NHỮNG
NGÃ RẼ NGUY HIỂM
Từ cổng thành đến
Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ lối khác. Tại sao như thế?
Lễ Lá có một khởi
đầu vui và một kết thúc buồn. Ðức Giêsu long trọng vào thành thánh Giêrusalem
trong lời hoan hô chúc tụng và sau đó chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên
thập giá.
Con đường vào
thành Giêrusalem vinh quang vương giả với đám đông ngưỡng mộ, cành lá và quần
áo trải thảm đường đi. Con đường lên Núi Sọ với thân kẻ tội đồ vác thập giá, những
lời nhục mạ, roi đòn tơi tả và hai tội nhân đồng hành.
Tiến bước theo
Chúa trên đường thương khó để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.
Từ Chúa Nhật Lễ
Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không
xa, nhưng biết bao người đã rẽ lối khác. Tại sao như thế?
Theo dấu vết của
những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ trên hành trình cuộc đời. ĐTGM Giuse
Ngô Quang Kiệt suy tư về ba ngã rẽ tiêu biểu, của Giuđa, Phêrô và đám đông.
1. Ngã rẽ của đám
đông
Dân thành
Giêrusalem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những cành lá cây rải trên đường
để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một
nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: "Hoan hô con vua Đavít," "Vạn
tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến." Thế mà sau đó không lâu, nghe lời
xúi giục của tư tế, kinh sư, pharisiêu, họ lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò
la, gào thét đòi "đóng đinh nó
đi!" Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn,
quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế
mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười.
Đám đông đã rẽ
sang lối nào? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy
người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười
nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án. Đám đông thật nông nổi nhẹ dạ.
Đám đông thường dễ bị lôi cuốn, người ta làm gì mình làm nấy mà nhiều khi chẳng
biết tại sao. Có nhiều người trong đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu. Có
lẽ còn có nhiều người đã từng nhận ân huệ của Chúa Giêsu! Thế nhưng, họ đã bị
đám đông lôi cuốn vào việc kết án người công chính. Giữa cuộc đời hôm nay, biết
bao người công chính, thanh liêm, trung trực, chính nghĩa đã chịu vu vạ cáo
gian dẫn đến tù tội do đám đông nông nổi bị lừa dối, bị tuyên truyền!
2. Ngã rẽ của Giuđa
Giuđa là môn đệ
trung tín theo Chúa trong suốt ba năm. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho
công việc quản lý. Một ngày kia Chúa Giêsu đang cùng các môn đệ dùng bữa tại
nhà ông Simon, bỗng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, rồi chị lấy
dầu xức lên chân Chúa. Giuđa phản đối "Sao
lại phí thế! Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi
giúp người nghèo có phải thực tế hơn không?" Giuđa có đầu óc biết tính
toán và thực tế của người quản lý tài chánh.
Ngày Lễ Lá chắc
chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông biệt vắng. Ông đã rẽ sang lối
khác. Lối rẽ theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa
chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người
khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền. Một con người bạc
bẽo, vô tình vô nghĩa. Trong tình yêu có gì đẹp bằng nụ hôn! Vậy mà Giuđa dùng
nụ hôn làm dấu hiệu nộp Thầy. Trong tình yêu, tội phản bội làm tổn thương và
đau đớn vô cùng. Tình yêu càng lớn lao bao nhiêu, khi bị phản bội càng đau đớn
bấy nhiêu. Ngã rẽ Giuđa biểu tượng cho những người quá say mê của cải vật chất ở
đời này đến mức quên tình quên nghĩa, phản bội người khác, kể cả ân nhân của
mình.
3. Ngã rẽ của Phêrô
Phêrô là môn đệ
thân tín của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có
bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá, Phêrô ở bên Chúa. Ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh, chẳng thấy bóng ông đâu. Phêrô đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng, thích hưởng thụ và sợ bị liên lụy. Lười
biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với
Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc
xét xử Thầy thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An
nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa. Phêrô chối Chúa cũng vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông
không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Chúa Giêsu thì chắc
Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu. Nhưng vì họ là người của
Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo rồi ông cũng bị bắt luôn.
Phêrô đã theo
Chúa Giêsu suốt ba năm. Phêrô nếm trải biết bao gian khổ, ông đón nhận tất cả
mà không kêu ca nề hà gì. Nhưng hôm nay ông chối Chúa vì sợ bị liên lụy, vì an
toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ đến một giới hạn
nào đó thôi.
Phêrô là người
được Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc, lo lắng, và được Ngài ban cho biết bao là
ân huệ. Nào là vai trò thủ lãnh của Nhóm Mười Hai, nào là nhiệm vụ cầm giữ chìa
khóa Nước Trời: "Dưới đất, anh cầm
buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,19); và còn được gọi là
Kêpha, nghĩa là đá... vậy mà khi đối mặt với một đứa hầu gái vô danh tiểu tốt,
đá lại mềm ra như bún, ông chối phăng không biết Giêsu là ai, ông lại còn dám cả
gan thề độc: "Tôi thề là không có biết
người các ông nói đó!" (Mc 14, 71). Ông là người nhiệt tình nhất với
Chúa Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Thầy. Thế mới biết, bất cứ ai cũng yếu
đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Phêrô đã sa ngã. Vậy mà ông cứ luôn tưởng rằng
mình mạnh mẽ.
Để tự nhiên, chắc
chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Người ta thay lòng
đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, sợ bị liên lụy và của theo hướng
của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.
Nếu có mặt
trong ngày Chúa chịu khổ nạn, tôi và bạn có rẽ sang lối nào không? Tôi và bạn sẽ
rẽ sang con đường phản bội của Giuđa? Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường chối Chúa
của Phêrô? Tôi và bạn sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các
môn đệ? Tôi và bạn sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa? Hay tôi và bạn cũng
theo quân lính đánh đập Chúa? Tôi và bạn có kết án bất công như Philatô không? Tôi
và bạn có hùa với kẻ mạnh đàn áp bắt nạt người thấp cổ bé miệng như đám đông
dân chúng không? Tôi và bạn phải dứt
khoát lựa chọn một con đường.
Con đường theo
Chúa không êm ái nhẹ nhàng và thênh thang đâu. Đó là con đường thập giá: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo" (Lc 9, 23). Đường thập giá
là đường một chiều. Đường thập giá là đường lên dốc. Và đường thập giá là đường
có nhiều ổ gà dằn xóc. Vì thế mà có nhiều người bỏ cuộc nên rẽ sang một hướng
đi khác. Nhận diện những ngã rẽ nguy hiểm của tiền bạc dẫn lối, thích an nhàn hưởng
thụ, sợ liên lụy bản thân và hùa theo dư luận để chúng ta tỉnh táo mà bước đi
trên hành trình đức tin cuộc đời. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những
bệnh tật, thất bại, đau khổ, bất công... như những thử thách của lòng tin để vững
bước theo Chúa đến cùng.
Tuần Thánh,
chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu. Đó là con đường
đau khổ, nhưng cũng là con đường tình yêu và là con đường cứu độ.
Lạy Chúa, xin
cho con luôn mạnh mẽ và kiên trì tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa dẫn
con đi. Amen.