LƯƠNG Y TỪ MẪU
Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để
xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người
đau khổ một niềm vui giải thoát.
Không ai trong chúng ta đã không ít là một
một lần ngã bệnh hoặc có người thân đau ốm hay được thấy những bệnh nhân điều
trị tại một bệnh viện, để thấy được bệnh tật quả là một nỗi khổ đau của con người…
Mọi người đều phải chạm trán với đau khổ dưới muôn hình vạn trạng. Các triết
gia đã suy nghĩ và bàn giải nhiều về đau khổ, nhưng không có một giải đáp nào
thỏa đáng trước sự đau khổ của người hiền đức và của trẻ thơ vô tội.
Ông Gióp, nhân vật chính trong tác phẩm
mang tên ông, là một người hiền đức nhưng gặp phải nhiều nỗi gian truân, đâm ra
hoang mang và vô vọng: “Xin Chúa nhớ cho:
đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ.”
Thật vậy, “đời người là một khổ dịch, như cảnh nô lệ, tựa kiếp làm thuê.” Tuy
thế, tuyệt đối ông không bao giờ coi đau khổ như là dấu chỉ hay hình phạt của tội
lỗi. Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải
đau khổ? Đối với ông, đau khổ thật là một huyền nhiệm khôn dò. Tốt hơn hết là
tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài giải đáp cho.
Vậy thời Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ
của con người?
Trước hết, Đức Giêsu không thuyết giảng về
đau khổ nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa
lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám. Được biết bà mẹ vợ ông Simon đang bị
sốt nằm trên giường. “Đức Giêsu lại gần,
cầm lấy tay bà và đỡ dậy…” Với triết gia, đau khổ là một vấn đề. Còn với Đức
Giêsu, cần chiến đấu và chiến thắng đau khổ: Trước người mù từ thuở mới sinh, mọi
người tìm cách giải thích để kết án kẻ khác và chạy tội, để đổ trách nhiệm cho
kẻ khác và phủi trách nhiệm cho mình. Nhưng theo Đức Giêsu, làm như thế có lợi
gì, người đau khổ vẫn đau khổ. Tốt hơn là làm một cái gì đó, làm “cái phải làm”
để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha.
Kế đến, khi cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon
đang nằm trên giường vì sốt mà cho bà “chỗi dậy”, Đức Giêsu như hướng chúng ta
đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà đau
khổ của con người có được một ý nghĩa tích cực: Đau khổ dứt khoát không phải là
một hình phạt mà là một thay đổi, một nổ tung nảy sinh một sự sống mới, tương tự
như hạt lúa phải thối đi để có mùa gặt, quả trứng phải nứt ra để có chú gà con,
và con sâu phải lột xác để thành cánh bướm bay vào cõi trời bao la.
Như vậy, Đức Giêsu đến trong trần gian
không phải để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ,
cho người đau khổ một niềm vui giải thoát. Ngài đã giải thoát họ khỏi những
chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên
Chúa cũng như với mọi người trong xã hội. Phải đợi đến sau khi Đức Giêsu Phục
Sinh, người ta mới nhận ra rằng: còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu
Tinh của cả nhân loại. Bởi vì Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi
thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động
trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào
trong vinh quang và sự sống. Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu:
bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi
người. Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện
của một tình yêu. Dù đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn đề chưa
có giải đáp trọn vẹn, nhưng đã có tình yêu, một mầu nhiệm vĩ đại hơn.
Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng
những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật,
cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng tin rằng,
quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, dùng con người cứu chữa con người, để ốm
đau không thành đau khổ, tật nguyền không phải tất nhiên đau khổ. Khi con người
được yêu thương chăm sóc thì dầu có mang bệnh tật cũng có thể cảm thấy vui
tươi, hạnh phúc, nghĩa là không đau khổ, như một em bé mù –Trường Hy Vọng –
Nguyễn Đình Chiểu, vẫn có thể đàn hát về cảnh bình minh của đời mình, vẫn sáng
tác những vần thơ trong sáng, vì em được yêu thương, được chăm sóc tận tình.
Đức Giáo Hoàng Phaolô II trong Tông thư về
“Ý Nghĩa Đau Khổ Của Con Người, theo Kitô giáo” (1984) đã nói: “Con người bước đi cách này hay cách khác,
trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người
trên con đường đó. Ngài trích dẫn dụ ngôn người Samari nhân hậu để cho thấy rằng
mỗi người chúng ta phải có mối liên đới như thế nào đối với người đồng loại
đang đau khổ. Chúng ta không được “dửng dưng” bỏ qua, nhưng phải “dừng lại” bên
kẻ đau khổ. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ
nào của người khác. Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ. Thái
độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương, thúc đẩy chúng ta ra
tay hành động và trợ giúp những người đau khổ, dù thuộc loại nào” (x. số 28).
Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã luôn
quan tâm chăm sóc và cứu chữa các bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm
nghèo và khó chữa, những kẻ tàn tật. Sự tận tụy của các tu sĩ, các đội ngũ bác
sĩ, y tá Công giáo tại các trại phong cùi, các bệnh viện luôn được xã hội ghi
nhận và đã là nguồn an ủi không nhỏ đối với những con người đau khổ. Nhiều giáo
dân tại các họ đạo, các đoàn thể, có thói quen thăm viếng, chăm sóc những người
già cả tại gia đình, tại các viện dưỡng lão… Như vậy, sự quan tâm của Chúa
Giêsu đối với những con người đau khổ vì bệnh tật được tiếp tục trong xã hội
hôm nay của chúng ta.
Nhân ngày Thế Giới Bệnh Nhân sắp đến, ngày
lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), nơi các bệnh nhân đã được Đức Mẹ chữa lành một cách lạ
lùng, nhờ lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Đức Mẹ.
Trước nỗi đau khổ của kẻ khác, nhiều khi
chúng ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì. Những
lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, chúng ta vẫn có thể làm một
cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ. Rất có thể
người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với nỗi đau của họ, hoặc lắng
nghe họ tâm sự. Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười…
Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho
họ. Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé của đời thường đó, chúng ta nói với
họ về Chúa Giêsu của chúng ta. Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng
chính cuộc đời chúng ta vậy.
Trích trong "Niềm Vui Chia Sẻ"