Lời Chúa cnmc 5b _ cuộc tử nạn sinh ơn cứu độ


CUỘC TỬ NẠN SINH ƠN CỨU ĐỘ
Suy niệm các đau khổ con người - Thiên Chúa này đã gánh chịu, chúng ta sẽ được yên ủi biết bao, khi đưa so sánh đau khổ ta đang chịu với những đau khổ của Ngài.  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Sắp tới tuần thánh, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta cuộc tử nạn sinh ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
Bài đọc Cựu Ước trích sách tiên tri Jeremia, nói tới một giao ước mới: trong giao ước này Chúa sẽ tha tội chúng ta, và cũng nhờ Giao Ước này Chúa không còn nhớ tới tội lỗi ta nữa. Đó chính là Giao Ước bằng máu, Chúa Giêsu sẽ đổ ra trên thập giá.
Bài Đọc II trích thư gửi tín hữu Do Thái: Bài thư nói tới việc Chúa Giêsu, tuy là con Thiên Chúa, đã học vâng phục do những đau khổ người chịu, và khi đã hoàn tất đau khổ đó, người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời.
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói tới cái chết sinh ơn cứu độ của ngài. Ngài tự ví mình như hạt lúa, khi vùi xuống đất, đã bị tiêu huỷ, để sinh nhiều bông hạt. Tóm lại, các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật mùa chay thứ V này, đều nói tới việc Chúa đã hy sinh để chúng ta được tha thứ tội lỗi được ơn cứu độ, được sống đời đời.
Hạt thóc gieo xuống đất, nếu vẫn cứ là hạt thóc (không chịu qua quá trình tự huỷ, để nảy mầm, phát triển thành cây lúa…) thì hạt thóc sẽ trơ trơ vô ích, nhưng nếu qua quá trình tự huỷ (hy sinh, chịu đựng) thì sẽ sinh nhiều bông hạt.
Mỗi lần đọc kinh tin kính, tới câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.”, ta thắc mắc: Chúa xuống thế, mặc lấy bản tính nhân loại có phải nhằm mục đích duy nhất cứu chuộc chúng ta không? Hiển nhiên câu trả lời sẽ là: Chúa xuống thế gian không phải chỉ nhằm mục đích thiêng liêng: cứu chuộc chúng ta, mà còn nhằm mục đích xoa dịu mọi đau khổ của ta ngay ở cõi đời này. Chính vị Thiên Chúa, phép tắc vô cùng khi mặc lấy bản tính nhân loại, thì cũng phải mang lấy những yếu hèn của bản tính này (trừ tội lỗi). Tin mừng đã ghi chép Ngài cũng phải đói (sau khi ăn chay 40 đêm ngày), phải khát, phải mệt nhọc (khi ngồi bên bờ giếng Gia cóp), Ngài mệt nhọc ngủ say trên thuyền tới nỗi giông tố nổi lên mà cũng không tỉnh giấc; đặc biệt trong cuộc tử nạn, Ngài tỏ ra lo lắng khiếp sợ khi nghĩ tới đau khổ và các cực hình Ngài sẽ phải chịu… Thiên Chúa phép tắc vô cùng đó bị lên án bất công, bị đòn vọt, bị xỉ nhuc, bị đội mũ gai, bị đóng đinh thê thảm và chết ô nhục trên thập giá.
Suy niệm các đau khổ con người Thiên Chúa này đã gánh chịu, chúng ta sẽ được yên ủi biết bao, khi đưa so sánh đau khổ ta đang chịu với những đau khổ của Ngài. Chính những đau khổ của Ngài đã đưa lại nghị lực cho các thánh, khiến các thánh chẳng những dễ dàng chịu đựng mà còn vui vẻ chịu đựng.
Thánh Basiliô bị cáo là rối đạo trước Đức Giáo Hoàng Đamasô.
Thánh Cyrillô cũng đã bị bốn mươi giám mục lên án Ngài là người rối đạo và truất phế chức giám mục của Ngài.
Thánh Atanasiô bị bắt vì Ngài bị nghi oan là đã hành nghề phù thuỷ.
Thánh Gioan kim khẩu bị cáo oan đã phạm thuần phong mỹ tục.
Thánh Romualđô tuy đã một trăm tuổi mà còn bị vu oan là đã phạm tội hiếp dâm, và suýt nữa bị thiêu sinh.
Thánh Phanxicô Salesiô trong ba năm liền đã bị vu cáo là có liên lạc và làm ăn với bọn bất lương. Trong suốt ba năm đó Ngài cũng chỉ biết cầu nguyện.
Thánh Beneđictô suýt nữa bị các tu sĩ, con cái mình, đánh thuốc độc.
Thánh Phanxicô khó khăn lập dòng Anh Em hèn mọn, đã bị các tu sĩ con cái của Ngài, bắt Ngài từ chức, và thầy phụ tá Élie của Ngài đã công khai tuyên bố Ngài đã làm dòng đổ vỡ.
Thầy Élie còn bỏ tù thánh Antôniô Padou
Thánh Inhaxiô Loyola bị cáo oan và bị Bộ Thánh Vụ bắt giam.
Thánh Gioan thánh giá đã bị các cha giam trong hầm kín, không cho Ngài làm lễ, bắt Ngài ăn đói khát trong nhiều tháng, lăng nhục và xỉ vả Ngài.
Thánh Alphongsô, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, tuy Ngài làm Giám mục, nhưng đã có lúc con cái ngài đuổi ngài ra khỏi dòng.
Thánh Giêrađô Magella là một trong những đệ tử đầu tiên của thánh Alphongsô, Giêradô Magella bị một phụ nữ tố cáo oan với thánh Alphongsô về một tội nặng: tội lỗi đức khiết tịnh với phụ nữ này. Tuy bị vu oan, nhung thánh nhân không tự bào chữa. Thánh Alphongsô cấm Ngài truyệt đối không được giao tiếp với người ngoài, và cấm Ngài mỗi ngày không được rước lễ. Ngài không phàn nàn kêu ca. Ngài chỉ im lặng vâng lời. Anh em trong tu viện biết Ngài bị oan, nên giục Ngài thanh minh, Ngài chỉ trả lời: “Có Chúa biết, tôi chỉ nghĩ tới Chúa.” Người ta khuyên Ngài ít ra xin phép được rước lễ để giảm bớt đau khổ, nhưng Ngài nói: “Không, chúng ta phải luôn luôn vâng theo ý Chúa.”
Năm mươi ngày sau, chính phụ nữ này đã tới thú nhận với thánh Alphongsô là mình đã vu oan cho thánh Giêrađô. Khi thánh Alphongsô hỏi tại sao lại không chịu thanh minh, thì Ngài trả lời: “Thưa Cha, luật dòng đã dậy không bao giờ được tự bào chữa, mà phải âm thầm chịu đựng mọi hy sinh.”
Thánh Phaolô trong thư thứ 2 gửi Timotêô có viết: “Bất cứ ai muốn sống thánh thiện trong Chúa Kitô đều phải qua gian nan.” (II Tim 3,12)
Trong tin mừng thánh Mathêô, Chúa đã nói:
“Khi người ta nói xấu và tìm hại các con, và khi người ta, vì Thầy, đổ gian cho các con mọi sự xấu, chúng con hãy hoan hỉ, hãy vui lên, phần thưởng các con rất lớn trên nước trời, chính các tiên tri đã bị xử đối như thế, trước chúng con.” (Mt 5,11-12)
Đề tựa của Lm. HK