và các người theo Chúa, để củng cố niềm tin của họ bằng những dấu chứng khả giác và cụ thể. Vậy, trong những lần hiện ra, Chúa đã dùng những dấu chứng mà giác quan có thể cảm nhận được.
Đó là tiếng gọi “Maria” thân thương của Chúa ở bên mồ khiến bà Maria Mađalêna vừa nghe thấy đã nhận ra Ngài. Đó là cử chỉ “bẻ bánh” quen thuộc của Chúa khiến đôi mắt của hai môn đệ làng Emmaus sáng lên và nhìn ra Chúa. Đó là “mẻ cá đầy” ở biển hồ Tibêria khiến các tông đồ nhận biết Chúa đã hiện ra và ở bên cạnh họ. Nhất là biến cố Chúa Giêsu củng cố niềm tin của Tôma mà chúng ta vừa nghe thánh Gioan thuật lại trong bài Tin Mừng.
Chỉ trong vòng 8 ngày, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ đến hai lần. Lần thứ nhất, không có tông đồ Tôma. Chúa Giêsu hiện ra, cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn, các ông đã vui mừng vì xem thấy Chúa. Lần thứ hai, có tông đồ Tôma, Chúa Giêsu hiện ra, nói với Tôma hãy chạm đến dấu đinh và vết thương của Ngài để tin. Ngay lúc ấy, đức tin của Tôma đã được củng cố và ngài đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”
Như thế, dấu đinh và vết thương nơi thân xác Chúa Giêsu là những dấu chỉ khả giác để các tông đồ, nhất là Tôma nhận ra và tin vào Chúa Phục Sinh. Ngài không dùng ánh vinh quang chói lọi hay phép lạ huy hoàng để làm cho đức tin của các môn đệ được vững vàng. Nhưng Chúa đã dùng những chứng tích đau thương để nâng dậy đức tin của người theo Chúa.
Hơn bao giờ hết, qua kinh nghiệm đức tin của Tôma, chúng ta hiểu rằng: Thánh giá mới thực sự biểu lộ vinh quang và dấu đinh chính là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh.
Những dấu đinh, dấu chỉ đức tin của thời đại
Thánh Tôma được gọi là “kẻ cứng lòng tin” vì một lý do căn bản: ngài đã chán nản, thất vọng trước cái chết của Thầy mình. Vì thế, ngài đã xa lánh anh em, trốn chạy thực tế đau buồn và đánh mất niềm tin vào anh em, vào cộng đoàn. Vì lý do đó, khi các môn đệ khác kể lại việc Chúa hiện ra, Tôma đã không tin. Lời trách cứ của Chúa Giêsu dành cho Tôma cũng là dành cho mọi người trong mọi thời đại: “chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.”
Con người của ngày hôm nay, thời đại của khoa học thực nghiệm, cũng không dễ tin vào những gì không kiểm nghiệm được. Hơn nữa, con người thời nay cũng giống như Tôma, đang đánh mất niềm tin vào tất cả: đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào xã hội, vào gia đình, vào chính những người thân yêu nhất, những người anh em của mình.
Vì thế, một vấn nạn lớn đặt ra cho chúng ta: làm thế nào để trở thành chứng nhân niềm tin cho mọi người hôm nay? Làm thế nào để thuyết phục người ta tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đang hiện diện và đồng hành với họ?
Con người của nền khoa học tân tiến hôm nay không dễ tin. Họ cũng đòi hỏi như Tôma, phải “nhìn tận mắt, sờ tận tay” mới chịu tin. Vậy, chúng ta có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh bằng cách trình bày cho họ thấy rõ được khuôn mặt của Chúa Phục Sinh.
Nhưng làm sao họ có thể nhận ra được dung mạo của Đức Kitô Phục Sinh, nếu họ không thấy những dấu đinh, những vết thương, những chứng tích của “Chúa Kitô chịu đóng đinh” nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống của người kitô hữu? Làm sao họ có thể tin được, nếu họ không thấy những chứng tích của những đôi vai bầm dập vì gánh nặng thập giá, của những bàn tay chai cứng vì lao động và phục vụ, của những trái tim rướm máu vì hy sinh và dám cho đi tất cả? Làm sao họ có thể tin được, nếu họ không thấy dấu chứng của cộng đoàn yêu thương sau ngày Chúa sống lại, mà sách Tông Đồ Công Vụ đã mô tả trong bài đọc I: “Bấy giờ, tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung.” Làm sao họ tin được nếu chúng ta chỉ yêu thương trên “đầu môi chót lưỡi”, mà trong gia đình, trong giáo xứ vẫn còn có những hận thù ghen ghét, vẫn còn những chia rẽ bất hòa?
Chúng ta đang mang trên mình những chứng tích tình yêu của “Chúa Kitô đóng đinh”, để biểu lộ “Chúa Kitô Phục Sinh.” Chớ gì những vết thương của Ngài nơi cuộc sống của chúng ta sẽ làm cho niềm tin của mọi người được tỏa sáng trong thế giới hôm nay.
Ngày 23/9/1968, cha Piô Năm Dấu, vị linh mục nổi tiếng dòng Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại nước Ý. Ngài nổi tiếng vì được Chúa in năm dấu thánh trên thân thể suốt 50 năm. Năm dấu thánh đó là năm vết thương của Chúa được in trên hai tay, hai chân và cạnh sườn cha Piô. Những vết thương đó thường rỉ máu và làm cho ngài đau đớn khôn tả. Ngài được khám nghiệm y khoa và được kiểm chứng bằng khoa học nhiều lần. Nhưng tất cả các nhà chuyên môn đều không thể giải thích được hiện tượng này và cũng không có cách nào chữa trị được các vết thương đó.
Ngày 02/5/1999 ngài được phong chân phước và ngày 16/6/2002 được phong hiển thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Cha thánh Piô đã được in năm dấu thánh để được hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Đó cũng là những chứng tích niềm tin cho một thế giới “cứng lòng tin” hôm nay. Chúng ta cũng hãy mang lấy những dấu tích đau thương của Chúa không phải nơi thân xác nhưng trong tâm hồn và cuộc sống chứng nhân, để làm cho niềm tin được tỏa sáng đến mọi người.