Suy tư mùa chay _ ly cà phê trên tường


LY CÀ PHÊ TRÊN TƯỜNG
Sự tôn trọng tuyệt vời dành cho người nghèo được thể hiện bởi các cư dân ở thị trấn này, họ đã làm cho đôi mắt chúng tôi đẫm lệ.
Nhat Lung

Tôi vẫn nhớ câu chuyện vào mùa hè năm ấy, khi tôi đi du lịch ở một thành phố biển mơ mộng. Những buổi chiều lang thang dọc bãi cát trắng mịn cùng với không khí trong lành nơi đây khiến tôi thấy tâm hồn mình trở nên yên ả.

Quán cafe nhỏ bé ấy nằm yên ả ở cuối đường, nơi hướng ra biển, có thể ngắm trọn vẹn dải cát dài quyến rũ ôm lấy những đợt sóng xô vào vách đá. Quán cafe không quá đông người, tôi may mắn chọn được chỗ ngồi hướng ra biển và nhâm nhi tách cafe béo ngậy.

Lúc ấy, có 1 người đàn ông bước vào quán. “Cho 2 ly cafe sữa, 1 ly dán lên tường.” Thế rồi ông ta ngồi chờ đợi ly cafe của mình. Không lâu sau, người phục vụ mang cho ông ta một ly cafe kèm theo một mẩu giấy nhớ xinh xắn dán lên tường, ghi “Một ly cafe trên tường”.

Tôi thấy ngạc nhiên và tò mò, nhưng chỉ dám liếc nhìn một chút. Uống xong ly cafe của mình, người đàn ông ấy trả tiền cho 2 ly cafe và rời khỏi quán.

Một lúc sau, lại có hai người khác bước vào quán, cũng ngồi bàn đó. “Cho 3 ly cafe đen, 1 ly dán lên tường.” Người phục vụ lại mang đến hai ly cafe và một mẩu giấy nhớ xinh xắn khác, cùng với dòng chữ tròn trịa, “Một ly cafe trên tường”. Họ uống xong cafe lại rời khỏi quán, và trả tiền cho 3 ly cafe. Mọi người ngồi đó không tỏ chút ngạc nhiên hay hoài nghi, chỉ có tôi rời quán mang theo chút tò mò.

Vài ngày sau, tôi quay lại quán cafe đó trước khi rời khỏi thành phố này. Khi tôi đang nhấm nháp ly cafe của mình, thì có 1 người đàn ông bước vào, ngồi ở bàn đó – chiếc bàn của những ly cafe trên tường. Tôi mới để ý là trên tường có nhiều mẩu giấy nhớ đầy màu sắc. Người đàn ông kia có dáng vẻ kham khổ, và thú thật, ông ta không được sạch sẽ cho lắm. “Cho tôi một ly cafe trên tường.” Người đàn ông nhã nhặn nhìn người phục vụ và nói. Người phục vụ nhìn ông ta với ánh mắt hiền hòa, niềm nở, đáp. “Có ngay.” Một lúc sau, người phục vụ mang ra một ly cafe, khi đã đặt ly cafe trước mặt vị khách, anh ta gỡ một mảnh giấy xuống và để vào chiếc hộp lưu niệm ở quầy thanh toán. Lúc này thì tôi cũng khám phá ra điều mình hiếu kỳ mấy ngày hôm nay, điều ấy khiến tôi thấy ấm áp.

Cafe vốn không phải là một thứ vật phẩm ta bắt buộc phải có, cafe – đơn giản chỉ là một loại đồ uống ngon, hấp dẫn. Nhưng, phải chăng, khi ta thưởng thức một điều tốt đẹp gì đó, ta cũng nên nghĩ đến người khác, bởi có những người cũng thích thứ đó như đó lại là vật phẩm xa xỉ với họ. Điều tôi ngạc nhiên hơn đó là thái độ của người phục vụ, anh ta luôn niềm nở dù khách hàng của mình là ai, giàu có hay nghèo khổ. Và cả người đàn ông uống ly cafe trên tường, không một thái độ năn nỉ, cầu xin, anh ta tự trọng nhìn lên tường để yêu cầu một ly cafe cho mình. Cuộc sống, phải chăng đơn giản là có những người tự nguyện cho đi và có những người biết cách chấp nhận lòng tốt của người khác? Tôi rời khỏi thành phố ấy với kí ức về bức tường có nhiều mẩu giấy sặc sỡ, cũng như cách sống và tấm lòng của con người nơi đây. 
Một con tim biết thương xót không có nghĩa là một con tim yếu đuối.
”... Ai muốn tỏ lòng xót thương thì phải có một con tim mạnh mẽ, vững vàng, đóng lại trước Satan, nhưng mở ra cho Thiên Chúa; một con tim để cho Thánh Linh xuyên thấu và dẫn đi trên những nẻo đường tình yêu đến với anh chị em mình; và cuối cùng, một con tim nghèo, nhận ra sự nghèo hèn của chính mình và sẵn sàng trao tặng người khác...” (Sứ điệp mùa chay 2015 – ĐGH Phanxicô)